ngày tháng năm

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

CÓ MỘT LINH ĐẠO CHO GIÁO DÂN ?

Giáo Dân là thành phần đông đảo, có người nói chiếm tới 98% trong Giáo Hội nhưng lại không có một nền Linh Đạo nào cả.

“Cách nay vài tháng tôi hỏi Linh Mục Nguyễn Thái Hợp về những tài liệu về Linh Đạo Giáo Dân, ngài bảo: cho đến bây giờ các sách Linh Đạo đều do Giáo Sĩ viết cả, vì thế nếp sống tu trì luôn là chuẩn mực cho đời sống tâm linh. Muốn có những tài liệu về Linh Đạo Giáo Dân thì chính các anh phải viết lấy” ( Nguồn: Trần Duy Nhiên – Maranatha số 10 ngày 3/7/2004 ).

Cũng theo tác giả bài viết thì đây là lý do khiến Giáo Dân cần phải có Linh Đạo riêng cho mình: “Đời sống đạo của Giáo Dân không phải là một cuộc sống thoát tục, thoát khỏi những thực tại thế gian như các vấn đề xã hội, chính trị, gia đình, nghề nghiệp… Đời sống đạo của Giáo Dân phải gắn liền với công việc hàng ngày có liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp và gia đình, đến những giờ giải trí, những cuộc họp hành, đến cơm áo gạo tiền, đến việc giáo dục con cái và thậm chí đến việc gối chăn… Đời sống đạo của Giáo Dân được kết thành bởi một mạng lưới dày đặc những tương quan giữa người và người cùng với các vấn đề dính liền với con người và những vấn đề ấy nhiều khi hoàn toàn ở ngoài kinh nghiệm Linh Đạo của các bậc tu trì” ( Nguồn đã dẫn ).


Thật ra không thể phân biệt sự khác nhau giữa Giáo Sĩ ( Phó Tế, Linh Mục, Giám Mục ) và Giáo Dân ở những mối lo toan đời thường mà nói rằng các ngài là những con người thoát tục. Nếu hiểu tục là tục lụy tức những hệ lụy của cuộc sống khi mang thân phận người thì dù cho có là Giáo Sĩ, hay Giáo Dân, những người có tôn giáo hay những người không tôn giáo thì cũng như nhau cả thôi. Tất cả hệ lụy của kiếp người có thể tóm gọn trong một từ duy nhất đó là KHỔ. Sinh là khổ, già là khổ, chết là khổ, phải xa lìa người thân là khổ, phải gần gũi kẻ thù là khổ. Lại nữa chẳng những thân bệnh hoạn ốm đau là khổ, nhưng ngay cả thân khỏe mạnh cũng… khổ, khổ vì những thôi thúc ham mê ăn uống, dục tình v.v…


Khổ mà không ý thức được khổ để rồi cứ lăn lóc mãi trong khổ đó là nỗi mê trong mê muôn kiếp của con người. Trái lại khổ mà biết đó là khổ để rồi tìm kiếm con đường thoát khổ đó là người tuệ trí khôn ngoan. Đạo Chúa là Đạo Cứu Rỗi thoát khổ. “Hỡi anh em là con cái thuộc dòng dõi Apraham và kẻ kính sợ Đức Chúa Trời trong anh em. Đạo về sự cứu rỗi nay đã truyền đến cho chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ).


Cứu rỗi nghĩa là cứu phần linh hồn, bởi đó cho nên tất cả việc sống đạo của người Công Giáo chúng ta mục đích là để lo sao được cứu như Chúa truyền dạy: “Lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” ( Mt 16, 26 ). Một khi đã hiểu toàn bộ mục đích sống đạo là để được cứu về phần linh hồn thì đâu cần phân biệt Giáo Sĩ, Giáo Dân làm gì, ai mà chẳng phải lo cho phần rỗi mình ?


Linh Đạo là con đường lo cho phần rỗi linh hồn, điều ấy tưởng không có chi phải bàn. Thế nhưng thực tế cho thấy ngày nay đó lại là một vấn đề vô cùng rắc rối. Có đề nghị cần phải có Linh Đạo Giáo Dân thì đã bị kịch liệt phản đối: Đối với đề nghị của tiến sĩ Newman muốn tham khảo hàng ngũ Giáo Dân trong các vấn đề tín lý, Đức Ông George Talbot đã phát biểu như sau: Lãnh vực hoạt động của Giáo Dân là gì ? Là săn, là bắn, là vui chơi. Các vấn đề đó họ hiểu rất rõ nhưng còn việc pha mình vào các vấn đề Giáo Hội Học, họ không có quyền mà việc của Newman là vấn đề thuộc Giáo Hội Học” ( Nguồn đã dẫn ).


Từ lâu Giáo Dân đã bị rất mực coi thường, hơn nữa còn bị khinh miệt “Ở những nơi Kitô giáo từng có mặt lâu đời như Anh Quốc, không thiếu các vị giáo phẩm công khai tỏ ý khinh miệt hàng ngũ Giáo Dân. Đức Hồng Y Gasquet ( 1846 – 1929 ) mô tả như sau về họ: người Giáo Dân quỳ trước bàn thờ, ngồi dưới tòa giảng và thò tay vào túi tiền ( bỏ vào giỏ sóc ) ( Nguồn đã dẫn ).


Trước Công Đồng Vatican 2, Giáo Dân bị coi thường như thế, nhưng sau đó dường như đã có thay đổi: “Công Đồng Vatican 2 đã đem lại nhiều tiến bộ trong phạm vi này… Từ đó người ta càng ngày càng nhấn mạnh tới tinh thần cởi mở và đối thoại trong mọi khía cạnh của cuộc sống nhân bản và điều này gây ra ảnh hưởng tích cực tới Linh Đạo Giáo Dân. Hiến Chế Mục Vụ Giáo Hội Trong Thế Giới Hiện đại đã nhấn mạnh tới tình liên đới giữa mọi người và đã chi tiết hóa cả một nền Thần Học Nhập Thể nhằm nối kết chặt chẽ giữa việc làm Kitô hữu với việc trở thành nhân bản trọn vẹn” ( Nguồn đã dẫn ).


Nếu hiểu Linh Đạo theo nghĩa Thần Học thì quả thật chưa bao giờ Giáo Dân có Linh Đạo và bởi đã không có thì làm gì có chuyện ảnh hưởng hay không ảnh hưởng ? Mặc dầu vậy, kể từ đó con đường cứu rỗi đã bị biến dạng để thành ra cái gọi là nhân bản. Giữa Cứu Rỗi và Nhân Bản có sự khác biệt nhau thế này: một đàng lấy Thiên Chúa làm cứu cánh, một đàng là con người.


Bởi lấy con người làm cứu cánh nên Thần Học mới có quan điểm về tạo dựng thế này: “Kitô giáo khẳng định rằng thế giới vũ trụ và con người đều do Thiên Chúa tạo dựng nhưng không phải con người được tạo dựng vì thế giới, mà trái lại thế giới được tạo dựng vì con người và cho con người. Theo Kinh Thánh thì khởi thủy khi thế giới vũ trụ vừa được tạo dựng thì nó được Thiên Chúa đánh giá là tốt là rất tốt” ( Lm. Thiện Cẩm, Nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc số 15 tháng 3/1996 ).


Nói Thiên Chúa tạo dựng thế giới vì con người, đó là cách giải nghĩa Kinh Thánh hoàn toàn theo… nghĩa đen. Với cách giải nghĩa này thì con đường Cứu Rỗi của Đạo Chúa đương nhiên sẽ bị phá hủy. Thần Học bây giờ chẳng cần chi tới Linh Đạo, linh thánh gì nữa, tất cả chỉ là vì… con người “Thần Học không phải chỉ suy nghĩ về những thực tại thiêng liêng hay siêu nhiên được coi như thượng tầng cấu trúc con người mà còn phải suy nghĩ về hạ tầng cấu trúc của nó. Thần Học ngày nay không chỉ suy nghĩ về những sự trên Trời, không chỉ suy nghĩ về những mầu nhiệm Thiên Chúa mà còn cả về vật chất về kinh tế chính trị khoa học. Thần Học ngày nay cũng phải quan tâm đến những vấn đề sinh học về ý nghĩa và vai trò của gien và di truyền trong việc hình thành thể xác và phẩm cách con người” ( Lm. Thiện Cẩm, tài liệu đã dẫn ).


Tất cả công việc của Thần Học từ trước đến giờ chỉ là… suy, hết suy trên trời lại suy dưới đất, rút cục cái mà nó có được chỉ là những quan niệm chết khô chẳng mảy may quan hệ gì tới đời sống. Đang khi đó Chúa dạy: “Vậy các ngươi chớ lo ăn gì uống gì mặc gì. Cũng đừng phân vân nghi ngại, vì những điều đó các dân ngoại vẫn lo. Song Cha các ngươi biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi, trái lại hãy lo tìm kiếm Nước của Ngài thì những điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi” ( Lc 12, 29 – 31 ).


Đừng quá lo cho đời sống vật chất xác thân mà hãy lo tìm kiếm Nước Chúa, đây chính là Linh Đạo duy nhất cần thực hiện cho cả Giáo Sĩ lẫn Giáo Dân.


I. Linh Đạo cho việc tìm kiếm


Chúa nói hãy lo tìm kiếm Nước Chúa có nghĩa Nước ấy cần phải tìm phải kiếm mới gặp chứ chẳng phải bỗng dưng mà có hoặc do người khác đem cho. Hiểu như vậy thì việc tìm kiếm ấy chính là con đường tâm linh tức Linh Đạo của mỗi người, không ai có thể làm thay cho ai. Từ trước đến giờ đời sống giáo dân vẫn thường diễn ra một cách thụ động và sự thụ động ấy sở dĩ có là do tâm lý ỷ lại vào các đấng các bậc cho rằng các ngài đã được Chúa chọn để làm người chăn dắt mình. Xét bề ngoài thì sự ỷ lại đó có thể đem lại sự an tâm cho cả Giáo Dân lẫn Giáo Sĩ, thế nhưng trong đời sống tâm linh đó lại là một trở ngại rất lớn cho việc tìm kiếm như Chúa đòi buộc: “Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ sẽ được mở cho” ( Lc 11, 10 ).


Có tìm mới gặp, không tìm thì không thể gặp, điều ấy thể hiện ngay trong tất cả việc gọi là sống đạo. Bởi không có tinh thần tìm kiếm thế nên việc cầu nguyện đã trở thành một thứ hình thức máy móc: đọc kinh hết ngày này tháng khác mà chẳng hiểu thực tâm mình muốn cầu gì, nguyện gì ? Đọc Kinh Thánh mỗi ngày, chia sẻ hết đoạn này câu khác rút cục chỉ được cái tiếng là thông thạo Kinh Thánh mà nếu có có ai vặn hỏi một ý nghĩa nào đó thì lại… bí tịt !


Chúa nói phải tìm Nước Chúa và chắc chắn Nước ấy không thể có ở đâu đó trên cõi đời: “Nước Ta không thuộc thế gian này” ( Ga 18, 36 ). Nhưng nếu Nước Chúa không ở thế gian thì… ở đâu ? Câu hỏi này cần phải thường trực đặt ra nhưng cũng đừng vội có câu trả lời. Bất cứ câu trả lời nào nếu không phải do chính mình tìm được thì không những chẳng mảy may ích lợi mà còn có nguy cơ đưa tới lầm lạc. Tại sao ? Bởi vì câu trả lời đó là của sách vở, của người khác, mà người khác thì làm sao họ có thể thay thế được cho ta trên bước đường tâm linh ?


Đặt vấn nạn trong lãnh vực tâm linh là điều tối cần bởi nó chứng tỏ một tâm hồn khát khao chân lý. Thánh Augustino than thở: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con vì Chúa nên tâm hồn con còn xao xuyến mãi cho tới khi nghỉ yên nơi Ngài”. Thánh nhân đã có cuộc sống trụy lạc nhưng đồng thời cũng là một tâm hồn khát khao chân lý. Không có nỗi khát khao ấy thì trụy lạc vẫn sẽ mãi trụy lạc không thể có ngày ra ! Tuy nhiên dù nỗi khát khao là vô cùng cần thiết nhưng nếu không có ơn Chúa thì việc tìm kiếm ấy hoặc sẽ sớm lụi tàn hoặc có thể dẫn tới những con đường sai lạc. Ơn Chúa rất cần cho bước đường tìm kiếm, hơn nữa chính Thiên Chúa cũng mong mỏi tìm ta: “Giờ sắp đến, mà nay đã đến rồi, khi kẻ thờ lạy thật thì hãy lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy Cha, vì Cha vẫn hằng tìm kiếm người dường ấy để thờ lạy Ngài” ( Ga 4, 23 ).


Đời sống tâm linh là một cuộc hành trình tìm kiếm lâu dài, thế nhưng cuối cùng thì cái đích của cuộc tìm ấy lại không phải một Đấng nào khác ở bên ngoài mình.


II. Linh Đạo cho sự trở về


Cuối cùng thì việc tìm kiếm không phải là tìm cái chi ở bên ngoài nhưng là cái vốn vẫn đầy đủ ở nơi mình: “Hỡi Đức Chúa hãy xoay chúng tôi trở về Ngài thì chúng tôi sẽ trở về, làm chúng tôi lại mới như thuở xưa” ( Ac 5, 21 ). Cái thuở xưa được làm mới ấy chính là Vườn Địa Đàng mà nguyên tổ đã đánh mất sau khi ăn ( phạm tội ) cây phân biệt mà Thiên Chúa đã cấm: “Một mai ngươi ăn thì chắc phải chết” ( St 3, 3 ). Vườn Địa Đàng là biểu tượng minh triết ám chỉ cho Thực Tại Vô Phân Biệt, Thực Tại này cũng chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại mà Đức Kitô rao giảng ( Lc 17, 20 – 21 ).


Sứ mạng của Đức Kitô được sai đến là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và Ngài kêu gọi hết thảy hãy quay trở vào, “Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng Nước Thiên Chúa đã được rao giảng và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ). Với lời kêu gọi của Chúa đã cho chúng ta thấy con đường tâm linh là đường trở về nơi mà từ đó mình đã ra đi.


Đứa con hoang đàng chẳng phải là đã từ nhà cha mình ra đi hay sao ? Cha là người giàu có vô lượng, nhà là nơi yên ấm không đâu cho bằng, ấy vậy mà người con lại cố tình đòi chia gia tài để ra đi. Sở dĩ người con quyết ý ra đi bởi cho rằng nơi mình sẽ đến chắc hẳn phải có rất nhiều cái vui cái sướng hơn khi… ở nhà ? Thế nhưng thực tế, sau khi đã phung phí hết tiền bạc với gái điếm, y đã phải đến làm công cho trại heo, muốn ăn cám của heo nhưng nhà chủ cũng không cho. Ở đời những khi phải đối mặt với những nỗi khổ cực hoặc hiểm nguy, người ta khi ấy mới nhớ đến cha, đến mẹ có khi còn thốt lên lời than van: Cha mẹ ơi, sao con khổ thế này ?! ?


Đứa con hoang đàng đến cái nỗi này cũng nhớ đến người cha vô cùng giàu có sang trọng của mình: “Biết bao người làm thuê cho cha ta còn được ăn bánh no nê, còn ta đây lại phải chết đói”. Nghĩ vậy, nó bèn quyết ý trở về nhà cha mình cùng với lòng ăn năn sám hối: “Cha ôi ! Con đã phạm tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như đứa làm thuê của cha vậy” ( Lc 15, 11 – 19 ).


Khổ, biết mình khổ, đó là cái bước thứ nhất cần thiết cho việc trở về. Thế nhưng biết khổ là một việc, còn có NHỚ được là mình còn có NƠI để về, đó mới là điều quan trọng. Trên cõi đời vô vàn khổ lụy, nào thiên tai bão lũ, núi lửa, sóng thần tàn phá, dịch bệnh lan tràn hết đợt này đợt khác. Nào là nhân tai địch họa ô nhiễm môi trường, chiến tranh khủng bố dồn dập tin đài tin báo không ngày nào không. Thế nhưng những thảm họa đó quả thật cũng chưa lớn lao cho bằng nỗi khổ thiếu vắng niềm tin. Chính cái khổ thiếu vắng niềm tin ấy mới khiến cho con người không thể còn có chốn để VỀ.


Muốn về thì cần phải tin rằng mình có chốn để về. Chốn ấy người có Đạo chúng ta tin đó là Đấng Cha Giàu Lòng Thương Xót: “Khi còn ở đàng xa, cha thấy nó thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ nó mà hôn riết” ( Lc 15, 20 ).


Nhận ra đường về là về với Đấng Cha Hằng Hữu ở nơi mình, đó là sự tỉnh ngộ vô cùng cần thiết, thiếu sự tỉnh ngộ này, con đường VỀ vẫn còn mờ mịt. Tuy nhiên sự tỉnh ngộ ấy chẳng bỗng chốc mà có hay do người khác đem cho, nhưng là một nỗ lực thực hiện không ngừng nghỉ giới răn yêu thương: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý chí mà thương yêu Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn lớn hơn và đầu nhất. Còn điều thứ hai cũng vậy, “Ngươi hãy thương yêu kẻ lân cận như mình. Cả luật pháp lẫn tiên tri đều tóm lại trong hai điều răn ấy” ( Mt 22, 36 – 40 ).


Làm sao để thực thi giới răn yêu thương, hơn nữa phải yêu thương hết sức mình ? Điều ấy với loài người không thể, nhưng với Thiên Chúa lại được, bởi nên nhớ con người không chỉ được tạo dựng để hiện hữu như một thọ tạo mà Ngài còn muốn chúng ta là con cái Ngài. Kinh Thánh chép: “Và Người thổi hơi trên họ” ( St 1, 26 ) nghĩa là Ngài cho ta chính Sự Sống của Ngài, đồng thời cho ta hội nhập Gia Đình Chí Thánh của Thiên Chúa” ( Mẹ Eugenia – Tình Cha – Sống làm vinh danh Cha ).


PHÙNG VĂN HÓA, Tháng Hoa 5.2012

Trích từ hanhtrinhdanchua

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks