Chuyện lạ ngỡ chỉ có
trong truyền thuyết, thế nhưng lại là chuyện thật 100%.
Mỗi lần Mùa
Chay về, TP San Fernando ở Pampanga lại náo nức chuẩn bị “Nghi thức Mùa Chay
Cutud” nổi tiếng ở TP San Pedro (nghĩa là Thánh Pedro), thuộc tỉnh Languna, Philippine.
Nghi thức này còn gọi là Maleldo. Người ta không quan tâm cái nắng nóng gay gắt
mà chỉ muốn tận mắt chứng kiến sự kiện độc đáo này diễn ra trong Tuần Thánh.
Lịch sử
Ricardo
Navarro, nhà biên kịch không chuyên ở địa phương, đã viết kịch bản Via Crucis
(Đường Thập Giá), tái diễn cuộc Khổ nạn của Đức Kitô. Vở kịch thương khó được
các cư dân địa phương diễn và đỉnh điểm là Thứ Sáu Tuần Thánh. Vở kịch không
được diễn bình thường mà các diễn viên
bị đóng đinh thật (cả chân tay) vào thập giá gỗ trên đồi Can-vê (đồi nhân
tạo). Sự kiện bắt đầu từ 10 giờ đến 11 sáng sau khi đoàn người đi bộ 4 km tới “Đồi
Gôn-gô-tha”. Nhiều người sám hối bằng cách tự đánh mình bằng roi da vào tấm
lưng trần của mình trong khi đi theo “Chúa Giêsu” – một thanh niên Philippine
vác Thập giá gỗ nặng suốt chặng đường đó, tái diễn đầy đủ cuộc Khổ nạn của Chúa
Giêsu.
Lòng sùng
kính này được thánh Phanxicô Assisi
khởi xướng từ thời Trung cổ và được lan rộng khắp Giáo hội Công giáo La Mã. Hơn
50 năm trước, vở Via Crucis được các nghệ sĩ tình nguyện ở địa phương diễn lần
đầu tiên, từ đó người ta gọi là San Pedro Cutud. Năm 1962, Artemio Anoza là
người đầu tiên tình nguyện chịu đóng đinh vào Thập giá, đã “gợi hứng” cho nhiều
người đạo đức noi theo. Lòng sùng kính này được diễn ra hằng năm, rất nhiều
người tự đánh mình để tỏ lòng sám hối tội lỗi. Năm 1965, vở Via Crucis được tổ
chức tại Betis, Guagua, Pampanga, gây sự chú ý tới cả nước Philippine, và từ đó
đã thu hút các du khách quốc tế.
Sự kiện
Hằng năm,
người Kapampanga duy trì Nghi thức San Pedro Cutud Lenten để kính nhớ cuộc Khổ
Nạn của Chúa Giêsu vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Năm 1985, Ruben Enaje, 54 tuổi,
là thợ mộc và đóng vai Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập giá cùng với 25 người
khác, trong đó có 2 phụ nữ. Họ được đem tới khu đồng ruộng ở San Pedro Cutud, nơi
người ta đã tạo đồi Can-vê. Họ đi bộ 3 km để đến đồi Can-vê và chịu đóng đinh
vào Thập giá với những chiếc đinh dài 5 cm (đã được nhúng cồn để tẩy trùng). Hàng
ngàn người địa phương và ngoại quốc đến để xem. Enaje thề sẽ làm nghi thức này
sau khi thoát chết vì rơi từ lầu 3 năm trước. Từ đó, anh tình nguyện đóng đinh
thật hằng năm.
Có 2 phụ
nữ đã chịu đóng đinh là Amparo Santos
người Bulacan và một nữ tu người Bỉ. Nữ tu này chịu đóng đinh 1 lần hồi cuối
thập niên 1990, còn Amparo Santos đã chịu đóng đinh năm 2004. Nghi thức San
Pedro Cutud nổi tiếng về “nghi thức đóng đinh” này, các thành phố khác như Sta.
Lucia và San Jose ở San Fernando, và Lourdes Sur ở Angeles City cũng tổ chức sự
kiện này.
San Pedro
Cutud xa TP Manila khoảng 70 km về hướng Bắc,
và cách trung tâm TP San Fernando chỉ 3 km. Chính quyền TP San Fernando, với sự
hỗ trợ của ngành du lịch có những dạng du lịch “trọn gói” để bảo đảm cho du
khách khắp nơi đến tham dự nghi thức “độc nhất vô nhị” vào Mùa Chay này.
Ai có
điều kiện thì đây là dịp du lịch thú vị và đạo đức. Những người chịu đóng đinh
thật như thế thật đáng khâm phục, chí ít cũng là sức chịu đựng! Chịu đóng đinh
như vậy hẳn là họ mới cảm nghiệm cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu đến mức nào để có
thể sống tốt hơn vậy!