ngày tháng năm

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Sự thật


Các Ông Sẽ Biết Sự Thật, Và Sự Thật Sẽ Giải Thoát Các Ông.” (Ga 8:32)

Sự Thật Là Gì?
Nhiều người ngày nay có lẽ lấy làm tiếc vì ông Tổng Trấn Phi-la-tô không đủ kiên nhẫn để chờ Chúa Giê-su trả lời câu hỏi ông đã nêu lên (xc Ga 18:38). Tuy vậy, người ta cũng học được bài học do ông phải trả một giá rất đắt, đó là bạn không thể nào biết được sự thật trừ phi bạn thành tâm tìm kiếm sự thật, đúng như lời Chúa dạy: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37).
Thông thường, người ta hiểu một điều gì đó là “thật" khi điều ấy “đúng” như bản chất, như tình trạng cố hữu của vật ấy. Chẳng hạn, bạn mua 1 kí lô gạo. Người bán cân đúng cho bạn 1 kí không thêm không bớt, vậy là giữa người bán và người mua đã đạt được sự thật trong quan hệ buôn bán. Thí sinh chọn câu trả lời sai, kết quả là kì thi bị hỏng, đó cũng là một sự thật, dầu là “sự thật phũ phàng”. Sự thật bị triệt tiêu khi người ta tìm cách thay đổi, như trong 2 thí dụ kể trên, trọng lượng 1 kí gạo hoặc kết quả của kì thi.
Chúa dạy bài học “sống thật” rất giản dị dễ hiểu: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’” (Mt 5:37).

Dễ Nói, Khó Làm        
Ở đời có rất nhiều điều nói thì dễ mà làm thì chẳng dễ chút nào. Ví như câu chuyện “treo chuông cổ mèo”. Hội đồng chuột đều tán thành phải treo một quả chuông vào cổ con mèo ác hiểm để hễ nó đi đến đâu thì mọi người đều biết mà chạy trốn. Nhưng khi nêu câu hỏi: ai sẽ là người đem chuông đi treo cổ mèo thì chẳng có được câu trả lời.
Yêu thích sự thật, tìm kiếm sự thật, nói sự thật, sống chân thật, và dám chết cho sự thật là những phẩm chất sáng ngời ai ai cũng hết lòng thán phục và khát khao ao ước.  Ngược lại, hỏi thử bất cứ người nào xem, từ em bé cho đến người lớn, từ người đức hạnh cho đến kẻ không được tiếng là đức hạnh, ai mà lại không ghét dối trá, ai mà lại chẳng khinh bỉ kẻ ăn gian nói dối, “môi phỉnh phờ lòng một dạ hai” (Tv 12:3)? Ấy thế thì tại sao gian dối vẫn đầy dẫy trong cuộc đời? Cứ thành thật xét mình thì thử hỏi ai trong chúng ta lại đã chẳng có lần lỗi Điều Răn Thứ 8, dầu tất nhiên với mức độ nặng nhẹ khác nhau?
Tại sao lại như thế? Xét cho kỹ, có 2 nguyên nhân khiến cho con người khó đạt tới sự thật, một tự nhiên và một siêu nhiên.
Nguyên Nhân Tự Nhiên
Con người tự bản chất đã là hữu hạn. Khả năng hiểu biết của con người cũng hữu hạn.  Bạn có thể biết nhiều điều, nhưng lại không thể biết tất cả mọi chuyện. Bạn có thể biết một số góc cạnh của một vấn đề, nhưng có nắm rõ mọi góc độ của vấn đề ấy hay không lại là một chuyện khác. Ông Socrates vốn là bậc thầy của Triết Học phương Tây thú nhận: “Tôi biết là tôi không biết”. Đức Khổng Tử bên Đông thì nghiêm khắc dạy các đệ tử: “Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, như thế mới là biết”. Ông bà mình thì khuyên bảo con cháu một cách mộc mạc dễ tiếp thu hơn: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Cho dầu có học hành đỗ đạt bằng này cấp kia, nhưng kiến thức bạn thu lượm được trong bộ óc hơn kém 1 ký lô kia có là gì so với tầm cỡ bao la bát ngát của Rừng Nho Biển Thánh?  Đó là chưa kể những gì bạn vừa thu được trong những năm sôi kinh nấu sử ở nhà trường cũng chỉ là một phần kiến thức của người khác truyền đạt lại cho bạn. Chẳng thế sao người ta thường ví việc học hành cũng giống tựa như động tác mớm cơm của các bà mẹ cho trẻ con chưa tự mình cầm bát mà ăn.
Thứ  đến, khoảng cách từ người tìm kiếm sự thật đến đối tượng tìm kiếm có quá nhiều khúc xạ, tam sao thất bổn, vàng thau lẫn lộn, hàng giả, hàng dổm, hàng nhái tràn ngập. Không tỉnh táo phân biệt, xem xét, cân nhắc, thì lầm lẫn mướp đắng mạt cưa dễ như chơi. Hậu quả là một điều bạn cứ tưởng đã mắt thấy tai nghe cũng cần phải được kiểm tra chéo trước khi công bố đó là chân lý khoa học.
Sau cùng, chính bản thân người cho rằng mình biết sự thật hoặc nói sự thật cũng có thề vì nhiều lý do—vì tư lợi, vì vị nể, vì sợ hãi—mà không đón nhận hoặc không trình bày nguyên vẹn sự thật. Kinh nghiệm xương máu của bao lần bầm dập, dở sống dở chết vì bị phản bội, bị bán đứng, do đã quá thật thà,“bụng nghĩ sao nói vậy” (Tv 15:2) luôn rỉ rả bên tai bạn rằng: nói thật không phải là một lựa chọn khôn ngoan. Bởi đó mới xuất hiện những nói lối, nói tránh, nói khéo, nói quanh, nói chơi, nói đùa. Người Tây thì có white lie, ngụ ý là nói dối vô thưởng vô phạt. Tựu trung, tất cả chỉ là mớ mỹ từ để gọi một điều quái ác: gian dối.
Chúa nghiêm khắc lên án mọi hình thức xảo ngôn: “Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5:37). Bởi lẽ: “Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8:44).       
Nguyên Nhân Siêu Nhiên
Từ khi con người phạm tội, hình ảnh Thiên Chúa trong con người (xc St 1:27), tức là những phẩm chất “nhân chi sơ tính bản thiện”, trở thành méo mó, dị dạng. Thánh Phao-lô chỉ rõ tấn bi kịch của cuộc giao tranh bất tận, bất phân thằng bại giữa thiện và ác trong nội tâm con người:
Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt. Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm đều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.
Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật nầy chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sâu trong các chi thể của tôi” (Rm 7:14-23).
Làm Sao Để Tiếp Cận Chân Lý?
Nói như đã trình bày bên trên, phải chăng chỉ để quả quyết một tin buồn là cuộc trùng phùng với sự thật sẽ mãi là một giấc mơ không bao giờ trở thành hiện thực, hoặc hiểm nghèo hơn, để khẳng định rằng không làm gì có chân lý ở trên cõi đời bất tất, nhiễu nhương, và ô trọc nầy?
May thay, Chúa vẫn thương những người thành tâm tìm kiếm và sống cho sự thật, vì vậy Người dạy: “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). Và Chúa cho biết phải tìm chân lý ở đâu: “Tôi là Con Đường, là Chân Lý, và là Sự Sống” (Ga 14:6).
Vâng, có Chân Lý là Thiên Chúa Hằng Sống, quyền năng vô song, hiện diện bằng xương bằng thịt nơi Chúa Giê-su Ki-tô: “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (Ga 1:17). Chúng ta có thể tiếp cận Chân Lý của Chúa: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1:1).
Chúa còn chỉ rõ điều kiện để con người có thể xứng đáng lãnh nhận Chân Lý của Chúa: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những  người bé mọn” (Lc 10:21). Trẻ thơ tiếp nhận thế giới chung quanh chúng một cách hồn nhiên, trung thực, không qua việc biên tập hoặc định hướng của thành kiến hoặc tham vọng cá nhân.
Và bí quyết vô cùng quan trọng để con người có thể tiếp cận toàn vẹn Chân Lý đó là Ki-tô hữu phải nhờ có Chúa Thánh Thần, do Chúa Phục Sinh ủy nhiệm làm Thầy Phụ Đạo, giúp Hội Thánh thấu triệt lời dạy của Chúa: “Đấng bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:26), đồng thời cũng là Dũng Lực nâng đỡ Ki-tô hữu gánh đỡ được cân lượng vĩ đại của Chân Lý: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:12-13).  
Ơn Gọi Làm Chứng Cho Sự Thật
Vì Chúa đã tuyên bố việc làm chứng cho Chân Lý—nói thật, sống thật, bảo vệ sự thật, và dám chết cho sự thật—là sứ vụ của Chúa (xc Ga 18:37), nên hễ ai được vinh dự trở thành môn đệ của Người cũng phải dũng cảm đảm nhận vai trò người làm chứng cho Chân Lý.
Khi chọn Dòng do Thánh Phụ Đa Minh thành lập, Dòng nêu cao ngọn cờ Veritas—Chân Lý—bạn đã mặc nhiên nói lên quyết tâm đứng về phía chính nghĩa của Chúa (xc Ga 18:37). Cái giá phải trả cho lòng thủy chung với Chân Lý quả thật là rất đắt—ngang bằng với giá sinh mạng của con người. Nhưng noi gương Chúa Ki-tô, nhiều con cái ưu tú của Thánh Phụ Đa Minh—Thánh Nữ Ca-ta-ri-na Xi-ê-na[1] là một trong số đó—đã hết lòng nói thật và sống thật.
Phải Sống Chết Cho Sự Thật Ra Sao?
Gian dối ác tà hiện nay như chiếc vòng kim cô càng ngày càng siết chặt vào tim óc dân tộc và đất nước chúng ta.  Gian dối trong kinh tế, gian dối trong chính trị, gian dối trong y tế, gian dối trong giáo dục, gian dối trong văn hóa nghệ thuật, gian dối cả trong tôn giáo.  Không có giải pháp nào hy vọng phá vỡ được cái gọng kềm oan nghiệt của gian dối, ngoại trừ sức mạnh vô song của Chân Lý Chúa Ki-tô, Chân Lý của Tin Mừng Cứu Độ. Tuy nhiên, cần phải học hỏi để biết binh vực chân lý, bảo vệ chân lý, công bố chân lý thật đúng cách và thật hữu hiệu.
Trước tiên, cần phân biệt “nói dối” và “không nói sự thật". Nói dối là “có” nói “không”, “trắng” đổi thành “đen”. Đây là hành vi bóp méo, hoặc thủ tiêu Chân Lý.  Hành vi này là tội nghịch lại Điều Răn Thứ 8.
Không nói sự thật bởi vì có nhiệm vụ bảo mật, chẳng hạn như một bác sĩ, một luật sư, phải giữ bí mật của thân chủ (bảo mật nghề nghiệp), hoặc như một vị linh mục phải tuyệt đối giữ kín những gì biết được trong Tòa Giải Tội (bảo mật Bí Tích). Không tiết lộ sự thật trong trường hợp nầy lại là một phẩm chất đáng kính phục.
Do đó, muốn thật tâm bảo vệ Chân Lý, bạn nên khôn ngoan cân nhắc trả lời những câu hỏi sau đây:
a)      Nói sự thật cho ai?
Người nghe sự thật có thẩm quyền, có tư cách để biết sự thật hay không? Một sự thật phù hợp cho người trưởng thành lại không đương nhiên có lợi cho trẻ con hoặc cho người non yếu về giáo lý. Chúa Ki-tô đã giữ thái độ thinh lặng trước những lời vu cáo (xc Mt 26:63; Ga 19:9), trước tính tò mò (xc Lc 23:9), và trước những kẻ có tâm dạ diễu cợt, báng bổ (xc Mc 15:29-32).
b)      Nói toàn bộ hoặc 1 phần sự thật?
Nếu chỉ cần cho biết phần tổng quát và quan trọng của sự thật là đủ, thì không nên đi vào quá nhiều chi tiết không cần thiết.
c)      Nói sự thật khi nào? Ở đâu?
Sự thật phải được trình bày trong khung cảnh tôn trọng và tương kính, khi các bên liên quan đã sẵn sàng lắng nghe nhau.
d)     Nói sự thật để làm gì?
Lý do cao quý duy nhứt là “để Chân Lý thắng Gian Trá” và để “Sự Thật giải thoát con người” (xc Ga 8:32).
Linh Mục P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P. 

[1] Năm 1376, thánh n thuyết phc được Đức Thánh Cha Grê-gô-ri-ô XI tr v Thánh Đô Rô-ma (xc Phn Riêng Dòng Đa Minh, Nhà Xut Bn Tôn Giáo: Hà Ni, 2007, 131).

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks