ngày tháng năm

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

TÓM LƯỢC CHƯƠNG BẢY “ĐỜI SỐNG KINH TẾ”


TÓM LƯỢC CHƯƠNG BẢY

“ĐỜI SỐNG KINH TẾ”


I. Những khía cạnh Kinh Thánh (323-327)

Con người, sự nghèo nàn và giàu có (323-327)

Trong Cựu Ước, có hai thái độ đối với của cải vật chất. Về mặt tích cực, của cải vật chất được xem là cần thiết cho cuộc sống. Sự sung túc (chứ không phải có nhiều tiền của hoặc giàu có) đôi khi được xem là một ân phúc của Thiên Chúa.
Trong văn chương Khôn ngoan, nghèo nàn được xem là hậu quả tiêu cực của sự lười biếng, nhưng cũng được xem là một sự kiện tự nhiên. Của cải bị lên án khi lạm dụng. Các ngôn sứ lên án những bất công đối với người nghèo. Nghèo khó còn được xem là một biểu tượng về tình trạng của con người trước mặt Thiên Chúa (323).

Những ai nhìn nhận mình nghèo trước mặt Thiên Chúa đều được Người ưu ái quan tâm. Sự nghèo khó này theo tinh thần tôn giáo mở ra cho ta biết nhìn nhận trật tự sáng tạo. Theo viễn tượng này, “người giàu” là người đặt tin tưởng vào của cải hơn là vào Thiên Chúa. Nghèo khó trở thành một giá trị luân lý khi ta khiêm tốn đặt mình trước mặt Thiên Chúa trong thái độ vâng phục và bỏ ngỏ đối với Người (324).

Đức Giêsu làm sáng tỏ và kiện toàn Cựu Ước. Thông qua việc ban Thánh Thần và hoán cải các tâm hồn, Người thiết lập Nước Thiên Chúa – một cung cách mới để sống giữa xã hội trong công lý, tình huynh đệ, liên đới và chia sẻ (325).

Hoạt động kinh tế trong viễn cảnh đức tin được thực hiện như một lời đáp lại với lòng biết ơn tiếng gọi Thiên Chúa gửi đến cho mỗi người. Việc quản lý tốt các ân huệ đã lãnh nhận và các của cải vật chất là một công trình công lý đối với bản thân mình và người khác. Ta phải biết sử dụng một cách thích đáng, phải biết giữ gìn và gia tăng những gì đã lãnh nhận như dụ ngôn các nén bạc dạy ta.

Hoạt động kinh tế và tiến bộ vật chất phải phục vụ con người và xã hội. "Hãy làm giàu  trước mặt Thiên Chúa". Kinh tế có ích khi theo đuổi mục tiêu này, khi chức năng kinh tế không bị phản bội (326).

Nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, ta có thể hiểu đúng về sự phát triển xã hội trong bối cảnh một nền nhân bản toàn diện và liên đới (327).

Của cải là để chia sẻ (328-329)

Của cải, dù được sở hữu một cách chính đáng, luôn luôn có một vận mệnh phổ quát. Mọi hình thức tích trữ không chính đáng đều trái đạo đức, vì đi ngược lại vận mệnh phổ quát của mọi của cải. Các Giáo phụ nhấn mạnh đến việc hoán cải và biến đổi lương tâm, chứ không phải việc thay đổi các cơ chế. Các vị kêu gọi những ai sở hữu của cải hãy xem mình là người quản lý tài sản (328).

Của cải hoàn thành chức năng phục vụ con người khi được hướng đến việc đem lại ích lợi cho người khác và cho xã hội (329).

II. Luân lý và kinh tế (330-335)

Có một mối tương quan giữa luân lý và kinh tế (330).

Mục đích của kinh tế sẽ không được tìm thấy ở trong bản thân kinh tế, mà ở chỗ phục vụ con người và phục vụ xã hội. Tuy nhiên, kinh tế đã không được trao cho mục đích xây dựng con người thành toàn hoặc mang đến cuộc sống hài hòa. Kinh tế chỉ đóng góp một phần vào mục đích đó: kinh tế có nhiệm vụ sản xuất, phân phối và tiêu thụ các hàng hóa vật chất và các dịch vụ (331).

Hiệu năng kinh tế và việc thúc đẩy sự phát triển con người chỉ là một và không thể phân chia. Ta phải đảm nhận nhiệm vụ sản xuất hàng hóa; nếu không ta sẽ lãng phí các nguồn lực. Tăng trưởng kinh tế sẽ không thể chấp nhận được khi toàn thể dân chúng lâm cảnh túng thiếu. Việc gia tăng của cải phải được nhìn thấy trong việc có sẵn hàng hoá và dịch vụ để được phân phối công bằng. Ở đây, phải có tình liên đới để chống lại “những cơ cấu của tội” là nguồn gốc gây và duy trì tình trạng nghèo đói, kém phát triển, suy thoái và ngăn cản việc phân phối hàng hóa (332).

Mọi người đều có quyền tham gia sinh hoạt kinh tế. Hoạt động kinh tế là một cơ hội để sống tình liên đới và hiệp thông với tha nhân (333).

Kinh tế là việc phát triển tài sản và làm cho tài sản đó gia tăng. Tuy nhiên, phát triển không nên trở thành một tiến trình chỉ đơn thuần tích luỹ hàng hóa và các dịch vụ. Điều này dẫn đến chủ nghĩa tiêu thụ (334).

Học thuyết xã hội của Giáo hội trả lời "có" đối với chủ nghĩa tư bản (kinh tế thị trường) được  hiểu là một hệ thống kinh tế nhìn nhận vai trò của doanh nghiệp, thị trường, quyền tư hữu và trách nhiệm đối với các phương tiện sản xuất và tính sáng tạo của con người trong lĩnh vực kinh tế. Câu trả lời dứt khoát là "không" nếu hiểu “chủ nghĩa tư bản” là một hệ thống trong đó tự do trong lĩnh vực kinh tế không nằm trong khuôn khổ của một nền pháp trị bắt buộc sự tự do đó phải tùng phục tự do toàn diện của con người. Chủ nghĩa tư bản chỉ là một hệ thống kinh tế và giống như bất kỳ hệ thống nào khác, nó không thể ở trên pháp luật được (335).

III. Sáng kiến cá nhân và doanh nghiệp (336-337)

Mỗi người đều có tự do sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế. Nhà nước có nghĩa vụ luân lý là chỉ áp dụng những giới hạn nghiêm ngặt trong những trường hợp không có sự tương thích giữa mục tiêu công ích đang theo đuổi và loại hình hoạt động kinh tế được đề ra hoặc đang tiến hành (336).

Chiều kích sáng tạo là một phần thiết yếu trong hoạt động của con người trong kinh doanh, nhất là trong việc hoạch định và cải tiến lao động (337).

Doanh nghiệp và các mục tiêu doanh nghiệp (338-342)

Doanh nghiệp còn thực hiện một chức năng xã hội: tạo cơ hội để người ta gặp gỡ, hợp tác và phát huy các khả năng. Bởi đó, doanh nghiệp không những chỉ là một “xã hội hàng hóa tư bản” mà còn là một xã hội con người (338).

Tất cả những ai tham gia doanh nghiệp phải nhớ rằng cộng đồng trong đó mình đang làm việc đại diện cho lợi ích của hết thảy mọi người, chứ không phải chỉ là một cơ cấu (339).

Lợi nhuận là chỉ số đầu tiên cho biết một doanh nghiệp đang hoạt động tốt. Nhưng điều này có thể che giấu việc các công nhân bị bóc lột. Việc theo đuổi lợi nhuận một cách chính đáng cần phải hài hoà với việc bảo vệ phẩm giá của tất cả mọi người làm việc. Một doanh nghiệp phải là một cộng đồng liên đới (340).

Cho vay nặng lãi phải bị lên án về mặt luân lý (341).

Phát triển phải trở thành một dự án được chia sẻ với mọi người, nếu không sẽ chỉ có thoái bộ. Mọi quốc gia cần phải tham gia, nếu không sẽ chẳng có sự phát triển chân chính (342).

Vai trò của doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp (343-345)

Sáng kiến kinh tế cũng là một biểu hiện về việc cần phải đáp ứng các nhu cầu của con người một cách sáng tạo và hợp tác. Sáng tạo và hợp tác là những dấu hiệu để nhận biết thế nào là cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh: cum-petere (cạnh tranh) là cùng nhau tìm kiếm những giải pháp thích hợp nhất để đáp ứng các nhu cầu phát sinh một cách thoả đáng nhất. Ý thức trách nhiệm, xuất phát từ sáng kiến tự do kinh tế không những là một đức tính cá nhân (không thể thiếu đối với việc trưởng thành của cá nhân) mà còn là một đức tính xã hội, cần thiết cho sự phát triển một cộng đồng liên đới (343).

Doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp có nhiệm vụ: 
  • tôn trọng một cách cụ thể phẩm giá của những người đang làm việc trong công ty, “tài sản quý giá nhất của công ty” (344)
  • tổ chức lao động thế nào để thăng tiến gia đình, nhất là giúp các bà mẹ trong việc chu toàn nghĩa vụ riêng của họ
  • đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các hàng hoá được sản xuất và tiêu thụ, cũng như chất lượng của các dịch vụ, chất lượng của môi trường và chất lượng của đời sống nói chung
  • khi các điều kiện kinh tế và sự ổn định chính trị cho phép, đầu tư, vào những địa điểm và lĩnh vực sản xuất đem lại cho các cá nhân và các dân tộc một cơ hội được sử dụng sức lao động của mình (345).

IV. Các định chế kinh tế phục vụ con người (346)

Các nguồn lực – do có hạn – cần được sử dụng một cách hợp lý nhất có thể, theo logic của “nguyên tắc tiết kiệm” (346).

Vai trò của thị trường tự do (347-350)

Thị trường tự do là một định chế có tầm quan trọng xã hội vì có khả năng bảo đảm các kết quả cho việc sản xuất hàng hoá và cung ứng các dịch vụ. Có lý do để tin rằng trong nhiều tình huống, “thị trường tự do là công cụ hữu hiệu nhất để con người sử dụng các nguồn lực và đáp ứng các nhu cầu một cách hữu hiệu”. Học thuyết xã hội của Giáo hội đánh giá tích cực các lợi ích chắc chắn mà các cơ chế thị trường tự do đem lại (347).

Tuy nhiên, thị trường tự do không thể tìm ra các nguyên tắc để tự hợp pháp hoá. Thị trường tự do là một phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Lợi nhuận cá nhân và sự hữu ích cho xã hội là những tiêu chí qua đó người ta đánh giá thị trường tự do. Thị trường tự do cần phục vụ công ích (348).

Thị trường cần phải bám rễ chặt vào các mục tiêu đạo đức. Thị trường không thể cung cấp mọi loại hàng hoá, vì như thế là giản lược con người và xã hội. Học thuyết xã hội của Giáo hội nêu ra những giới hạn của thị trường: thị trường không thể đáp ứng các nhu cầu tối quan trọng của con người như chân lý, tình yêu, hạnh phúc, không thể nào mua bán được những giá trị theo quy luật “trao đổi tương đương” và theo logic hợp đồng đặc trưng cho thị trường (349).

Tự do trong lĩnh vực kinh tế phải chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật thích hợp  để thị trường phục vụ cho tự do toàn diện của con người. Tự do kinh tế chỉ là một phần trong tự do của con người. Khi con người chỉ được coi là nhà sản xuất và người tiêu dùng hàng hoá hơn là một chủ thể sản xuất và tiêu dùng hàng hoá để sống, thì tự do kinh tế sẽ đâm ra áp bức, đè nén con người (350).

Hành động của Nhà nước (351-355)

Nhà nước phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc bổ trợ và liên đới. Liên đới không có bổ trợ sẽ tạo ra Nhà nước Phúc lợi; bổ trợ không có liên đới sẽ biến các chính sách Nhà nước thành chủ nghĩa địa phương. Sự can thiệp của Nhà nước trong môi trường kinh tế phải vừa không được xâm chiếm tất cả vừa không được né tránh hoàn toàn, mà phải cân xứng với nhu cầu thực của xã hội. Nhà nước phải:
  • bảo vệ hoạt động kinh doanh bằng cách tạo các điều kiện bảo đảm cho có nhiều công ăn việc làm
  • can thiệp khi các doanh nghiệp độc quyền gây trì hoãn hay trở ngại cho sự phát triển
  • thực hiện “chức năng thay thế” trong những tình huống ngoại lệ (351).

Nhiệm vụ căn bản của Nhà nước là xác định một khung pháp lý thích hợp để điều chỉnh các hoạt động kinh tế. Nhà nước phải đưa ra các chính sách kinh tế và xã hội sao cho Nhà nước không bao biện, đa mang, can thiệp vào các hoạt động thị trường (352).

Thị trường và Nhà nước cần bổ sung và hỗ trợ nhau (353).

Nhà nước có thể khuyến khích các công dân và các doanh nghiệp đẩy mạnh công ích bằng cách đưa ra một chính sách kinh tế ủng hộ mọi công dân tham gia các hoạt động sản xuất (354).

Chi tiêu công phục vụ công ích khi một số nguyên tắc căn bản sau được tuân thủ:
  • nộp thuế
  • áp thuế công bằng và hợp lý
  • chính xác và thanh liêm trong việc quản lý và phân phối các nguồn lực công cộng.

Khi phân phối lại các nguồn lợi, việc chi tiêu công cộng phải tuân thủ các nguyên tắc liên đới, công bằng và sử dụng các tài năng. Đồng thời cũng phải chú ý hơn tới các gia đình bằng cách dành một số nguồn lực thích đáng cho mục tiêu này (355).

Vai trò của các tổ chức trung gian (356-357)

Hệ thống kinh tế - xã hội phải được đặc trưng bởi hoạt động công và tư, đặc biệt là hoạt động tư phi lợi nhuận (356).

Tổ chức tư phi lợi nhuận có vai trò của mình trong lĩnh vực kinh tế. Các tổ chức này có đặc điểm là tìm cách liên kết tính hiệu quả trong sản xuất với tính liên đới. Nhà nước nên tôn trọng bản chất của các tổ chức này (357).

Tiết kiệm và hàng tiêu dùng (358-360)

Người tiêu dùng ảnh hưởng trên các thực tại kinh tế bằng việc tự do quyết định sử dụng đồng tiền của mình vào việc tiết kiệm hoặc tiêu dùng (358). 

Phải biết sử dụng sức mua trong bối cảnh có các đòi hỏi luân lý về công lý và liên đới. Tuy nhiên, ta không được quên bổn phận bác ái, biết cho đi từ sự dư dật của mình (359).

Chủ nghĩa tiêu thụ khiến người ta có xu hướng thiên về CÓ (having) hơn là LÀ (being). Để đảo ngược tình hình này, cần tạo ra các lối sống lấy việc tìm kiếm chân, thiện, mỹ và hiệp thông với tha nhân làm các nhân tố quyết định hành vi tiết kiệm và đầu tư của người tiêu dùng (360).

“NHỮNG ĐIỀU MỚI” TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ (361-376)

Toàn cầu hoá: các cơ hội và rủi ro (361-367)

Toàn cầu hóa là một thực tại nhiều mặt không dễ nắm bắt. Viễn tượng mới của xã hội toàn cầu mang tính rộng khắp và trước đó hoàn toàn chưa có tiền lệ của hệ thống các quan hệ đang phát triển. Các thị trường tài chính đóng vai trò trung tâm và quyết định. Vốn với số lượng lớn luân chuyển từ nơi này sang nơi khác của hành tinh (361).

Toàn cầu hoá vừa đem lại lợi ích cho toàn thể nhân loại, đồng thời lại tạo ra những bất bình đẳng (362).

Công ích đòi hỏi phải tái phân phối của cải giữa những vùng miền khác nhau của hành tinh này vì lợi ích của những người cô thân cô thế cho đến nay bị gạt ra ngoài tiến bộ xã hội và kinh tế. Thách đố của thời điểm này là một nền toàn cầu hoá trong liên đới, một nền toàn cầu hoá không có ai phải ở bên lề (363).

Thương mại là một thành tố quan trọng trong các quan hệ kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, có những sai lạc trong hệ thống thương mại thế giới xuất phát từ chính sách bảo hộ mậu dịch, phân biệt đối xử đối với sản phẩm của các nước nghèo, và ngăn cản chuyển giao công nghệ cho các nước này. Huấn quyền đưa ra các tiêu chí sau cho các quan hệ kinh tế quốc tế:
  • theo đuổi công ích và hàng hóa phải là của chung cho mọi người hưởng dùng
  • công bằng trong các quan hệ thương mại
  • quan tâm tới quyền lợi và nhu cầu của người nghèo trong các chính sách về thương mại và hợp tác quốc tế (364)
  • bảo vệ nhân quyền (365).
Trong khi toàn cầu hoá lan rộng, các tổ chức khác nhau của xã hội dân sự nên đảm nhận các nhiệm vụ mới trong hoạt động kinh tế quốc tế. Toàn cầu hoá không bao giờ được trở thành chủ nghĩa thực dân, nhưng phải tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hoá:  tín ngưỡng và việc thực hành niềm tin bởi vì các xác tín tôn giáo chân chính là sự thể hiện quyền tự do của con người một cách rõ rệt nhất (366).

Trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, phải biết vận dụng và phát huy tình liên đới giữa các thế hệ. Muốn vậy, trong kế hoạch toàn cầu, cần thực hiện nguyên tắc của cải dành cho hết thảy mọi người. Nguyên tắc này cần được vận dụng trong việc bảo vệ các tài nguyên trái đất (367).

Hệ thống tài chính quốc tế (368-369)

Kinh nghiệm lịch sử chứng thực rằng nếu thiếu vắng các hệ thống tài chính thích hợp, tăng trưởng kinh tế sẽ không diễn ra (368).

Một nền kinh tế tài chính lấy mình làm cứu cánh sẽ đi ngược lại các mục tiêu của mình. Hệ thống tài chính quốc tế hiện nay có đặc điểm là đang bị mất thăng bằng nghiêm trọng. Các quốc gia bị loại khỏi các tiến trình đổi mới và phi quy định hoá thị trường tài chính không được hưởng các lợi ích của các thị trường tài chính mà lại phải gánh chịu các hậu quả tiêu cực của tình trạng bất ổn tài chính trong nền kinh tế của mình. Cần phải đưa ra một khung pháp lý có khả năng
  • bảo vệ sự ổn định của hệ thống
  • khuyến khích cạnh tranh giữa các tổ chức trung gian
  • bảo đảm tính minh bạch cao nhất có lợi cho các nhà đầu tư (369).

Vai trò của cộng đồng quốc tế trong kỷ nguyên kinh tế toàn cầu (370-372)

Việc các Nhà nước mất vai trò trung tâm phải trùng hợp với việc cộng đồng quốc tế quyết tâm đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực kinh tế và tài chính (370).

Cộng đồng quốc tế cần được trang bị các phương thức chính trị và pháp lý hữu hiệu và thích hợp để đảm nhận công việc điều hành các tiến trình của hệ thống kinh tế - tài chính toàn cầu (371).

Lĩnh vực chính trị cũng phải sẵn sàng trải rộng tầm hoạt động của mình vượt ra khỏi ranh giới quốc gia và bảo đảm phẩm giá và sự phát triển toàn diện của con người được tôn trọng, trong khuôn khổ công ích (372).

Một sự phát triển toàn diện trong liên đới (373-374)

Việc phát triển kinh tế quốc tế phải thăng tiến thiện ích của mỗi người và toàn thể con người. Cần phải có một sự phát triển toàn diện về tình liên đới. Phải có một tầm nhìn kinh tế nhắm đến bảo đảm có được sự phân phối công bằng các nguồn lực đáp ứng được sự ý thức về tính liên thuộc về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa ngày nay đang đoàn kết các dân tộc lại và làm cho họ cảm thấy mình có cùng chung số phận. Có nhu cầu về các mô hình phát triển nhắm đến việc mưu tìm và đảm nhận nhiệm vụ xây dựng một cuộc sống đàng hoàng hơn thông qua việc đồng lao cộng tác, phát huy một cách cụ thể phẩm giá và tính sáng tạo của mọi cá nhân cũng như ơn gọi hiệp thông với Thiên Chúa của họ (373).

Một sự phát triển các dân tộc trong tình liên đới giữa các dân tộc cũng sẽ đem lại lợi ích cho các nước giàu (374).

Nhu cầu đào tạo thêm về giáo dục và văn hoá (375-376)

Đời sống kinh tế chỉ là một khía cạnh của hoạt động con người. Không thể nào tuyệt đối hóa đời sống kinh tế. Việc tăng cường nhận thức về Thiên Chúa và về bản thân mình là cơ sở cho sự phát triển toàn diện xã hội loài người (375).

Cần đề ra nhiều chương trình đào tạo về giáo dục và văn hoá về việc:
  • giáo dục người tiêu dùng biết sử dụng quyền lựa chọn của mình một cách có trách nhiệm và
  • đào tạo một ý thức trách nhiệm mạnh mẽ nơi các nhà sản xuất và những con người  của các phương tiện truyền thông đại chúng (376).



Đan Quang Tâm tóm lược

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks