GÁNH CHÚA TRAO CÓ NẶNG QUÁ KHÔNG?
Thỉnh thoảng có người Công
giáo quen biết tìm tôi và hỏi thủ tục… ly hôn, vì họ biết tôi có cộng tác với
văn phòng luật và cũng biết đôi chút về giáo luật. Tôi đã tự nhủ là sẽ không
giúp ai ly hôn bao giờ vì điều ấy trái luật Chúa. Điều họ hỏi thì mình phải trả
lời, nhưng luôn cố thuyết phục họ đừng ly hôn. Thậm chí có người cũng hiểu
biết, còn hỏi: “Trường hợp chúng tôi có được hưởng đặc ân thánh Phaolô không?”.
Nghe mà đau lòng. Người ta dùng đặc ân của Hội Thánh để chối từ lề luật Chúa và
Hội Thánh.
Mới đây có một cô sinh
viên cũ của tôi gọi điện thoại vừa khóc vừa bảo rằng hãy giúp cô ly hôn ngay
đi. Thật đáng buồn vì chỉ mới cách đây hơn nửa năm, chính cô đã báo tin cho tôi
là cô vừa có thai và xin tôi đỡ đầu cho cháu bé chuẩn bị chào đời, không cần
biết cháu là con trai hay con gái.
Tôi khuyên cô bỏ ý định ly
hôn nhưng không được, cô chỉ một mực nói: “Em phải ly hôn, không có cách gì
khác nữa đâu”, dù rằng cô sắp sinh em bé. Cô là người lương, theo đạo, lấy
chồng và hai vợ chồng sống với gia đình cha mẹ ruột của cô. Nhưng cách sống của
người chồng đạo dòng ấy thế nào mà đã làm cho cô đòi ly hôn ngay khi sắp sinh
con đầu lòng. Đau buồn thật. Nhưng liệu giải pháp ly dị có thể làm cho cô khá
hơn về mặt nào không? Và cháu bé sẽ ra sao?
Sáng nay cô nhắn tin cho
tôi: “Em nộp đơn ly hôn rồi. Nhưng em có cần trình cho cha xứ không? Bạn em đứa
nói có đứa nói không.” Tôi buồn buồn nghĩ rằng chẳng lẽ bây giờ lại đến cha xin
ban phép ly dị? Lời thề bên bàn thờ Chúa và trước cộng đoàn mới một hai năm
trước chẳng lẽ em chẳng còn nhớ chút nào sao?
Nhiều người trách Hội
Thánh sao vẫn cứ khăng khăng với luật cấm ly dị, mặc dù thời đại đã thay đổi,
con người tự do hơn và người phụ nữ đã được “giải phóng”. Tôi vốn không hiểu
nổi từ “giải phóng phụ nữ”, bởi vì từ ngày có phong trào này, dường như xã hội
lộn xộn hơn, ly hôn nhiều hơn, phá thai tàn bạo hơn v.v… Hoá ra phong trào này
cũng chỉ đụng chạm đến cái tuỳ phụ mà phải hy sinh những điều lớn lao và căn
bản khác.
Không người Công giáo nào
không nhớ đến Lời Chúa Giêsu: “Điều gì Thiên Chúa đã liên kết thì con người
không được phân ly” (Mc. 10,9). Mới nghe tưởng Lời Chúa là sự ràng buộc nặng
nề, hoá ra đây mới chính là lời giải phóng phụ nữ một cách toàn diện nhất. Chúa
Giêsu đã bảo “Ách Ta thì êm ái, gánh Ta thì nhẹ nhàng”.
Gánh của hôn nhân khi được
Thiên Chúa trao với tình yêu và khi con người đón nhận vì tình yêu thì cuộc đời
bỗng đẹp và đáng yêu biết bao! Vậy người phụ nữ được giải phóng thật là khi họ
được luật Chúa bảo vệ, được yêu thương chăm sóc, chứ không phải khi họ “được”
đem đơn đến toà xin ly hôn trong nước mắt!
Cách đây ít lâu một tạp
chí ở Sàigòn đăng truyện ngắn thật cảm động “Hạnh Phúc Ở Đâu?” của Tiểu Nhật.
Chuyện kể về ba cô nữ sinh trung học trốn học ra ngồi tâm sự ngoài công viên.
Một cô nói: “Ôi, sáng nào mẹ mình cũng bắt uống ly sữa đầy, ngán quá. Ước chi
mình được tự do!”. Cô thứ hai than: “Trời có lạnh đâu mà mẹ bắt mặc thêm áo gió
bên ngoài thế này, chẳng đẹp gì cả. Phải chi mình sống một mình cho khoẻ”. Cô
thứ ba bảo: “Còn mình thì chán cái lớp học quá, giờ này lang thang ngoài phố
phải khoẻ hơn không?”. Lúc đó, một con bé rách rưới nép mình ngoài hàng rào
nghe được, nó vừa bước đi vừa lẩm bẩm: “Vậy là mình hạnh phúc vì mình không có
ai ép uống sữa, không có ai ép mặc áo gió, mình mặc áo rách cũng được, và mình
có thể lang thang mà không ai ép đến lớp”. Nghĩ thế, con bé thấy mình khóc tự
lúc nào!
Hạnh phúc là ở đâu? Có
phải ở chỗ được lang thang vô định, không ai quan tâm đến, hay hạnh phúc
lại nằm ở nơi khác, ấy là được chăm sóc bảo bọc và được tuân giữ những lề luật
được đặt ra bởi lòng nhân hậu yêu thương. Thánh Vịnh diễn tả hạnh phúc của con
người là vâng giữ lề luật cách vẹn toàn. Tự mình tách ra khỏi thánh luật cũng
đồng nghĩa với tách mình ra khỏi hạnh phúc.
Lề luật Thiên Chúa cấm con
người ly hôn là bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, và mọi tình yêu chân chính đều
bắt nguồn từ Thiên Chúa. Khi tình yêu con người được Thiên Chúa tác thành, thì
họ trở nên một, không những nên một cho nhau mà còn cùng kết hợp thân tình với
chính Thiên Chúa. Tách rời tình yêu mà Chúa đã kết hợp nghĩa là phản bội lại
chính Đấng Yêu Thương.
Những điều tra xã hội học
trong nhiều năm qua cho thấy nguyên nhân ly hôn thì rất nhiều, từ chuyện cá
tính xung khắc, chuyện riêng tư, các mối quan hệ gia đình cho đến chuyện ngoại
tình, phản bội v.v… Nhưng tựu trung, chúng ta có thể đưa ra một nguyên nhân
chung, ấy là con người chưa coi trọng tình yêu và do đó cũng coi thường hôn
nhân. Và lý do sâu xa đằng sau đó chính là vì con người chối từ sự can thiệp
đầy yêu thương và lề luật nhân hậu của Thiên Chúa là Đấng tác thành mọi sự.
Tháng Sáu, tháng Thánh Tâm
vừa qua đi, nhưng hôm nay tôi nhìn lên lịch: ngày thứ Sáu, ngày kính Thánh Tâm
yêu thương.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu,
xin đốt lên trong con lửa yêu mến Thánh Tâm Chúa, để con nhận thấy ách Chúa
trao là êm ái và gánh Chúa gửi thì nhẹ nhàng, như Lời Chúa đã nói với chúng
con. Và con cũng sẽ hiểu rõ hơn câu châm ngôn Latin “Qui regulae vivit, Deo
vivit”, ai sống theo lề luật là sống cho Chúa.
Gioan Lê Quang Vinh