ngày tháng năm

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

TÓM TẮT CHƯƠNG MỘT “KẾ HOẠCH YÊU THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA ĐỐI VỚI NHÂN LOẠI”




TÓM TẮT CHƯƠNG MỘT

“KẾ HOẠCH YÊU THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA ĐỐI VỚI NHÂN LOẠI” 
GHXHCG - Đăng ngày 4-1-2012 10:53 PM GMT+7

Trong bài trước, chúng tôi đã giới thiệu với Quý độc giả Tóm tắt Chương NHẬP ĐỀ  của cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo. Đây là tài liệu do Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình biên soạn (2004) và được Ủy Ban Bác Ái Xã Hội thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam dịch, NXB Tôn Giáo 2007. Hôm nay chúng tôi tiếp tục giới thiệu với Quý độc giả bản tóm lược chương I của tác phẩm này, do Tiến sĩ JAMES CONLEY, Giáo Sư Khoa học Nhân văn & Phó Khoa Nghệ thuật Tự do Saint Thomas University, Miami Gardens, Florida, biên soạn.

Chương Một của quyển Tóm lược giải thích rõ học thuyết xã hội Công giáo có nền tảng trong Kinh Thánh và đặc biệt trong ba tình yêu: “tình yêu nhưng không” của Thiên Chúa đối với tạo thành được mặc khải trong Cựu Ước, “điều răn yêu thương nhau” liên quan đến các giao ước Kinh Thánh và được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi hoặc “tình yêu siêu việt” là định nghĩa về Thiên Chúa và áp dụng cho mỗi người, cho Giáo hội và cho tất cả các cộng đồng – kinh tế, xã hội, hoặc chính trị.

Chương này có bốn phần chính:
-- Suy tư về “hoạt động giải phóng của Thiên Chúa trong lịch sử dân Israel”
-- Trình bày Đức Kitô là “sự hoàn thành kế hoạch yêu thương của Chúa Cha”
-- Thảo luận về căn tính và ơn gọi của “con người trong kế hoạch của Thiên Chúa”
-- Bình luận về “kế hoạch của Thiên Chúa và sứ mạng của Giáo hội”

Lần lượt từng mục này sẽ cho thấy các khía cạnh đầy ý nghĩa về “tình yêu nhưng không”, “tình yêu thương nhau” và “tình yêu siêu việt” trong kế hoạch của Thiên Chúa cho xã hội.

I. Hoạt động giải phóng của Thiên Chúa trong lịch sử dân Israel

Sự hiện diện vô điều kiện của Thiên Chúa (20-25)

Chương này bắt đầu với nhận xét “mọi truyền thống văn hoá” đều công nhận một khía cạnh nào đó của việc Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống và ủng hộ công bằng xã hội. “Một mặt,” chương này nói, “Thiên Chúa được coi là nguồn gốc của những gì đang hiện hữu, là sự hiện diện bảo đảm cho con người tổ chức thành xã hội có được những điều kiện sống căn bản, trao vào tay con người những phương thế cần thiết. Mặt khác, Thiên Chúa xuất hiện như chuẩn mực cho biết mọi sự phải như thế nào, như sự hiện diện luôn thách thức các hoạt động của con người – cả trên bình diện cá nhân lẫn xã hội – liên quan đến việc sử dụng các phương thế ấy trong mối tương quan với người khác”.

Kinh nghiệm con người về sự hiện diện này của Thiên Chúa như "quà tặng và sự cho không" xác lập "nền tảng kinh nghiệm tôn giáo phổ quát, trong đó nhân loại thông phần bằng những phương cách khác nhau".

“Mạc khải tiệm tiến của Thiên Chúa về bản thân mình cho dân Israel” được “thực hiện cụ thể” trong việc Thiên Chúa kêu gọi Môsê và giải phóng những người nô lệ Israel đang bị tù đày ra khỏi Ai Cập: “Ta đã thấy nỗi khốn khổ của dân Ta bên Ai Cập” (Xh 3,7) Thiên Chúa phán, Đấng tự mệnh danh “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14). Đây là vị Thiên Chúa tự nguyện tạo dựng nên muôn loại muôn vật, giải phóng và bảo vệ dân Người ra khỏi cảnh nô lệ và đưa ra một bộ luật – Thập Giới hoặc Mười Điều Răn – “là một cách diễn đạt đặc sắc về luật tự nhiên” và “… liên hệ mật thiết với các tập quán…  [sẽ] quy định, trong công bằng và liên đới, sự phát triển xã hội Israel”, nhất là “các quyền của người nghèo”.

Điều này dẫn đến “luật năm sabát (cứ bảy năm một lần) và luật năm toàn xá (cứ năm mươi năm một lần)”, quy định một cách lý tưởng về việc “xóa nợ”, tha bổng nô lệ và trả lại đất đai cho gia đình. Luật này, một “nguyên tắc thiết lập” giao ước của Thiên Chúa với Israel, xác lập “một loại học thuyết xã hội thu nhỏ”. “Những nguyên tắc này trở nên tiêu điểm trong lời rao giảng của các Ngôn sứ”, công bố như thế nào “Thần Khí Thiên Chúa, được đổ vào tâm hồn con người, sẽ làm cho những tình cảm về công lý và liên đới ấy,  hiện diện trong tâm hồn Đức Chúa, bám rễ trong lòng mọi người" (x. Gr 31,33 và Ez 36,26-27).

Nguyên tắc sáng tạo và hành động tặng không của Thiên Chúa (26-27)

Như ta đã thấy, hành vi tạo dựng của Thiên Chúa là một hành vi của “tình yêu nhưng không” mạc khải cho nhân loại một kế hoạch yêu thương dựa trên công lý và hòa bình. Giáo huấn này được đề cập mạnh mẽ trong “Văn chương Khôn ngoan” của Kinh Thánh và trong phần giáo huấn của Sách Sáng thế về việc người nam và người nữ được tạo dựng theo “hình ảnh và giống Thiên Chúa” (St 1,26-27), nghĩa là, tình yêu và sự tặng ban nhưng không của Thiên Chúa đã mời gọi họ hãy canh tác khu vườn sự sống.

Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, việc nhân loại thông phần vào món quà tặng ân huệ nhưng không của Thiên Chúa “đã bị tội lỗi làm biến dạng”. Tội này phá vỡ sự hài hòa trong nội tâm con người, giữa người nam và người nữ, giữa tất cả mọi người, và giữa con người với các tạo vật khác. “Chính trong lần xa cách chia lìa đầu tiên này ta tìm ra gốc rễ sâu xa nhất của mọi sự dữ… đang tấn công công lý và tình liên đới”.

II. Đức Giêsu Kitô, sự hoàn thành kế hoạch yêu thương của Chúa Cha

Nơi Đức Giêsu Kitô, biến cố mang tính quyết định trong lịch sử quan hệ của Thiên Chúa với loài người được thực hiện (28-29)

Sách Tóm lược bảo ta rằng “Lòng nhân từ và thương xót thúc đẩy Thiên Chúa hành động... đã trở nên hết sức gần gũi với con người… [trong] Đức Giêsu, Ngôi Lời đã thành xác phàm”. Để  truyền thông việc làm thế nào Đức Giêsu hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa cho nhân loại và xã hội, sách Tóm lược kêu gọi hãy chú ý đến các giai đoạn ban đầu trong sứ vụ của  Đức Kitô khi Người nói: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, công bố ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù sáng mắt, giải phóng những ai bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Ta biết rằng “Đức Giêsu loan báo tình thương giải phóng của Thiên Chúa cho những ai Người gặp trên đường của mình, trước hết là những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người tội lỗi”.

Mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi (30-33)

“Tân Ước dựa vào mạc khải đầy đủ về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, được bày tỏ trong cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, cho chúng ta hiểu ý nghĩa cuối cùng của mầu nhiệm Nhập thể”. Ta cảm nhận trong “Đức Giêsu Kitô bị đóng đinh và sống lại từ cõi chết [rằng] Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần; thật sự riêng biệt và thật sự là một, vì Thiên Chúa là sự hiệp thông vô tận của tình yêu”.  Đức Giêsu được linh hứng bởi tình yêu mà Người đã cảm nghiệm trong sự hiệp thông thân tình với Cha, một tình yêu mà sau Phục sinh và Lễ Hiện xuống Thánh Thần “đổ vào lòng...” của nhân loại (x. Rm 5,5).

Tông đồ Gioan đã thấu hiểu “ý nghĩa sâu xa và kết quả hợp logic nhất của” món quà sự sống và quà tặng là Đức Kitô là Con Thiên Chúa và kết quả này là “sự yêu thương lẫn nhau” trong lệnh truyền mà “… Đức Giêsu gọi là ‘điều răn mới’ và cũng là ‘điều răn của Người’: ‘đó là anh em hãy yêu thương nhau; như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng phải yêu thương nhau’ (Ga 13,34)”. Luật yêu thương lẫn nhau này trở nên“luật sống của dân Thiên Chúa, [và] phải gây cảm hứng, thanh lọc và nâng cao mọi quan hệ con người trong xã hội và trong chính trị”.

III. Con người trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa

a. Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, nguồn gốc và mục tiêu của con người(34-37)

Như “mầu nhiệm Thiên Chúa với tư cách là tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi” đã đến tới nhân loại qua việc tạo dựng và qua món quà là Con Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần như thế nào thì mỗi người phải vươn lên, nâng bản thân mình lên để trước tiên vươn tới Thiên Chúa và sau đó đến với những người bên cạnh – cho đến tất cả các dân tộc trên thế giới – theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa bắt đầu với việc Thiên Chúa “tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống Thiên Chúa” một cách nhưng không (St 1,26-27), nghĩa là, giống “hình ảnh của tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong vũ trụ được tạo dựng”. “Sách Sáng thế cung cấp cho chúng ta một số nền tảng của khoa nhân học Kitô giáo: phẩm giá bất khả chuyển nhượng của con người… bản tính xã hội của con người… ý nghĩa của hoạt động của con người trong thế giới … (để ta tuân thủ) các định luật tự nhiên.

Ơn cứu độ Kitô giáo: dành cho hết mọi người và cho con người toàn diện (38-40)

Ơn cứu độ được đem đến... trong Đức Giêsu… là một ơn cứu độ phổ quát và toàn diện… [liên quan đến] toàn thể con người… trong chiều kích cá nhân lẫn xã hội, tâm linh lẫn thể lý, lịch sử lẫn siêu việt”. Ơn cứu độ là “một hiện thực đã có trong lịch sử” nhưng việc hoàn thành, tuy nhiên, vẫn còn ở trong tương lai” khi đó ta sẽ được “thông phần vào sự phục sinh của Đức Kitô và sự sống hiệp thông đời đời với Chúa Cha trong niềm vui của Chúa Thánh Thần". Vì lý do này, “những cái nhìn thuần túy nội tại về ý nghĩa của lịch sử" và về “sự tự cứu độ” rõ ràng là sai lầm.

Mối quan hệ của ta với Thiên Chúa đòi hỏi ta phải “cởi mở để yêu thương con người một cách cụ thể… kể cả khi người ấy là kẻ thù” (x. Mt 5,43-44). Đây là cơ sở để ta “dấn thân thực thi công bằng và tình liên đới, xây dựng một cuộc sống xã hội, kinh tế và chính trị theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa”.

Môn đệ của Đức Kitô là một tạo thành mới (41-44)

Thế nhưng "đời sống cá nhân và xã hội, cũng như bất cứ hành vi nào của con người trong thế giới, luôn luôn bị tội lỗi đe dọa". Bởi thế ta cần một “sự biến đổi nơi nội tâm con người” để có “một sự biến đổi thực sự… các quan hệ với tha nhân”. Trong khi tìm cách “yêu người như thể thương thân” ta cần phải có “một quyết tâm kiên vững và thường xuyên để hành động vì thiện ích của tất cả mọi người và từng người”. Điều này đòi hỏi việc thanh luyện “thói kiêu căng và yêu mình thái quá” của ta và hoàn thiện bản ngã “bằng cây thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô”.

Tính siêu việt của ơn cứu độ và tính tự chủ các thực tại trần thế (45-48)

“Càng nhìn các thực tại của con người dưới ánh sáng kế hoạch của Thiên Chúa và càng sống các thực tại ấy trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, các thực tại ấy càng được tăng thêm sức mạnh và càng được giải phóng". Để rồi, trong những thực tại này, con người, trong số những tạo vật, sẽ có khả năng nhất để tuân thủ “các luật và giá trị riêng của mình”. Khi cái nhìn thống nhất hoặc toàn diện này được duy trì, tất cả đều hoạt động tốt đẹp. Nhưng nếu loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cái nhìn này, xã hội trở nên “bị tha hóa” trong các hình thái tổ chức của nó và trong mọi quan hệ xã hội.

Ở đây ta có thể nói đến điều mà sách Tóm lược gọi là một “tính tương đối theo cánh chung học” đối với hành động của con người: "con người.. vượt qua các giới hạn của vũ trụ được tao dựng, của xã hội và lịch sử; cùng đích của con người là Thiên Chúa". Ta cũng có thể nói về “tính tương đối theo thần học”, nghĩa là "định mệnh của con người và của tạo thành… sẽ  lớn lao một cách vô hạn hơn cả những khả năng và những kỳ vọng của con người”.

Không có sự bổ túc này của Thiên Chúa và xã hội, ta chung cuộc có một "cái nhìn toàn trị về xã hội” “trái với sự thực toàn diện về con người và trái với kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử”.

IV. Kế hoạch của Thiên Chúa và sứ mạng của Giáo hội

Giáo hội, dấu chỉ và người bảo vệ tính siêu việt của con người (49-51)

Giáo hội với tư cách một cộng đồng là “dấu chỉ và sự bảo vệ chiều kích siêu việt của con người” và “một dấu chỉ và công cụ về… sự hiệp thông với Thiên Chúa và về sự hiệp nhất tất cả mọi người”. Với tính cách là một bí tích của sự hiệp nhất, Giáo hội phụng sự Nước Thiên Chúa “bằng cách loan báo và thông truyền Phúc âm về ơn cứu độ và bằng cách thiết lập các cộng đồng Kitô giáo mới”.

Giáo hội không được “lẫn lộn với cộng đồng chính trị và Giáo hội không bị ràng buộc vào bất kỳ hệ thống chính trị nào”. Chiều kích siêu việt của Giáo hội là “một thành trì chống lại mọi toan tính toàn trị” cũng như là “một chất men làm cho con người được đạt đến sự phát triển trọn vẹn, đạt đến công bằng và tính liên đới”.

Giáo hội, Nước Thiên Chúa, và sự đổi mới các quan hệ xã hội (52-55)

“Trong Đức Kitô, Thiên Chúa không những cứu chuộc các cá nhân mà còn cứu chuộc các mối quan hệ xã hội đang hiện hữu giữa con người với nhau”. Như Tông đồ Phaolô bảo ta: “Trong Đức Giêsu Kitô… không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì tất cả anh em đều là một trong Đức Kitô” (Gl 3,26-28). “Việc biến đổi của quan hệ xã hội… [theo] các đòi hỏi của Nước Thiên Chúa” dẫn đưa người Kitô hữu… “đối thoại với tất cả các người thiện chí trong việc cùng nhau tìm kiếm những hạt giống chân lý và tự do được gieo trong thửa ruộng mênh mông của nhân loại”. Lời mời gọi “biến đổi thế giới” này tượng trưng cho “điều răn yêu thương mới” của Đức Giêsu, nổi bật như “một yêu cầu cơ bản trong thời đại của chúng ta", và là lý do "Huấn quyền xã hội của Giáo hội… đưa ra những đáp trả… [đối với] những dấu chỉ của thời đại”.

Trời mới và đất mới (56-58)

“Lời hứa của Thiên Chúa và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô làm sống lại niềm hy vọng chắc chắn nơi các Kitô hữu về một chỗ ở mới mẻ và vĩnh cửu được chuẩn bị cho mỗi người, một trái đất mới nơi công lý ngự trị (x. 2 Cr 5,1-2; 2 Pr 3,13)”. “Những điều tốt đẹp – như phẩm giá con người, tình huynh đệ và tự do… thuộc về Vương quốc chân lý và sự sống". Trong thế giới mới sẽ đến, "những lời của Đức Kitô sẽ vang lên cho tất cả mọi người: Hãy đến hưởng vương quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ khi tạo dựng trời đất; vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống…” (Mt 25,34).

Như vậy, việc thành toàn con người được "thực hiện trong Đức Kitô, thông qua ân ban của Thánh Thần". Việc thành toàn đó "diễn ra trong lịch sử và được thực hiện qua những mối quan hệ cá nhân"  hướng đến "công lý và hoà bình".

Maria và lời thưa "Xin vâng" của ngài trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa (59)

"Người thừa kế niềm hy vọng thánh thiện trong dân Israel và người đầu tiên trong hàng ngũ các môn đệ Đức Kitô chính là Đức Maria, Mẹ Người" "Qua lời 'xin vâng' đối với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa (x. Lc 1,38), [và] nhân danh toàn thể nhân loại, ngài đã chấp nhận Đấng do Chúa Cha gửi tới trong lịch sử, còn gọi là Đấng Cứu Chuộc loài người". Kinh Magnificat của ngài "loan báo… sự xuất hiện Đấng Mêsia của người nghèo (x. Is 11,4; 61,1)... Đấng lật đổ người quyền thế khỏi ngai vàng và nâng cao kẻ hèn mọn, cho kẻ nghèo đói được no đủ, đuổi người giàu có trở về tay không, đánh tan tác kẻ kiêu ngạo và tỏ lòng thương xót với những ai kính sợ Người (x. Lc 1,50-53)".

Chương thứ nhất này của sách Tóm lược là một chương sâu sắc. Thông điệp cực kỳ phong phú về phạm vi và về các nguồn tài liệu được dùng để làm nền tảng cho học thuyết xã hội của Giáo hội. Nền tảng đó là Kinh Thánh, và bao gồm sự mạc khải tiệm tiến về kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Suy tư về lịch sử dân Israel, về bản chất và giáo huấn của Đức Kitô, về căn tính và ơn gọi của con người, chương này giải thích kế hoạch của Thiên Chúa bằng thuật ngữ “tình yêu nhưng không” trong hành vi tạo dựng và cứu độ, luật “yêu thương nhau” do Đức Giêsu giảng dạy và là hiện thân, và một tình yêu siêu việt mời gọi mọi người hãy phục vụ những người gần bên và chung cuộc sẽ được cư ngụ trong “đất mới” của Nước Thiên Chúa.

Tiến sĩ JAMES CONLEY
Giáo Sư Khoa học Nhân văn & Phó Khoa Nghệ thuật Tự do
Saint Thomas University, Miami Gardens, Florida

Đan Quang Tâm dịch

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks