CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM B
Xh 20,1-17; Tv 18B; 1 Cr 1,22-25; Ga 2,13-25
Tuần qua chúng ta đã cùng nhau suy niệm về cuộc đổi mới toàn diện con người với 4 mối tương quan để có thể toả ánh vinh quang như Chúa Giêsu trên núi thánh. Hôm nay, các bài Kinh Thánh mời gọi chúng ta đổi mới mối tương quan căn bản nhất, đó là mối tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta phải tôn thờ Chúa thể nào cho đúng đắn, tốt đẹp và hiệu quả? Đó là vấn đề chúng ta suy nghĩ hôm nay.
1. Cuộc đổi mới tôn giáo do Chúa Giêsu thực hiện
Con người thời nay với khoa học phát triển, dường như càng ngày càng bớt tin vào Chúa. Họ tin vào chính mình với những khả năng và phương tiện vật chất cũng như tinh thần của mình; thậm chí có người còn vỗ ngực xưng mình là vô thần không tin vào ai, vào bất cứ thần thánh nào. Ngay cả một số người đã và đang theo các tôn giáo lớn cũng bị ảnh hưởng của khuynh hướng vô thần này và rời xa niềm tin tôn giáo để sống hoàn toàn tự do độc lập vì họ nghĩ rằng như thế mới phát triển trọn vẹn con người của mình. Họ cảm thấy như bị ràng buộc, bị nô lệ vào những hình thức đạo đức có sẵn.
Người Do Thái trong lịch sử cách đây 4.000 năm đã tin vào các thần linh, tôn thờ các ngẫu tượng giống như bất cứ dân tộc nào thời đó. Khi tổ phụ của họ là Abraham được Chúa mạc khải cho biết Chúa là ai, nhất là khi ông Môsê dẫn dân thoát khỏi Ai Cập với những phép lạ phi thường và tụ tập ở núi Sinai để nhận lãnh 10 điều răn như một giao ước với Chúa thì họ mới biết Ngài và tin vào Ngài. Chúng ta vừa nghe 10 điều răn trong bài đọc 1 (x. Xh 20,1-17). Các điều răn ấy dựa trên những luật tự nhiên mà Thiên Chúa đặt trong bản tính của con người để giúp con người tôn thờ Chúa cách đúng đắn và trọn vẹn, từ đó yêu thương người khác bằng cách thảo hiếu với cha mẹ, không giết người, không gian dâm, trộm cắp, không nói dối, tham lam…(x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 22-25).
Người Do Thái đã xây dựng đời sống tôn giáo của mình trên giao ước 10 điều răn ấy và nhờ đó họ tạo nên một con đường sống đặc biệt và an toàn nhất để được tự do khỏi bị nô lệ tội lỗi (Sđd, số 22). Họ xây dựng đời sống xã hội trên mối tương quan căn bản với Thiên Chúa, và nhờ đó họ làm tốt tất cả những mối tương quan với con người, với vạn vật và với chính mình “vì Mười Điều Răn dạy cho họ biết thế nào là làm người thật sự, chỉ cho thấy những nghĩa vụ thiết yếu và những quyền lợi căn bản nằm trong bản tính con người” (x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2070).
Tuy nhiên, khi đời sống tôn giáo phát triển trong cộng đồng, người Do Thái đã dần dần mất đi ý thức và tình yêu thuở ban đầu để câu nệ vào những hình thức tôn giáo: càng ngày người ta càng đặt ra nhiều luật lệ khác dựa trên 10 điều răn và ấn định rằng để tôn thờ Chúa cho đúng đắn, người ta cần phải đọc những kinh gì, sách gì, vào giờ khắc nào, phải dâng những lễ vật như bò, chiên, bồ câu cho lễ nào, phải đóng góp tiền của để sửa sang đền thờ và nuôi các tư tế như thế nào.... Người ta cứ nghĩ rằng càng dâng nhiều lễ vật thì càng nhận được nhiều ân phúc, càng được Chúa đoái thương xá tội. Đến độ người ta nghĩ rằng chẳng cần phải thảo hiếu với cha mẹ vì đã dâng lễ vật cầu cho cha mẹ rồi; chẳng cần phải giữ công bình với ai vì chỉ cần đóng góp tiền của vào đền thờ là đủ.
Chúa Giêsu, qua bài Phúc Âm hôm nay (x. Ga 2,13-25), đã muốn phá đổ thứ tôn giáo vụ lợi hình thức ấy nên Người đã lấy dây làm roi và xua đuổi tất cả những người buôn bán ra khỏi đền thờ Giêrusalem. Người mời gọi người Do Thái cũng như tất cả chúng ta xây dựng một tôn giáo mới đặt căn bản trên chính thân thể Người. Thân thể đây là con người Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, vì Người chính là thượng tế, là lễ vật, là đền thờ để mọi người tôn thờ Chúa Cha. Thân thể mầu nhiệm này là Giáo Hội để tất cả mọi thành phần cùng liên kết tôn thờ Thiên Chúa. Thân thể này còn là tất cả những con người nghèo khổ, đói khát, bị áp bức cần được phục vụ (x. Mt 25,34-36). Cuối cùng, thân thể này là tất cả vũ trụ bao la được gắn kết với đầu là chính Chúa Giêsu để làm nên đền thờ Thiên Chúa và nhận được ơn cứu độ. Nếu so sánh lịch sử tôn giáo giữa hai dân tộc Do Thái và Việt Nam, chúng ta thấy có nhiều nét giống nhau.
2. Tôn giáo trong đời sống của người Việt Nam
Cách đây 5-10 ngàn năm, dân tộc chúng ta gồm hàng trăm bộ tộc Bách Việt từ phía Nam sông Dương Tử ở Trung Quốc di về phía đồng bằng Sông Hồng kết hợp với những bộ tộc Nam Đảo, hình thành nên đất nước Việt Nam thì dân tộc ta cũng tôn thờ những sức mạnh thiên nhiên “vì đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”.
Dân tộc chúng ta tin vào Ông Trời, nhiều bộ tộc gọi là Giàng. Trời là một sức mạnh linh thiêng, huyền bí, cai quản tất cả, hiểu thấu lòng con người nên người ta nghĩ rằng “Trời cao có mắt”, “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, “Thiên bất dung gian”. Ông Trời ấy ban cho con người tất cả như trẻ em thường hát trong bản đồng dao: “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp...”. Chính niềm tin vào Ông Trời ấy giúp cho người Việt sống liêm chính, tốt đẹp với nhau, dựa trên những luật tự nhiên thuộc bản tính con người để thảo hiếu với cha mẹ, không giết người, không dâm đãng, không trộm cắp, không nói dối, không ham muốn bất chính, không tham lam của người như Mười Điều Răn diễn tả.
Vào thế kỷ 17, 18 khi đạo Công giáo bắt đầu phát triển tại VN, người dân Việt mới hiểu được Ông Trời ấy là ai, khác hẳn các sức mạnh thiên nhiên. Ông Trời ấy được gọi là Thiên Chúa, vị Chúa cai quản muôn loài trên trời cũng như dưới đất, là một ngôi vị có tinh thần, tình yêu, tư tưởng vì con người đang có tất cả những thứ đó. Thiên Chúa ấy đã sai Con của mình là Đức Giêsu đến để chia sẻ thân phận con người, để dạy cho con người ý thức về dân chủ thay cho quân chủ; ý thức về tình yêu thương đến nỗi dám chết cho con người; ý thức về nam nữ bình đẳng vì tất cả đều là con cái Thiên Chúa; ý thức về khoa học kỹ thuật cần phải phát triển và người Công giáo đã giới thiệu tôn giáo mới ấy cho dân tộc. Dân tộc Việt Nam đã vui mừng đón nhận thứ tôn giáo mới ấy với 12% dân số theo đạo Công giáo và càng ngày càng phát triển, dù rằng đi theo đạo thời đó là có nguy cơ bị bách hại, bị tù đày, bị giết chết.
Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ thứ 19, khi người Công giáo được tự do giữ đạo, bắt đầu xây dựng những thánh đường nguy nga, tổ chức những nghi lễ phụng vụ long trọng như người Do Thái thời xưa, thì hình như người Công giáo chúng ta bắt đầu đi vào một tôn giáo vụ hình thức. Chúng ta nghĩ rằng càng xin lễ nhiều thì càng được Chúa ban ơn; càng dự thánh lễ, đọc kinh nhiều thì càng được Chúa nhận lời; càng làm việc từ thiện, đóng góp nhiều cho nhà thờ thì chúng ta có thể chẳng cần giữ Mười Điều Răn.Tôn giáo dần dần mất đi ý thức mới mẻ, tình yêu ban đầu và không còn diễn tả thành những hành động thật sự yêu thương và cụ thể trong đời sống thường ngày, vì thế không còn thu hút được người khác giống như cha ông chúng ta thời trước nữa.
Chúa Giêsu hôm nay cũng muốn xua đuổi tất cả những kẻ buôn thần bán thánh ra khỏi những đền thờ vật chất để kêu gọi chúng ta xây dựng lại một tôn giáo tôn thờ Thiên Chúa Cha trong đền thờ là chính thân thể Người “bởi vì những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4,23). Chúng ta có dám vượt qua những kiểu tôn giáo vụ hình thức không!?
Hơn nữa, thánh Phaolô hôm nay (x. 1Cr 1,22-25) như mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống đạo đức để giới thiệu cho đồng bào một Đức Giêsu chịu đóng đinh. Chúng ta đến nhà thờ dự lễ, cầu nguyện không phải để xin ân phúc, dù rằng Chúa biết điều chúng ta cần trước khi chúng ta xin và Ngài sẽ ban những ơn cần thiết cho chúng ta. Nhưng, chúng ta đến tôn thờ Chúa tại nhà thờ này chỉ vì tình yêu đối với Chúa và với anh chị em, để sẵn sàng hy sinh giống như Chúa Giêsu: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2,17).
Tinh thần tôn giáo mới này thôi thúc chúng ta giới thiệu cho đồng bào một nếp sống mới. Trong hoàn cảnhhiện nay, nếu người Công giáo Việt Nam sống đúng tinh thần của Chúa Giêsu trong mối tương quan với Thiên Chúa Cha, chúng ta sẽ làm cho Giáo Hội cũng như dân tộc tồn tại và phát triển. Báo chí tuần này nói nhiều đến thịt heo siêu nạc chứa đầy hoá chất ở các vùng Trảng Bom, Hố Nai, Long Thành, Biên Hoà mà dân số Công giáo ở đó chiếm tới 34%. Rất nhiều những nông sản còn đầy thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng ở vùng Phương Lâm, Dốc Mơ, Gia Kiệm đang cung cấp cho nhiều nơi trong vùng và TP.HCM.
Các nhà khoa học cho rằng những thực phẩm có chứa hoá chất đó là nguồn gây nên bệnh ung thư. Vì thế, đến thăm Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chúng ta không lạ gì khi thấy 2,3 bệnh nhân nằm chung một giường, nằm đầy cả ngoài hành lang. Nếu dân tộc Việt Nam cứ mua bán với nhau những loại thực phẩm đầy chất độc hại như thế, thử hỏi sau một hai thế hệ nữa, dân tộc chúng ta còn đủ khoẻ mạnh để tồn tại và phát triển không?
Nếu người Công giáo Việt Nam noi gương anh em Công giáo Hàn Quốc hiện nay: chỉ bán thịt tốt, rau sạchvà sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi để bảo vệ sức khoẻ con người vì tin rằng Thiên Chúa nhìn thấu tất cả và sẽ bù đắp cho chúng ta, chúng ta mới là những người tôn thờ Chúa trong Thần Khí và sự thật. Nhờ thế, việc rao giảng Tin Mừng sẽ thật sự đạt kết quả như anh em Hàn Quốc: chỉ trong vòng 60 năm (từ 1949-2009) dân số Công giáo tăng từ 1% lên 10,6% dân số và đã đưa dân tộc Hàn Quốc trở thành một đất nước hùng mạnh. Giống như cha ông chúng ta ngày xưa tuy không được buôn bán, học hành mà vẫn sống và phát triển một cách mạnh khoẻ.
Kết luận
Hôm nay, chúng ta được mời gọi tôn thờ Chúa trong tình yêu và sự thật không phải để tìm kiếm sự khôn ngoan hay những ơn phúc lạ lùng nhưng chỉ vì Đức Giêsu Kitô biết rõ lòng ta (x. Ga 2,25), Người mới chính là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 1,24).
Hành Khất Kitô