ngày tháng năm

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

CHUYỆN TÌNH (IV)


Trong ngũ luân của nho giáo: Quân-thần; Phụ-tử; Phu-thê; Huynh-đệ và Bằng-hữu, quan hệ bằng hữu là thân mật nhất. Ví dụ khoảng cách giữa cha và con vẫn luôn lớn hơn khoảng cách giữa anh em, bạn hữu và chính khoảng cách này thường được diễn tả bằng quyền bính và có thể biến tướng thành sự độc đoán của người trên và nỗi sợ hãi dày vò người dưới. Trái lại giữa bằng hữu yếu tố quyền bính ấy gần như không còn nữa. Các nhà tâm lý học còn khuyên nên có một tình bạn trong các tương quan cha-con, vợ-chồng, huynh-đệ để làm cho các mối quan hệ ấy dịu dàng và thâm sâu hơn. 

Trong văn chương và lịch sử chúng ta có những tình bạn tuyệt vời và cảm động: tình bạn giữa Bá Nha và Tử Kỳ, chỉ mình Từ Kỳ đọc được tâm trạng của Bá Nha khi ông này gãy đàn. Sau khi hay tin Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn và không bao giờ đàn nữa vì đã mất người bạn tri âm (biết được âm thanh). Hay một tình bạn giữa Đa-vít và Giô-na-than. Khi Giô-na-than tử trận, vua Đa-vít đã khóc thương:
Giô-na-than anh hỡi/ Lòng tôi se lại vì anh/ Tôi thương anh biết mấy/ Tình anh đối với tôi/ thật kỳ diệu hơn cả tình nhi nữ (2 Sm 1: 26).

Xem ra khát vọng một tình bạn tri âm tri kỷ đều có nơi thẳm sâu của mỗi người. Albert Camus có lần đã viết: “Đừng đi đằng trước tôi, vì tôi không phải là người theo đuôi. Đừng đi phiá sau tôi, vì tôi không phải người dẫn đầu. Hãy cùng sánh bước bên nhau và ta là bạn.”

Có một sự bình đẳng nào đó đáng ao ước trong tình bạn. Và Đức Giê-su trong bữa tiệc ly đã nói, “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” Có thể nói Đức Giê-su đã chỉ ra một Thiên Chúa không như trong Cựu Ước mà sự nổi giận của Người làm dân Chúa phải sợ hãi. Giờ đây là khuôn mặt một người Cha yêu thương và với Ngài, một người bạn thân thiết.

Ngài đã dám hủy bỏ sự phân cách giữa “chủ” và “tôi tớ”, giữa Thiên Chúa và con người: từ nay không còn gì ngoài tình bạn nên không có gì phải giấu giếm riêng tư, tất cả đều tách bạch và trong suốt Khuynh hướng tự nhiên của tình yêu là chia sẻ, là để chung mọi sự: “Tất cả những gì tôi nghe được nơi Cha tôi, tôi đã cho anh em biết.” Tình yêu từ chối thống trị người khác, hướng về sự tôn trọng người khác và đặt họ bình đẳng với mình. Sự trong suốt và trân trọng ấy sẽ dẫn những người yêu nhau vào sự hiệp thông. Chúa Con ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa Con (“Ai thấy Ta là thấy Cha”). Cũng thế “Ai yêu mến Đức Giêsu thì giữ lời Ngài và ở trong Ngài, Ngài và Thiên Chúa sẽ đến ở trong người ấy.”

Tuy nhiên đừng hiểu tình yêu này một cách hời hợt và nông nổi vì Ngài bày tỏ “tình yêu ấy” chính trong lúc sắp chịu nộp: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Đức Giê-su là Tình Yêu của Thiên Chúa hiện diện trong nhân loại và sự bày tỏ rõ ràng nhất tình yêu ấy là cái chết cứu chuộc của Ngài trên thập giá. Và vì mức độ của yêu thương là yêu thương không mức độ nên Ngài đã kêu gọi chúng ta tuân giữ giới răn mới của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15: 12).

Yêu cầu này có quá đáng không? Thế nhưng làm sao tình yêu có thể sống chung với lòng vị kỷ, tự mãn, ganh tỵ, hận thù và những tính xấu khác. Ngay cả đức nhân ái tự nhiên của Khổng tử còn đòi hỏi sự khắc chế bản thân, tuân theo lề luật: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân” Vả lại Thiên Chúa vốn quảng đại sẽ ban cho chúng ta đức bác ái đối thần và nhiệm thần ấy nếu ta thành tâm xin Người và lúc đó chúng ta sẽ giữ đúng giới răn của Người trong mọi hoàn cảnh kể cả việc biến những thử thách khổ đau thành động lực vui tươi của lòng yêu mến. Thật vậy như lời Ngài nói “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1 Ga 4:7a) và “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10).

Thánh nữ Tê-rê-xa A-vi-la có lần than phiền về những đau khổ mà người cộng tác với mẹ là Thánh Gioan Thánh Giá phải chịu trong việc cải tổ nhà dòng: “Sao Chúa khắt khe với các bạn Chúa thế, bởi đó mà Chúa có ít bạn.” Tôi mong ước được trở nên những người bạn hiếm hoi của Ngài như hai vị thánh đó trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại từ trước muôn đời.

Nhị Thủy 


Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks