ngày tháng năm

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Vài cảm nhận về khóa học Hôn Nhân và Gia Đình theo Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo


Quí độc giả rất thương mến! Thế là ba buổi hội thảo về gia đình đã diễn ra trong thân tình và gặt hái được  nhiều thành quả tốt đẹp. Trong  buổi thứ nhất,  Ông Tạ Đình Vui đã chia sẻ về vai trò của gia đình trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa và trong xã hội trần thế. Gia đình – tế bào đem sự sống cho xã hội. Trong buổi thứ hai, Cha JB Lê Đình Phương đã chia sẻ về các quyền của gia đình thông qua “ Hiến chương về các quyền của gia đình”, được Tòa Thánh ban hành năm 1983. Và ở buổi thứ ba, ông Gioan Kim Trương Đình Giai với đề tài Giáo dục Ki-tô Giáo trong gia đình, đã mở ra những góc nhìn mới trong giáo dục gia đình, từ thái độ, cách nhìn của người lớn đối với con trẻ, đến những kỹ năng giáo dục con cái trong yêu thương. Và quan trọng trên hết là cách hiểu giáo dục đúng nghĩa GIÁO DỤC KI-TÔ GIÁO.


Trong các buổi hội thảo trước, và đặc biệt là trong buổi hội thảo về “ bệnh vô cảm”, những “ báo động đỏ ” về thực trạng xã hội đã thực sự làm nhức nhối lòng người: sự suy đồi đạo đức, băng hoại luân lý với áp bức, bất công, cướp giật, giết người, tham ô, tệ nạn…, cộng thêm vào đó là một nền giáo dục “ phản giáo dục” được biểu hiện cụ thể qua chính sách “thương mại hóa giáo dục”  và “ chủ nghĩa hình thức” trong giáo dục. Hệ lụy kéo theo là tình trạng trẻ em phạm pháp, nghiện ngập, ăn chơi sa đọa với thái độ dửng dưng ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, một nguyên nhân ít được chú ý tới nhưng lại là tác nhân chính đẩy các em đi vào ngõ cụt, đó là sự dửng dưng, thiếu quan tâm, thiếu gương mẫu của những tác nhân giáo dục. Đối với một trẻ em Công Giáo, có bốn tác nhân giáo dục cơ bản: Gia đình, Giáo xứ, nhà trường và xã hội. Nhưng, chính những ảnh hưởng tiêu cực và phản chứng từ những tác nhân giáo dục này lại có tác động rất lớn đến các em. Đặt biệt, sự tương phản hay đối chọi giữa các tác nhân giáo dục trong xã hội ngày nay làm các em mất phương hướng. Điển hình như việc các người lớn dạy các em làm một đường, nhưng chính những người đó hoặc những người lớn khác lại dạy hoặc làm một nẻo. Cha mẹ bảo con cái hãy xử sự thế này, ăn mặc thế kia, nhưng ngoài xã hội thì phải làm ngược lại như thế mới là mốt và thời thượng! Hay giáo xứ dạy các em phải thờ kính Thiên Chúa, hãy biết sống mưu ích cho đời sau, thì nhà trường lại phủ nhận Thiên Chúa, áp đặt tư tưởng vô thần, chết là hết! Chính những tương phản này đưa các em đến sự khủng hoảng về niềm tin, không biết làm thế nào cho đúng.

Con cái của chúng ta chưa đủ khả năng biện phân, bị mất phương hướng, lung lạc niềm tin. Không biết tin vào đâu, vào ai. Không còn tin người lớn, cha mẹ, thầy cô, cũng không tin vào mục tử, và từ đó không tin cả Chúa. Mất đức tin dẫn đến tương đối hóa mọi sự, bị cuốn theo chiều gió, lạc lõng giữa dòng đời, sống theo bản năng tự nhiên, buông thả, trôi nổi...từ đó đi vào con đường phạm pháp, nghiện ngập, sa đọa chỉ là mệnh đề kéo theo...” (trích lời ông Giai)

Nguy cơ ấy lại còn cao hơn nơi những trẻ có bố mẹ chỉ lo quần quật kiếm tiền. Họ nghĩ rằng thương con, lo cho con là phải tạo điều kiện vật chất cho thật dồi dào, tiền bạc lúc nào cũng rủng rỉnh cho “ hơn bạn hơn bè” mà không cần biết con nghĩ gì, cần gì. Những em trong hoàn cảnh này thường cảm thấy cô đơn, dễ tự tử, dễ bị lôi kéo.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Cái đáng ngại của xã hội là không ai muốn nhìn nhận trách nhiệm ấy thuộc về mình.  Mà hình như ai cũng bị cái cám dỗ thích buông lời than oán, trách móc xã hội xuống cấp, phàn nàn thầy cô vô trách nhiệm, và nhất là kêu ca con cái hư đốn, mà ít ai chịu lắng nghe các em, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa để dấn thân vào cuộc giải thoát các em. Trách nhiệm thuộc về toàn xã hội, nhưng không phải là trách - nhiệm - chung mà là trách - nhiệm - của - mỗi - người, nhất là những bậc làm cha, làm mẹ.

Phải chăng chúng ta đang sống trong một xã hội quá tồi tệ và quá bất lực? Thưa không !

Trong quá trình phát triển của nhân loại, mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi hình thái xã hội đều chứa đựng những tiêu cực và khó khăn nhất định. Và chắc chắn, cũng chứa đựng những tích cực và thuận lợi nhất định. Điều tất yếu này đòi hỏi con người cần có một thái độ sống tích cực, một sự sáng suốt khách quan trong việc nhận định những nguyên nhân sâu xa của các thực trạng xã hội. Từ đó có cách cải thiện hợp lý. Bởi không ai có thể thoát ly xã hội, hay có thể chối bỏ xã hội mình đang sống dù rằng có thể có những chính kiến khác nhau. Tất cả đều phải “sống với lũ, bơi trong lũ và phải vượt trên lũ”. phải hành động! Ngay lúc này – không phải chờ lúc nào khác!
Đứng ở góc độ đức tin, người Ki-tô hữu thấy mình may mắn vì có cứu cánh Thiên Chúa. “ Hãy để trẻ em đến với Thầy” ( Mc 10, 13) - Chúa đã kêu gọi ta.

Chúa là đường, là sự thật và là sự sống”. Nền Giáo dục Ki-tô Giáo là một nền giáo dục thật sự.

Vậy, Giáo dục Ki-tô giáo là gì?

Theo bài chia s của ông Trương Đình Giai, thì:
Giáo dục Ki-tô Giáo vừa là giáo dục đức tin, vừa là giáo dục theo tinh thần Ki-tô Giáo. Nghĩa là tuy vẫn tham chiếu mọi nền giáo dục của nhân loại, nhưng tiên vàn dựa trên mạc khải Ki-tô giáo về con người và vũ trụ, theo Thánh Kinh, Thánh Truyền. Giáo dục Ki-tô Giáo nghĩa là: lấy Đức Ki-tô và giáo huấn Tin Mừng của Người làm chuẩn mực, làm qui chiếu. Lấy Đức Ki-tô làm thầy đích thực, là động lực và là cứu cánh.

Giáo dục chính là cứu độ, cứu những gì đã hư mất. Giáo dục không phải là áp đặt mà là khơi dậy, là giúp con cái phát sinh hạt giống Chúa gieo trồng; không chỉ là khám phá vũ trụ mà còn là khám phá chính mình, khám phá ý nghĩa cuộc đời.

Giáo dục không chỉ là tạo khả năng hành nghề sinh sống, mà còn để đạt đến sự sống viên mãn.


Giáo dục là mở cửa thiên đàng cho con cái, không phải là giúp con cái đạt được thành tích mà là ơn cứu độ.

Giáo dục là vun trồng và tập luyện.

Theo ý hướng đó, cha mẹ cần truyền thông cho con cái sứ điệp mạc khải của Tin Mừng và đức tin Ki-tô Giáo, làm cho con cái thấm nhuần Tin Mừng của Đức Ki-tô, sống đúng phẩm giá của con người; cha mẹ đóng vai trò trung gian qua lời nói, hành động và nêu gương để dẫn đưa con cái mình đến với đấng Ki-tô – người thầy đích thực – Đấng là đường, là sự thật và là sự sống; Cha mẹ cũng phải không ngừng tự giáo dục và rèn luyện bản thân, vì “ không ai có thể cho kẻ khác điều mình không có”. Phải lấy Đức Ki-tô làm mẫu mực, và phải là bạn đồng hành cùng con cái. Có một số nguyên tắc cha mẹ cần lưu ý: “ nghe nhiều hơn nói, nói ít hơn làm, bớt lời thêm gương”. Thay vì chê trách, bắt phạt khi trẻ phạm sai lầm, hãy tỏ ra thán phục, khen ngợi, khuyến khích, khen thưởng khi trẻ làm việc tốt. Và đừng nên cớ vấp phạm cho con cái. Đôi khi, cũng cần học hỏi nơi con trẻ ở tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường,  trông cậy, vì ai muốn được vào nước trời phải trở nên như trẻ nhỏ.

Cần khuyên răn sửa dạy con cái cách khôn ngoan và tiếp đón, nâng niu con cái. Tạo cảm thức về tội lỗi chưa đủ, phải cho con cái cảm nếm niềm vui của một đời sống thánh thiện và ân sủng.

Còn rất nhiều những tư tưởng đẹp, những phương thức dạy dỗ con cái rất đáng được học hỏi và trân trọng. Song, với khuôn khổ bài viết, MBC chỉ có thể lược dẫn những điểm cốt yếu.

Đặt ngược vấn đề, nếu gọi Giáo dục Ki-tô Giáo là một nền giáo dục thật sự, qui hướng về Đức Ki-tô và đặt nền tảng trên đức tin, vậy các gia đình không Công Giáo sẽ qui hướng về đâu và đặt nền trên những giá trị nào? Và liệu những gia đình không Công Giáo có thể đạt được một nền giáo dục thật sự?

Thưa, Thiên Chúa là tình yêu, là sự thật và là sự sống. Hướng tới Thiên Chúa là hướng tới tình yêu, chân lý, hướng đến văn hóa sự sống. Cho nên, nền giáo dục nào hướng tới tình yêu, chân lý, và hướng tới văn hóa sự sống chính là hướng đến Thiên Chúa, và đó cũng sẽ là một nền giáo dục thật sự.

Người Công Giáo có cần quan tâm đến việc xây dựng một nền giáo dục toàn diện cho xã hội? Và phải xây dựng như thế nào?

Thiết nghĩ, xây dựng xã hội là trách nhiệm của mỗi người. Mỗi người với lòng nhiệt thành, trong năng lực của mình đều có thể góp phần xây dựng xã hội, xây dựng nền giáo dục lành mạnh, chí ít là bằng đời sống gương mẫu, sống có Chúa.

Để kết lại bài viết, Mẩu Bút Chì xin được mượn lời cầu nguyện của Vị Thỉnh Giảng đầy tâm huyết trong sứ vụ mục vụ gia đình:

“ Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu con cái với quả tim của Chúa và tạo mọi điều kiện thuận lợi, đặc biệt bằng gương sáng, để con cái chúng con có thể khám phá ra Chúa là tình yêu, và đến với Chúa là người thầy đích thực, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống.”

Mu Bút Chì

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks