ngày tháng năm

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Sự tự do của con cái Chúa


Chúng ta có thể minh họa cách thức Thiên Chúa cứu độ con người bằng câu chuyện sau:

Một cuộc cắm trại trong rừng, một số người bị rơi xuống một vực khá sâu, một số người khác đứng trên miệng hố, bàn bạc với nhau cách cứu người bên dưới:


Cách thứ nhất:

Những người ở trên vực nên nhìn thấy rõ đường đi nước bước, có thể hướng dẫn cho những người ở dưới vực con đường để leo lên.
Cách thức này coi tôn giáo như một thuyết luân lý, một thứ đạo dạy ăn ngay ở lành và ai có khả năng thì theo.
Cách thức này rất tốt với những người có được một số điều kiện thích hợp nào đó: Có ý chí – Có hòan cảnh xung quanh thích hợp – Có kiến thức…..
Nhưng không phải là phương cách mọi người có thể theo được, nhất là những người ‘tầm thường’, những người sống trong cảnh ‘bần cùng sinh đạo tặc’…

Cách thứ hai:

Những người ở dưới hô lên những gì mình cần: cuốc, xẻn, dây…để những người ở trên thả xuống.
Đây là thứ đạo xin xỏ. Cách thức này hay hơn cách 1 ở chỗ, mọi người đều có thể cầu xin, khấn vái.
Tuy nhiên, cách thức này rất thực dụng, cầu xin những điều trước mắt mà không hề thấy lòng đạo liên hệ gì với đời sống luân lý thường ngày. Đây là tôn giáo bình dân.

Cách thứ ba:

Những người ở dưới vực có vẻ nản chí hoặc tự hão huyền bằng lòng với cuộc sống dưới vực, nên những người ở trên khuyến dụ bằng cách đe dọa hay hứa hẹn: mưa sắp đến, hết thức ăn…hoặc lên khỏi vực sẽ dẫn đi nhậu…, nhằm kích thích những người ở dưới vực theo hình thức thưởng phạt.
Cách thức này làm cho con người trở nên trẻ con, ấu trĩ, bị dẫn dụ bằng những phần thưởng hoặc hình phạt. Đây là tôn giáo thưởng phạt.

Cách thứ tư:

Những người ở trên thòng dây xuống, những người dưới hố bám vào dây để những người ở trên kéo họ lên.
Cách thức này tương ứng với đạo Cựu ước, biểu lộ sự can thiệp của Thiên Chúa vào cuộc sống con người, nhưng là một sự can thiệp ‘từ xa’.
Cách thức này, phần nào cũng bỏ rơi những người không có đủ khả năng sống đạo như ta thấy trong đạo Do Thái thời Chúa Giêsu, chưa diễn tả được nét chính của màu nhiệm cứu độ Kitô giáo.

Cách thứ năm:

Một người ở ‘trên’ nhảy xuống, nắm tay và cùng với những người bị nạn để leo lên.
Đây là cách cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, qua mầu nhiệm nhập thể và cứu độ của Đức Giêsu Kitô.
Con người được mời gọi sống với ‘Đức Giêsu nơi vực thẳm’ như một người Bạn.

Hình ảnh trên đây chắc chắn không thể diễn tả trọn vẹn nhiệm cục Cứu Độ của Thiên Chúa, nhưng có lẽ giúp chúng ta nhận ra một số sai lạc vẫn có và vẫn chi phối không nhỏ trên đời sống Đức Tin của người Kitô hữu.

‘Đạo ăn ngay ở lành’, đạo xin xỏ’ hay ‘đạo sợ hãi’, đều không thể hiện được nét căn bản của tinh thần Do Thái Kitô giáo. Hơn nữa, nẻo đường ‘thả dây’ cũng chưa diễn đạt được nét ‘đạo bằng hữu’ mà Chúa Giêsu đã thể hiện trong màu nhiệm Nhập Thể.

Một đường lối cứu độ chân chính phải đáp ứng được, ít là hai tiêu chuẩn cơ bản:

  •      Mọi người có thể đón nhận được
  •     Tôn trọng nhân phẩm của những người cần được cứu độ
Kitô giáo là đạo của một Thiên Chúa là Cha, đạo của một Đức Giêsu là Bạn và là đạo của Thần Khí Nghĩa Tử được ban cho con người.

Nét độc đáo của phương cách cứu độ nơi Đức Giêsu, Ngài nhập thể làm người trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, yêu thương cho đến cùng, và chính Ngài mở đường như người đồng hành cho chúng ta đi vào gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trích từ ‘Gặp Gỡ Chính Chúa’ của Lm. Nguyễn Trọng Viễn O.P.




Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks