ngày tháng năm

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Nhân vị

Nhóm cổ vũ 'Compendium': Sự cứu độ chân chính: phổ quát và không hạ giá nhân phẩm của những người được cứu độ.
 Người Đưa Tay Chạm Vào Anh.” (Lc 3:12)
Lòng Trắc Ẩn
Bạn hẳn đã có một lần đi “làm từ thiện”. 

Sau trận bảo lụt, cửa nhà xơ xác, đồng ruộng điêu tàn. Thiệt hại không chỉ tính bằng số tiền tỉ. Nỗi kinh hoàng, đau đớn, giận dữ, như thấy hiện rõ trong ánh mắt những nạn nhân, sẽ còn in hằn thật sâu, cắt cứa rướm máu trong lòng họ, trở đi trở lại như những cơn ác mộng trong giấc ngủ của họ. Tình trạng còn bi đát hơn nữa nếu nạn nhân là một em bé mất cha hay mẹ dưới dòng nước lũ hung ác. Giữa cơn khốn cùng ấy, được chia sẻ miếng cơm manh áo thật không còn gì ý nghĩa hơn, thắm thiết tình người hơn.
Có người gởi tiền, hiện vật để các cơ quan cứu trợ phân phối cho nạn nhân. Có người đích thân mang vật phẩm cứu trợ trao tận tay đồng bào gặp nạn.
Có người sau khi đã trao quà cứu trợ vội vã trở về thành phố vì còn bận bao công việc làm ăn, lo sinh kế cho gia đình mình. Có người nán lại lâu hơn thăm hỏi, an ủi, động viên các nạn nhân.
Có người mang cung cách ban phát của “bề trên”, của thái độ “ân nhân”, hạ cố trên những mảng đời đáng thương, đáng tội. Có người xà xuống mái tranh xiêu vẹo, chui vào tấm ny-lông rách che tạm nắng mưa, ngồi bệt trên mấy mảnh giấy các-tông bê bết bùn thay cho bàn ghế đã bị nước lũ cuốn trôi, ân cần lắng nghe nạn nhân đọc “bài kinh cầu” của một chuỗi những mất mát, những nỗi đau xé lòng. Sẵn có mì gói, ta đun nước, làm gấp mấy tô, rồi cùng nhau chia sẻ bữa trưa tại hiện trường.
Con người có khả năng cảm nhận rất bén nhạy về lòng trắc ẩn, đặc biệt nếu bạn là nạn nhân của mọi hình thức đau khổ, thua thiệt, mất mát, bất công, đàn áp.
Đúng như cổ nhân đã dạy: “Cách cho quan trọng hơn của cho”. Quà tặng sẽ vô cùng ý nghĩa khi được bọc gói bằng thái độ trân trọng phẩm giá người nhận. Món quà vô giá bạn có thể chia sẻ với người đồng loại đang lâm cảnh cơ nhỡ, khốn cùng chính là lòng trắc ẩn chân thành, không chút màu mè, son phấn. Nhiều trường hợp, người bần cùng, người đau khổ, người tuyệt vọng, người mất hết lý do sống trên đời để khao khát, mong đợi một món quà nào đó, khác với bất kỳ những gì người trao tặng nghĩ là sẽ xoa dịu, sẽ thỏa mãn được người đón nhận. Người què bẩm sinh ngồi xin ăn ở Cửa Đẹp Đền Thờ thường xuyên nhận được những đồng bạc bố thí từ khách thập phương.  Anh có thể sống lây lất qua ngày. Mọi người thương hại cho tình trạng tật nguyền của anh, song họ nghĩ anh được như thế cũng kể là phúc lớn—không đến nỗi chết đói.   Có ai đồng cảm được những miếng cơm nghẹn đắng nuốt không trôi trong nước mắt tủi nhục hay không? Vì đâu có ai ngày nầy qua ngày khác phải cắn răng ngửa tay đón từng đồng xu cắc bạc, người ta ném cho anh trong khi vội vã bước lẹ qua như để tránh bịnh cùi hủi hoặc dịch tễ lây lan.  Anh phải nhặt những đồng tiền của lòng thương hại đó vì không còn lựa chọn nào khác. Nhưng cũng do đó mà cái khối u uất, giận dữ, thù ghét—giận dữ, thù ghét những kẻ anh nghĩ là sung sướng khi khai thác tình trạng tật nguyền, đau khổ của anh để lập thêm công đức, tích lũy phước lành, kể cả giận dữ và thù ghét chính bản thân bất hạnh, bất tài, bất tướng của mình, thù ghét ghê gớm, không thể tha thứ vì tự mình đã để cho lòng tự trọng chết dần chết mòn—cái khối đó cứ lớn lên dần, cứ nặng nề thêm dần cho đến một mức độ không còn chịu đựng nổi. 
May cho quãng đời còn lại của anh.
Một hôm ông Phê-rô và ông Gio-an lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín.  Khi ấy, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí. Vừa thấy ông Phê-rô và ông Gio-an sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí. Ông Phê-rô cùng với ông Gio-an nhìn thẳng vào anh mà nói:“Anh nhìn chúng tôi đây!” Anh ta chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ được cái gì. Bấy giờ ông Phê-rô nói: Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh hãy đứng dậy mà đi!” Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy.  Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt lên, đi lại được; rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa(Công Vụ 3:1-8).
Tất nhiên món quà hai vị tông đồ của Chúa trao cho anh cực kỳ quý giá, hơn cả ngàn vạn kho vàng bạc châu báu, hơn cả mọi ước mơ. Đây mới thật sự là món quà anh cầu khấn đêm ngày và cuối cùng đã được chấp thuận. Anh muốn được trả lại điều, vẫn luôn là mơ ước bình dị của mọi người: có đủ sức khỏe để tự mình lo cho mình, để không làm phiền ai, để được đi trên đôi chân của mình, để làm việc mà nuôi sống bản thân và gia đình, chứ không chỉ sống lệ thuộc vào lòng từ tâm của bá tánh thiên hạ.  Điều thứ đến còn quan trọng hơn nữa: qua kinh nghiệm đau khổ, bịnh tật, qua mọi cuộc chạm trán nẩy lửa với cuộc đời muôn mặt, anh nhận ra những bất toàn, bất trắc, giả trá, phù du của con người và cõi trần hữu hạn nầy. Ước mơ những lý tưởng cao đẹp, khát vọng những giá trị trường cửu vẫn cứ cháy bỏng, vẫn sôi sục trong cõi lòng con người, song sẽ chẳng mấy hy vọng được thành sự thật, được thỏa mãn trọn vẹn.  Rất nhiều lần và nhiều trường hợp, con người được giới thiệu các bộ dạng cứu nhân độ thế danh tiếng, các phương án kinh bang tế thế đầy ấn tượng. Nhưng rốt cuộc đó chỉ là những ngôn sứ giả hiệu, những phương án lừa đảo, những toa độc dược cùng chung một tác dụng: mau chóng đưa con người xuống nấm mồ của hủy diệt, của tiêu vong. Vậy thì chỉ có Chúa Ki-tô, Đấng là Thần Y, là Cứu Tinh, là Phục Sinh, là Thiên Chúa, mới phục hồi toàn diện con người, mới trả con người trở lại địa vị và phẩm giá nguyên bản như Thiên Chúa đã ban cho từ khởi thủy. Anh tạ ơn Chúa, lòng tri ân vì được hội nhập trở lại vào công đoàn nhân loại, được cùng mọi người chung tay góp sức phục vụ công ích, không còn buộc phải ngồi bên lề cuộc đời như một kẻ ngoại cuộc, như một phế vật thừa thải, vô dụng. Anh tạ ơn Chúa vì nay anh có thể ngẩng cao đầu bước đi trong niềm vui sống, trong hy vọng một tương lai tươi sáng hơn, trong xác tín mạnh mẽ rằng mình có đủ phẩm giá và vinh dự là con người và là con Thiên Chúa. Anh có quyền để “vừa đi, vừa nhảy múa” như thế suốt cuộc hành trình.
Lòng Trắc Ẩn Của Chúa Ki-tô                        
Người què bẩm sinh đã được phục hồi sức khỏe. Hơn thế nữa, anh còn được trả lại phẩm giá của một con người, được hòa nhập trở lại vào đời sống cộng đoàn, được giải thoát khỏi mọi gông cùm mặc cảm, ức chế, được gặp lại niềm vui chúc tụng Thiên Chúa, Đấng nhân từ và thương yêu tất cả mọi người.
Đó là nhờ “Danh Chúa Giê-su Ki-tô.”
Chúa Giê-su Ki-tô là Lòng Trắc Ẩn Của Thiên Chúa.
Đến với một nhân loại bị tàn phế, mù lòa, bại liệt, lở loét, hấp hối vì hậu quả tội lỗi, Chúa Ki-tô lập tức lăn xả vào để cứu giúp họ.
Chúa không là người “làm từ thiện”, ban phát quà cứu trợ, thăm hỏi qua loa rồi ra đi, để lại nạn nhân ngày đêm quay quắt với những khổ đau, khốn cùng của họ.
Trái lại, Chúa tình nguyện “làm nạn nhân”, cùng với họ gánh chịu khổ đau, khốn cực.  “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta” (Thư Do Thái 4:15). Khi đón nhận bản tính con người, Chúa tôn trọng “luật chơi”, rất sòng phẳng, không đi tắt, không cắt xén, không xin miễn trừ, nhưng chấp nhận mọi điều kiện làm người.
Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhứt quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Thư Phi-líp-phê 2:6-7).
Là Lương Y nhà trời giáng trần cứu vớt sinh linh lầm than, đau khổ vì các tật bịnh lây lan nguy hiểm chết người do tội lỗi gây nên, Chúa không giữ bất kỳ khoảng cách an toàn nào, cũng chẳng mang đồ bảo hộ tối thiểu như khẩu trang, như găng tay. Ai đang làm việc trong ngành y tế, trong các bịnh viện phải thường xuyên tiếp xúc với nguy cơ nhiễm bịnh, đều biết phải hết sức thận trọng tuân thủ mọi biện pháp phòng ngừa như thế nào. Nhưng ai đã từng một lần phải vào bịnh viện để được điều trị hẳn còn nhớ cái cảm giác đau đớn, tủi thân, nhục nhã khi các bác sĩ, y tá không che dấu nỗi sợ hãi, ái ngại mỗi lúc họ vì bổn phận phải đụng chạm đến mình. Không có lý do để nghi ngờ họ là những thầy thuốc giỏi và tốt bụng. Nhưng vẫn có khoảng cách cần thiết giữa vị lương y và người mang bịnh tật.
Chúa Ki-tô đến gặp bịnh nhân với bàn tay trần, Người chạm vào họ, vào tật nguyền, vào vết thương mưng mủ của họ để xoa dịu, để chữa trị nỗi khổ đau của họ. Làm như vậy, Chúa bất chấp thành kiến, tập tục vốn cách ly người bịnh ra khỏi cộng đoàn. Làm như vậy Chúa phá vỡ các luật lệ bất công coi người binh tật, người tội lỗi như phế vật, như gánh nặng gia đình và xã hội phải cực chẳng đã mang vác. Làm như vậy Người muốn lớn tiếng khẳng định rắng: người bịnh, người tội lỗi phải được đón nhận, chăm sóc, giúp đỡ, với tất cả lòng thương yêu và kính trọng, xứng đáng với nhân phẩm, nhân vị của họ.
Thánh Kinh tiết lộ:
Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bịnh hoạn của ta” (Mát-thêu 8:17).
Có nghĩa là Chúa chẳng phải như một bác sĩ chữa bịnh căn cứ theo kiến thức đã được học hỏi ở trường y dược, nhưng Người đụng chạm đến vết thương nhân loại với cảm nghiệm đau đớn của chính vết thương trong chính thân xác, trong chính cõi lòng của Người. Người bịnh bám víu lấy đôi tay của Vị Lương Y đầy trắc ẩn, như bám lấy chiếc phao cứu sinh, bám lấy hy vọng cuối cùng, bám lấy một tấm lòng nhân ái, để trút hết nỗi lòng, trút hết nỗi thống khổ của tật bịnh, của gánh nặng tâm linh, vì gặp được một người hết sức tử tế, nhẫn nại lắng nghe. Thời gian cứ thế trôi qua, họ chợt thấy như gánh nặng tật nguyền, gánh nặng tâm linh vơi dần, vơi dần và biến mất. Bởi lẽ tất cả tật nguyền của họ đã có Chúa gánh thay. 
Chẳng những thế, nỗi đau của Chúa lại còn cắt cứa hơn trăm ngàn lần, vì Người biết rõ hơn bịnh nhân nguyên nhân bịnh tật của họ, hậu quả thảm khốc, vô phương cứu chữa của chứng bịnh hiểm nghèo họ đang gánh chịu. Cha mẹ hẳn đau khổ gấp trăm ngàn lần khi chứng kiến đứa con bé bỏng của mình đang chết dần từng ngày vì cơn bịnh ung thư máu giai đoạn cuối. Nhưng vì cháu bé cứ hồn nhiên vô tư vui đùa, tíu tít với cha mẹ về bao ước mơ tương lai, nên nỗi đau đớn lại càng trở thành không thể chịu đựng nỗi trong lòng người cha, người mẹ.  
Chúa Ki-tô biết rõ căn gốc của đau khổ tật nguyền nhân loại đang gánh chịu là do tội lỗi. Thứ siêu vi nầy không có bất kỳ phương pháp trị liệu nào hay lương y danh tiếng nào tiêu diệt nổi. Hậu quả tất yếu là con người phải chết. 
Nhưng Chúa cũng biết rõ Người sẽ phải làm gì để bằng mọi giá cứu sống nhân loại, kể cả với giá sinh mạng của chính Người.
Và Chúa đã chấp nhận sứ vụ cao cả đó khi Người đến với một nhân loại đầy thương tật, lăn lộn trong cùng cực đau đớn, trong cơn hấp hối vô vọng, để giang rộng đôi tay dịu dàng ôm lấy họ vào lòng, tận tình lau rửa, băng bó, phục thuốc, và bằng mọi cách giựt họ ra khỏi lưỡi hái tử thần.


Linh Mục P.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks