ngày tháng năm

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

MỤC TỬ ĐÍCH THỰC CỦA NHỮNG NGƯỜI NGHÈO

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN - Năm B 
Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34 

“Bầy chiên không người chăn dắt” là cách Thánh Máccô mô tả đám đông theo Đức Giêsu để nghe Người giảng dạy. 

Các bài đọc hôm nay cung cấp cho ta một thanh gươm hai lưỡi. Trước hết ta nghe ngôn sứ Giêrêmia quở mắng “các mục tử” đã trốn tránh trách nhiệm đối với thành Giêrusalem. Giêrêmia không những nói đến các lãnh đạo chính trị mà còn nói đến giới lãnh đạo tôn giáo. Họ đã mất đi cái nhìn về lề luật và về tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho dân tộc. 

Tuy nhiên dù cơ sự có tồi tệ đến đâu, Thiên Chúa đã không bỏ “đoàn chiên của mình”. Chẳng những thế, Thiên Chúa sẽ còn giúp đỡ họ làm ăn phát đạt và thịnh vượng và sẽ sai đến một mục tử đích thực – một mục tử từ “chồi non chính trực nhà Đavít”.

Thánh Luca kể cho ta nghe về cuộc hành trình truyền giáo của các môn đệ. Họ hân hoan quay về với Đức Giêsu vì những thành công họ có được trong công việc. Trong đoạn văn của chúng ta trích từ Thánh Máccô, ta chẳng nghe gì về phản ứng của các Tông đồ. Tuy nhiên, Thánh Máccô bảo ta rằng “kẻ lui người tới quá đông” vây quanh Đức Giêsu và các môn đệ. 

Một vấn đề quan trọng trong cả sách Giêrêmia lẫn Phúc âm Thánh Máccô là sự sẵn sàng chấp nhận sứ điệp cứu độ và hy vọng của những người được nhắm đến. Ta có bao nhiêu hình ảnh ở đây? Trước hết ta có hình ảnh của Vua Đavit và các hậu duệ. Rồi dĩ nhiên có vị Mục tử Tốt và đoàn chiên trung thành nghe tiếng Người và theo Người. Ta còn có hình ảnh của người đứng trong bóng tối của đền thờ cầu nguyện: “Lạy Chúa xin tha cho con, vì con là kẻ tội lỗi”, hình ảnh người đàn bà chỉ muốn chạm vào lai áo choàng của Đức Giêsu và hình ảnh Giaiô là người có lòng tin đã xin Đức Giêsu cứu chữa cho con gái mình. Đồng thời, ta có ở bên kia hình ảnh các luật sĩ và Pharisêu – những người xem mình là “các mục tử của dân” mà chỉ biết có phê phán và âm mưu hãm hại Đức Giêsu. 

“Những ai nhìn nhận mình nghèo nàn trước mặt Thiên Chúa, bất kể hoàn cảnh của mình thế nào trong cuộc sống, đều sẽ được Ngài quan tâm đặc biệt: khi người nghèo tìm kiếm, Chúa luôn đáp lại; khi người nghèo kêu khóc, Chúa luôn lắng nghe. Các lời Chúa hứa đều nhắm tới người nghèo: họ sẽ được thừa kế Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Sự can thiệp mang tính cứu độ của Chúa sẽ diễn ra thông qua một vua Đavid mới (x. Ed 34,22-31), vị này giống Vua Đavít — mà còn hơn — sẽ bảo vệ người nghèo và bênh vực công lý; Ngài sẽ lập một giao ước mới và sẽ ghi khắc một luật mới trong tâm hồn các tín hữu (x. Gr 31,31-34). 

Khi được chấp nhận và tìm kiếm với thái độ tôn giáo, sự nghèo nàn mở mắt cho con người nhìn ra và chấp nhận trật tự sáng tạo. Trong viễn tượng này, “người giàu” là người đặt tin tưởng vào của cải mình hơn là vào Chúa, là người cho rằng mình quyền thế là do chính những việc tự tay mình làm và chỉ tin vào sức mạnh của mình. Còn sự nghèo nàn trở thành một giá trị luân lý khi nó là một thái độ khiêm tốn đặt mình sẵn sàng trước mặt Chúa, cởi mở đối với Thiên Chúa và tín nhiệm vào Ngài. Chính nhờ thái độ này mà người ta nhận ra được sự tương đối của các của cải vật chất và sẽ coi chúng như những ân huệ Chúa ban để quản lý và chia sẻ, vì Thiên Chúa là chủ sở hữu đầu tiên của mọi của cải” (Sách Tóm lược HTXHCG, 324) 

Trong mấy tuần qua ta đã nghe về tầm quan trọng của sự hợp nhất trước sứ điệp của tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ sẽ đến như là kết quả. Điều này là một cơ hội nữa để ta tự hỏi liệu có cái gì, hoặc bất kỳ điều gì hoặc những gì cản trở ta chấp nhận hoàn toàn những điều Thiên Chúa đưa ra. 

Ta thường nghe, trong các lời nguyện trong Phụng vụ, lời yêu cầu Cha trên Trời cho ta được làm đoàn chiên trung tín, sẵn sàng và hăng say theo sau mục tử của ta là Đức Giêsu. Trong lời cầu nguyện đó ta cũng xin Thiên Chúa giúp cho ta biết đáp lại Lời của Người. 

“Đức tin không nhằm giam hãm các thực tại xã hội và chính trị vốn hay thay đổi trong một khuôn khổ đóng kín. Đúng ra, trái lại mới đúng: đức tin là men của sự đổi mới và sáng tạo. Giáo huấn này luôn lấy đó làm điểm xuất phát ‘triển khai thêm thông qua suy tư được áp dụng vào các tình thế đang thay đổi của thế giới này, dưới lực đẩy của Tin Mừng là nguồn của sự đổi mới’. 

Là Mẹ và là Thầy, Giáo Hội không tự đóng kín vào mình cũng không trốn tránh, mà luôn luôn cởi mở, vươn ra ngoài và hướng tới con người, mà định mệnh cứu độ của họ cũng chính là lý do tồn tại của Giáo Hội. Giáo Hội ở giữa con người như một bức tranh sống về Người Mục Tử Tốt Lành, đi tìm và gặp được con người tại nơi con người ở, tức là trong hoàn cảnh hiện sinh và lịch sử của cuộc sống con người. Chính tại đó Giáo Hội trở thành điểm cho con người tiếp xúc với Tin Mừng, tiếp xúc với thông điệp giải phóng và hoà giải, công lý và hoà bình” (Sđd, 86). 

Tất cả điều này xảy ra nhờ ta “được trở nên những người ở gần nhờ máu của Đức Kiô” như Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Êphêxô. Đức Giêsu gọi ta là một việc. Cách ta đáp ứng như thế nào lại là một việc khác. 

Đức ông James M. Reinert 
Đan Quang Tâm dịch 
——————————-
Ghi chú: 
* Nguồn: Website Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình:
http://www.justpax.it/eng/home_eng.html 
* Tiêu đề do người dịch đặt 

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks