ngày tháng năm

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

TÓM TẮT CHƯƠNG HAI "SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI"


TÓM TẮT CHƯƠNG HAI 
"SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI"

I. Phúc âm hóa và học thuyết xã hội

Giáo hội, nơi Thiên Chúa ở với con người (60-61)

Sách Tóm lược bảo ta rằng Giáo hội chia sẻ vui mừng và hy vọng, lo âu và ưu sầu của nhân loại, kề vai sát cánh với mọi người nam nữ thuộc mọi nơi (x. Gaudium  et  Spes,  Công đồng Vatican II). Giáo hội sống trong nhân loại như “bí tích tình yêu của Thiên Chúa” và “niềm hy vọng huy hoàng nhất, khơi gợi và nâng đỡ mọi cố gắng và dấn thân của con người để giải phóng và thăng tiến con người” nhằm làm cho thế giới này nhân bản hơn”.

Làm phong phú và thấm nhuần xã hội bằng Phúc âm (62-65)

“Bằng giáo huấn xã hội của mình, Giáo hội tìm cách công bố và làm cho Phúc âm hiện diện trong mạng lưới phức tạp các mối quan hệ xã hội… [bằng cách] làm phong phú và thấm nhuần xã hội bằng Phúc âm”. Học thuyết xã hội của Giáo hội chuẩn bị cho những ai đón nhận học thuyết biết vun trồng “các tư tưởng và các dự án tình yêu, công lý, tự do và hòa bình”. Như vậy, “Phúc âm hóa lĩnh vực xã hội… nghĩa là xây dựng một đô thành của con người nhân bản hơn”. Đây là “một cách thể hiện toàn diện” của ơn cứu độ siêu nhiên.

Sứ mạng Phúc âm hóa của Giáo hội nghĩa là chia sẻ Tin Mừng với thế giới, chia sẻ cả chiều kích siêu nhiên lẫn tự nhiên: “Học thuyết xã hội của Giáo hội là một bộ phận không thể tách rời của sứ vụ Phúc âm hóa của Giáo hội. Không có gì liên quan đến cộng đồng con người – những tình huống và những vấn đề về công lý, tự do, phát triển, các quan hệ giữa con người với nhau, hòa bình – lại xa lạ với Phúc âm hóa”.

“Ơn cứu chuộc bắt đầu với việc Nhập thể”, công bố “tình liên đới được thiết lập bởi sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa Tạo Hóa”. “Nhiệm cục cứu độ của Phúc âm” bao trùm toàn bộ con người – “không phải chỉ dành cho linh hồn hoặc một hữu thể khép kín trong cá nhân tính của mình, nhưng là một con người và một xã hội con người”.

Học thuyết xã hội, Phúc âm hóa và việc thăng tiến con người (66-68)

“Học thuyết xã hội của Giáo hội là một bộ phận không thể tách rời của sứ vụ Phúc âm hóa của Giáo hội”. Toàn bộ lĩnh vực phát triển, các quan hệ giữa các dân tộc, và vấn đề công lý và hòa bình, phải được gói trọn trong công cuộc Phúc âm hóa. Học thuyết xã hội không phải là một điều gì đó “được thêm vào” công cuộc Phúc âm hóa; “đúng ra, học thuyết xã hội  nằm tại trung tâm của sứ vụ phục vụ của Giáo hội”. Nhưng học thuyết xã hội của Giáo hội không cung cấp “các giải pháp kỹ thuật”.

Các quyền và nhiệm vụ của Giáo hội (69-71)

“Giáo hội có quyền làm người thày cho nhân loại, một người thày về chân lý đức tin”.  “Quyền này của Giáo hội đồng thời còn là bổn phận, bởi vì Giáo hội không thể thoái thác trách nhiệm này mà không chối bỏ chính mình và bất trung với Đức Kitô”.

Bởi thế Giáo hội loan báo “Phúc âm trong bối cảnh xã hội, làm cho lời giải phóng của Phúc âm vang lên trong các thế giới của sản xuất, lao động, kinh doanh, tài chính, thương mại, chính trị, pháp luật, văn hóa, truyền thông xã hội, trong đó con người đang sống”.

Vì như Giáo hội có quyền loan báo học thuyết xã hội đặt nền tảng trên Phúc âm, thì đó cũng là phận sự của Giáo hội, “bởi vì Giáo hội không thể thoái thác trách nhiệm này mà không chối từ chính bản thân và bất trung với Đức Kitô”.  Đức Giáo hoàng  Phaolô VI bảo ta: “Vì Phúc âm và đức tin có liên quan đến cuộc sống chung, vì các hậu quả tai hại của bất công, Giáo hội không thể thờ ơ trước các vấn đề xã hội” (EvangeliiNuntiandi).

II. Bản chất học thuyết xã hội của Giáo hội

Một sự hiểu biết được đức tin soi sáng (72-75)

Học thuyết xã hội của Giáo hội hình thành trong dòng thời gian “qua nhiều lần can thiệp của Huấn quyền về các vấn đề xã hội”. Trong thông điệp năm 1988 Sollicitudo Rei Socialis, (Quan tâm đến các Vấn đề Xã hội), Đức Gioan Phaolô II minh định rằng học thuyết xã hội của Giáo hội “không thuộc về lĩnh vực ý thức hệ, mà thuộc về lĩnh vực thần học, nhất là  thần học luân lý”. Sách Tóm lược nói: “Mục đích chính của học thuyết… là hướng dẫn cách cư xử của người Kitô hữu”. “Giáo huấn này… phải được tìm thấy ở giao lộ nơi cuộc sống và lương tâm người Kitô hữu tiếp xúc với thế giới thực”. Học thuyết xã hội phản ánh “ba cấp độ của giáo huấn thần học-luân lý:”

-- “Cấp nền tảng động cơ”
-- “Cấp hướng dẫn gồm các chuẩn mực cho đời sống trong xã hội”
-- “Cấp quyết định của lương tâm”

“Nền tảng cơ bản” của học thuyết xã hội của Giáo hội được tìm thấy “trong mạc khải Kinh Thánh và trong truyền thống của Giáo hội.” Cấp này cho ta thấy “kế hoạch của Thiên Chúa đối với thế giới tạo thành”. Chiều kích đặt nền tảng trên đức tin này đồng thời còn vận dụng lý trí để tham gia vào “các khía cạnh lịch sử của việc thực hành”. Như vậy, “đức tin và lý trí” cùng đi như “hai con đường nhận thức của học thuyết xã hội của Giáo hội”. Học thuyết xã hội là “sự hiểu biết được đức tin soi sáng”.

Trong cuộc đối thoại thân tình với mọi ngành kiến thức (76-78)

“Học thuyết xã hội của Giáo hội vận dụng các đóng góp của mọi ngành kiến thức, bất kể nguồn gốc xuất phát, và có một chiều kích liên ngành quan trọng”.  Học thuyết xã hội đặc biệt sử dụng triết học và các khoa học xã hội. Triết học là “không thể thiếu được” để có được “một sự hiểu biết đúng đắn về các khái niệm cơ bản của học thuyết xã hội của Giáo hội, như nhân vị, xã hội, tự do, lương tâm, công ích, liên đới, bổ trợ, và Nhà Nước”.

Một cách biểu hiện tác vụ giảng dạy của Giáo Hội (79-80)

“Toàn thể cộng đồng Giáo hội – linh mục, tu sĩ và giáo dân – đều tham gia vào việc hình thành học thuyết xã hội này” như một cách diễn tả “cảm thức đức tin” của tất cả các tín hữu. Đó cũng là “công trình của Huấn quyền, là quyền giảng dạy với thẩm quyền mà Đức Kitô đã ban cho các tông đồ và những người kế vị”. Huấn quyền thể hiện một cách “hàng đầu” qua “Huấn quyền phổ quát của Đức Giáo hoàng và Công đồng”, rồi được “tháp nhập vào Huấn quyền của các Giám mục”, đến lượt mình các vị này đưa ra “những đóng góp có giá trị” trong một “tập đoàn tính của các Mục tử Giáo hội”. Tóm lại, “đó là Huấn quyền, buộc các tín hữu phải tuân thủ”.

 Nhắm đến một xã hội được hoà giải trong công lý và tình yêu (81-82)

“Học thuyết xã hội của Giáo hội có nhiệm vụ công bố, nhưng cũng tố cáo”.  Học thuyết tố cáo “tội bất công và bạo lực”. Học thuyết bênh vực “đặc biệt là những người nghèo, những người nhỏ bé nhất và những người yếu kém”. Tình trạng bất công và bạo lực làm nảy sinh “các vấn đề xã hội”, mà câu trả lời thích đáng là “công bằng xã hội”. Học thuyết nói đến “lĩnh vực tôn giáo và luân lý” của xã hội nhân danh “một hình thức hoàn bị của chủ nghĩa nhân bản” trong khi chuẩn bị “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13).

Một thông điệp gửi cho con cái Giáo hội và cho nhân loại (83-84)

Mọi người trong Giáo hội “được giáo huấn xã hội này mời gọi nhìn nhận và chu toàn các nghĩa vụ về công bằng và bác ái trong xã hội”. “Người tín hữu giáo dân – do bởi “tính cách trần thế của họ” và “bản chất trần thế của ơn gọi của họ” – có nhiệm vụ “thực hành giáo huấn xã hội của Giáo hội và như thế hoàn tất sứ mạng trần thế của Giáo hội”. Ngoài ra, học thuyết xã hội của Giáo hội có một “đối tượng hoàn vũ” và được “nói rõ gửi đến tất cả các người thiện chí”.

Dưới dấu hiệu liên tục và đổi mới (85-86)

Trong “sự liên tục” của mình,  học thuyết xã hội của Giáo hội “tham chiếu các giá trị phổ quát rút ra từ Mạc khải và bản tính con người”. Trong “sự đổi mới liên tục” của mình, học thuyết đáp ứng “các thay đổi về các điều kiện lịch sử”. Như thế, học thuyết là một “công trình” – một công trình “luôn luôn đang tiến hành” hướng đến “công lý và hòa bình”. Với tư cách là “Mẹ và Thày”, Giáo hội luôn luôn “vươn ra” như một “điểm gặp gỡ với Phúc âm, với sứ điệp giải phóng và hòa giải, công lý và hòa bình”.

III. Học thuyết xã hội của Giáo hội trong thời đại của chúng ta: Lược sử

Khởi đầu một con đường mới (87-88)

Trong khi thuật ngữ “học thuyết xã hội” quy về Đức Piô  XI, học thuyết xã hội với hình thức như hiện nay bắt đầu với “Thông điệp Rerum  Novarum của Đức Giáo hoàng Lêô  XIII”  (1891) như là “sự khởi đầu một con đường mới” đối với việc Giáo hội can thiệp vào các vấn đề xã hội. Nhưng “con đường mới” này có gốc rễ sâu xa trong “di sản giáo thuyết” phong phú của Giáo hội – từ Kinh thánh, nhất là Phúc âm, và từ truyền thống lâu dài của Giáo hội. Cuộc Cách mạng Công nghiệp trong thế kỷ mười chín đã gây ra những thay đổi rộng khắp về các cấu trúc xã hội dẫn đến “vấn đề xã hội lớn đầu tiên – vấn đề lao động – nảy sinh bởi cuộc xung đột giữa tư bản và lao động”.

Từ Rerum Novarum đến thời của chúng ta (89-103)

Trong phần này, quyển Tóm lược ôn lại chặng đường phát triển của Học thuyết Xã hội Công giáo từ RerumNovarum cho đến ngày của chúng ta. 

Đức Giáo hoàng Lêô XIII trong thông điệp Rerum Novarum “khai triển bức thông điệp xã hội lớn đầu tiên” nhằm đáp ứng trước cảnh đau khổ trong xã hội của các công nhân công nghiệp. Thông điệp khai triển “bằng những thuật ngữ chính xác và đương đại ‘học thuyết Công giáo về lao động, về quyền tài sản, nguyên tắc hợp tác thay vì đấu tranh giai cấp với tính cách là phương tiện cơ bản nhằm làm thay đổi xã hội, các quyền của những người cô thân cô thế, phẩm giá của người nghèo và các nghĩa vụ của người giàu, việc hoàn bị hóa công bằng qua nghĩa cử bác ái, và quyền thành lập các hiệp hội ngành nghề”, nghĩa là các nghiệp đoàn lao động.

Đức Giáo hoàng Piô XI trong Thông điệp Quadragesimo Anno (Tứ thập niên) (1931) của mình kỷ niệm năm thứ 40 Thông điệp Rerum Novarum và khẳng định rằng lương công nhân phải cân xứng với các nhu cầu của họ và của cả gia đình họ nữa. Thông điệp này cũng đề ra nguyên tắc bổ trợ, nay đã trở thành một bộ phận thường hằng trong giáo huấn xã hội của Giáo hội. Nguyên tắc cũng bác bỏ “chủ nghĩa tự do, được hiểu theo nghĩa tha hồ cạnh tranh không giới hạn giữa các lực lượng kinh tế”. Để chống lại “các chế độ toàn trị”, Đức Piô XI ban hành Thông điệp Non Abbiamo Bisogno (1931) về “chế độ phát xít toàn trị ở Ý”, Thông điệp MitBrennender Sorge (1937) về chế độ Đức quốc xã, và Thông điệp Divini Redemptoris (1937) về chủ nghĩa cộng sản vô thần. Trong thông điệp cuối này, ngài tuyên bố rằng chủ nghĩa cộng sản vô thần “tự bản chất khác biệt với Giáo gội về thế giới quan” và chỉ ra rằng phương thế chính yếu để sửa sai các hạn chế mà chủ nghĩa ấy đã đưa vào xã hội chính là “canh tân đời sống Kitô hữu, thực hành đức bác ái theo Phúc âm, chu toàn các nghĩa vụ công bằng cả trên bình diện giữa con người với nhau lẫn bình diện xã hội, và thể chế hoá các tập thể nghành nghề và liên ngành nghề”.

Đức Giáo hoàng Piô XII ban hành “các Thông điệp Phát thanh Giáng sinh” quan trọng về   “luân lý và pháp luật”, nhất là về “luật tự nhiên là linh hồn của thể chế sẽ được thành lập trên các bình diện quốc gia và quốc tế”. Ngài là “người đi tiên phong ngay trước Công đồng Vatican II và của giáo huấn xã hội mà các vị Giáo hoàng đi theo ngài đưa ra”.

Chân phước Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, trong những năm 1960, đã đọc “một cách sâu sắc các dấu hiệu của thời đại” bao gồm “sự bắt đầu tiến trình phi thực dân hóa” và một “sự ấm dần” trong Chiến tranh Lạnh. Ngài loan báo rằng “vấn đề xã hội đang trở nên phổ quát và liên quan đến tất cả các nước” và rằng,cùng với vấn đề lao động, cần phải đề cập đến vấn đề nông nghiệp và vấn đề phát triển trên toàn cầu. Thông điệp Mater et Magister (Mẹ và Thày) (1961) của ngài, cập nhật các thông điệp trước và tìm cách đưa toàn bộ cộng đồng Kitô hữu nhập cuộc hơn nữa, nhấn mạnh các chủ đề “cộng đồng và xã hội hóa”. Thông điệpPacem  in  Terris (1963) của ngài, một thông điệp về hòa bình, nhân phẩm và nhân quyền, đã đề cập đến các vấn đề gìn giữ hòa bình trong thời đại người ta đang phát triển mạnh mẽ vũ khí hạt nhân. Đây là “lần đầu tiên một thông điệp ngỏ lời với ‘mọi người thiện chí’”. Thông điệp cũng kêu gọi phải có “thẩm quyền chung của thế giới” để  “giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị, hoặc văn hóa… nêu ra bởi công ích của thế giới”.

Công đồng Vatican II đưa ra Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (1966), nhấn mạnh vai trò và các trách nhiệm của toàn thể “Dân Thiên Chúa” đối với người nghèo trong các cộng đồng của mình và trên thế giới. Văn kiện này cho thấy Giáo hội mang lấy “một tình cảm liên đới sâu sắc với nhân loại và lịch sử của nhân loại”. Văn kiện trình bày “một cách hệ thống các chủ đề văn hóa, đời sống kinh tế và xã hội, hôn nhân và gia đình, cộng đồng chính trị, hòa bình và cộng đồng các dân tộc”, tất cả đều nhìn từ quan điểm nhân học Kitô giáo lấy con người làm khởi điểm. Công đồng cũng đưa ra “Tuyên ngôn Dignitatis Humanae (Phẩm giá Con người), trong đó quyền tự do tôn giáo được công bố.

Đức Giáo hoàng Phaolô VI trình bày Thông điệp Populorum  Progressio (Phát triển các Dân tộc)  của mình, thông điệp này tuyên bố rằng “Phát triển là tên gọi mới của hoà bình”.  Thông điệp kêu gọi “một sự phát triển con người toàn diện …  [nhằm] phát triển trong sự liên đới với toàn thể nhân loại… [và] vì một ‘nền nhân bản toàn diện’ được hướng dẫn bởi các giá trị tâm linh”. Năm 1967, theo ước nguyện của Công đồng,Đức Phaolô VI thành lập Ủy ban Giáo hoàng “Iustitia  et  Pax” (Công lý và Hòa bình) “để thúc đẩy cộng đồng Công giáo đẩy mạnh tiến bộ tại các nơi nghèo đói và đẩy mạnh công lý xã hội trên bình diện quốc tế”.  Năm 1968, ngài lập ra “Ngày Hòa bình Thế giới” hàng năm và vào ngày này Đức Giáo hoàng soạn thảo một sứ điệp xây dựng trên và bổ sung vào giáo huấn xã hội của Giáo hội. Năm 1971 Đức Giáo hoàng Phaolô VI ban hành Tông thư Octogesima  Adveniens (Tiến tới năm thứ 80) – cập nhật Rerum Novarum nhân kỷ niệm 80 năm và nhận định rằng các vấn đề phức tạp của xã hội hậu-công nghiệp này đòi hỏi tư duy mới vượt quá các ý thức hệ hiện đại. Ngài đề cập đến các vấn đề “đô thị hoá, tình trạng của giới trẻ, tình trạng của phụ nữ, tình trạng thất nghiệp, nạn kỳ thị, tình trạng di dân, sự gia tăng dân số, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội, các vấn đề sinh thái”.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành năm 1981 (chín mươi năm sau Rerum Novarum) LaboremExercens, thông điệp của ngài về lao động con người. Văn kiện này mô tả lao động con người như “giá trị căn bản của con người, là nhân tố trên hết của hoạt động kinh tế và là chìa khoá của toàn bộ vấn đề xã hội”. Thông điệp Solicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến các Vấn đề Xã hội) (1988) của ngài, kỷ niệm hai mươi năm Thông điệp Populorum  Progressio của Đức Phaolô VI, cho rằng sự phát triển đang thất bại nơi Thế giới thứ Ba và  “sự phát triển đích thực không phải chỉ là gia tăng của cải và dịch vụ – gia tăng những gì người ta có – mà còn phải góp phần làm cho người ta được ‘làm người’ cách đầy đủ”. Ngài kêu gọi một  “opus  solidaritatis  pax”,  nghĩa là hòa bình là hoa trái của liên đới. Rồi, vào dịp kỷ niệm 100 năm  RerumNovarum, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô ban hành thông điệp xã hội thứ ba của ngài là Centesimus Annus(Bách niên). Văn kiện này nhìn lại khoảng thời gian 100 năm đã qua của Học thuyết Xã hội Công giáo, nhấn mạnh nguyên tắc liên đới, suy tư về sự sụp đổ của hệ thống xố viết, và ủng hộ một nền “kinh tế tự do” được hướng dẫn bởi “liên đới”.

Dưới ánh sáng và sức thúc đẩy của Phúc âm (104)

“Các văn kiện nêu trên là những cột mốc đánh dấu con đường mà học thuyết xã hội của Giáo Hội đã đi qua, kể từ thời Đức Lêô XIII cho đến ngày của chúng ta”. Trong khi hình thành giáo huấn này, Giáo hội đã và đang được “thúc đẩy không phải bởi động cơ lý thuyết nào mà do những mối quan tâm mục vụ… bởi những âm hưởng mà các biến động xã hội gây ra trên con người… [với tư cách là] những con người… tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn”.

Thạc sĩ ARTHUR W.  KANE
Trợ giảng môn Triết học
Saint Thomas University, Miami Gardens, Florida

Đan Quang Tâm dịch


Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks