ngày tháng năm

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Bác Ái


Tiểu Ái: Ở trình độ nhập môn nầy, học sinh được dạy phải biết “thương người như thể thương thân”. Tôi có một bát cơm. Bạn tôi đói, xin ăn. Tôi xẻ cho bạn ấy một nửa.Thế là tôi đã có thể tốt nghiệp cấp I rồi.
Trung Ái: “Thương người như người thương người” là chỉ tiêu của trình độ trung cấp hoặc cao đẳng. Bạn học quên mình hoàn toàn, để chỉ chăm lo cho mọi nhu cầu của tha nhân. Bạn đặt mình vào vị trí của tha nhân, ước mơ những gì họ ước mơ, và bằng mọi giá, giúp họ thực hiện những ước mơ đó mà chẳng kể công, cũng chẳng trông được đáp đền: “Quân tử thi ân bất cầu báo”.
 Bác Ái: Trình độ cao nhứt, sâu nhứt, rộng nhứt, vĩ đại nhứt của tình yêu: “yêu người như Chúa yêu người”, tức là việc thi hành Điều Luật Mới của Chúa Ki-tô ban hành trong Bữa Tiệc Ly (xc Gio-an 13:34).

"Một Bịnh Nhân Bại Liệt Do Bốn Người Khiêng". (Mc 2:3)
Trong câu truyện nay có 4 chi tiết rất đáng suy nghĩ:

1)      Người bịnh quá suy yếu, không tự đi lại được;
2)      Anh cần 4 người bạn đưa anh đến với Chúa;
3)      Những người bạn của anh phải mở đường xuyên qua đám đông, leo lên mái nhà, và đột phá trần nhà để giúp anh tiếp cận với Chúa;
4)      Trước khi chữa anh khỏi bịnh, Chúa tha thứ tội lỗi cho anh.

Tình Trạng Bi Đát Của Con Người

Bịnh bại liệt không những là do tứ chi không thể hoạt động, thao tác, đi lại, làm việc, mà sâu xa hơn còn do một tổn thương trong bộ não, trong chính tinh thần phấn đấu, vươn lên của người bịnh.
Tay chân, cơ thể anh vẫn nguyên vẹn, vẫn hoạt động, vẫn khéo léo thao tác, khênh, vác, leo trèo, nấu bếp, thêu thùa, viết thư, đánh đàn, đá bóng, khiêu vũ…và trăm ngàn việc lớn bé khác nữa. Nhưng đó là ngày hôm qua, ngày trước khi anh bi tai biến. Còn bây giờ thì tứ chi anh nằm yên, bất động, không chịu chấp hành mệnh lệnh của bộ chỉ huy trên não, thậm chí cũng chẳng buồn phản ứng lại vài va chạm với vật sắc nhọn, nóng rát hay buốt lạnh.
Y học cho biết nguyên nhân chính là có tổn thương trong hệ thống thần kinh não khiến cho người bịnh không còn điều khiển được chi thể mình theo như ý muốn. Bên cạnh đó, người bịnh cũng chịu tác động tâm lý tiêu cực do dư luận bất lợi từ xã hội, đôi khi từ chính gia đình mình, khiến cho khả năng đề kháng bịnh tật bị suy yếu, có trường hợp còn bi triệt tiêu.                     
Tình trạng của bịnh nhân trong câu truyện khiến chúng ta liên tưởng đến tình trạng của con người ngày hôm nay.
Có bao nhiêu nguyên do khiến con người bị rơi vào tình trạng bại liệt, muốn đi đến với các giá trị tốt đẹp, muốn thi hành những việc cao thượng, muốn phá hủy những tàn dư xấu ác, nhưng không sao giơ tay, nhấc chân được? 
Không phải họ không thông minh, không có lý tưởng phục vụ, không có ước mơ trở thành người tốt, có tài năng và hữu ích cho gia đình, cho xã hội. Nhưng khốn nỗi có cái gì đó cản trở, trì kéo ngược lại, hoặc bao vây, che đậy không cho phép họ được tự do thể hiện ước mơ tốt đẹp của mình. Có kẻ bàn ra: đời đầy dẫy tiêu cực, tham lam, ích kỷ, tội ác, vậy một chút cố gắng của bạn có thấm vào đâu, chỉ là “đem muối bỏ bể”, “một cánh én không làm nên mùa xuân”.  Có kẻ tỏ ra quan tâm cho vấn đề an toàn của chính bản thân bạn và gia đình bạn, khi nhắc nhở bạn về những thủ đoạn gian ác của các thế lực đen tối, nếu bạn cả gan đe dọa “đập vỡ nồi cơm” của chúng.  Chính bạn có lúc cũng ngờ vực khả năng của mình, chẳng biết có làm nổi một chuyện “đội đá vá trời” như vậy không?
Xét từ một góc độ khác, khi chẳng may, bạn gặp vận rủi, thua lỗ, thất bại trên thương trường hoặc trong tình trường, hoặc sa cơ vào một tật xấu hay tội ác nào đó, mà sau đó thật tâm ân hận, muốn đứng lên, vùng thoát ra khỏi nanh vuốt của ác tà, để hoán cải, để làm lại cuộc đời. Ủng hộ thì hiếm và khó như “mò kim đáy biển” song phản đối và cấm cản thì vừa nhiều vừa ác liệt như vi trùng ung thư hoặc siđa.
Có tiếng bàn bạc ra chiều thức thời, khôn khéo, rằng với lý lịch đen ngòm, đầy thành tích bất hảo như vậy, ai còn dám chứa chấp bạn?  Người có thực bụng thương bạn, dầu chỉ là thương hại, cũng không bao dung đủ để dẹp bỏ hết mọi thành kiến, cất đi mọi biện pháp thử thách, phòng ngự, e rằng “tính nào, tật nấy”, “ngựa quen đường cũ”, để bạn thực sự cảm thấy sức khích lệ “cải tà quy chánh” từ một môi trường đầy tín nhiệm, thương yêu, đón nhận và cảm thông. Trong khi đó chẳng thiếu kẻ ác ý không thích trông thấy bạn thành công hội nhập lại vào đời sống bình thường của gia đình, của xã hội, của cộng đoàn mà không bị trừng trị đích đáng vì những tội lỗi trong quá khứ. Ngoài ra, những kẻ từng dụ dỗ, lừa lọc, lợi dụng và lạm dụng bạn trước đây sẽ không dễ dàng buông tha con mồi của chúng. Rất thông thường, chúng rất sợ bị cáo giác, vạch trần các thủ đoạn xấu xa. Tất nhiên chúng phải ngăn cản, phá hoại con đường hoàn lương của bạn bằng mọi cách, kể cả đe dọa thủ tiêu và lúc nào chúng cũng có bao sẵn sát thủ để biến lời nói thành hiện thực. Bạn hẳn không thể khinh xuất với đám mafia nầy. Có thể bạn chẳng quan trọng hóa chuyện sống hay chết của bản thân bạn, vì cổ nhân có dạy “sinh ký tử quy”—sống gởi thác về. Song chắc chắn bạn không thể làm ngơ sinh mạng của những người thân yêu trong gia đình bạn. Bọn xã hội đen thừa biết như thế. Tất cả những trở lực ghê gớm như trên dư sức cột tay trói chân bạn khiến bạn muốn mà không thi hành được lộ trình tìm về chính đạo. Và sau cùng, chính bạn là người không vượt nổi được quá khứ của mình, không muốn hoặc không thể tha thứ cho mình, khi đã đôi ba lần thử cố gắng đứng lên một cách vô cùng chật vật, ấy thế mà “ngồi chưa nóng chỗ” đã lại gục ngã vào vết xe đổ.  Bạn chán, bạn thất vọng, bạn tủi hờn, tức giận, đập phá, trốn chạy. 
Bạn trở thành kẻ bại liệt hoàn toàn, mặc dầu tự thâm tâm vẫn rất mong muốn nhưng không thể nào tự mình tìm đến với Chúa Ki-tô.
Bạn cần được giúp đỡ. May mắn quá, bạn vẫn còn có bạn bè tốt, và thật sự có nhiều người tốt. Họ sẽ bằng mọi cách đưa bạn đến với Chúa Ki-tô, Đấng bạn tin là LươngY độc nhứt có thể cứu chữa chứng bịnh bại liệt, cho bạn đứng lên và làm lại cuộc đời

Những Người Bạn Tốt: Cộng Đoàn Đức Tin

Họ có thể là 4 hay 40 hay 400, hay 4000, nghĩa là cả một tập thể, một cộng đoàn. Và đây chính là cộng đoàn những người cùng tin vào quyền năng cứu nhân độ thế của Chúa Ki-tô. Họ có thể là bạn bè của bạn theo cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng. Họ có thể là cha mẹ, anh chị em, họ hàng, xóm giềng, đồng đạo trong giáo xứ, trong hội đoàn, trong nhà trường, trong xí nghiệp, trong cơ quan. Họ biết bạn với tính cách cá nhân, hoặc chỉ biết bạn qua việc chia sẻ với bạn cùng một đức tin, một Bí Tích Rửa Tội, một lời cầu nguyện, một tinh thần hiệp thông chí thiết chí thành như những chi thể của cùng Một Thân Thể Mầu Nhiệm là Chúa Ki-tô. Chính họ mỗi người góp một cánh tay họp lại thành chiếc cáng, một cánh buồm, một tàu con thoi, một cầu nối an toàn đưa bạn đến với Chúa Ki-tô.
Có thể thoạt đầu bạn chưa thật sự tự nhiên thoải mái chấp nhận nghĩa cử giúp đỡ của họ. Có thể do họ nhiệt thành, vô vụ lợi, song lại quá chân tình đến mức làm phật long, thậm chí gây tổn thương cho bạn. Nhưng bạn dư biết rồi đấy: gỗ tốt thì chẳng cần chi đến nước sơn lòe loẹt. Hơn nữa, như người ta vẫn nói, “Lời thật mất lòng”. Tuy nhiên, điều vô cùng quan trọng là rốt cục chính bạn đồng thuận với kế hoạch làm cách nào cũng phải bằng mọi giá tiếp cận với Chúa Ki-tô.
Bạn bè của bạn thật sự là những con người tốt, quá tốt. Họ chẳng những có đức tin vững mạnh không gì có thể lay chuyển mà còn có cả lòng thương yêu nồng nàn, trong sáng dành cho bạn. 
Nếu không có đức tin sắt đá rằng chỉ một mình Chúa Ki-tô mới có thể cứu chữa bạn khỏi chứng bại liệt đã hầu như tàn phá cuộc đời bạn, thì hẳn họ đã chẳng liều thân phá vỡ vòng vây của đám đông ồn ào, vô cảm, vô tâm, để mở một con đường đưa bạn đến với Chúa?  Nếu không có đức tin tuyệt đối vào Chúa Ki-tô như giá trị đạo đức và tâm linh nền tảng, cao quý nhứt, trường cửu nhứt: “Chúa Ki-tô hôm qua, hôm nay, và mãi mãi” (Thư Do Thái 13:8), trong khi tất cả và toàn bộ các giá trị khác của nhân loại, kinh tế, chính trị, khoa học, triết lý, và kể cả tôn giáo, đều là tương đối, có giới hạn, có thời hạn, có bất toàn, thì hẳn họ đã chẳng dám táo gan leo lên mái nhà dư luận, đạp lên thành kiến của tập tục bất công, bất nhân, phá vỡ những bế tắc của bức tường truyền thống lỗi thời, gỡ bỏ những nghi tiết rườm rà, bụi bám, từng cản trở không để con người đến gần Thiên Chúa chân thật và giàu lòng thương xót. Những con người có niềm tin đều trở thành vĩ nhân, bởi lẽ không có vĩ nhân nào mà lại không có một niềm tin vào một lý tưởng, lý tưởng chính trị, khoa học, nghệ thuật, tâm linh, nhứt là tôn giáo. Riêng với Ki-tô hữu, niềm tin của họ còn vươn cao đến tầm mức một đức tin, nghĩa là một ơn phước do từ trời, từ Thiên Chúa ban xuống, chứ không phải là kết quả của nỗ lực phàm trần, của kiến thức sách vở, của nghiên cứu học hỏi. Nhiều người thông thạo Thánh Kinh, giáo lý, quán triệt thần học về Thiên Chúa và các mầu nhiệm trong đạo Công Giáo, nhưng chẳng bao giờ họ tin Chúa, trái lại họ còn sử dụng kiến thức về đạo để phá đạo, dùng chính hiểu biết về Chúa để phủ nhận Chúa. 

Những Người Bạn Tốt: Cộng Đoàn Đức Mến

Nhưng chính lòng yêu mến Chúa mới khẳng định bạn có thật sự đứng về phía Chúa hay không. Thử hỏi còn ai thông tuệ Thánh Kinh, giáo lý, thần học hơn ma quỷ? Còn ai tin Chúa mạnh mẽ hơn Satan? Dầu muốn hay không muốn, ma quỷ phải nhìn nhận có một Thiên Chúa toàn năng đã sáng tạo nên muôn vật muôn loài, kể cả bản thân của chúng, chúng cũng là thụ tạo của Chúa. Thế nhưng ma quỷ không bao giờ có thể yêu Chúa, chúng đã đánh mất khả năng yêu thương, mà chỉ còn biết thù hận, ganh tỵ, oán ghét, chia rẽ, bất hòa. Bởi đó lúc nào chúng cũng sống trong hỏa ngục, vì bất kỳ đi đâu hay làm gì chúng luôn mang theo hỏa ngục 24/7, vì chúng chính là hỏa ngục cho chúng. Con người không biết yêu thương, cảm thông, tha thứ, thì cũng chẳng khá hơn ma quỷ, sống trong hỏa ngục thường trực của oán thù, xúi giục oán thù, thủ lợi từ oán thù, thỏa mãn trong oán thù, bạo lực, sắt máu, giết hại, tàn sát đồng bào, đồng loại.

Tình Yêu Dị Dạng

Thế nhưng tình yêu cũng không phải không đang gặp nhiều vấn đề rắc rối.
Không có đề tài nào thu hút được chú ý và nhiệt tình tham luận của mọi người, mọi giới, mọi thời gian và không gian như đề tài tình yêu. Cứ thử gõ Google từ “yêu” bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, bạn sẽ nhận được trong tích tắc hàng triệu kết quả: yêu trong âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, kể cả trong lịch sử, chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật. Đề tài tình yêu cũng được đề cập tới trong tôn giáo. Bộ Thánh Kinh có quyển Diễm Tình Ca nói về tình yêu. Thánh Gio-an khi định nghĩa về bản tính Thiên Chúa đã trân trọng viết “Thiên Chúa là Tình Yêu” (Thư 1 Gio-an 4:16). 
Tuy nhiên ngày nay khi nói đến tình yêu giữa một xã hội tiêu thụ và thực dụng nhiều người cảm thấy hoang mang, tự hỏi chẳng biết liệu trên đời nầy còn có tình yêu chân thật nữa hay không. 
Nói “anh yêu em”, hay “em yêu anh”, người ta đang có ý nghĩ gì trong đầu? Trước hết, đó là vì anh hay em có ngoại hình đẹp, hấp dẫn, nên tôi thích. Yêu như thế bị đồng hóa với dục tính, với thỏa mãn nhu cầu thể xác. Kế đến, đó là vì anh hay em có quần áo, trang sức sang trọng, có xe đắt tiền, có gia thế quyền quý, nên tôi ham. Yêu như thế là yêu tài sản, yêu địa vị. Chẳng trách tình yêu—và kể cả hôn nhân—trở thành cơ hội để thăng tiến bản thân, hàng hóa để trao đổi kiếm lợi. Khuynh hướng chiếm đoạt bạo lực cũng chen vào tình yêu để khẳng định mình mạnh hơn, có khả năng thống trị kẻ khác. Tình yêu còn xuất hiện dị dạng, mù quáng, ích kỷ, phe nhóm, loại trừ ai không đồng thuận với mình, bất bao dung, tàn ác, vô độ, vô luân.
Đó không phải là tình yêu bác ái được Ki-tô giáo đề cao.  

Bác Ái: Tình Yêu Ki-tô Giáo 

Trước hết, người Ki-tô hữu yêu một người nào đó dứt khoát không phải vì ngoại hình hấp dẫn, không phải vì mối tương quan máu mủ, đồng hương, đồng hội, đồng thuyền, cũng chẳng vì lý do ích kỷ hoặc để hai bên cùng có lợi. Tôi yêu bạn đơn giản và chủ yếu vì bạn là một con người cũng như tôi: chỉ có con người như chúng ta mới có khả năng yêu và đón nhận tình yêu. Con vật chỉ có những thái cử do chính con người diễn ý ra “tưởng chừng là tình yêu”, song thực chất đó chỉ là những bộc lộ của bản năng đã được chương trình hóa. Những thái cử của loài vật, như cử chỉ chăm lo, trìu mến của gà mẹ dành cho gà con chẳng hạn, chỉ phản ảnh hết sức xa xôi và mờ nhạt tình mẫu tử của con người.
Thứ đến, người Ki-tô yêu người đồng loại vì nhìn thấy nơi họ hình ảnh của Thiên Chúa (xc Sáng Thế 1:27), bất kể mọi khác biệt về giới tính, màu da, tiếng nói, tín ngưỡng. Vì tất cả mọi người đều được sáng tạo giống hình ảnh của Thiên Chúa, nên tất cả mọi người đều được Thiên Chúa ban cho nhân phẩm, nhân vị, nhân quyền bằng nhau. Phẩm giá con người là ơn ban của Thiên Chúa, chứ tuyệt đối không do bất kỳ ai hoặc cơ chế phàm nhân nào cấp phát. Do đó, nhân phẩm, nhân vị, nhân quyền của con người là bất khả xâm phạm, bất khả hoán chuyển, bất khả hủy hoại đối với bất kỳ một quyền lực kinh tế, chính trị nào (xc  Giáo Huấn Xã Hội Của Hội Thánh Công Giáo, số 153).
Thứ ba, Chúa Ki-tô đã dạy Mến Chúa và Yêu Người là 2 Giới Luật vĩ đại nhứt và cốt yếu nhứt (xc Mác-cô 12:28-33), đồng thời Người còn nhấn mạnh tình yêu anh chị em đồng loại chính là căn tính thật sự của một Ki-tô hữu (xc Gio-an 13:35). Rồi đến ngày mỗi người phải trình diện trước Tòa Án Tối Cao của Chúa, chỉ có một câu chất vấn được nêu lên: “Con có tận tình yêu thương, giúp đỡ Chúa hiện diện trong người dồng loại của con không?” (xc Mát-thêu 25:31-46). Sau cùng, khi lên thiên đàng được tận mắt nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa thì chỉ còn lại Đức Ái hoạt động trong tâm hồn các vị thánh (xc Thư 1 Cô-rin-tô 13:13).
Vậy thì cuộc đời người tín hữu của Chúa Ki-tô phải là một cố gắng theo học và tốt nghiệp “Trường Yêu Thương”. Trường dạy yêu thương có 3 trình độ: Tiểu Ái, Trung Ái, và Bác Ái.
1)      Tiểu Ái: Ở trình độ nhập môn nầy, học sinh được dạy phải biết “thương người như thể thương thân”. Tôi có một bát cơm. Bạn tôi đói, xin ăn. Tôi xẻ cho bạn ấy một nửa.Thế là tôi đã có thể tốt nghiệp cấp I rồi.
2)      Trung Ái: “Thương người như người thương người” là chỉ tiêu của trình độ trung cấp hoặc cao đẳng. Bạn học quên mình hoàn toàn, để chỉ chăm lo cho mọi nhu cầu của tha nhân. Bạn đặt mình vào vị trí của tha nhân, ước mơ những gì họ ước mơ, và bằng mọi giá, giúp họ thực hiện những ước mơ đó mà chẳng kể công, cũng chẳng trông được đáp đền: “Quân tử thi ân bất cầu báo”.
3)      Bác Ái: Trình độ cao nhứt, sâu nhứt, rộng nhứt, vĩ đại nhứt của tình yêu: “yêu người như Chúa yêu người”, tức là việc thi hành Điều Luật Mới của Chúa Ki-tô ban hành trong Bữa Tiệc Ly (xc Gio-an 13:34).

Chúa Tuyên Bố Tha Tội Trước Khi Chữa Bịnh

Điều nầy xác nhận có mối tương quan chặt chẽ giữa tật bịnh, đau khổ của con người với tội lỗi họ đã phạm. Đây là đề tài khá lý thú và chắc chắn là rất quan trọng trong giáo lý của Ki-tô giáo. Tuy nhiên chúng ta sẽ trao đổi chủ đề nầy vào một dịp khác.

Linh Mục P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks