ngày tháng năm

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Gió-Lửa-Nước


(Chúa Nhật Hiện Xuống, năm B)

Gió, Lửa và Nước “bộ ba độc đáo” gồm những thứ mềm nhất và bình thường nhất, nhưng đó lại là những thứ mạnh nhất và quan yếu nhất trong cuộc sống, ba thứ ấy mạnh đến nỗi không gì có thể cưỡng lại.
GIÓ có thể tiếp nhận, thổi bay và chuyển hóa mọi thứ, dù những thứ xấu xa và dơ bẩn nhất. Gió luôn tự hào, không buồn khổ hay tủi nhục. Gió có dung tích rộng lớn, gọi là Đại Phong, có khả năng di động và chuyển hóa phi thường.
LỬA có thể tiếp nhận và đốt cháy mọi thứ, dù những cái xấu xa và dơ bẩn nhất. Lửa không vì thế mà cảm thấy buồn tủi, chán chường, hoặc ghen ghét. Lửa có dung tích rộng lớn, gọi là Đại Hỏa, có khả năng thiêu đốt và chuyển hóa tất cả mọi thứ.
NƯỚC có thể tiếp nhận và rửa sạch mọi thứ, dù những cái xấu xa và dơ bẩn nhất, người ta có đổ xuống nước mọi thứ nhưng nước vẫn bình thản, không lệ thuộc hoặc cảm thấy oán hờn, tủi nhục. Nước cũng có dung tích rộng lớn, gọi là Đại Thủy, có khả năng di động và chuyển hóa kỳ diệu.

Gió, Lửa và Nước luôn dạy chúng ta nhiều bài học sống: Nếu tâm chúng ta có khả năng chuyển hóa và di động, chúng ta cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi thứ đau khổ mà người khác trút lên chúng ta, và những thứ ấy không thể gây xáo trộn tâm hồn chúng ta, không thể tước mất sự bình an và hạnh phúc trong tâm hồn chúng ta: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu” (Rm 8:39).
Nước liên quan Phép Rửa, cũng gọi là Bí tích Thánh tẩy: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Ngài thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài” (Mt 3:16). Như vậy, Nước cũng liên quan Chúa Thánh Thần.
Những gì đơn giản nhất thường bị coi thường. Chúa Thánh Thần cũng thường không được chúng ta “nhắc tới”, dù Ngài không ngừng hoạt động trong cuộc đời chúng ta. Hãy thành tâm thân thưa với Chúa Thánh Thần: “Lạy Ngôi Ba Thiên Chúa, chúng con xin lỗi Ngài!”.
TIẾP NHẬN THÁNH THẦN…
Sách Công vụ Tông đồ kể: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một” (Cv 2:1-3).
Hai hình ảnh xảy ra liên tiếp: Gió và Lửa. Gió là không khí. Không khí là thứ tối cần thiết, vì thiếu không khí trong vài phút thì người ta không thể sống nổi. Làn gió do quạt máy không làm người ta sảng khoái, nhưng chỉ một chút gió hiu hiu cũng đủ làm người ta tỉnh táo và cảm thấy hồi phục ngay. Tuy nhiên, nếu gió mạnh quá thành lốc hay bão thì chẳng gì có thể chống lại, cả tòa nhà cao lớn cũng bị gió thổi sập trong tích tắc. Lửa làm người ta ấm áp trong mùa Đông giá lạnh, một đốm lửa dễ dàng bị thổi tắt, nhưng đốm lửa đó cháy lan như những vụ hỏa hoạn thì con người chỉ biết đứng nhìn mà “cười ra nước mắt”. Nước cũng rất mềm, dễ ngăn cản, ai muốn làm gì thì làm, nhưng một khi Nước “nổi giận” thì con người không thể ngăn cản, chạy cũng không kịp: Triều cường, vỡ đê, lụt lội, sóng thần,…
Gió, Lửa và Nước như thế đấy, vừa yếu vừa mạnh, vừa mềm vừa cứng. Và đó chính là Thần Khí Chúa, là Đức Chúa Thánh Thần, là Thánh Linh, là Thần Chân Lý, là Ngôi Ba Thiên Chúa.
Khi Gió thổi tới và Lửa đậu trên đầu thì mọi người được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Hiện tượng “nói tiếng lạ” xảy ra ngay lập tức, nhiều người ngạc nhiên và hỏi nhau: “Thế nghĩa là gì?” (Cv 2:12), nhưng một số khác lại chế nhạo: “Mấy ông này say bứ rồi!” (Cv 2:13). Không lạ sao được khi họ nói đủ thứ tiếng vậy mà họ vẫn hiểu nhau, đặc biệt là ai nghe cũng thấy họ nói tiếng của mình. Nhưng tất cả là để “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2:11; Tv 86:11).
Có Chúa Thánh Thần thì người yếu đuối cũng thành khỏe mạnh, người nhút nhát cũng thành người bạo dạn, người run sợ cũng thành người can đảm. Chắc hẳn mỗi chúng ta cũng đã từng cảm nghiện được Chúa Thánh Thần tác động như vậy. Vì thế, chúng ta phải thốt lên: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!” (Tv 104:1). Thiên Chúa tạo dựng mọi thứ, nếu “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi” (Tv 104:29). Thật vậy, “sinh khí của Ngài do Ngài gửi tới, chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:30). Chính Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân mọi thứ, chúng ta có làm được gì cũng là nhờ Ơn Chúa, do đó chúng ta phải quyết tâm: “Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Ngài vui thoả, đối với tôi, niềm vui là chính Chúa” (Tv 104:34).
…ĐỂ SỐNG CHỨNG NHÂN
Chúa Giêsu đã nhiều lần động viên chúng ta: “Đừng sợ!” (Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5 & 10; Mc 5:36; Mc 6:50; Lc 1:13 & 30; Lc 2:0; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20). Sách Khải Huyền nhắc lại và giải thích: “Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1:17-18). Lúc sinh thời, chính Chân phước GH Gioan Phaolô cũng rất thích câu nói đó: “Đừng sợ!”. Không sợ thì mới dám “vào đời”, dám “ra khơi”, dám hành động và dám bảo vệ công lý, dám sống theo chân lý của Thiên Chúa (Tv 26:3).
Thánh Phaolô nói: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa” (Gl 5:16), và giải thích: “Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn” (Gl 5:17). Thánh Phaolô nói chi tiết hơn: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5:18-21a). Chắc chắn rằng “những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5:21b).
Trên đây là những điều ngược với Chúa Thánh Thần, còn những điều thuận với Chúa Thánh Thần? Đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5:23). Tất nhiên, chẳng có luật nào chống lại những điều như thế – dù là luật đời. Thánh Phaolô nói: “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5:24). Trong Chuỗi Mân Côi, ở mầu nhiệm thứ 5 của Mùa Thương, Giáo hội dạy: “Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa”. Đó là từ bỏ chính mình theo tác động của Chúa Thánh Thần. Và “nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau” (Gl 5:25-26).
Chúa Giêsu đã hứa: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Ngài là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Ngài sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15:26). Và Ngài cũng đã giữ đúng lời hứa đó. Nhưng Ngài cũng trao trách nhiệm cho mỗi chúng ta: “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15:27). Sống chứng nhân là bổn phận chung. Chúa Giêsu nói “anh em” không có nghĩa là chỉ có phái nam, còn phái nữ “khỏe re”. Lúc đó Ngài nói với các Tông đồ nên chỉ nói “anh em”, không có từ “chị”, nữ giới đừng vì thế mà “tự ái”, “đùn đẩy” hoặc “né tránh” trách nhiệm. Nhưng ngày nay phải được hiểu là “anh chị em” (ngôi thứ hai số nhiều – you, vous, vosotros, voi), cả nam và nữ.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16:12). Ngài biết chúng ta “không có sức chịu nổi” vì chưa được lãnh nhận Thần Chân Lý. Ngài xác định: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Ngài sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Ngài nghe, Ngài sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Ngài sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:13-14). Vì Ba Ngôi là Một nên Chúa Giêsu nói: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16:15a). Và một lần nữa, Chúa Giêsu nhắc lại: “Ngài lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:15b). Vậy là đã rõ ràng và chắc chắn, đúng như Đức Kitô đã hứa: “Thầy ở cùng anh chị em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28).
Lạy Chúa, xin soi sáng và dẫn chúng con đi theo đường chân lý của Ngài (Tv 25:5). Cuộc sống phàm nhân luôn nhiêu khê đủ thứ, xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ chúng con theo đúng Thánh Ý của Ngài, để chúng con can đảm thể hiện yêu thương mọi người trong từng nhịp thở. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks