TÓM LƯỢC CHƯƠNG VI
“LAO ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI”
I. Những khía cạnh Kinh Thánh (255-266)
Bổn phận canh tác và chăm sóc trái đất (255-258)
Thiên Chúa Tạo Hoá đã ký thác các tạo vật của Người cho con người để con người thực thi quyền cai quản trên tạo vật bằng cách canh tác và
khuất phục chúng. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, tạo vật để cho con người sử dụng
(255).
Lao động chỉ trở thành vất vả sau khi con người sa ngã. Tuy
nhiên, mặc dù sa ngã, con người vẫn có sứ mạng khuất phục trái đất, sứ mạng này
không đổi (256).
Lao động đáng quý vì là nguồn phú túc, hoặc ít ra cũng là
nguồn các điều kiện cho một cuộc sống đường hoàng, một công cụ hữu hiệu chống
nghèo đói. Tuy nhiên, không được biến lao động thành một ngẫu tượng (257).
Việc nghỉ ngơi Sabát ngăn con người khỏi làm nô lệ cho lao động,
tự nguyện hoặc bị cưỡng bách, và mọi loại bóc lột, ẩn kín hoặc hiển hiện. Việc
nghỉ ngơi Sabát được lập ra để:
- Thờ phượng Chúa
- Bênh vực người nghèo
- Giải thoát con người khỏi bị những suy thoái phản xã hội của
lao động con người (258).
Đức Giêsu, con người lao động (259-263)
Đức Giêsu dạy ta giá trị lao động:
- Người làm nghề thợ mộc
- Người lên án thái độ của người đầy tớ vô dụng đem chôn tiền bạc
- Người khen người tôi tớ khôn ngoan và trung thành Chủ bắt gặp đang làm công việc Chủ giao
- Người mô tả sứ mạng của mình như một công việc
- Người gọi các môn đệ là những người thợ trong mùa gặt của Chúa
- Người áp dụng nguyên tắc “thợ đáng được hưởng lương” cho các môn đệ (259).
Đức Giêsu dạy ta không được làm nô lệ cho công việc:
- Con người phải chăm lo phần hồn của mình
- Mục đích cuộc đời con người không phải giành giật để được lời lãi cả thế gian
- Con người phải đặt tâm hồn vào những kho tàng không bị hư hại trên trời
- Không được biến lao động thành nguồn sinh ra mọi lo lắng, vì lo lắng có thể làm ta xa rời sự cần duy nhất: Nước Thiên Chúa
- Lao động chỉ tìm được vị trí của nó trong việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa (260).
Trong sứ vụ trần gian, Đức Giêsu làm việc không mỏi mệt để
giải thoát con người khỏi bệnh tật, đau khổ và sự chết. Người tái khẳng định ý
nghĩa nguyên thủy của ngày Sabát: ngày Sabát được lập vì con người, chứ không
phải con người vì ngày Sabát. Ngày Sabát là để tận hiến cho Thiên Chúa và phục
vụ tha nhân (261).
Hoạt động của con người tìm thấy nguồn gốc và khuôn mẫu của
mình trong Ngôi Lời hằng hữu. Trong Đức Giêsu Kitô, thế giới hữu hình khôi phục
quan hệ nguyên thủy với Ba Ngôi Thiên Chúa. Kết hợp với Đức Kitô, lao động của
con người có thể trở thành một sự ca ngợi và thờ phượng Thiên Chúa (262)
Lao động con người có thể trở nên một sự tham gia vào công
trình Sáng tạo và Cứu chuộc. Dù là một bổn phận, lao động có thể được xem là một
phương thế thánh hoá (263).
Bổn phận lao động (264-266)
Không ai được miễn trừ khỏi tham gia lao động. Không ai có
thể sống dựa vào người khác. Người tín hữu phải đảm đương công việc của
mình theo cung cách của Đức Kitô và biến nó thành cơ hội để làm chứng về Đức
Kitô (264).
Lao động không phải là “nô dịch” (opus servile); lao động là
“việc của con người” (opus humanum), mang tính nhân bản và có khả năng nhân bản
hoá. Nhàn cư vi bất thiện; lao động tốt cho cả thân xác và linh hồn. Các Kitô hữu
làm việc không phải chỉ lo cho mình có cơm ăn áo mặc, mà còn để tiếp đón những
người nghèo đói (265).
Lao động hướng đến bác ái như mục tiêu cuối cùng của mình và
trở thành dịp để chiêm niệm và cầu nguyện (266).
II. Giá trị tiên tri của Thông điệp Rerum Novarum (267-269)
Thông điệp Rerum Novarum của Đức Giáo hoàng Lêô
XIII bàn về vấn đề người lao động: người lao động bị bóc lột trong Thời đại
Công nghiệp (267).
Thông điệp mạnh mẽ bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của người
lao động có liên quan đến
- quyền tư hữu
- nguyên tắc cộng tác giữa các giai cấp
- các quyền của người yếu thế và người nghèo
- các nghĩa vụ của thợ và chủ
- quyền thành lập hiệp hội (268).
Thông điệp Laborem Exercens phát huy quan điểm
nhân vị trong các thông điệp trước. Lao động là chìa khoá cho toàn bộ vấn đề xã
hội và là điều kiện không những để phát triển kinh tế mà còn để phát triển văn
hóa và thăng tiến con người (269).
III. Phẩm giá của lao động (270-286)
Những khía cạnh chủ quan và khách quan của lao động
(270-275)
Lao động của con người có cả ý nghĩa khách quan lẫn chủ
quan. Theo nghĩa khách quan, lao động là “tổng hợp những hoạt động, những tài
nguyên, những phương tiện và công nghệ mà con người dùng để sản xuất ra sự vật
và để thi hành quyền thống trị của mình trên trái đất”. Theo nghĩa chủ quan,
lao động là “hoạt động của một con người”. Con người là “một chủ thể có
khả năng hành động một cách có kế hoạch và hợp lý, có khả năng quyết định về bản
thân mình và có xu hướng thể hiện bản thân mình”. Chiều kích khách quan của lao
động thì hay thay đổi, có thể thay đổi tùy thuộc vào các điều kiện lao động.
Chiều kích chủ quan thì không thay đổi (270).
Khía cạnh chủ quan này đem lại cho lao động một phẩm giá.
Theo nghĩa này, lao động là một “hành vi của con người” (actus personae). Chiều
kích chủ quan quan trọng hơn chiều kích khách quan của lao động (271).
Lao động của con người hướng đến con người, lấy con người
làm mục tiêu cuối cùng. Lao động vì con người, chứ không phải con người
vì lao động (272).
Lao động cũng có một chiều kích xã hội nội tại cho những người
khác (như gia đình của mình) và với người khác (273). Lao động là một một nghĩa
vụ luân lý đối với người thân cận (gia đình) và đối với toàn thể xã hội (274).
Lao động xác nhận phẩm giá của con người với tư cách là những
tạo vật được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa (275).
Quan hệ giữa lao động và tư bản (276-280)
Do ý nghĩa chủ quan hoặc nhân vị, lao động vượt lên trên mọi
yếu tố sản xuất khác, đặc biệt là vốn. Vốn bao gồm:
- tư liệu sản xuất
- nguồn tài chính
- nguồn nhân lực.
Thuật ngữ “vốn xã hội” nghĩa là “khả năng của một tập thể
cùng làm việc với nhau, kết quả của việc đầu tư vào các quan hệ tin tưởng lẫn
nhau”. Sự đa dạng về ý nghĩa này cung cấp cho ta nhiều chất liệu hơn để suy
nghĩ về mối tương quan giữa lao động và tư bản ngày nay (276).
Lao động có một ưu tiên nội tại so với tư bản. Lao động và tư
bản có mối quan hệ bổ sung: tư bản không thể tồn tại mà không có lao động; lao
động không thể tồn tại mà không có tư bản (277).
Tuy nhiên, “nguồn lực chính” và “nhân tố quyết định” luôn
luôn là con người (278).
Nên khắc phục bất kỳ sự đối kháng nào giữa lao động và tư bản
(279-280).
Lao động, quyền tham gia (281)
Quan hệ giữa lao động và tư bản còn được biểu hiện khi người
lao động tham gia vào quyền sở hữu, quản lý và lợi nhuận trong việc thực thi
quyền và sử dụng tư hữu.
Quan hệ giữa lao động và tư hữu (282-283)
Quyền tư hữu phải phục tùng nguyên tắc của cải là chung cho
mọi người hưởng dùng. Quyền tư hữu
- không được cản trở sự phát triển của người khác
- phải được dùng để phục vụ lao động
- cấm chiếm hữu các phương tiện sản xuất để chống lại lao động (282).
Tư hữu và công hữu phải hướng đến một nền kinh tế phục vụ
nhân loại (283).
Nghỉ ngơi (284-286)
Nghỉ ngơi không lao động là một quyền. Việc nghỉ ngơi ngày
Chủ nhật dành cho
- việc thờ phượng
- gia đình
- việc phát triển cá nhân (về văn hóa, xã hội, tôn giáo) (284).
Chủ nhật là ngày được thánh hoá bằng việc bác ái, là thời
gian để tịnh dưỡng, suy niệm và học hỏi như một ngày giải phóng, cho người ta nếm
trước ngày Sabát của Chúa (285).
Chính quyền có nhiệm vụ bảo đảm cho các công dân không bị từ
khước thời gian nghỉ ngơi và thờ phượng Thiên Chúa (286).
IV. Quyền lao động (287-300)
Lao động là cần thiết (287-290)
Lao động là một quyền cơ bản và một điều tốt lành cho con người.
Lao động cần thiết để
- hình thành và duy trì gia đình
- người ta có quyền tư hữu
- đóng góp vào công ích.
Thất nghiệp là một “thảm họa thực sự của xã hội”, nhất là đối
với các thế hệ trẻ (287).
Công ăn việc làm cần phải có cho tất cả mọi người có khả
năng. “Toàn dụng nhân công” là một mục tiêu mà mọi hệ thống kinh tế hướng đến
công lý và công ích đều nhắm đến (288).
Tất cả các kế hoạch cho tương lai xã hội đều được đo lường
trên cơ sở các triển vọng về công ăn việc làm mà xã hội đó có thể cung ứng
(289).
Việc duy trì công ăn việc làm tùy thuộc vào khả năng chuyên
môn của người lao động. Do đó, cần cung cấp các khóa đào tạo cho người lao động
để họ có thể chu toàn trách nhiệm một cách hữu hiệu (290).
Vai trò của Nhà nước và xã hội dân sự trong việc phát huy quyền lao động (291-293)
Nhà nước có nhiệm vụ đề ra các chính sách lao động tích cực,
có khả năng tạo ra các cơ hội việc làm trên toàn quốc và có biện pháp ưu đãi để
giúp khu vực sản xuất đạt được mục tiêu tạo công ăn việc làm (291).
Có nhu cầu đẩy mạnh hợp tác quốc tế có hiệu quả giữa các Nhà
nước qua các hiệp ước, hiệp định và các kế hoạch hành động chung, nhằm bảo vệ
quyền lao động, cả ở trong các giai đoạn khủng hoảng của chu kỳ kinh tế, trên bình
diện quốc gia lẫn quốc tế (292).
Cần có một “quy trình cởi mở” qua đó xã hội có thể tự tổ chức
lấy trong những vấn đề có liên quan đến lao động. Có thể tìm thấy tại nhiều tổ
chức – kinh doanh và xã hội – chứng từ về các hình thức tham gia, hợp tác và tự
quản, kết hợp mọi nguồn năng lực trong tinh thần liên đới. Các sáng kiến của
“khu vực thứ ba” này càng ngày càng trở thành một cơ hội quan trọng để phát triển
lao động và kinh tế (293).
Gia đình và quyền lao động (294)
Lao động là nền tảng để xây dựng đời sống gia đình. Lao động
là phương thế sinh tồn và là sự bảo đảm cho tiến trình nuôi dạy con cái. Nhà nước
và xã hội nên đề ra các chính sách nâng đỡ cho tế bào gia đình.
Phụ nữ và quyền lao động (295)
Cần bảo đảm cho người phụ nữ có mặt ở nơi làm việc. Phụ nữ cần
được đào tạo về nghiệp vụ. Trong việc nhìn nhận và bảo vệ các quyền về lao động
của người phụ nữ, cần phải xem xét đến phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ.
Lao động trẻ em (296)
Lao động trẻ em, dưới những hình thức không thể chấp nhận,
là một loại bạo động, tuy không nhận thấy rõ nhưng không kém kinh khủng. Giáo hội
lên án việc bóc lột trẻ em. Đức Giáo hoàng Lêô XIII cảnh báo: “Đối với trẻ em,
cần hết sức quan tâm không để cho trẻ em bị đưa vào các xưởng thợ và nhà máy
khi cơ thể và tinh thần của các em chưa phát triển đủ. Bởi vì, thời tiết khắc
nghiệt hủy hoại các búp non như thế nào thì kinh nghiệm quá sớm về những vất vả
của cuộc sống sẽ làm thui chột triển vọng non trẻ về việc phát triển các khả
năng của các em, và như thế việc giáo dục các em sẽ vô phương thực hiện”.
Vấn đề nhập cư và lao động (297-298)
Việc nhập cư có thể là một nguồn phát triển, chứ không phải
là một trở ngại (297). Các nước chủ nhà phải bảo đảm các quyền lợi của người nhập
cư, ngăn chặn tình trạng người nhập cư bị bóc lột và từ khước các quyền mà dân
bản xứ được hưởng (298).
Thế giới nông nghiệp và quyền lao động (299-300)
Lao động nông nghiệp cần phải được quan tâm bởi vì
- vai trò của lao động nông nghiệp về mặt xã hội, văn hoá và kinh tế vẫn còn quan trọng tại các nước phát triển
- nhiều vấn đề mà lao động nông nghiệp phải đối phó trong bối cảnh toàn cầu hoá
- tầm quan trọng ngày càng tăng của lao động nông nghiệp trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên (299).
Cải cách ruộng đất trở nên không những một sự cần thiết về
chính trị mà còn là một nghĩa vụ luân lý. Nếu không thực hiện cải cách, quốc
gia sẽ không hưởng được những lợi ích do việc mở cửa thị trường, và nói chung,
các cơ hội phát triển mà tiến trình toàn cầu hoá hiện nay đem lại (300).
V. Các quyền của người lao động (301-304)
Phẩm giá người lao động và việc tôn trọng các quyền của người lao động (301)
Các quyền của người lao động dựa trên phẩm giá con người. Huấn
quyền liệt kê một số quyền:
- quyền hưởng lương công bằng
- quyền nghỉ ngơi
- quyền có môi trường làm việc không phương hại sức khỏe và nhân phẩm
- quyền được bảo vệ phẩm giá tại nơi làm việc
- quyền được hưởng những trợ cấp thích đáng để nuôi sống gia đình và bản thân khi thất nghiệp
- quyền được hưởng lương hưu và bảo hiểm khi về già, bệnh tật hay bị tai nạn lao động
- quyền được hưởng an sinh xã hội (đặc biệt là đối với người phụ nữ khi sinh con)
- quyền hội họp và lập hội.
Tuy nhiên, các quyền này hay bị vi phạm. Người lao động thường
bị trả lương thấp và không được bảo vệ các quyền của mình.
Quyền được hưởng lương công bằng và phân chia lợi tức (302-303)
Lương công bằng là kết quả chính đáng của lao động. Lương trả
cho lao động phải sao cho người lao động có phương tiện chăm lo đời sống vật chất,
xã hội, văn hoá và tâm linh của mình và của những người phụ thuộc. Chỉ có sự
thoả thuận giữa thợ và chủ về số tiền sẽ nhận thì chưa đủ. Lương công bằng
không được thấp hơn mức sống. Công bằng phải đi trước tự do kết ước (302).
Muốn phân chia lợi tức một cách công bằng, phải dựa vào các
tiêu chuẩn không những về công bằng giao hoán mà còn về công bằng xã hội.
Các chính sách xã hội về tái phân chia lợi tức phải xét đến công lao cũng như
nhu cầu của công dân (303).
Quyền đình công (304)
Đình công là chính đáng
- khi không thể tránh được
- khi cần giành được một lợi ích tương xứng
- khi các phương pháp khác để giải quyết tranh chấp đều không hiệu quả.
Đình công là “sự từ chối tập thể và có phối hợp của các người
lao động không thực hiện các dịch vụ nhằm mục đích tạo áp lực để đạt đến […] điều
kiện làm việc tốt hơn hoặc sự cải thiện địa vị xã hội của mình”. Đình công, “như
một loại tối hậu thư”, phải luôn luôn là một biện pháp hoà bình.
Đình công sẽ trở thành
- không thể chấp nhận được về mặt luân lý
- khi có bạo lực đi kèm khi các mục tiêu nêu ra không trực tiếp liên quan đến điều kiện làm việc hoặc khi các mục tiêu đó đi ngược với công ích.
VI. Liên đới giữa các người lao động (305-308)
Tầm quan trọng của các liên đoàn lao động (305-307)
Huấn quyền nhìn nhận vai trò của các liên đoàn lao động. Sự
hiện hữu của liên đoàn lao động liên quan đến quyền lập hội và quyền bảo vệ các
lợi ích của người lao động. Liên đoàn lao động là một nhân tố không thể thiếu được
trong đời sống xã hội (305).
Thái độ cộng tác phải là đặc trưng của lao động. Liên đoàn
lao động là tác nhân xúc tiến cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội. Tuy nhiên,
các liên đoàn lao động
- không được phép lạm dụng các công cụ tranh đấu
- phải khắc phục cám dỗ cho rằng người lao động nào cũng phải là đoàn viên công đoàn
- phải có khả năng tự quản
- phải có khả năng đánh giá các hậu quả mà các quyết định của mình có thể có đối với công ích (306).
Liên đoàn lao động còn là người đại diện lo việc sắp xếp đời
sống kinh tế cho phù hợp và giáo dục lương tâm xã hội của người lao động. Liên
đoàn lao động phải cộng tác với các cơ quan khác, có nhiệm vụ tạo ảnh hưởng
trên trường chính trị, làm cho các nhà chính trị phải nhạy bén trước các vấn đề
lao động và giúp họ công nhận các quyền của người lao động. Tuy nhiên, liên
đoàn lao động không được mang tính chất của các đảng phái chính trị và cũng
không nên được sử dụng vào các mục đích chính trị (307).
Những hình thức liên đới mới (308-309)
Trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện đại, có đặc điểm là tiến
trình toàn cầu hoá về tài chính và kinh tế đang diễn ra nhanh chóng, các liên
đoàn lao động được kêu gọi hãy hoạt động theo những phương thức mới, mở rộng tầm
hoạt động liên đới của mình, và cố gắng tái khám phá giá trị chủ quan của lao động
(308).
Các liên đoàn lao động cần phải mở rộng thêm việc lãnh nhận
các trách nhiệm mới (309).
VII. “Những điều mới” của thế giới lao động hiện nay
(310-322)
Một giai đoạn chuyển tiếp làm nên lịch sử (310-316)
Hiện tượng toàn cầu hoá là một trong những nguyên nhân quan
trọng nhất của những thay đổi trong việc tổ chức lao động. Hai nhân tố hàng đầu
đóng góp vào việc toàn cầu hóa:
- tốc độ truyền thông và
- việc di chuyển khá dễ dàng hàng hoá từ nơi này sang nơi khác trên thế giới.
Toàn cầu hóa tự bản thân không tốt cũng không xấu, tốt hay xấu
tùy vào phương cách sử dụng (310).
Những thay đổi do toàn cầu hóa đem lại:
- phân mảnh chu kỳ sản xuất (311)
- toàn cầu hóa kinh tế
- tự do hóa các thị trường
- cạnh tranh gay gắt
- gia tăng những doanh nghiệp chuyên dùng trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ.
Những thay đổi này đòi hỏi thị trường lao động và việc tổ chức,
quản lý các quy trình sản xuất phải linh hoạt hơn. Thật vậy, các biến đổi của
thị trường lao động thường là một hậu quả của sự thay đổi về lao động, chứ
không phải là nguyên nhân sự thay đổi này (312).
Lao động, nhất là lao động tại các nước phát triển, đang
chuyển từ giai đoạn kinh tế công nghiệp hóa sang nền kinh tế chủ yếu dựa trên dịch
vụ và các đổi mới công nghệ. Nhờ các đổi mới công nghệ, một số loại lao động mới
đang xuất hiện trong khi một số ngành nghề đang biến mất. Có sự chuyển dịch
công nhân từ khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ. Cách riêng, có sự gia
tăng việc làm trong lĩnh vực dịch vụ cá nhân, việc làm bán thời gian, việc làm
tạm thời và việc làm phi truyền thống (loại việc làm người lao động không còn
có thể phân loại một đơn giản là người làm thuê cho kẻ khác, hoặc làm cho chính
mình) (313).
Có một sự chuyển đổi từ các “việc làm ổn định” sang một loạt
các việc làm có đặc trưng của nhiều loại hình lao động (314).
Việc phi tập trung sản xuất mang đến sinh lực và năng lực mới
cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lao động tại các doanh nghiệp này, lao động của
các thợ thủ công và lao động độc lập có thể tạo ra cơ hội giúp cho cuộc sống
lao động được nhân bản hơn, phát huy óc sáng kiến và tinh thần doanh nghiệp;
tuy nhiên, mặt trái là có nhiều trường hợp người lao động bị đối xử bất công, bị
trả lương thấp và công việc không ổn định (315).
Tại các nước đang phát triển, có sự mở rộng các hoạt động
kinh tế “không chính thức” và “ngầm”. Đây là những dấu hiệu hứa hẹn sự tăng trưởng
kinh tế, nhưng đặt ra các vấn đề về đạo đức và pháp lý. Nhiều người phải làm việc
trong những điều kiện tồi tệ và thiếu luật để bảo vệ phẩm giá người lao động
(316).
Học thuyết xã hội và “những điều mới” (317-322)
Trước các thay đổi trên, Giáo hội dạy rằng
- Cần tránh sai lầm cho rằng những thay đổi đang diễn ra hiện nay là tất yếu. Nhân tố mang tính quyết định và cần phải xem xét của giai đoạn phức tạp này vẫn là con người. Điểm nhấn chính là chiều kích chủ quan của lao động (317).
- Các giải thích máy móc và duy kinh tế về hoạt động sản xuất đã lỗi thời. Mục tiêu con người cần nhắm đến không phải là “có” (having) mà là “là” (being) (318).
- Các hình thức lao động có thể thay đổi theo lịch sử, nhưng nhân vị thì không. Các quyền con người của người lao động phải luôn luôn được tôn trọng (319).
- Các nhà khoa học và văn hóa được mời gọi đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề có liên quan đến lao động (320).
- Những sự mất cân đối về kinh tế và xã hội cần phải được giải quyết bằng cách khôi phục lại trật tự đúng đắn của các giá trị, và đặt phẩm giá người lao động lên trên hết (321).
- Công nghệ có thể là công cụ đem lại hiện tượng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, nguyên nhân tối hậu của việc toàn cầu hóa là tính đại đồng của gia đình nhân loại. Toàn cầu hóa phải được đặt vào chỗ phục vụ con người (322).
Đan Quang Tâm tóm lược