ngày tháng năm

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Doanh nghiệp xã hội

Ngày 16.5.2012 hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam: khái niệm, bối cảnh và chính sách” đã được Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Hội đồng Anh và CSIP (Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng) tổ chức (ảnh).


Nhà nước rất quan trọng và có vai trò quyết định đến sự phát triển của đất nước. Tuy vậy, nhà nước chỉ có thể, và chỉ nên làm những việc quan trọng (giữ an ninh quốc gia, trật tự xã hội, tạo môi trường pháp lý, bảo vệ quyền tài sản tư nhân, buộc thực thi các thỏa thuận tư nhân và có thể tạo cơ sở hạ tầng cứng như đường sá, thúc đẩy giáo dục, nghiên cứu khoa học) và có rất rất nhiều việc nên để khu vực tư nhân và khu vực xã hội dân sự đảm nhiệm. Nhiều vấn đề xã hội nhức nhối mà nhà nước tự mình không thể giải quyết nổi, thì khu vực tư nhân, khu vực xã hội dân sự có thể góp phần tích cực, trong đó các doanh nghiệp xã hội có vai trò ngày càng quan trọng.

Doanh nghiệp xã hội (DNXH) là các tổ chức hoạt động như các doanh nghiệp nhưng có hai sự khác biệt quan trọng so với các doanh nghiệp bình thường: có mục tiêu, sứ mạng để giải quyết các vấn đề xã hội; phần lớn lợi nhuận được dùng để mở rộng chính mục tiêu xã hội chứ không phải để chia cho các chủ sở hữu (nếu có các chủ sở hữu như vậy).

Như thế DNXH sử dụng các sáng kiến kinh doanh, sự năng động của những người lao động, cạnh tranh, tận dụng mọi lợi thế của cơ chế thị trường để hoạt động một cách có hiệu quả. Nhưng hiệu quả không chỉ đơn thuần, và trước hết không phải, là lợi nhuận. DNXH vẫn làm ra lợi nhuận, nhưng lợi nhuận để phục vụ các mục đích xã hội là chính, chứ không phải để làm giàu cho các ông chủ của DNXH hay những người lao động ở đó; tất nhiên họ được trả công xứng đáng với tư cách các doanh nhân, nhà kinh doanh hay những người lao động trong môi trường cạnh tranh, nói cách khác họ “kiếm sống” ở các DNXH chứ không phải làm từ thiện và như thế các DNXH ngày càng quan trọng trong tạo ra công ăn việc làm.

Trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, có rất nhiều DNXH và chúng có thể bổ sung cho khu vực nhà nước, khu vực tư nhân (kinh doanh vì lợi nhuận) để giải quyết một số vấn đề xã hội mà hai khu vực kia không giải quyết nổi hay giải quyết không hiệu quả.

Nên tránh một vài sự hiểu lầm hay sự ngộ nhận dễ mắc phải. Khu vực nhà nước, khu vực tư nhân, và khu vực xã hội dân sự (mà các DNXH thuộc về) cùng nhau giải quyết các vấn đề xã hội. Mỗi khu vực có thế mạnh và thế yếu của mình. Vấn đề là phân công lao động ra sao cho ba khu vực này giải quyết hữu hiệu các vấn đề xã hội. Quá nhấn mạnh vai trò của bất cứ khu vực nào là một căn bệnh thường hay gặp.

Một thời người ta chỉ nhấn mạnh đến khu vực nhà nước. Nhà nước lo mọi thứ, từ cái kim sợi chỉ cho người dân và nhồi vào đầu óc người dân tâm lý ơn nhà nước, khiến người dân còn có tâm lý ỷ lại. Rồi có lúc người ta lại quá coi trọng kinh doanh, làm giàu, tối đa hóa lợi nhuận, mà ít để ý hơn đến công việc và những nghĩa vụ của khu vực nhà nước.

Để có sự phát triển cân đối, bền vững cần phát triển khu vực xã hội dân sự mạnh để cùng với hai khu vực kia góp phần vào sự phát triển của đất nước, nhưng quá đề cao các DNXH cũng là sai lầm cần tránh.

Các DNXH là các tổ chức thuộc khu vực xã hội dân sự khi xét về bản chất. Nếu xét về khía cạnh công cụ nó khá giống các doanh nghiệp của khu vực tư nhân: chúng sử dụng các sáng kiến kinh doanh, cơ chế thị trường, quan hệ cung cầu, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, mua, bán, cung cấp dịch vụ, chăm sóc khách hàng... Các DNXH cũng phải tuân thủ các quy định pháp lý như các doanh nghiệp bình thường: về lao động, kế toán, thống kê, bảo vệ môi trường, cạnh tranh, phá sản…

Các DNXH có thể được đăng ký dưới các hình thức khác nhau, như các công ty theo luật doanh nghiệp, các trung tâm, hay các tổ chức phi lợi nhuận hay các hình thức khác, theo các quy định pháp lý khác nhau, miễn là chúng tạo ra sản phẩm và dịch vụ, sử dụng các sáng kiến kinh doanh, những khuyến khích của thị trường trong hoạt động của mình để tạo ra nguồn thu phục vụ cho hoạt động của DNXH nhằm giải quyết các vấn đề xã hội mà DNXH hướng tới.

Chính thức công nhận địa vị pháp lý của các DNXH, có các chính sách phù hợp để khuyến khích, cổ vũ, hoặc hỗ trợ cho các DNXH phát triển là các biện pháp mà nhà nước có thể và nên làm. Tuy nhiên, các DNXH không phải là thần dược để giải quyết các vấn đề xã hội. Sự phân công lao động, sự chuyên môn hóa của khu vực nhà nước, khu vực tư nhân, và khu vực xã hội dân sự mà trong đó có các DNXH là vấn đề cơ bản và việc tạo ra môi trường pháp lý để cho cả ba khu vực này hoạt động hiệu quả, tạo ra các cơ chế giải quyết các xung đột nhất thiết xảy ra giữa ba khu vực này và trong mỗi khu vực là một trong số không nhiều nhiệm vụ của nhà nước.

Nguyễn Quang A
Trích từ laodong

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks