ngày tháng năm

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Kinh tế đoàn sủng

Não trạng cho rằng đoàn sủng chỉ dành cho các “đấng bậc” đã thay đổi và ngày nay ta có thể nói đến đoàn sủng của người tín hữu giáo dân, kể cả trong lĩnh vực kinh tế. Với cái nhìn ngôn sứ, trong Thông điệp xã hội Caritas in Veritate của ngài, Đức Bênêđictô XVI đề cao loại hình doanh nghiệp“kinh tế hiệp thông” như một giải pháp cho tình hình khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu. 

Phân phối lợi nhuận theo Kinh tế Hiệp thông
· 33,3% để giúp đỡ những người túng thiếu; 
· 33,3% để phát triển doanh nghiệp; 
· 33,3% để phổ biến "văn hóa tặng cho" 
Đoàn sủng là ơn của Thần Khí để xây dựng công ích 

Có lẽ chúng ta đã quá quen với câu nói trên và có lẽ chúng ta cũng khá quen với những cụm từ như “đặc sủng của đấng sáng lập dòng”, “đoàn sủng của các dòng tu”... Dường như Đức Chúa Thánh Thần chỉ dành riêng những ơn đó cho các “đấng bậc”. Não trạng đó ngày nay đã thay đổi và người ta nay có thể nói đến đoàn sủng của người tín hữu Giáo Dân và Đức Bênêđictô XVI thậm chí còn đề cao “nền kinh tế hiệp thông” trong Thông điệp Caritas in Veritate của ngài. 

Hiện diện thường xuyên và năng động của Thánh Thần trong mọi thành phần Dân Chúa 

Công Ðồng Vaticanô II, như một Lễ Hiện Xuống mới, đã nói về một dấu chỉ mới trong Giáo hội: sự thức tỉnh của người giáo dân hướng về một giai đoạn mới là đồng trách nhiệm và ý thức cộng đoàn. Công Ðồng không những công nhận và tán thưởng mà còn mời gọi toàn thể Giáo hội tiếp tục đi theo định hướng đó. Trong thế kỷ trước, đã xuất hiện một Chiara Lubich lãnh đạo một phong trào Giáo Dân rộng khắp, đi tiên phong trong lĩnh vực đại kết, hiệp thông và liên đới. 

Trong quyển Thánh Thần, Hơi Thở Sống Động Giáo hội, (bản dịch của quý vị giáo sư Nguyễn Đăng Trúc và Nguyễn Chính Kết), Hồng y L.J. Suenens viết: 

[Trích] 

“Đối với đoàn sủng, Công Đồng luôn có thái độ đón nhận và cởi mở. Trong một đoạn văn rất quân bình, Công Đồng dù rất cẩn trọng đã nhìn nhận tầm quan trọng luôn luôn hiện thực của đoàn sủng. Chúng tôi mạo muội thêm rằng: hiện thực hơn bao giờ hết”. 

Sau đây là hai đoạn văn căn bản của Công Đồng: 

1. Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 12: 

“Hơn nữa, cũng chính Thánh Thần ấy, không chỉ thánh hóa và hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các Bí Tích, các thừa tác vụ và trang bị họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bực các tín hữu “phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài” (1Cr 12, 1), khiến người lãnh nhận ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo hội như lời chép rằng: “Thánh Thần hiện diện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích” (1Cr 12, 7). 

Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với nhu cầu của Giáo hội. Nhưng không nên liều lĩnh kêu nài những ơn đặc biệt và cũng đừng vì đó mà tự đắc mong rằng việc tông đồ sinh kết quả. Những vị thủ lãnh trong Giáo hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự sử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để trắc nghiệm và giữ lại những điều thiện hảo” (xem 1Tx 5, 12 và 19-21). 

2. Giáo huấn ấy cũng được đưa ra trong Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, chương 3: 

“Để thể hiện việc tông đồ này, Thánh Thần thánh hóa Dân Chúa qua tác vụ và các Bí Tích. Ngài cũng ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt (xem 1Cr 12, 7), “Phân phát những ơn đó cho mọi người tuỳ ý Ngài” (1Cr 12, 11) để “mỗi người tùy theo ơn đã nhận mà giúp đỡ nhau” và chính họ trở nên như những người quản lý trung tín giữ mọi thứ ơn của Thiên Chúa (1 Pr 4, 10) hầu xây dựng toàn thân trong đức ái (x. Ep 4, 16). 

Do sự đón nhận những đoàn sủng này dầu là những đoàn sủng thông thường, mỗi tín hữu có quyền lợi và bổn phận sử dụng những ơn đó trong Giáo hội cũng như giữa trần gian để mưu ích cho mọi người và xây dựng Giáo hội trong tự do của Thánh Thần, Đấng “muốn đâu thì thổi đến đó” (Ga 3, 8) và đồng thời sử dụng trong sự hiệp thông với anh em trong Đức Kitô, nhất là với các vị chủ chăn của mình. Chính các ngài có nhiệm vụ xét đoán về bản tính đích thực và việc sử dụng thích hợp những đoàn sủng đó, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để thử nghiệm mọi việc và điều nào tốt thì giữ lấy” (x. 1Tx 5, 12; 19, 21)”. 

Công Đồng nhắc nhở Dân Chúa lưu tâm tới các đoàn sủng và kêu mời họ ý thức hơn về sự hiện diện thường xuyên và chủ động của Thánh Thần trong Giáo hội. Công Đồng cũng thực hiện điều này nơi những văn kiện khác – có tới 252 chỗ bàn về Thánh Thần trong các tài liệu Công Đồng – nhưng đặc biệt hơn là trong những đoạn nói về cải cách Phụng Vụ được Công Đồng khởi xướng. Đáng chú ý là trong các công thức đổi mới của việc cử hành Phụng Vụ và Bí Tích, Giáo hội đã đặt vai trò thánh hóa của Thánh Thần lên hàng đầu”. 

[hết trích] 

Mọi Kitô hữu đều có ơn đoàn sủng 

Như đã nói ở trên về người Giáo Dân “đồng trách nhiệm”, Công Ðồng Vaticanô II đã thay đổi cách nhìn về Giáo hội theo thể chế pháp lý sang cách nhìn về Giáo hội là Dân Thiên Chúa: Giáo hội là Dân mới của Thiên Chúa, được quy tụ do niềm tin vào Chúa Phục Sinh, và được ghi dấu nhờ Bí Tích Thánh Tẩy nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Tất cả những người đã chịu Thánh Tẩy đều là Dân Thiên Chúa, và có trách nhiệm thi hành sứ vụ của Giáo hội. Mọi tác vụ và đoàn sủng đều là ơn Thiên Chúa ban qua cộng đoàn và mọi Kitô hữu đều chia sẻ chiều kích tác vụ đó. 

Như vậy, mọi Kitô hữu Giáo Dân cũng được ơn đoàn sủng để xây dựng cộng đoàn và phục vụ công ích. Mà Kitô hữu Giáo Dân lại sống giữa đời và hoạt động trong môi trường kinh tế và xã hội. Vấn đề kinh tế, như mọi người đều cảm thấy, là hết sức quan trọng và trong thực tế, có lẽ khoảng 80% các quyết định mà người ta làm đều liên quan đến lý do kinh tế, kể cả vấn đề thuộc lĩnh vực tình cảm là việc dựng vợ gả chồng, lập gia đình. Như ta đã biết, Thông điệp Caritas in Veritate của Đức Thánh Cha đã phải chậm phát hành hai năm vì ngài muốn đề cập đến các vấn đề kinh tế tài chính và đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một điều hết sức bất ngờ, ngài đưa ra mô hình doanh nghiệp “kinh tế hiệp thông” như một dạng hỗn hợp giữa các công ty theo đuổi mục đích lợi nhuận và các tổ chức phi lợi nhuận. 

Kinh tế hiệp thông trong Thông điệp Caritas in Veritate 

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã dành các số 34-42 trong Thông điệp Caritas in Veritate để bàn về vấn đề phát triển trong lĩnh vực kinh tế. Vấn đề này lại được đề cập đến trong Chương VI “Phát triển các Dân tộc và Công nghệ” (45-47). Muốn hiểu được ý tưởng của Đức Thánh cha trong các đoạn này, ta cần đặc biệt chú ý đến hai từ khóa: “xã hội dân sự” (civil society) và “tính nhưng không” (gratuitousness). 

Diễn tả một cách nôm na, Đức Bênêđictô không coi hệ thống kinh tế như một “sân chơi” chỉ có hai “người chơi” là doanh nghiệp của tư nhân và “ông” Nhà Nước, nếu dùng ngôn từ chuyên môn trong ngành kinh tế thì có thể gọi đó là “bàn tay vô hình” của Adam Smith (kinh tế gia này cho rằng trong nền kinh tế thị trường, các cá nhân tham gia ai cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận cho mình, và khi làm thế vô hình chung đã thúc đẩy sự phát triển và củng cố lợi ích cho cả cộng đồng) và "bàn tay hữu hình" của Nhà Nước can thiệp bằng pháp luật, thuế và các chính sách kinh tế. Cần phải có miếng đất dụng võ cho các xã hội dân sự, có thể gọi đầy là “bàn tay thứ ba”. Chúng ta có thể gọi đó là mô hình “ba bàn tay” trong nền kinh tế thị trường. Đức Bênêđictô lập luận rằng giữa hai tác nhân này có hàng loạt các tổ chức ở giữa (các tổ chức trung gian), có thể gọi chung là “xã hội dân sự”. Ngài xem đây như khu vực lý tưởng cho hoạt động của các doanh nghiệp không những có mục tiêu lợi nhuận mà còn thực sự quan tâm đến tất cả các người có lợi ích liên quan (tiếng Anh gọi là “stakeholders”, một từ rất khó dịch sang tiếng Việt) của doanh nghiệp – bao gồm người chủ, các nhân viên, cổ đông, các doanh nghiệp liên kết như công ty con, chi nhánh, và những nhà cung cấp hoặc nhà phân phối của doanh nghiệp. Mối quan tâm thực sự này chính là "tính nhưng không". Để phát huy hiệu quả, mối quan tâm phải thuộc loại “tình cho không biếu không”, không thể là sản phẩm mang tính pháp lệnh áp đặt của Nhà Nước hoặc xuất phát vì động cơ lợi nhuận của doanh nghiệp tư nhân. Điều khá thú vị là ở Việt Nam đang manh nha hình thành, một cách nào đó, xã hội dân sự thuộc loại “doanh nghiệp xã hội” (social enterprise) theo mô hình của Anh và các nước phương Tây khác, điển hình là dự án của bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Dự án Đại học quốc tế Trí Việt, một dự án đang hình thành với mong muốn được quản lý như một doanh nghiệp xã hội. Doanh nghiệp xã hội như thế này có chủ ý tìm kiếm lợi nhuận, nhưng nhằm vào các mục tiêu xã hội. 

Trong thực tế đã có những tổ chức “phi lợi nhuận” xuất hiện và đang hoạt động. Tuy nhiên, Đức Bênêđictô chỉ ra rằng còn những mô hình khác cũng đang hiện hữu. Đức Thánh cha viết: 

“Khi ta xem xét các vấn đề có liên quan trong quan hệ giữa kinh doanh và đạo đức, cũng như các diễn biến đang xảy ra trong các phương thức sản xuất, dường như sự phân biệt mang tính truyền thống giữa các công ty vì lợi nhuận và các tổ chức phi lợi nhuận hoàn toàn không còn hợp với thực tế nữa, hoặc không còn có thể đưa ra những chỉ dẫn thực tiễn cho tương lai. Trong những thập niên gần đây, một khu vực trung gian rộng lớn đã xuất hiện giữa hai loại doanh nghiệp. Khu vực trung gian đó bao gồm các công ty truyền thống, tuy nhiên, lại tham gia các hợp đồng tài trợ xã hội nhằm hỗ trợ các nước kém phát triển, các cơ sở từ thiện liên kết với các công ty cá nhân, các nhóm công ty hướng đến phúc lợi xã hội, và thế giới đa dạng của nền kinh tế gọi là "kinh tế dân sự" và "kinh tế hiệp thông". Đây không chỉ là vấn đề "khu vực thứ ba", mà là một thực tại mới, rộng lớn và phức tạp, bao gồm các lĩnh vực tư và công, một lĩnh vực không loại trừ lợi nhuận, nhưng trái lại xem lợi nhuận như một phương tiện để đạt đến các cứu cánh của con người và xã hội. Dù các công ty đó có phân chia cổ tức hay không, dù cấu trúc pháp lý của chúng có đáp ứng hình thức này hoặc hình thức kia của các loại hình được thiết lập, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là những công ty đó có sẵn sàng xem lợi nhuận như một phương tiện để đạt đến một thị trường và một xã hội mang tính nhân bản hơn. Hy vọng rằng loại hình doanh nghiệp mới này sẽ thành công trong việc tìm ra một cấu trúc pháp lý và tài chánh thích hợp tại mọi nước. Không ảnh hưởng đến tầm quan trọng và các lợi ích kinh tế và xã hội của các loại hình doanh nghiệp truyền thống, các doanh nghiệp này thúc đẩy hệ thống hướng đến việc các chủ thể kinh tế đảm nhận các nhiệm vụ của mình một cách rõ ràng hơn và hoàn bị hơn. Và không phải chỉ có thế. Chính tính đa dạng về định chế doanh nghiệp làm phát sinh một thị trường không những văn minh hơn nhưng cũng cạnh tranh năng động hơn” (Caritas in Veritate, 46). 

Thật đúng là Thần Khí “muốn thổi ở đâu thì thổi”, và không có nơi nào có thể ngăn cản được tác động của Người. Đến đây ta có thể nói đến vấn đề đoàn sủng trong lĩnh vực kinh tế. 

Kinh tế đoàn sủng 

Giáo sư Luigino Bruni đang lược thuật lịch sử Kinh tế Hiệp thông nhân kỷ niệm 20 năm thành lập (hình chụp cuối tháng 5/2011) tại hội trường Ginetta Calliari Mariapolis, cách San Paolo (thành phố lớn nhất Brasil) 50 km, là nơi đúng 21 năm về trước, Chiara Lubich đã cảm thấy sức thúc đẩy mãnh liệt của Đức Chúa Thánh Thần hãy chia sẻ trực giác của mình về nhiệm vụ mang tính ngôn sứ trong lĩnh vực kinh tế. 
Đến đây, cách tốt nhất để ta hiểu về kinh tế đoàn sủng (có thể xem kinh tế hiệp thông như một dạng kinh tế đoàn sủng) là hãy nghe diễn giải của một vị am hiểu vấn đề: giáo sư, tiến sĩ Kinh tế Luigino Bruni, điều phối viên Ủy ban Quốc tế Kinh tế Hiệp thông thuộc Phong trào Focolare, nổi tiếng với câu nói: "Không gì có giá trị cho bằng một hành vi cho đi hoàn toàn nhưng không". 

Giáo sư Bruni giải thích Kinh tế Đoàn sủng có bốn đặc tính, phần trong ngoặc đơn là của người viết để quảng diễn thêm: 

· Đặc tính thứ nhất: Xuất phát từ cuộc sống, vốn quan trọng hơn lý thuyết 

Kinh nghiệm về sự xuất hiện của các đoàn sủng cho thấy cuộc sống vượt lên trên lý thuyết. (Ở đây ta có thể nhớ đến câu nói của Goethe: “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi”). Đây là những kinh nghiệm phổ quát, luôn luôn xuất phát từ thực tế, không bao giờ là kết quả là việc của các chuyên gia đầu ngành hoặc các nhà chuyên môn tham gia cuộc hội thảo bàn tròn đề ra. Đây không phải trường hợp thực hiện các dự án thuộc loại nói trên, mà là sự chăm chú lắng nghe cuộc sống, từ đó phát sinh các diệu cảm và trực giác, các trực giác này luôn luôn phong phú hơn các ý tưởng. 

Chiều kích thứ nhất này rất hiển nhiên trong Kinh tế Hiệp thông (chúng tôi viết hoa để chỉ về thực tại kinh tế hiệp thông mà Phong trào Focolare đã khai sinh đến nay được 21 năm, tiếng Anh là Economy of Communion, viết tắt là EoC). Đối diện với cảnh nghèo khó và phân phối bất công, Chiara Lubich, người sáng lập Phong trào Focolare, không kêu lên: “Ta hãy bắt đầu một trung tâm nghiên cứu để nghiên cứu một nền kinh tế mới”. Thay vào đó, chị đề nghị hãy hành động ngay lập tức, dựa trên một vài trực giác (chủ yếu là việc chia sẻ lợi nhuận thành “ba phần đều nhau”, gia tăng số khu công nghiệp tại các thành phố của Phong Trào, và “ta tuy nghèo mà đông”). Chị phó mặc cho cuộc sống bảo cho biết cần phải làm gì từng bước một và vào từng lúc. Trong nhiều dự án "xóa đói giảm nghèo" do các đoàn thể hoặc Nhà Nước tiến hành, chẳng hạn, lý thuyết có trước. Trong nền kinh tế mang tính đoàn sủng như nền Kinh tế Hiệp thông, thì cuộc sống đến trước, còn các suy tư lý thuyết luôn luôn đi theo cuộc sống, bởi vì cuộc đời dày đặc chân lý hơn bất kỳ lý thuyết nào. 

· Đặc tính thứ hai: Đáp trả từ đời sống cho vấn đề của các con người cụ thể 

Các kinh nghiệm này xuất hiện như một sự đáp trả của đời sống cho các vấn đề của những con người cụ thể. Năm 1991, Chiara bay đến thành phố Sao Paolo nước Brasil, và bị ấn tượng bởi ý nghĩ có nhiều người trong Phong trào Focolare, các thành viên gia đình chị, đang ở trong những ngôi nhà ổ chuột đó. Kinh tế Hiệp thông đã đến cho họ, không phải đến từ một ý tưởng trừu tượng mà xuất phát từ chính thực tế. Luôn luôn đến từ một điều gì đó đầy tràn sức sống, sinh động, chứ không phải một dự án nhân đạo nhằm xây dựng một thế giới tốt hơn. Một khi ra đời, nếu quả là những dự án đoàn sủng đích thực, thì những dự án đó rồi ra thế nào cũng phổ biến, nhưng tính phổ biến này gần như một tác động không cầu mà có, hoàn toàn không nằm trong diệu cảm và linh hứng ban đầu. 

· Đặc tính thứ ba: Quan niệm mới về của cải và nghèo khó 

Các kinh nghiệm đoàn sủng này đặt ra vấn đề cần có một quan niệm mới về của cải và nghèo khó. Ở đây Thánh Phanxicô là một mẫu gương cho ta. Sau khi trở lại, Phanxicô quay về nhà, không đi Spoleto nữa, và ngay lập tức Phanxicô từ bỏ ngay số tiền mình đã thu được trong kinh doanh, vì hiểu rằng của cải đích thực chính là những người khác: việc chọn Đức Nghèo Khó đã trở nên sự giàu sang mới của mình. 

Nói chung, mỗi khi đoàn sủng đến trong lịch sử kinh tế, đoàn sủng đều nêu vấn đề về “điều tốt”. Đoàn sủng nói rằng những điều thực sự tốt, “những điều thiện hảo”, không phải là những thứ con người ta thường hay hiểu như tiền bạc, quyền lực, thành công. Những điều thiện hảo trở thành sự nghèo khó, sự thấp bé nhất, sự hiệp thông, là “cho” chứ không phải “có” (not having but giving, ở đây chúng ta có thể liên tưởng đến câu Kinh Thánh “Cho thì có phúc hơn là nhận”). Một đoàn sủng, nhất là một đoàn sủng lớn, làm biến đổi cả cái nhìn thông thường về sự vật theo trật tự ngược lại. 

· Đặc tính thứ tư: Có đôi mắt khác, có cái nhìn mới trước mọi vấn đề 

Đặc tính thứ tư này tóm tắt, bao gồm các đặc tính trước. Các kinh nghiệm đoàn sủng là ơn có được “những con mắt khác” khiến ta nhìn thấy những vẻ đẹp trong các vấn đề ta gặp phải. Khi một đoàn sủng hoạt động, những ai thuộc về đoàn sủng sẽ thấy một cái gì khác trước, đó là ơn có được một cái nhìn mới. Chẳng hạn, khi Mẹ Teresa Calcutta nói về người nghèo, mẹ thích lập lại câu: “Đừng gọi họ là vấn đề, hãy gọi họ là tặng ân”. 

Câu hỏi thay cho lời kết 

Phải chăng đã đến lúc người Kitô hữu chúng ta, đặc biệt là các doanh nhân Công Giáo, cần quan tâm tìm hiểu và cùng nhau xây dựng, áp dụng vào hoàn cảnh của chúng ta một nền kinh tế đoàn sủng, kinh tế hiệp thông để đáp lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI? Đó cũng là mong ước của Đức Hồng y G.B. Phạm Minh Mẫn nữa, vì có lần trong một thư chung hàng tháng “Lời Chủ Chăn” cách đây gần chục năm, Đức Hồng y khuyến khích các tín hữu, đặc biệt là các doanh nhân hãy nghiên cứu và triển khai, áp dụng nền kinh tế hiệp thông của Phong trào Focolare. Thế nhưng cho đến nay, lời kêu gọi ấy vẫn như “tiếng kêu trong hoang địa”. Mặc dù Đức Tổng Gioan Baotixita đã quy tụ được cả một đội ngũ doanh nhân Công giáo chung quanh ngài, nhưng dường như vẫn chẳng có doanh nhân hay doanh nghiệp nào đứng ra nhận “đơn đặt hàng” của ngài để “gia công”. 

Phải chăng doanh nhân Công giáo Việt Nam vì “vô tri bất mộ” nên mới không “xin Đức Chúa Thánh Thần xuống, đầy lòng chúng con” hay tiếng gọi là “tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con” mà chưa “tin cậy” và “đốt lửa kính mến” cho đủ “đô”? 

Tài liệu tham khảo 

1. Thông điệp Caritas in Veritate, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, bản dịch của Đan Quang Tâm 
2. Thánh Thần, Hơi Thở sống động của Giáo hội, Hồng Y L. J. Suenens, Bản dịch của Nguyễn Đăng Trúc và Nguyễn Chính Kết 

3. Economy of Charism, a social-Catholic approach to economics, explained by Luigino Bruni 

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 
27.5.2012
Đan Quang Tâm

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks