ngày tháng năm

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

ĐỒNG HÀNH CÙNG LỚP HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO: QUYỀN LAO ĐỘNG

Quí độc giả rất thương mến! Lần trước, Mẩu Bút Chì (MBC) đã có dịp giới thiệu đến quí vị phần “những khía cạnh Thánh Kinh của lao động”, trích từ chương VI – LAO ĐỘNG của sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội (TLHT). Hôm nay vẫn tiếp tục chương sách này, MBC xin được giới thiệu một số nội dung của đề mục Quyền Lao Động. Như đã nói, trong khuôn khổ những bài viết ngắn, MBC không nhằm tóm tắt chương sách, mà chỉ nêu ra một số điểm đáng chú ý trong phần bài học cùng những ý kiến (mang tính cá nhân) cũng như những trải nghiệm thực tế của mỗi thành viên trong lớp khi nhìn vấn đề dưới ánh sáng của Giáo huấn Xã hội Công giáo ( GHXHCG).

Lao động là một quyền căn bản và là một điều tốt cho loài người, một điều vừa hữu ích, vừa xứng đáng với con người, vì đó là một phương cách thích hợp cho con người bày tỏ và nâng cao phẩm giá của mình. Giáo hội tuyên bố lao động có giá trị không phải chỉ vì lao động luôn luôn là một điều thuộc về con người, mà còn vì tự bản chất lao động là một điều cần thiết. ( số 287 TLHT)

Sở dĩ nói lao động luôn luôn là một điều thuộc về con người, vì quả thật khả năng lao động là một món quà quí giá mà Thiên Chúa dành để tặng riêng cho con người. Những hoạt động của con vật khác lao động của con người: đó là những hoạt động đã được Thiên Chúa “ lập trình” thành một bản năng để sinh tồn và duy trì nòi giống. Còn lao động của con người là một hoạt động có tự do, có chọn lựa và sáng tạo để đáp ứng những mưu cầu phong phú về tinh thần cũng như thể chất, vật chất của mỗi cá nhân, gia đình hay hướng về cộng đồng, xã hội.

Lao động là cần thiết để hình thành và bảo vệ gia đình, cần thiết để thực hiện quyền tư hữu, cần thiết để đóng góp vào ích chung của gia đình nhân loại. Đây là một điều hiển nhiên, không có gì khó hiểu hay nghi ngờ, do đó Giáo Hôi không thể không nêu rõ “thất nghiệp là một thảm họa thật sự của xã hội". Bởi đó, tạo công ăn việc làm đầy đủ (cho tất cả những ai có khả năng lao động) vẫn là mục tiêu đòi buộc cho mọi hệ thống kinh tế hướng tới công lý và công ích. (số 288 TLHT)

Đứng ở góc độ này, mỗi người có suy nghĩ gì khi nhìn về tình trạng lao động trong xã hội Việt Nam? Phải chăng, thất nghiệp cũng đang thật sự là một thảm họa xã hội? 

Trong bản “Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay” của Ủy ban Công lý và Hòa bình công bố ngày 15/5 vừa qua, Giáo Hội cũng đã nhận định: “các tập đoàn Nhà nước thua lỗ nặng, doanh nghiệp phá sản càng nhiều,..., chênh lệch giàu nghèo nới rộng, chất lượng cuộc sống của đại đa số dân chúng giảm sút, nhiều người rơi trở lại tình trạng nghèo,.., nền kinh tế bị suy yếu và lệ thuộc. Lạm phát gia tăng cũng làm tăng đói nghèo... Đình công tiếp tục tăng cao chứng tỏ quyền lợi của công nhân chưa được bảo vệ thỏa đáng. Một số chủ trương không hợp lòng dân mà vẫn được Nhà nước tiến hành…”

Trong tình hình kinh tế nêu trên, phải chăng, quyền lao động – một quyền cơ bản của con người – đang bị đe dọa một cách có hệ thống? 

Hậu quả của nó là gì?

Thưa: “ Mức thất nghiệp cao, các hệ thống giáo dục bất thường, những khó khăn dai dẳng để được đào tạo nghề nghiệp và để bước vào thị trường lao động , đặc biệt đối với nhiều người trẻ, chính là một trở ngại rất lớn trên con đường hoàn thiện con người về mặt nhân bản và chuyên môn. Những người thất nghiệp hay không được tuyển dụng đúng phải chịu những hậu quả tiêu cực rất sâu xa do tình trạng ấy tạo ra trong nhân cách của mình, họ có nguy cơ bị gạt ra bên lề xã hội” (số 289 TLHT)

Để minh chứng cho điều này, một chị xót xa nói: “ bản thân tôi là một cử nhân Công nghệ sinh học chuyên nghành Vi sinh, sau khi tốt nghiệp, chạy đôn chạy đáo không thể tìm ra một chỗ làm phù hợp. Vào các viện nghiên cứu thì “không có cửa”, vì không có “chú bác đỡ đầu”, hoặc nếu may mắn là sinh viên giỏi xuất sắc thì cũng được nhận vào đó làm việc không lương hai năm để lấy kinh nghiệm, sau đó sẽ tiếp tục làm việc với đồng lương chỉ đủ đổ xăng và ăn sáng! Đến công ty chế biến hải sản xin vào làm ở bộ phận KCS ( kiểm tra chất lượng sản phẩm), tôi được hứa hẹn công việc, nhưng khi vào làm, lại bị đưa qua khâu chế biến để xẻ ruột cá, cắt đầu mực ròng rã mà không được làm việc đúng chuyên môn! Tình trạng long đong ấy kéo dài mãi, lâu ngày rồi những gì đã học được nơi trường lớp cũng quên dần. Có những giai đoạn túng bấn vì mang thai và nuôi con dại, tôi đành ra vỉa hè bán bánh bèo sống qua ngày, vì xem ra việc bán bánh bèo còn ổn định và có thu nhập cao hơn việc làm của một cử nhân!”

Một anh chia sẻ đầy bất bình: “Quí vị có ngỡ ngàng không khi hiện nay một giáo viên giỏi, tuổi nghề lâu năm muốn chuyển khu vực làm việc từ Quảng Nam vào Sài Gòn ( để có điều kiện chăm sóc con cái học ở Sài Gòn) bị đòi hối lộ năm mươi triệu?! Và hầu như một giáo viên, bác sĩ, hay một nhân viên ngân hàng trẻ…, muốn có được một nơi làm việc đúng chuyên môn ngành nghề phải tốn một số tiền từ khoảng ấy trở lên nữa, để rồi khi đã được vào làm việc, không ít người đã tìm mọi cách để thu lại số tiền đó: giáo viên gây áp lực với học sinh để dạy kèm; bác sĩ hù dọa bệnh nhân, để họ tưởng họ thật trầm trọng, bế tắc nên nhờ cậy, bỏ phong bì cho bác sĩ; nhân viên ngân hàng móc nối, ăn chia phần trăm với khách hàng vay..v.v…Phải chăng, đó là con đường để con người ta tha hóa nhân cách?” 

Một bạn trẻ ngậm ngùi: “ Chúng em là những sinh viên xa nhà, cha mẹ ở quê dồn hết mồ hôi công sức cho con cái đi học. Ở các nước tiên tiến, xã hội và chính phủ có chế độ ưu đãi việc làm phù hợp để sinh viên kiếm thêm thu nhập. Ở Việt Nam, vì tìm việc làm quá khó khăn, nên đôi khi sinh viên phải bỏ bớt giờ học để đi làm những công việc phổ thông như phục vụ quán ăn hay khuân vác, tiếp thị… với đồng lương ít ỏi. Điều đó ảnh hưởng đến sức học, có bạn học mãi không ra trường nỗi! Chính vì sự khó khăn trong việc kiếm thêm thu nhập để phụ giúp cha mẹ mà không ít các sinh viên nữ đã trở thành “gái gọi”, sinh viên nam thì rơi vào con đường tội phạm, ma túy… ”

Có phải đó là tiếng kêu cứu của giới trẻ? Người lớn và những người có trách nhiệm phải làm gì trước tiếng kêu ấy?

Nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp và không ổn định việc làm xuất phát từ đâu?

Duy trì công ăn việc làm càng ngày càng lệ thuộc vào khả năng chuyên môn của người lao động. Các hệ thống giáo dục và đào tạo không được bỏ qua việc đào tạo nhân bản hay công nghệ, là những điều rất cần để đương sự có thể chu toàn trách nhiệm một cách hiệu quả.( số 290 HTXH)

Như vậy, khả năng chuyên môn quyết định sự ổn định việc làm của người lao động, và khả năng chuyên môn ấy lại là hệ quả của hệ thống giáo dục và đào tạo. Vậy, Việt Nam đang có một nền giáo dục thế nào? “Phải đau đớn mà nói rằng chúng ta thiếu hẳn một triết lý giáo dục mang tính nền tảng và chiến lược lâu dài” ( trích “nhận định” của UBCLHB). Xin khoan xét đến khía cạnh “nhân bản” của giáo dục, mà hãy nhìn vào khía cạnh “công nghệ” hay “chuyên môn”: phải chấp nhận một sự thật phủ phàng rằng chất lượng giáo dục và đào tạo tại VN là một con số không trên bình diện thế giới, và nó cũng vẫn chỉ là một con số không nếu đem mớ kiến thức ấy ứng dụng vào đời sống thực tế. Chẳng phải vì thế mà bằng cấp VN không có giá trị ở nước ngoài? Và một sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường, với mớ kiến thức lỗi thời được đào tào một cách hồ lốn, cũng không thể bước vào nhịp sống của thời đại. Đành đau lòng là vậy, nhưng dẫu sao đó cũng là những con người có tâm huyết, có ý thức và ý chí học hành. Với sự kiên trì, năng động và sáng kiến, họ sẽ tìm cách tự hoàn thiện mình thông qua sách báo và các kênh thông tin nước ngoài để thích nghi với đòi hỏi và thay đổi không ngừng của xã hội. 

Điều đáng nói, đáng phê phán là những kẻ không học hành gì vẫn có bằng cấp này, học vị nọ. Họ là những “anh Ba”, “ anh Tư” ngồi ngủ gật trên ghế trong các cuộc họp đại biểu Quốc hội; họ là các “cậu ấm”, “cô chiêu” chỉ biết xách cặp đến vũ trường, quán bar nhưng đã được “cha chú” xếp sẵn cho những cái ghế cao chót vót – hệ quả của kiểu “gia đình trị” – nắm giữ các vị trí then chốt của quốc gia, hỏi còn đâu chỗ đứng cho những kẻ sĩ, hiền tài?! Còn gì khó hiểu nữa đâu khi đất nước ngày một điêu linh, nạn thất nghiệp ngày càng cao, dân tình oan khiên oán thán!... Liệu những người “ăn trên ngồi trốc” đó, với sự giáo dục và hệ tư tưởng họ thụ hưởng, họ có biết đến những khái niệm về “nhân phẩm”, “ nhân quyền”, “công lý”, “công ích”…?

Dưới ánh sáng của GHXHCH, trước vấn nạn của lao động, mỗi người thấy mình được mời gọi làm gì?

“Ngày nay, tội ác không còn khu trú lẻ tẻ ở một cá nhân hay một đơn vị nào, mà đã biến thành một cơ chế, một guồng máy tội lỗi thống trị trong toàn xã hội. Một cá nhân đứng trong guồng máy đó (ví dụ cơ cấu của một công ty hay một quận huyện) không thể một mình đối kháng lại, vì khác nào húc đầu vào đá hay “châu chấu đá xe”. Những người có nhiệt tâm, thiện ý không được buông tay nhưng cần phải từ bỏ hai thái độ: một là thái độ cá nhân chủ nghĩa và hai là thái độ bàng quan không có trách nhiệm với xã hội.” – (trích lời vị Linh mục linh hướng )

Như thế chưa đủ, GHXHCG mời gọi mỗi người hãy dùng tự do Thiên Chúa ban cho để hướng đến việc “sống có luân lý”, tự sửa chữa chính mình trước. “Có như thế con người mới sinh ra mình, mới làm cha của chính mình”, từ đó mới hướng đến việc “sửa chữa các tình trạng bên ngoài” và “xây dựng trật tự xã hội” ( số 135 HTXH)

-Từ trước đến nay, tôi lao động hay tổ chức lao động chỉ với mục đích kiếm tiền – một anh đứng tuổi chia sẻ - nay tôi biết rằng, lao động còn là một “phương thức để bày tỏ và nâng cao phẩm giá con người”, lao động phải “hướng đến công lý và công ích”. Nếu mỗi người đều thấu đáo ý nghĩa ấy thì lao động sẽ mang một sắc thái khác. Ai là bác sĩ, hãy sống đúng y đức và lời tuyên thệ, ai là giáo viên, hãy giảng dạy vì tương lai của tuổi trẻ, ai là chủ doanh nghiêp, hãy về tổ chức lao động không chỉ vì lợi nhuận nhưng còn vì cứu được bao nhiêu công nhân thoát khỏi cảnh thất nghiệp…”

Anh ấy nói đúng lắm. Vì lao động nâng cao phẩm giá con người, nên chính nạn thất nghiệp là nguyên nhân cơ bản đẩy con người và xã hội đến chỗ tha hóa nhân cách, suy đồi đạo đức cùng bao biêu tệ nạn kéo theo, mà cốt lõi sâu xa đi từ nền giáo dục cộng với một ý thức hệ lệch lạc, phi nhân bản.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng và Hằng hữu! Mọi sự khôn ngoan và nhân lành đều xuất phát từ Cha, xin Cha hãy đổi mới trí lòng chúng con, để chúng con biết sử dụng đúng nghĩa món quà quí giá là lao động mà Cha đã dành ban tặng riêng cho con người. Xin cho lao động trở thành khí cụ để chúng con bày tỏ tình yêu đối với Cha và bày tỏ lòng nhân ái đối với nhau. Cám ơn Cha, ngợi khen Cha!

Mẩu Bút Chì
*Mọi góp ý về việc học hỏi GHXHCG xin được gởi đến nhóm qua E.mail: thmaubutchi@gmail.com 















































Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks