ngày tháng năm

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

CHUYỆN MẸ TÔI


Lạy Chúa Giê-su, câu chuyện nầy con kể cũng lâu lắm rồi, nhân “Ngày của mẹ” con xin kể lại cho Giê-su nghe. Một câu câu chuyện thật buồn:

Mẹ tôi sanh ra và lớn lên trên một quê hương đầy máu lửa, trải dài hai cuộc chiến chống Pháp và đánh Mỹ. Vừa đủ tuổi trăng tròn, mẹ phải làm dâu nhà chồng và tiễn chồng lên đường theo cách mạng. Mẹ ở nhà gánh nặng đôi vai: vừa làm dâu, vừa làm con trai. Khi mẹ mang thai lần đầu, mẹ luôn nghĩ rằng:

Thương chồng bảo bọc nhà chồng,
Để anh theo dõi cờ hồng chiến chinh.
Bao giờ độc lập thái bình,
Kiệu anh đi trước, võng nàng theo sau”

Đây là những vầng thơ ba tôi viết để lại cho mẹ trước khi lên đường làm nghĩa vụ. Lần ấy ông nội tôi vì quá thương con nên sanh bệnh…( nội tôi chỉ có thằng con trai duy nhất). Vừa hay tin ba tôi bị Tây bắt, ông nội tôi trở nặng và chết. Một tay mẹ chăm sóc thuốc thang và lo chôn cất khi ông nội qua đời. Mẹ tôi không bao giờ quên lời trăn trối của ông:

“Con ơi! Nếu cha có mệnh hệ nào, con phải đi tìm chồng con, con đừng bỏ chồng tội nghiệp nó nha conCon phải giữ lấy giang sang nhà chồng nha con…’

Và biết bao lần mẹ bồng bế con thơ đi thăm nuôi chồng. … Đến khi ba tôi được thả tự do, mẹ cùng  ba vào chiến khu để hoạt động cách mạng.. Đến ngày đình chiến, đất nước chia đôi, ba mẹ không chịu đi tập kết, ở lại miền Nam chờ ngày đồng khởi.

Năm 1963, đồng khởi ở Bến Tre nổi dậy, ba tôi lại thoát ly vào vùng giải phóng (ba theo đạo Chúa 1956) và tiếp tục con đường cách mạng. Mẹ ở nhà nuôi bốn con thơ và mẹ chồng mù lòa, bệnh tật.

Hồi ấy tôi còn nhỏ, tôi chỉ hiểu loáng thoáng về ba, còn mẹ thì tôi không để ý chi cả, nhưng tôi có một thắc mắc như thế nầy mà theo hỏi mẹ hoài:

”Mẹ ơi, sao mẹ không ra chợ buôn bán cho khỏe, mẹ về chi miệt vườn bom đạn, lầy lội dữ vậy mẹ?”

Mẹ tôi chỉ cười, không giải thích gì hết!.Ngày nào mẹ cũng gánh một gánh thật nặng, không rõ cái chi chi dưới đáy thúng, nhưng trên mặt chỉ có dăm ba trái bầu, trái bí, bánh kẹo linh tinh..

Cứ sáng sớm mẹ lên đường, chiều chạng vạng mẹ trở về nhà. Anh em chúng tôi tá túc bên ngoại, và được ngoại giúp đỡ. Hôm ấy, trời tối như bưng, tôi không thấy mẹ về, em gái tôi quá khát sữa nên tôi phải bồng em qua dì xin bú thép. Mãi đến nửa đêm mới có người đưa tin “mẹ tôi đã đưa đi bệnh viện tỉnh để mổ cấp cứu”. Vì hôm đó trời tối sớm, mẹ không thấy đường về, đi lạc vào vùng cấm địa và bị đạp nguyên bàn chông sắt…

Sáng hôm sau, tôi bế em ra thăm mẹ… Gặp mẹ, em và tôi òa lên khóc, mẹ cũng không khỏi xúc động, ôm chắc em vào lòng, em vì quá nhớ mẹ nên cũng không chịu rời xa, em nốc vú mẹ một hơi rồi mới buông mẹ ra, tóc tai vã mồ hôi..

…. Vào mùa đông năm ấy, mẹ tôi có mặt ở nhà rất sớm, vẻ mệt nhọc, đầy lo lắng. Mẹ quẳng gánh xuống đất, lên võng nằm, tay gác lên trán thở ra, vẻ mặt đăm chiêu, miên man nghĩ đến cái chết. .. Mẹ nhớ đến cảnh cha anh bị đẫm máu đòn roi của quân Pháp một cách tàn nhẫn vì có con đi cách mạng. Chúng đập nhừ tử, kéo xuống cầu Bình Chánh bắn chết, rồi thả trôi sông..!!

Bổng dưng … mẹ nghĩ đến ba tôi… dòng tư tưởng bị cắt đứt. Thì..(đến đây kịch minh họa)

-       Mười Ngọc (em mẹ chạy đến kêu ): Chị Mười ơi chị Mười! chị có nhà không? Chị hay tin gì chưa?- Trời đất ơi, nhìn xuống mà coi: quân ác nhân, quân tàn bạo, quân dã man… nó bắn chết rồi chị Mười ơi….!hu! hu!!!
-       Mười Ngộ (mẹ tôi: ngồi bật dậy, chạy ra sân) - Em nói sao - Chuyện gì vậy Ngọc? _ Sao em khóc la như có ai chết vậy? – Em nói quân ác nhân nào? Em nói mau cho chị nghe coi Ngọc, nói mau đi em….
-        Mười Ngọc: Hu! hu! … Còn quân ác nhân nào nữa mà chị hỏi! Cái thằng đại diện Thành (con trai ông nội sau) nó bắn và chặt đầu…. anh…. anh….hu!...hu!...
-       Mười Ngộ: Thằng đại diện Thành nó bắn ai..? Nó giết ai..? Nó chặt đầu anh nào..? Em nói mau cho chị nghe đi em…
-       Mười Ngọc: Nó bắn và chặt đầu … anh… anh rồi mà … hu!…hu!..
-       Mười Ngộ: Hả?? Em nói anh nào? Hỏng lẽ … sao kỳ lạ vậy cà?!! Chị mới gặp anh Mười ở Phong Nẫm hồi trưa nầy mà!! Cái gì kỳ cục vậy!! Hông…. hông.. hông phải anh Mười đâu. Anh Mười không có chết (thét lớn) – Không – không phải anh Mười…
-       Mười Ngọc: Phải rồi, anh Mười không có chết… nhưng anh Mười đã…. hy sinh rồi chị ơi.. hư! hư…!!
-       Mười Ngộ: Anh Mười đã hy sinh rồi à! Tại sao là anh .. Vậy là chồng tôi đã hy sinh rồi sao?! Còn bị chặt đầu nữa… hư! hư..!- Chồng tôi đã hy sinh - bị bắn còn bị chặt đầu nữa bà con ơi !..hư !hư..! Chồng tôi đã bị chặt đầu.. bị chặt đầu rồi…!! (mẹ ngất xỉu)..

Giê-su yêu quý của con, chuyện  ba mẹ con là như thế đấy, không một phút giây nào hạnh phúc phải không Giê-su? Chính vì cái đau khổ nầy, ba con đi tìm chân lý, ba con nói với mẹ:

”Em biết không, đạo Công giáo hay lắm, sống bác ái yêu thương… không như mẹ anh, đi chùa hoài ….  ba anh chết chẳng bao lâu mà mẹ anh đã tái giá..  trong lúc anh đang trong tù!! Giờ anh còn ai ngoài Chúa với em..!”

Giê-su yêu kính, bài kể chuyện nầy là do chị tổ trưởng kêu gọi con làm. Thật tình con không biết phải làm sao… Con cầu nguyện, xin Chúa cho con viết và kể ra sự thật, biết đâu chừng ở phường nghe, thấy thương và tội nghiệp cho con là gia đình liệt sĩ, sống ở thành phố hơn mười hai năm mà không xin được điện. Không phải nhà nước không cho, nhưng hai nhà hai bên không đồng ý ký tên (Chuyện Chất Than hồng lên đầu)…

Và Chúa đã hỗ trợ con, con làm đạo diễn, các chị rất nhập vai khi diễn xuất.. Tiểu phẩm nầy con làm hai lần trong hai dịp khác nhau, cả phường, nhất là những đảng viên bắt đầu lưu ý .. Nhân  dịp nầy,  ai cũng thương con, nên con mới xin được điện. Câu chuyện qúa ư là phép lạ, lên sân khấu rồi mà diễn viên quên con phải cầu nguyện để Chúa giúp họ nhớ. Vai nào diễn cũng đạt, cả hội trường không ai mà không khóc, nhất là vai Mười Ngọc làm mọi người dễ khóc theo từ đầu, vai em gái cũng rất  là cảm động.. Riêng vai mẹ làm cho mọi người bồi hồi khôn xiết … 

Cám ơn Giê-su rất nhiều, Giê-su  biết rõ con mà, con không sợ mỗi khi làm việc gì mà Giê-su muốn, vì:

 Người dò thấu vực thẳm và cõi lòng nhân thế, hiểu rõ toan tính của con người, vì Đấng tối cao am tường tất cả và đưa mắt nhìn các dấu hiệu thời gian - Người công bố dĩ vãng và tương lai và mặc khải dấu vết  của những điều bí ẩn . Không một ý nghĩ nào Ngài không thấu suốt, chẳng một lời nào là bí ẩn của Ngài
(Hc 42, 18-20)
Amen- All! All! Tạ ơn Chúa
 Con yêu quý của Ba mẹ

     12-05-2012
     ElizabethCC

(Trích trong tiểu phẩm “Kể chuyện về Mẹ” nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8.3.2004, tại F10-Q10-TPHCM)




-        

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks