Khi có điều gì đó tự
nhiên và không thể tránh khỏi như cái chết mà bị cấm, chúng ta thấy có vẻ không
hợp lý chút nào. Như bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng trên đời này vẫn có những
chỗ không cho phép xảy ra cái chết. Thật ra điều cấm này đã có từ thế kỷ thứ V trước
công nguyên, khi mà cái chết không được phép xảy ra trên những khu đất tôn giáo
ở đảo Delos của Hy Lạp. Mỗi nơi có một lý do
riêng, khác nhau tùy theo niềm tin tôn giáo hoặc các yếu tố môi trường.
Trên đời
có những chuyện thật như đùa vậy. Đây là 4 nơi “cấm chết” trên thế giới:
Đảo
Itsukushima – Nhật. Theo đạo Shinto, đảo Itsukushima ở Nhật là
“thánh địa”, phải giữ cho thanh khiết. Cho nên khi cố gắng giữ nơi thiêng liêng
này, các tư tế của đền thờ phải làm việc khá vất vả để không xảy ra cái chết
nào tại nơi này. Từ năm 1878, không có cái chết nào hoặc sự sinh sản nào xảy ra
gần đền thờ này. Các thai phụ gần tới ngày sinh không được đến đó, kể cả người
già và người bệnh.
Trận
chiến duy nhất đã xảy ra tại đảo Itsukushima là
trận Miyajima năm 1555, người chiến thắng đã ra lệnh đem các thi thể đi khỏi
đảo ngay lập tức. Các vết máu phải được lau sạch, đất thấm máu phải được đào bỏ
đi, tòa nhà nào dính máu cũng phải được lau sạch ngay. Ngày nay, người ta vẫn
cấm bất kỳ cái chết nào xảy ra trên đảo Itsukushima .
Longyearbyen
– Na Uy. TP
Bắc cực Longyearbyen ở quần đảo Svalbard của Na
Uy cũng có luật “cấm chết”. Thành phố này chỉ có một nghĩa trang nhỏ nhưng
không tiếp nhận thêm một thi hài nào suốt hơn 70 năm qua. Lý do là các thi hài
không phân hủy. Người ta phát hiện các thi hài chôn tại Longyearbyen vẫn nguyên
vẹn nhờ các địa tầng đóng băng (permafrost). Các khoa học gia đã lấy mô từ thi
hài đàn ông chết chôn ở đó và thấy mô vẫn còn nguyên cho thấy người này chết vì
bệnh cúm trong đợt dịch cúm năm 1917.
Những
người bệnh nặng hoặc những người sắp chết đều phải được đưa đi gấp bằng đường
hàng không hoặc đường thủy tới một nơi khác ở Na Uy để sống những ngày cuối đời.
Falciano
del Massico – Ý. Tại Falciano del Massico, một thành phố nhỏ
ở Nam Ý, câu chuyện có khác. Người ta không được chết, không phải vì môi trường
hoặc tín ngưỡng, mà chỉ vì không còn chỗ chôn người chết. Thị trưởng ra luật mới
đầu tháng 3-2012 thế này: “Cấm cư dân vượt
biên giới của sự sống thế gian để đi vào kiếp sau”. Biên giới địa phương đã
được vạch lại năm 1964, Falciano del Massico đã tranh cãi với thành phố láng
giềng về quyền đối với nghĩa trang cũ. Thị trưởng đã quyết định xây nghĩa trang
mới, nhưng cho tới lúc đó, người ta bị buộc phải trì hoãn cái chết. Có lẽ họ
học biết điều gì đó từ dân làng Toraja ở Indonesia , và bắt người chết phải
ra khỏi thành phố.
Sarpourenx
– Pháp. Luật
“cấm chết” của Pháp còn “lạ” hơn. Luật này được ban hành bởi thị trưởng của
Sarpourenx, một làng có cảnh đẹp như tranh ở Tây Nam Pháp quốc. Quyết định này được
ban hành sau khi một tòa án ở Pháp từ chối cấp phép mở rộng nghĩa trang của
thành phố. Nhưng thị trưởng Gerard Lalanne còn đi xa hơn một chút, ông không
chỉ cấm chết mà những ai dám chết sẽ bị phạt
nặng. Rách việc! Quyết định của thị trưởng đã khiến cư dân Sarpourenx lo
lắng: “Nếu tôi chết thì chuyện gì xảy ra?”.
Thị trưởng này trường sinh bất tử chăng?