ngày tháng năm

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

NỀN MÓNG HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI


NỀN MÓNG HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Lời người dịch: Dưới đây là bài thuyết trình do Linh mục Thomas Williams, giáo sư môn Học thuyết Xã hội Công giáo, trình bày tại một hội nghị thần học tại Roma ngày 29 tháng 9 năm 2003, trước cử tọa gồm hầu hết là các linh mục.

Mục tiêu của giáo huấn xã hội của Giáo hội không những cung cấp tri thức hoặc nâng cao nhận thức, mà còn rất thực tế và có tính cá nhân. Giáo huấn xã hội phải làm thay đổi cuộc sống của ta và giúp ta đảm nhận trách nhiệm về các vấn đề có liên quan đến công ích, đặc biệt đối với những người túng thiếu nhất.
Tôi sẽ trình bày vắn tắt về học thuyết xã hội của Giáo hội trong bốn phần: định nghĩa; bản chất; nền móng học thuyết xã hội của Giáo hội; và một số đề nghị mang tính thực tiễn.

1. Thế nào là Học thuyết Xã hội của Giáo hội?
Mặc dù rất có thể ta đã có một ý niệm tổng quát về học thuyết xã hội của Giáo hội, nhưng theo lệ thường, ta nên bắt đầu bằng cách nêu ra những gì không phải là học thuyết xã hội của Giáo hội để loại bỏ những thiên kiến, ngộ nhận và ý niệm sai lầm.
Giáo hội nói rõ giáo huấn xã hội của mình không phải là một "con đường thứ ba", một con đường nào đó giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Giáo huấn đó hoàn toàn không phải là một cương lĩnh kinh tế hoặc chính trị, và cũng chẳng phải là một "hệ thống". Mặc dù phê phán cả chủ nghĩa xã hội lẫn chủ nghĩa tư bản, nhưng học thuyết xã hội của Giáo hội không đưa ra một hệ thống khác để thay thế. Học thuyết xã hội của Giáo hội không phải là một đề xuất kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề thực tế, nhưng đúng ra, đó là một học thuyết về luân lý, xuất phát từ cái nhìn Kitô giáo về con người, về ơn gọi yêu thương và lời mời gọi hãy hướng đến sự sống vĩnh cửu của con người. Tự bản thân, học thuyết xã hội của Giáo hội thuộc một loại riêng.
Học thuyết xã hội của Giáo hội không phải là chủ nghĩa không tưởng, theo nghĩa một dự án xã hội bất khả thi. Học thuyết xã hội của Giáo hội cũng không có ý định mô tả một thiên đàng hạ giới trong đó nhân loại có thể đạt đến sự hoàn thiện.
Mặc dù vậy, học thuyết xã hội Công giáo nghiêm túc xem xét các thực tại và cấu trúc hiện hữu, và thách đố nhân loại hãy tìm kiếm các giải pháp cho các tình huống xã hội, chính trị và kinh tế xứng hợp với phẩm giá con người, do đó tạo ra một sự căng thẳng lành mạnh giữa các thực tại trần thế và lý tưởng Phúc Âm.
Học thuyết xã hội Công giáo không phải là một học thuyết tĩnh, bất di bất dịch, nhưng là một ứng dụng năng động các giáo huấn của Đức Kitô vào trong các thực tại và hoàn cảnh đang đổi thay của các xã hội và các nền văn hóa của con người. Dĩ nhiên, các nguyên tắc cơ bản thì không thay đổi, bởi vì các nguyên tắc đó đã cắm rễ sâu vào trong bản tính con người. Nhưng khi áp dụng các nguyên tắc, cần phải biết thích nghi với các hoàn cảnh lịch sử mới vào từng thời kỳ và tại các không gian khác nhau.
Học thuyết xã hội của Giáo hội thuộc về bộ môn thần học, nhất là thần học luân lý.
Theo ngôn ngữ chuyên môn, đó là sự soạn thảo chính xác các kết quả của việc tư duy, xem xét cẩn thận các thực tại phức tạp của cuộc sống con người trong xã hội và trong bối cảnh quốc tế, dưới ánh sáng đức tin và truyền thống sống động của Giáo hội.
Học thuyết xã hội là một tập hợp các nguyên tắc, tiêu chí và những hướng dẫn hành động, với mục đích giải thích các thực tại xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị, thẩm định sự phù hợp hoặc tính đa dạng của những thực tại đó so với các giáo huấn Phúc Âm về con người, về ơn gọi trần thế và ơn gọi siêu việt của con người.
2. Nội dung Học thuyết Xã hội Công giáo
Nội dung học thuyết xã hội được trình bày ở ba cấp độ:
— Các nguyên tắc và các giá trị cơ bản: Học thuyết xã hội rút ra được các nguyên tắc cơ bản của mình từ khoa thần học và triết học, với sự giúp đỡ của các khoa học nhân văn và xã hội đóng vai trò bổ sung cho thần học. Các nguyên tắc này bao gồm phẩm giá con người, công ích, liên đới, tham gia, quyền tư hữu, và quyền chung hưởng của cải. Các giá trị cơ bản bao gồm chân lý, tự do, công lý, bác ái và hòa bình.
— Các tiêu chí phán đoán: cho các hệ thống, định chế, tổ chức kinh tế, có sử dụng các dữ liệu thực nghiệm. Ví dụ: đánh giá của Giáo hội về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tự do, thần học giải phóng, chủ nghĩa chủng tộc, toàn cầu hóa, đồng lương xứng đáng, v.v.
— Các hướng dẫn hành động: các ý kiến, nhận định về các sự kiện lịch sử. Đây không phải chỉ là một diễn dịch mang tính lôgíc và tất yếu, xuất phát từ các nguyên tắc, mà còn là kết quả các kinh nghiệm mục vụ của Giáo hội và một cái nhìn Kitô giáo về thực tại; một sự ưu tiên chọn lựa người nghèo, vấn đề đối thoại, và tôn trọng thẩm quyền chính đáng của các thực tại chính trị, kinh tế và xã hội. Ví dụ: các đề xuất tha nợ quốc tế, cải cách nông nghiệp, thành lập các hợp tác xã, v.v. (xem "Gaudium et Spes", số 67-70).
3. Các nền móng của Học thuyết Xã hội Công giáo
Nền móng đầu tiên của học thuyết xã hội Công giáo là điều răn yêu thương của Đức Giêsu: mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như bản thân. Đây là nền móng cho toàn bộ nền luân lý Kitô giáo, và cũng là của học thuyết xã hội của Giáo hội, vì học thuyết này là một bộ phận của khoa luân lý Kitô giáo. Đức Giêsu nói rằng điều răn kép mến Chúa yêu người không những là điều răn thứ nhất và quan trọng nhất, nhưng còn là một bản tóm kết hoặc tóm lược toàn bộ luật lệ của Thiên Chúa và sứ điệp của các ngôn sứ.
Học thuyết xã hội của Giáo hội, do đó, trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để mến Chúa yêu người trong hoàn cảnh chính trị, kinh tế và xã hội cụ thể của tôi? Lòng mến Chúa yêu người của chúng ta không chỉ gói gọn trong nghĩa vụ tham dự Thánh lễ hàng tuần và bỏ một ít tiền dâng cúng vào lúc quyên góp trong Thánh lễ và thế là xong. Lòng mến Chúa yêu người phải thấm nhuần toàn bộ cuộc sống của ta và có sức biến đổi các hành động và môi trường chung quanh của chúng ta theo tinh thần Phúc Âm.
Đây là một nguyên tắc rất quan trọng để khắc phục xu hướng xem kinh tế hoặc chính trị như là một cái gì hoàn toàn tách biệt khỏi các vấn đề luân lý, trong khi, thực ra, chính trong môi trường kinh tế và chính trị mà người Kitô hữu với đức tin của mình có thể tác động đến các vấn đề trần thế.
Điều răn yêu thương tiêu biểu cho toàn bộ nền móng của học thuyết xã hội của Giáo hội. Đi vào cụ thể, có thể tóm lược và phân các nền móng đó thành bốn nguyên tắc cơ bản của học thuyết xã hội của Giáo hội, có thể ví như bốn cột trụ nâng toàn bộ tòa nhà học thuyết xã hội. Các nguyên tắc đó bao gồm: phẩm giá con người, công ích, bổ trợ và liên đới.
Phẩm giá con người 
Nguyên tắc cổ điển đầu tiên là nguyên tắc phẩm giá con người, làm nền cho các quyền con người. Để suy nghĩ đúng đắn về xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa, trước tiên ta phải hiểu đúng con người là ai và tài sản thực sự của con người là gì. Mỗi người, được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, có một phẩm giá bất khả xâm phạm và do đó phải luôn luôn được đối xử như cùng đích chứ không phải như một phương tiện.
Khi Đức Giêsu sử dụng hình ảnh Người Mục tử Nhân từ để nói về con chiên lạc, Người dạy ta Thiên Chúa nghĩ gì về giá trị của mỗi con người. Người mục tử bỏ 99 con chiên nơi hoang địa để đi tìm con chiên lạc. Thiên Chúa không nghĩ về con người theo kiểu hàng loạt, hoặc theo phần trăm, nhưng là như các cá nhân. Đối với Người, mỗi một người đều quý giá, không thể thay thế.
Trong Thông điệp Centesimus Annus (Bách Chu Niên), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh tính trung tâm của nguyên tắc này: "Cần phải nhớ rằng sợi chỉ chính chạy dài xuyên suốt, và theo một nghĩa nào đó, nguyên tắc chủ đạo... của học thuyết xã hội của Giáo hội là một cái nhìn đúng đắn về con người và về giá trị độc đáo của con người, vì "con người... là sinh vật duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa muốn chỉ vì họ". Thiên Chúa đã in chính hình ảnh và họa ảnh của Người trên con người (xem Stk 1,26), đã ban cho con người một phẩm giá vô song (xem Centesimus Annus, số 11).
Do đó Giáo hội không suy nghĩ, trước hết theo các quốc gia, đảng phái chính trị, các bộ lạc hoặc dân tộc, nhưng theo nhân vị. Giáo hội, cũng như Đức Kitô, bảo vệ phẩm giá của mỗi cá nhân. Giáo hội hiểu tầm quan trọng của nhà nước và xã hội về phương diện phục vụ nhân dân và gia đình, chứ không phải chiều hướng ngược lại. Nhà nước nói riêng có nhiệm vụ bảo vệ các quyền của con người, các quyền không do nhà nước mà do Đấng Tạo Hóa ban tặng.
Công ích
Nguyên tắc cổ điển thứ hai của học thuyết xã hội của Giáo hội là nguyên tắc công ích. Công Đồng Vatican II định nghĩa công ích là "toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn" (Hiến chế Gaudium et Spes, 26; xem GS, 74; và Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1906).
Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa là sự hiệp thông Ba Ngôi Vị, con người đạt đến
sự hoàn hảo của mình không phải trong sự cô lập với tha nhân, nhưng là trong các cộng đồng và thông qua việc dâng hiến bản thân mà làm cho việc hiệp thông trở nên có thể thực hiện được. Tính ích kỷ xúi giục ta tìm kiếm lợi ích cho bản thân và gây phương hại cho tha nhân được khắc phục nhờ sự dấn thân cho công ích.
"Công ích" không phải chỉ là lợi ích của tôi hoặc của bạn, cũng không phải là tổng số lợi ích của các cá nhân, mà là tạo dựng ra một chủ thể mới — chúng ta — trong đó mỗi người khám phá ra lợi ích của mình trong sự hiệp thông với những người khác. Do đó công ích không thuộc về một chủ thể trừu tượng như nhà nước, nhưng thuộc về những người với tư cách cá nhân được mời gọi đến sự hiệp thông.
Con người tự bản chất (và không chỉ vì hoàn cảnh) mang tính xã hội, tính tương quan và liên cá nhân. Công ích của chúng ta cũng cần cho việc thành toàn bản thân chúng ta, nghĩa là cho lợi ích cá nhân của tôi. Mỗi người trưởng thành và đạt đến sự thành toàn trong xã hội hoặc qua xã hội. Do đó, công ích khác biệt với nhưng không đối nghịch với lợi ích riêng của mỗi cá nhân. Thông thường, lợi ích của bạn và lợi ích của tôi gặp nhau nơi công ích.
Công ích chống lại chủ nghĩa vị lợi, chủ nghĩa này chủ trương hạnh phúc lớn nhất (phúc lạc) cho con số nhiều người nhất, chủ trương này tất yếu sẽ dẫn đến hệ quả phía thiểu số sẽ bị lép vế, thua thiệt trước phe đa số. Do đó, tính ưu việt và bất khả xâm phạm của nhân vị sẽ loại bỏ khả năng điều thiện hảo của người này lại phải ở dưới điều thiện hảo của những người khác, qua đó chuyển sự thiện hảo của người nói trước trở nên phương tiện cho hạnh phúc của những người khác.
Bổ trợ
Nguyên tắc cổ điển thứ ba của học thuyết xã hội là nguyên tắc bổ trợ. Lần đầu tiên nguyên tắc này được gọi bằng danh xưng đó bởi Đức Giáo Hoàng Piô XI trong Thông điệp Quadragesimo Anno (Tứ Thập Niên) năm 1931 của ngài. Nguyên tắc này dạy ta rằng các quyết định của xã hội phải đưa ra ở mức thấp nhất có thể, nghĩa là ở mức gần nhất đối với những ai chịu ảnh hưởng của quyết định. Nguyên tắc này được hình thành khi thế giới bị đe dọa bởi các hệ thống toàn trị với các chủ thuyết của chúng áp đặt sự lệ thuộc của cá nhân vào tập thể. Nguyên tắc này mời gọi ta tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội trong khu vực tư nhân trước khi yêu cầu nhà nước can thiệp.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII "nhấn mạnh các giới hạn cần thiết đối với việc can thiệp của nhà nước và nhấn mạnh bản chất công cụ của nhà nước, vì cá nhân, gia đình và xã hội đã có trước nhà nước, và vì nhà nước tồn tại là để bảo vệ các quyền của họ chứ không phải để áp bức họ" (Centesimus Annus, 11).
Liên đới 
Nguyên tắc nền tảng thứ tư của học thuyết xã hội của Giáo hội, mới chỉ được thiết đặt mới đây bởiĐức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến các vấn đề xã hội) của ngài (1987). Nguyên tắc này được gọi là nguyên tắc liên đới. Đứng trước tình trạng toàn cầu hóa, tình trạng con người và các dân tộc ngày càng lệ thuộc vào nhau, ta phải nhớ rằng gia đình nhân loại là một. Nguyên tắc liên đới kêu gọi ta hãy có sự nhạy bén cao hơn đối với tha nhân, nhất là những người đau khổ.
Nhưng Đức Thánh Cha nói thêm rằng liên đới không phải chỉ là một tình cảm, mà là một "nhân đức" thực sự khiến ta đảm nhận trách nhiệm đối với nhau. Đức Thánh Cha viết rằng liên đới "không phải là một tình cảm thương xót mơ hồ hoặc sự xúc động hời hợt trước những khổ đau biết bao nhiêu người gần xa phải chịu. Trái lại, đó là một quyết tâm mạnh mẽ và bền bỉ dấn thân cho công ích, nghĩa là cho lợi ích của mọi người và mỗi cá nhân vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm đối với mọi người" (SRS, 38).
4. Lời khuyên thực tiễn
Cuối cùng tôi muốn đưa ra năm đề xuất thực tiễn về việc áp dụng giáo huấn xã hội Công giáo, nhất là đối với các linh mục chúng ta:
1.       Hãy đọc và nắm vững những kiến thức hữu ích, chính xác về giáo huấn xã hội của Giáo hội để có thể diễn giải một cách vững chắc và rõ ràng, và bảo đảm được điều ta giảng dạy nhân danh Giáo hội chính là điều Giáo hội dạy, chứ không phải ý kiến cá nhân của chúng ta.
2.       Khiêm tốn, để không nhảy ngay từ các nguyên tắc tổng quát sang các phán đoán cụ thể nhất định, đặc biệt là kiểu cách diễn tả chắc nịch và tuyệt đối. Ta không được đi quá các giới hạn của kiến thức và năng lực cụ thể của mình.
3.       Có thái độ thực tế trong việc đánh giá tình trạng con người, thừa nhận có tội lỗi nhưng ta cũng phải để dành chỗ cho ân sủng của Thiên Chúa hành động. Trong việc dấn thân phát triển con người, đừng bao giờ đánh mất cái nhìn rằng ơn gọi của con người, trên hết mọi sự, là nên thánh và hưởng kiến Thiên Chúa đời đời.
4.       Tránh cái cám dỗ sử dụng học thuyết xã hội của Giáo hội làm vũ khí phê phán "người khác" (các doanh nhân, chính trị gia, công ty đa quốc gia, v.v.). Thay vào đó ta nên tập trung trước tiên vào đời sống của ta và các trách nhiệm cá nhân, xã hội, kinh tế và chính trị của chúng ta.
5.       Biết cách cộng tác chặt chẽ với giáo dân, đào tạo giáo dân và phái giáo dân đi làm sứ giả Phúc âm giữa lòng đời. Họ là những chuyên viên thực sự trong lĩnh vực chuyên môn của mình và có ơn gọi cụ thể biến đổi các thực tại trần thế theo Phúc Âm.
“Vì ơn gọi của mình, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách tham gia công việc trần thế và xếp đặt chúng theo kế hoạch của Thiên Chúa… họ có nhiệm vụ đặc biệt là xếp đặt và soi sáng những thực tại trần gian này” (Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân, 31).
“Sáng kiến của các Kitô hữu giáo dân là đặc biệt cần thiết khi phải khám phá hoặc phát minh các phương tiện để thấm nhuần các thực tại xã hội, chính trị và kinh tế bằng các đòi hỏi của đạo lý và đời sống Kitô giáo. Sáng kiến này là một yếu tố bình thường của đời sống Giáo hội” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 899).
 Linh mục Thomas Williams
Đan Quang Tâm dịch

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks