ngày tháng năm

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

TRONG CÙNG MỘT THẦN KHÍ, TẤT CẢ ANH EM CHỈ LÀ MỘT TRONG ĐỨC KITÔ


CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
  

Sự kiện Thánh Luca cho ta hai trình thuật rất khác nhau về cuộc Thăng thiên của Đức Giêsu thiết tưởng không nên bỏ qua. Vào cuối Phúc âm của mình, có vẻ như Luca muốn ta tin rằng biến cố Thăng thiên diễn ra vào chiều Chủ nhật Phục sinh, sau khi Đức Giêsu hiện ra cho mười một Tông đồ và hai môn đệ vừa mới trở về sau cuộc gặp gỡ với Người tại Emmau. Trong bài trình thuật đó, Đức Giêsu bảo những người tụ họp ở đó rằng: “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (24,49).

Trong Công vụ Tông đồ, Luca bảo ta rằng Đức Giêsu tiếp tục dạy các Tông đồ trong bốn mươi ngày sau khi Người sống lại. Sau khi Người lên trời, các Tông đồ và các môn đệ ở lại Giêrusalem, vì các ông được bảo thế và họ chờ Đức Chúa Thánh Thần đến. Thánh Luca dùng chương thứ nhất Sách Công vụ Tông đồ để mô tả cho ta các hoạt động của các Tông đồ trong các ngày dẫn đến Lễ Ngũ tuần đó, là ngày lễ Do thái mừng kết thúc mùa vụ. Ông cũng sử dụng chương đó để cho thấy tầm quan trọng của Thần Khí đối với những ai là “nhân chứng” cho những lời nói và việc làm của Đức Giêsu. 

Đối với người Do thái, Lễ Ngũ tuần là lễ mừng các điều răn được ban trên Núi Sinai. Họ xem biến cố đó như là lúc Thiên Chúa đặt họ làm dân của Người. Với việc Thần Khí hiện đến, cộng đoàn các tín hữu được thiết lập làm Giáo hội.

Trong trình thuật của mình về việc Đức Chúa Thánh Thần đến, Thánh Luca thuật lại cho ta một cách rất chi tiết câu truyện Thần Khí tuôn tràn trên những người tề tựu. Ta đã biết rằng việc các thành viên cộng đoàn tề tựu hàng ngày để cầu nguyện và tỏ tình tương thân thân ái là điều bình thường. Bây giờ, lời hứa của Đức Giêsu được ứng nghiệm. Người đã sai Thần Khí đến ban sức mạnh cho các tín hữu.

Các lưỡi lửa và tiếng gió được công nhận là những dấu hiệu của Thần Khí. Tuy nhiên, điều lý thú cần ghi nhận là những dấu hiệu đó chỉ được nhắc qua thôi. Thánh Luca tập trung vào việc các Tông đồ có thể diễn tả bằng ngoại ngữ và tất cả những ai tề tựu tại Giêrusalem đều có thể hiểu điều các ông đang nghe.

Trong câu truyện Tháp Babel (Stk 11,1-9), ta thấy Thiên Chúa đã khiến cho ngôn ngữ của dân bị xáo trộn và phân tán họ đi khắp tứ phương thiên hạ. Trong câu truyện Đức Chúa Thánh Thần đến, sự xáo trộn đó đã được lấy đi và một dân thống nhất được thành lập. Như Thánh Phaolô viết trong Thư gửi Tín hữu Galát: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (3,23-28).

“Nhờ Thần Khí, Giáo hội nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa về sự thống nhất bao gồm toàn thể nhân loại (x. Cv 17,26), một kế hoạch nhằm hợp nhất, trong mầu nhiệm cứu độ được thực hiện trong triều đại cứu độ của Chúa Kitô (x. Ep 1,8-10), tất cả mọi thụ tạo đã bị chia rẽ và phân tán. Từ ngày Lễ Hiện Xuống, khi mầu nhiệm Phục Sinh được loan báo cho các dân tộc khác nhau, ai nấy đều hiểu điều đó bằng ngôn ngữ của mình (x. Cv 2,6), Giáo hội hoàn thành sứ mạng khôi phục và làm chứng cho sự thống nhất đã bị mất tại Babel. Nhờ sứ vụ này của Giáo Hội, gia đình nhân loại được mời gọi tái khám phá sự thống nhất của mình và nhận ra sự phong phú của những điểm dị biệt nơi mình, để đạt tới “sự thống nhất trọn vẹn trong Đức Kitô” (Sách Tóm lược HTXHGH, 431).

Trình thuật của Thánh Luca về các biến cố của ngày Lễ Hiện Xuống thuật cho ta về cách các môn đệ đáp lại việc Thần Khí đến. Thánh Phaolô, trong Thư thứ nhất gửi Tín hữu Côrintô, bảo ta Thần Khí sẽ tác động đời sống của chúng ta như thế nào; rằng Thần Khí sẽ làm cho chúng ta có thể kêu cầu Chúa.

Thánh Gioan cho ta một bản giải trình thần học về công việc của Thần Khí. Theo Phúc âm Thánh Gioan, Đức Giêsu ban Thần Khí cho các môn đệ vào chiều Chủ nhật Phục sinh và đang khi làm thế, Người sai các ông hãy tiếp tục công việc của Người, nhất là tha tội và hòa giải con người với Chúa Cha. Cùng với ơn Thần Khí, một lần nữa Đức Giêsu ban ơn bình an; các ông không còn lý do gì để mà sợ hãi. 

“Đức Giêsu là “bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người đã phá đổ bức tường thù nghịch chia rẽ dân chúng, hòa giải họ với Thiên Chúa (x. Ep 2,14-16). Với sự đơn sơ rất hiệu quả, Thánh Phaolô cho thấy lý do cơ bản thúc đẩy các Kitô hữu thực hiện một cuộc sống và một sứ mạng hoà bình.

Hôm trước ngày chịu chết, Đức Giêsu nói về mối quan hệ yêu thương của Người với Chúa Cha và sức mạnh thống nhất mà tình yêu này mang lại cho các môn đệ. Đây là bài diễn từ biệt ly cho thấy ý nghĩa sâu xa của đời Người và có thể được coi là bản tóm tắt tất cả giáo huấn của Người. Ơn hoà bình chính là dấu ấn trên chúc thư thiêng liêng của Người: “Thầy để lại bình an cho anh em; Thầy ban bình an của Thầy cho anh em; Thầy không ban như thế gian ban tặng anh em” (Ga 14,27). Những lời của Chúa Sống Lại cũng không khác; mỗi khi Người gặp các môn đệ, họ đều nhận được từ Người lời chào và ơn bình an: “Chúc anh em bình an” (Lc 24,36; Ga 20,19.21.26) (Sđd, 491).

Đức ông James M. Reinert
Đan Quang Tâm dịch

——————————-

Ghi chú:
* Nguồn: Website Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình:
http://www.justpax.it/eng/home_eng.html
* Tiêu đề do người dịch đặt

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks