ngày tháng năm

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Tu Đức trong Hôn nhân và Gia đình


Dẫn nhập

Trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu mới đây để chuẩn bị cho Ngàn Năm Thứ Ba, ÐGH Gioan Phaolô đã viết rầng : "Tương lai thế giới và Giáo Hội thông qua gia đình". Ðây cũng là lời mà hai mươi năm về trước Ngài đã từng nói với Liên Hiệp các Văn Phòng Tư Vấn Gia Ðình vào năm 1980 và sau đó Ngài còn lặp lại trong Tông Thư Familiaris Consortio, kết quả của Khóa Họp khoáng đại thường kỳ của Thượng Hội Ðồng các Giám Mục về Gia Ðình.

Và cũng tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, Ðức Cha Lawrence Thienchai Samanchit, GM Chanthaburi đã nhắc lại : "Tôi muốn kéo các Nghị Phụ chú ý tới sự canh tân Giáo Hội để mừng năm 2000 qua việc chăm sóc các gia đình", vì "tương lai nhân loại và Giáo Hội đi qua gia đình", như ÐTC đã nói trong Tông Huấn Familiaris Consortio. 

Xác tín về câu khẳng định của ÐGH "tương lai nhân loại và Giáo Hội đi qua gia đình" và để đáp lại lời mời gọi "canh tân Giáo Hội để mừng Năm Thánh 2000 qua việc chăm sóc gia đình" và để góp phần vào việc chuẩn bị cử hành Ngày Năm Thánh cho Gia Ðình, bài viết này nhằm đưa ra một vài gợi ý về tu đức nói chung và cách riêng trong cuộc sống hôn nhân và gia đình để giúp cho mỗi người biết canh tân và sống đúng với ơn gọi của mình, khám phá ra mọi chiều kích của tình yêu nhờ việc cộng tác với ơn Chúa qua các bí tích. Tất nhiên đây không phải là những gì mang tính chất mới mẽ, nhưng chỉ là những điều căn bản mà nhiều lúc chúng ta không để ý tới. 
Ngày nay cần có một nền tu đức không ? 
Câu hỏi này không phải vô ích, và cũng không dễ gì có được một câu trả lời đầy đủ. Hơn nữa, chúng ta cần phải đặt vấn đề này luôn, vì thời đại chúng ta đang sống người ta quá quan tâm đến đời sống kinh tế, kỹ thuật, và chuyện làm ăn sinh sống. Tuy nhiên cũng có những dấu và mầm mống báo hiệu lòng mong muốn có một nền tu đức cho cuộc sống tâm linh. 
Có người đặt câu hỏi : "Có phải con người thời nay hờ hững về tôn giáo không? Ngoài chủ thuyết vô thần, thế giới ngày nay nói chung, nhất là tại các nước tiến bộ về khoa học kỹ thuật, các nước Âu Tây, người ta không mấy quan tâm đến đời sống tôn giáo; có một sự hờ hững tôn giáo kèm theo cả sự hững hờ về cuộc sống xã hội và chính trị nữa. Hình như người dân không muốn gây nhiều vấn đề; người ta muốn sống an bình, khép kín, hưởng thụ những gì mình đang có và vui mừng an phận vì có được như vậy. 
Nhưng trở lại vấn đề, có phải chăng con người thời nay hờ hững với đời sống tôn giáo ? Sự hững hờ trong việc sống đạo làm cho Giáo Hội phải suy nghĩ về những hoạt động của mình. Có thể đây là một dấu báo hiệu sự khước từ về tính chất tôn giáo nặng về cơ chế, lễ nghi và coi trọng hình thức mà bên trong thì trống rỗng, hoặc là vì quyền bính tôn giáo đã làm phai mờ đi nền tu đức đích thực ! 
Bởi vậy, sự hững hờ về tôn giáo này có thể đưa đến kết luận là vì thiếu vắng nền tu đức! Ngày nay, con người mang nhiều thứ dị ứng, nhàm chán cả những lễ nghi, chối bỏ cả tính chất tôn giáo, mang nặng hình thức của quá khứ. Những phản ứng này có thể mở đường dẫn đến việc tìm kiếm một nền tu đức đích thực, ít lý thuyết nhưng nhiều thực hành, ít thụ động và nhiều sáng tạo hơn. 
Cho dù nhiều triết gia như Freud, Nietzsche, Feuerbach, Compte từ thế kỷ trước đã tiên đoán về sự suy tàn của tôn giáo, ngày nay những người này đã chết, nhưng tôn giáo vẫn còn và còn có nhiều phong trào thiêng liêng được phát sinh cho thấy sức sống của ý nghĩa tôn giáo trong thế giới vẫn còn hoạt động. "Ðiều kinh ngạc mà thời đại chúng ta đã dành cho thế giới không gây ngạc nhiên gì mấy nơi các lời tiên đoán về những sự kiện tương lai sẽ xảy ra là do sự tồn tại của yếu tố huyền bí, và không những chỉ nằm đằng sau của văn hóa, nhưng ngay cả trong việc sống còn của văn hóa nữa" .
 Ngày nay có nhiều nơi để các bạn trẻ tập họp sống những kinh nghiệm cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa, những nơi giúp họ có được một niềm tin đích thực. Và Ðại Hội Giới Trẻ vừa qua là một bằng chứng hùng hồn cho chúng ta về điều đó. Ðàng khác, nhiều người cho rằng khoa học kỹ thuật đã không giữ đúng được những hứa hẹn của mình là thay vì cống hiến cho con người một thế giới tương xứng với con người hơn, thì lại làm cho cuộc sống trở nên phức tạp, con người lo âu và lạnh nhạt với nhau, tương lai bị bấp bênh và môi sinh càng bị ô nhiễm hơn !

Bởi vậy, con người ngày càng cảm thấy cần phải phá đổ sức ép ấy để làm sống dậy những dự phóng mà con người mang trong chính mình, để có thể đáp trả được những vấn nạn khẩn thiết nhất của con người và nhờ thế con người mới có thể tìm gặp lại được chính mình. 
Những ước vọng này có thể dẫn đến những con đường sai lầm, chẳng hạn như những giáo phái mới xảy ra trong những năm gần đây tại các nước kỹ nghệ đã phát triển, và ngay tại những Nước kém mở mang cũng không thiếu gì những hiện tượng tôn giáo mới. Tuy nhiên, trong một khía cạnh khác thì chúng ta có thể nhận ra được là con người luôn nhạy cảm trước chiều kích siêu việt của cuộc sống.

Trong ý nghĩa đó, bổn phận của người tín hữu là đừng bao giờ thiếu hy vọng, hay nói đúng hơn là phải đặt hy vọng vào tương lai, tuy nhiên với điều kiện là đừng tìm trả lời những vấn nạn tôn giáo hiện thời bằng những cách trả lời cổ xưa của quá khứ. Những vấn nạn mới cần có những tìm tòi mới và những câu giải đáp mới. Và đó chính là bổn phận và là thách đố của Giáo Hội và cho Giáo Hội ngày hôm nay cần tìm ra con đường tu đức cho cuộc sống của mỗi người tín hữu.

Thế nào là Tu Ðức ? 
Vấn đề trước hết là Giáo Hội phải làm sao cho người tín hữu hiểu được thế nào là "tu đức"? Danh từ "tu đức" này có ý nghĩa gì ? Phải chăng tu đức chỉ được xử dụng cho giới "tu trì" mà thôi hay có thể áp dụng cho mọi người ? 
Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu và đưa ra một định nghĩa về tu đức để có thể hiểu áp dụng vào trong lãnh vực hôn nhân và gia đình.
"Tu đức" là "cách thế riêng biệt" nhờ đó một người có thể đáp lại Lời mời gọi của Thiên Chúa giúp mình trưởng thành hơn "trong chương trình của Ngài", làm phát triển những đặc tính của đời sống liên quan đặc biệt với những ân huệ mà mình lãnh nhận cùng với ơn gọi của mình. 
Chương trình của Thiên Chúa đối với cuộc đời tôi qua Lời mời gọi của Ngài, tôi có thể nhận biết được qua hai điểm : thứ nhất là từ những ân huệ mà Ngài trao ban và thứ đến là từ ơn gọi mà Ngài đã đặt để nơi mỗi người. 
Trả lời được hai điểm này tức là tôi đang sống được nền tu đức của tôi. 
Vì vậy, tu đức có nghĩa cuộc hành trình mà tôi cố gắng thực hiện để được trưởng thành hơn trong mọi lãnh vực như một con người được tác động và được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. 
Cái "con người tôi" ở đây bao gồm cả thể lý, tâm lý, tinh thần. Và cần nhớ luôn rằng tinh thần con người được tạo dựng thì luôn hướng về với Thần Trí của Thiên Chúa.
Chúa Thánh Thần hằng liên tục mời gọi tôi bằng Lời Ngài (Lời Ngài ở đây chúng ta có thể hiểu tất cả những phương thế qua đó Ngài mời gọi con người : những khả năng gắn liền trong con người, Lời Chúa trong Kinh Thánh, trong Giáo Hội, những Bí Tích, ơn gọi riêng biệt, v, v,… ). 
Nếu tôi đáp trả được Lời mời gọi này của Thiên Chúa tức là tôi đang sống được nền tu đức của tôi. Như thế, tu đức có nghĩa là cả cuộc hành trình giúp tôi trưởng thành hơn trong chương trình của Chúa về phương diện nhân bản và cả kitô giáo. Ðể hiểu được định nghĩa này con người cần phải xác tín những điểm sau đây :
1. Tình yêu vô biên của Chúa đối với mọi người. Ngài thương yêu hết mọi người và muốn cho mọi người được cứu rỗi, hưởng hạnh phúc với Ngài cho đến muôn đời.
Tình yêu vô biên củaChúa đối với mọi người, nhưng tình yêu đó được biểu lộ trong nhiều cách thế khác nhau. Trong dụ ngôn những tá điền làm vườn nho : có người được mời gọi từ lúc chín giờ, mười hai giờ, ba giờ rồi năm giờ chiều. Mọi người đều được mời gọi, nghĩa là Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài cho mỗi người và mỗi người phải biết trả lời đối với lời mời gọi của Ngài. 
2. Lời mời gọi mọi người đến với sự cứu độ, nhưng bằng những con đường khác nhau. Lời mời gọi ấy được thực hiện bằng những con đường khác nhau. Mỗi người có một con đường phải đi, nhưng tất cả đều nằm trong ơn gọi chung là dẫn tới sự cứu độ, là ơn gọi nên thánh. "Các con hãy nên thánh như Cha trên trời là Ðấng Thánh".
3. Phục vụ Giáo Hội và thế giới. Ðã là người và là người kitô hữu hay Giáo Hội, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi đến với sự cứu độ, nhưng tất cả đều nằm trong kế hoạch của chương trình phổ quát. Thiên Chúa mời gọi con người đến với Ngài là để Ngài sai đi cứu độ thế giới và xây dựng Giáo Hội của Ngài. 
Vì vậy, chúng ta phải cảm nhận rằng chúng ta được mời gọi phục vụ trong một ơn gọi đặc biệt nào đó. Và do đó có nhiều ơn gọi và mỗi ơn gọi đều có con đường tu đức riêng : Tu đức cho giáo dân, tu đức của linh mục, của tu sĩ, v.v.. ., nhưng tất cả đều nằm trong nền tu đức kitô giáo, chung cho tất cả mọi người trong nhiều cách thế riêng biệt liên hệ đến ơn gọi và ân huệ của mỗi người và mỗi lối sống khác nhau.
Tu Ðức trong hôn nhân và gia đình 
Với những khái niệm vừa được trình bày, chúng ta có thể hiểu được về tu đức cho hôn nhân tức là đề cập đến cuộc sống của hai vợ chồng và tu đức cho gia đình tức là bao gồm cả vợ chồng và con cái. 
Ðể hiểu rõ hơn về tu đức cho hôn nhân chúng ta cần nghĩ đến một lãnh vực bao quát hơn, làm cội nguồn của mọi nền tu đức đó là bí tích rửa tội. Tiếp đến là lãnh vực riêng biệt hơn bắt nguồn từ bí tích hôn nhân. Bởi vì không thể nói đến tu đức cho hôn nhân và gia đình mà quên đi nền tu đức trước tiên dành cho mọi người qua bí tích rửa tội được. 
Bí Tích Rửa Tội
Tu đức cho vợ chồng trước hết phải là nền tu đức kitô giáo. Vậy, đâu là nền tu đức kitô giáo? Bí tích Rửa Tội ban cho tôi điều gì ? và tôi phải thực hiện làm sao trong chương trình của Thiên Chúa trong cuộc đời tôi ? 
Với Bí tích Rửa Tội chúng ta trở thành con cái của Chúa, chi thể của Ðức Kitô, thành phần của Dân Chúa là Hội Thánh Ngài. Và bằng Bí tích Rửa Tội chúng ta được nối kết với mầu nhiệm của Ðức Kitô, chúng ta được thông dự vào ba đặc tính củaNgài trong kế hoạch cứu độ là : tiên tri, tư tế và vương giả. Như những người đã được Rửa Tội, chúng ta được thông dự vào sứ vụ linh mục, tiên tri và vương đế của chính Ðức Kitô. Bởi thế nền tu đức kitô giáo mang lấy những đặc điểm ấy qua việc thông dự vào ba sứ vụ đặc biệt ấy của Ngài. 
Sứ vụ tiên tri : Nhờ ơn Bí tích Rửa Tội tôi được thúc đẩy để rao giảng cho mọi người anh em về Lời Chúa, về Tình Yêu của Ngài, về ý định cứu rỗi của Ngài đối với họ. Người tín hữu thực hành việc tu đức của mình qua việc phục vụ Lời Chúa, rao giảng, thông truyền cho người khác sức mạnh của Lời cứu rỗi đến từ Thiên Chúa.

Sứ vụ tư tế : Qua Bí tích Rửa Tội, và nhất là nhờ Bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi trở nên người trung gian giữa Thiên Chúa và mọi người anh em. Chúng ta phải biết dâng lên Thiên Chúa việc thờ phượng, tình yêu, lời ca ngợi, tâm tình tạ ơn của cả Giáo Hội và chúng ta còn phải biết giúp đỡ anh chị em chúng ta bằng lời cầu nguyện, bằng sự hy sinh, bằng việc tông đồ để họ cũng được cứu rỗi và thánh hóa chính họ nữa. 
Sứ vụ vương đế : Ðức Kitô trở nên Vua của tình yêu và phục vụ, qua việc tùng phục thánh ý của Chúa Cha và Ngài đã chết cho mọi người. Thông dự vào tư cách vương đế của Ðức Kitô có nghĩa là thực hiện đức ái mục tử của Ngài giải thoát mọi người khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết. Việc thông dự này đòi buộc chúng ta làm mọi sự ở trần gian này theo ý định của Thiên Chúa. Ngài đã đặt để mọi sự trong tay con người để con người cũng biết đặt mọi sự vào bàn tay của Ngài. Làm thế nào để con người đừng trở nên nô lệ của cải, nhưng giúp họ hiểu phải dùng của cải cho đúng với mình và anh em đồng loại ngõ hầu họ được thăng tiến và cho mọi người cùng thăng tiến, đồng thời giúp con người đón nhận tính cách vương đế của Thiên Chúa, Ðấng giải thoát mọi người. 
Ở đây, thiết tưởng cũng nên nhắc lại vai trò của người tín hữu trong Giáo Hội, vì ngày nay người ta nói nhiều đến vai trò của người giáo dân, nhất là từ sau Công Ðồng Vaticanô II, ngay cả trong lãnh vực thần học, nhưng vì hiểu không đúng nên nhiều lúc cũng gây hiểu lầm, tranh luận và chống đối trong Giáo Hội.
Cần đọc nhiều Tài Liệu của Giáo Hội nói về người tín hữu để có được một cái nhìn đúng nghĩa : "Một người tín hữu là người thông dự vào sứ vụ tiên tri, tư tế và mục vụ của chính Ðức Kitô, và được mời gọi, trong một cách thế riêng, để dùng mọi thực tại trần thế (đời sống lứa đôi, gia đình, văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế, những phương tiện truyền thông xã hội, kỹ thuật, v. v...) để tất cả trở nên một sự khởi đầu cho Nước Chúa". 
Sứ vụ riêng biệt của linh mục là cộng tác chặt chẽ với sứ vụ của giám mục, những người kế vị các tông đồ. Nên các ngài có bổn phận thực hành bằng việc rao giảng Lời Chúa, thánh hóa các tín hữu bằng các bí tích và hướng dẫn cộng đoàn đến với sự cứu độ. 
Qua việc tận hiến, người tu sĩ quyết tâm yêu mến Thiên Chúa và anh em bằng một tình yêu hoàn toàn và độc hữu; nhờ đó mà trong Giáo Hội và trên thế giới, họ trở nên dấu chỉ của sự hiện diện của Thiên Chúa, của Nước Chúa và của cuộc sống tương lai. Người tu sĩ sống ngày hôm nay thực tại mai ngày, nơi không còn dựng vợ gã chồng (lời khấn khiết tịnh); nơi không còn sử dụng của cải vật chất (lời khấn khó nghèo); nơi con người hạnh phúc tràn đầy trong sự chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa và hoàn toàn trong thánh ý Ngài (lời khấn vâng lời). 
Sứ vụ riêng biệt của người tín hữu là thánh hóa chính mình và giúp thánh hóa anh em, trong khi sử dụng một cách đạo đức tốt lành những gì thuộc lãnh vực trần thế chuẩn bị cho Nước Chúa. Trong mọi lãnh vực của thực tại trần thế, người tín hữu cần phải làm sao để đem tinh thần kitô giáo đến trong công việc làm, giúp phát triển con người và các dân tộc, tương quan xã hội, công lý và hòa bình trên thế giới, lãnh đạo các dân tộc, chính trị xã hội, kinh tế, quản trị, v. v..

Bí tích hôn nhân

Bí tích hôn nhân là nền tảng của nền tu đức cho đôi vợ chồng thúc bách họ thực hiện sự trưởng thành con người của họ, trưởng thành theo tinh thần kitô giáo, dẫn đưa họ về với sự cứu độ và thánh thiện như là lời đáp trả vô điều kiện đối với chương trình của Thiên Chúa. 
Họ phải thực hiện cho bằng được những mục tiêu tuyệt vời ấy là sống tình yêu nhân loại theo tinh thần kitô giáo, một tình yêu dẫn đưa vợ chồng đến với nhau, đi đến việc quyết định cùng nhau chia sẻ cả cuộc sống. 
Thực tại của tình yêu nhân loại được bí tích hôn nhân thánh hóa sẽ làm nền tảng cho nền tu đức của đời sống vợ chồng : "Bởi thế, người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và kết hợp với vợ mình và hai người trở nên một thân thể". 
Vợ chồng sẽ không bao giờ nên thánh được nếu không đạt đến việc yêu thương nhau bằng một tình yêu nhưng không và dâng hiến cho nhau. 
Việc tu đức vợ chồng phải bắt đầu từ nơi hai người và rồi rộng mở đến nơi con cái. Việc này liên hệ đến vấn đề truyền sinh có trách nhiệm và giáo dục con cái, như là những người đồng hành trong việc đáp trả lại chương trình của Thiên Chúa. 
Làm sao có thể gọi là sống tu đức hôn nhân được nếu vợ chồng không thi hành việc truyền sinh có trách nhiệm theo tinh thần kitô giáo và không dạy dỗ chúng một cách nhân bản và phù hợp với kitô giáo ? 
Và rồi bổn phận loan truyền ơn cứu rỗi và thánh hóa đòi buộc vợ chồng hãy biết thương yêu giúp đỡ bà con họ hàng cách hữu hiệu hơn nữa : ông bà, cha mẹ, chú bác, cậu dì, người già cả, yếu đuối tật nguyền, những người bị bỏ rơi không ai nghĩ tới. Một gia đình biết rộng mở hơn.
Sau hết, họ còn phải biết mở rộng đến với đời sống cộng đoàn kitô hữu và cả dân sự nữa, đến với toàn thể Giáo Hội và cả thế giới. 
Nếu muốn nói đến tu đức về hôn nhân thì phải bắt đầu từ cách thế ấy, bằng không thì sẽ không đi đến đâu hoặc đi lạc đường, bởi một đề tài về tu đức hôn nhân luôn gắn liền với đặc tính giáo dân và giáo hội, nghĩa là phải gắn liền với nền tu đức phát sinh từ Bí tích Rửa tội. 

Kết luận
Chúa đã ban cho đời sống vợ chồng ba suối nguồn bất tận để xây dựng nền tu đức của họ. Những suối nguồn nuôi dưỡng bằng ân sủng, bằng sự hiện diện thiêng liêng, bằng tình yêu suốt cả cuộc sống 
Qua Bí tích Rửa tội
Ngay cả ngày hôm nay Bí tích Rửa tội vẫn tiếp tục hoạt động trong đời sống của hai vợ chồng. Không phải chỉ là một biến cố xảy đến lúc họ còn chưa hiểu biết gì hay chỉ kết thúc khi họ lãnh nhận bí tích ấy mà thôi. Bí tích Rửa tội vẫn luôn có hiệu lực trong suốt cả cuộc sống như là một thực thể sống động, thánh hóa trong tất cả con người và những hoạt động của hai người. 
Qua Bí tích Hôn nhân
Bí tích tích này cũng tác động trong cả đời sống thiêng liêng của hai người chứ không chỉ dừng lại ở lúc hai người nói lên sự ưng thuận hay trong thời gian đầu sau ngày cưới mà thôi. Bí tích gắn bó hai người nên một và trao ban ân sủng cho họ suốt cả cuộc đời nếu họ biết cộng tác để làm phát triển những ân sủng đó.

Những gì mà hai người làm mỗi ngày, mỗi giây phút của cuộc sống trong tình yêu để giáo dục con cái hay phục vụ cho người khác đều làm cho ân sủng trở nên phong phú và mang lại sự cứu rỗi chính nhờ bí tích tiếp tục hoạt động trong suốt đời của họ. 
Qua Bí tích Thánh Thể
Trong Bí tích Thánh Thể đời sống kitô hữu của mỗi người chúng ta đều có thể liên tục được đổi mới. 
Yếu tố đầu tiên của Bí tích Thánh Thể là việc tập trung, làm thành một dân, tiến về một thực tại duy nhất. 
Yếu tố quan trọng thứ hai là việc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài : đối thoại tạo nên hiệp thông và xây dựng Giáo Hội : Giáo Hội có được xây dựng trên việc lắng nghe Lời Chúa bằng sự vâng phục.
 Việc đối thoại này đưa đến việc thực hiện những gì Chúa muốn, chia sẻ đời sống với anh chị em, hiến thân phục vụ người khác. 
Bí tích Thánh Thể là chính Ðức Kitô diễn lại cho chúng ta trên bàn thờ lễ hy sinh của Ngài lên Chúa Cha cho sự cứu rỗi nhân loại. Trong dấu chỉ bánh và rượu được thánh hiến chúng ta có được Thân thể và Máu Thánh Ngài đổ ra cho chúng ta, rồi chúng ta được mời gọi để chính chúng ta trở nên tấm bánh được bẻ ra và rượu cùng chia sẻ ơn cứu độ cho anh chị em chúng ta. 
Bữa Tiệc Thánh kết thúc bằng lời cầu chúc : "Chúc Anh Chị Em ra đi bình an" như một lệnh truyền : "Anh Chị Em hãy ra đi cùng Ðức Kitô khắp mọi nẻo đường thế giới". Lời cầu chúc này rất quan trọng khi hai vợ chồng cùng đi tham dự Thánh Lễ và ra về với cùng một lòng một ý : cùng thương yêu nhau hơn, cùng giúp cho con cái lớn khôn, hy sinh nhiều hơn, đồng hành trên mọi nẻo đường để cứu rỗi anh chị em, thánh hóa mọi thực tại trần thế, bằng một niềm xác tín bước theo Ðức Kitô như lời mời gọi của Ngài :"Hãy theo Ta" ! Theo Ngài để làm chứng cho Ngài trong cuộc sống thường ngày. Ðó là ý nghĩa của con đường tu đức vậy. 
Tiếc rằng vấn đề tu đức cho hôn nhân và gia đình không mấy ai lưu ý tới, bởi vì thường người ta nhìn hôn nhân như một định chế để kiểm soát và bổn phận đòi buộc con người phải tuân giữ để cho hôn nhân được bất khả phân ly. Ðịnh chế và luật lệ là hai cột trụ của hôn nhân và gia đình, nhưng không phải là những cột trụ duy nhất và chính yếu của đời sống lứa đôi. Tình yêu mới là trung tâm, là nguồn mạch của đời sống vợ chồng. Và chính tình yêu ấy mà chúng ta cần phải lưu ý đến hơn cả để nuôi dưởng và làm cho tăng trưởng nhờ ân huệ của các bí tích. Ðó chính là con đường tu đức mà mỗi người cần phải đi qua để tìm thấy được hạnh phúc.

Vậy, việc tu đức không những chỉ nhằm giúp cho hai người sống đúng với ơn gọi của mình và cho đời sống vợ chồng được vững bền, nhưng nhất là giúp họ khám phá ra được tình yêu chân thực, cảm nghiệm được hạnh phúc và tìm thấy được niềm vui trong ơn gọi của mình nhờ việc sống đời sống bí tích. 
Và để kết luận những tư tưởng vụn vặt trên đây, chúng ta có thể trích lại lời của Ðức Hồng Y Danneels tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục về gia đình vào năm 1980 : "Ngày nay gia đình không cần những lề luật để tuân giữ hay những gánh nặng phải chịu nữa. Ngày nay gia đình cần đến tu đức, tìm thấy ý nghĩa của đời sống lứa đôi, gia đình, cần tái lập lại ý thức luân lý vì không có thì đời sống lứa đôi và gia đình sẽ chết. Nếu chúng ta trao ban thêm lề luật hay bổn phận thì không khác gì chúng ta đè bẹp gia đình xuống nữa". 
Lm. Agostino Nguyễn Văn Dụ, Ý Ðại Lợi

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks