Người Việt đã có tiếng nói
trong chính quyền Mỹ khi Tổng thống Barack Obama mới đây vừa bổ nhiệm một bác
sĩ trẻ gốc Việt vào Ủy ban Cố vấn cho Tổng thống chuyên trách về người Mỹ gốc
Châu Á-Thái Bình Dương. Gương thành công của Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng,
giáo sư y khoa của Đại học California-San Francisco là một niềm hãnh diện cho
cộng đồng người Việt.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng |
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng cùng
gia đình sang Mỹ tị nạn chính trị từ năm 1975 và hiện định cư tại San Jose,
bang California. Thành tích học tập của anh đã tỏa sáng ngay từ thời trung học
với tấm bằng tốt nghiệp ưu hạng và học bổng toàn phần trong thời gian học cử
nhân khoa triết tại trường đại học lừng danh Havard.
Ra đại học, anh rẽ sang ngành y
với ước mong phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người Mỹ gốc Á. Sau khi
tốt nghiệp bác sĩ từ trường đại học nổi tiếng Stanford, anh được mời về giảng
dạy tại Đại học California-San Francisco từ năm 1997 tới nay, vừa dạy, vừa chăm
sóc bệnh nhân, và miệt mài trong công tác nghiên cứu. Anh là Giám đốc Dự án
Thăng tiến Sức khỏe cho cộng đồng người Việt tại Mỹ và đồng thời là thanh tra
chính của Mạng lưới Đào tạo-Nghiên cứu-Nâng cao nhận thức về ưng thư thuộc đại
học California-San Francisco, chuyên tiến hành các cuộc nghiên cứu để phòng
bệnh cho người Mỹ gốc Á Châu. Các cuộc nghiên cứu của anh giúp tăng cường tầm
soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung, và ung thư trực tràng, cũng như các căn
bệnh do thuốc lá gây ra cho người gốc Á tại Mỹ đã mang về cho anh Giải thưởng
từ Hội Ung thư Mỹ vào năm 2002.
Nếu như những thành tích ngoại
hạng về khoa bảng đã mang lại cho anh các văn bằng từ các trường đại học danh
tiếng của Mỹ thì những thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu y khoa và
những đóng góp không ngừng nghỉ trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng đã khiến tên
tuổi anh được giới chuyên môn chú ý và đánh giá cao và kết quả là ngày
7-10-2011, anh được đích thân Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bổ nhiệm vào Ủy
ban Cố vấn cho Tổng thống chuyên trách về người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương.
Khi được hỏi về bí quyết của
những thành công đáng nể này, bác sĩ Tùng nói đó là nhờ sự phấn đấu không
ngừng:
“Mình
cứ cố gắng thôi chứ không có gì đặc biệt hết. Mình kiên nhẫn, cố gắng học
hành,cứ cố gắng tiếp tục. Thắng cũng tiếp tục mà thua cũng tiếp tục tại vì mình
đi di cư, mình còn mạng sống là đủ rồi. Cho nên, bất cứ việc gì mình cứ cố gắng
làm, không mất gì cả, bởi mình đã mất hết tất cả rồi. Cứ mỗi lần tôi gặp cơ hội
là tôi làm, nhiều khi được nhiều khi không, nhưng tôi không lo bị thua, và cũng
may là gia đình tôi có chú ý về vấn đề giáo dục.”
Cũng như bao người Việt khác
sang xứ lạ quê người để an cư lập nghiệp, trên đường tiến thân đến thành công
hôm nay, bác sĩ Tùng đã nếm trải không ít khó khăn kể cả phương diện vật chất
lẫn tinh thần, từ những khó khăn ban đầu về ngôn ngữ, những cảm giác trống
vắng, vương vấn với một quê hương Việt Nam bỏ lại sau lưng, cho tới những vất
vả trong đời sống mưu sinh hằng ngày. Vị bác sĩ trẻ giờ đây là thành viên Ban
Cố vấn Tổng thống từng một thời đi phụ việc nhà để có thêm chút tiền đỡ gánh
nặng cho ba mẹ.
Bác sĩ Tùng kể lại:
“Tôi đi
làm từ hồi 15 tuổi, vừa đi học vừa đi làm suốt thời gian trung học và đại học.
Tôi làm việc trong thư viện, đi bỏ sách, đi dọn dẹp nhà người ta. Tôi nghĩ muốn
tiến thân thì lúc nào cũng phải có một chút lên, một chút xuống.”
Dù theo đuổi ngành y, một trong
những ngành nghề đòi hỏi nhiều thời gian nhất, nhưng bác sĩ Tùng vẫn hướng tới
cộng đồng. Không những chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, anh còn mong được phục
vụ cho số đông người Mỹ gốc Việt nhiều hơn nữa, và anh đã đầu tư công sức và
thời gian vào rất nhiều cuộc nghiên cứu giúp cải thiện sức khỏe cho người Việt
tại Mỹ.
Bác sĩ Tùng tâm sự:
“Ra
trường y khoa, quan trọng nhất đối với tôi là chú ý giúp đỡ cho cộng đồng bắt
đầu bằng công việc bác sĩ để lo cho bệnh nhân. Sau đó, tôi nhận thấy làm bác sĩ
không thôi chỉ có thể lo cho một số bệnh nhân, mà cộng đồng ngoài kia có rất
nhiều người cần được giúp đỡ trong khi tài liệu về nghiên cứu y khoa cho cộng
đồng người Việt ở Mỹ rất ít. Cho nên, tôi chú ý và bắt đầu làm nghiên cứu
thêm.”
Bác sĩ Tùng cho biết anh cũng
mong được tham gia vào các cuộc nghiên cứu về sức khỏe của người Việt trong
nước và các chương trình y tế ở Việt Nam khi điều kiện cho phép.
Một lời khuyên dành cho các bạn
trẻ đang nghe chương trình với tư cách là một gương thành công đi trước, bác sĩ
Tùng nói:
“Không
bao giờ nói tôi không muốn làm việc này, hay tôi không làm được việc kia, hoặc
tôi không thích làm việc nọ. Cơ hội nhiều khi mở ra cho mình những cánh cửa
không biết trước được. Trong đời mình cần cơ hội mà nhiều khi cơ hội tới mà
mình không biết, mình đóng cửa lại. Cơ hội nhiều khi có, nhiều khi không, nhưng
vấn đề quan trọng là mình cứ tiếp tục làm những việc mình muốn làm.”
Vị bác sĩ trẻ người Việt trong
Ban Cố vấn cho Tổng thống Mỹ cho rằng sự thành đạt của anh hôm nay 30% nhờ vào
cơ hội và 70% là do tự lực phấn đấu cùng với ý chí kiên trì vượt khó vươn lên.
Thành công của anh quả là một tấm gương đáng khâm phục để giới trẻ noi theo.