ngày tháng năm

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

ĐỂ LỜI GIẢI PHÓNG CỦA PHÚC ÂM VANG LÊN TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN - NĂM B 
Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13 

Hôm nay, như trong các bài đọc tuần trước, ta có một sứ điệp nói với ta không những về việc nghe lời nhưng còn chia sẻ – chia sẻ lời Thiên Chúa. Ta thấy sứ điệp đó đến từ hai chiều hướng khác nhau. Amốt miễn cưỡng đáp lời gọi của Thiên Chúa và đi nói lời ngôn sứ cho dân ở Vương quốc phía Bắc. Mặt khác, ta thấy Đức Giêsu sai các Tông đồ tự nguyện đi vào vùng lãnh thổ có thể là nơi Amốt đã rao giảng. 

Cùng với điều đó, một sứ điệp khác trong các bài đọc nói về đức tin làm cho ta chấp nhận điều ta nghe. Một lần nữa, trong bài đọc từ Sách Ngôn sứ Amốt, ta nghe nói về việc dân chúng từ khước nghe vị sứ giả được Thiên Chúa sai đến. 
“Ngay từ đầu lịch sử, dân Israel không giống với các dân tộc khác, ở chỗ họ không có vua, vì họ chỉ nhìn nhận sự cai trị của Giavê. Chính Thiên Chúa can thiệp cho dân Israel qua các cá nhân có ơn đoàn sủng, như được sách Thẩm Phán ghi lại. Dân chúng đến gặp vị cuối cùng trong các cá nhân này, là Samuel, ngôn sứ và thẩm phán, để xin một vị vua (x. 1 Sm 8,5; 10,18-19). Samuel cảnh báo người Isarel về những hậu quả của sự cai trị độc đoán của vua (x. 1 Sm 8,11-18). Tuy nhiên, quyền hành của nhà vua cũng có thể được coi như một ân huệ của Giavê đến trợ giúp dân Ngài (x. 1 Sm 9,16). Rốt cuộc, Saul đã được xức dầu làm vua (x. 1 Sm 10,1-2). Những biến cố này cho thấy sự căng thẳng khiến dân Israel hiểu chế độ quân chủ khác với cách hiểu của các dân tộc láng giềng. Nhà vua, người được Giavê chọn (x. Đnl 17,15; 1 Sm 9,16) và thánh hiến (x. 1 Sm 16,12-13), được coi như con Thiên Chúa (x. Tv 2,7) và có nhiệm vụ làm cho người ta thấy được sự cai trị của Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Ngài (x. Tv 72). Nhà vua, như vậy, phải là người bênh vực những người yếu và là người bảo đảm công lý cho dân. Các lời tố cáo của các ngôn sứ tập trung vào việc chính nhà vua không chu toàn các chức năng này (x. 1 V 21; Is 10,1-4; Am 2,6-8; 8,4-8; Mch 3,1-4)” (Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 377)

Trong trình thuật của Thánh Luca (10,1) về câu truyện Đức Giêsu sai 70 môn đệ đi vào thế gian, ta đọc thấy Đức Giêsu sai họ đi đến những nơi Người định thăm viếng. Ở đây trong Phúc âm Thánh Máccô, ta không có thêm bất kỳ thông tin nào. Thánh Máccô đơn thuần chỉ chép lại các sự kiện – những chỉ thị mà Đức Giêsu ban cho các Tông đồ. Người ghi khắc vào trong tâm trí của họ điều cần hiểu là không phải họ đang thực hiện những lời và việc làm của họ – mà là thực hiện công việc của Cha trên Trời. Amốt cũng hiểu rằng nhiệm vụ tuyên sấm của ông không phải là theo ý riêng của ông mà là được Thiên Chúa kêu gọi để nói với dân tộc Israel. 

Thánh Phaolô trong Thư gửi Tín hữu Côrintô đã chạm vào cả hai sứ điệp. Ông nhắc các người đọc về hồng ân được chia sẻ với tất cả các người tin. Ông viết tiếp: “Trong Đức Ki-tô, cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa”. 

Theo Thánh Máccô, Đức Giêsu sai các tông đồ đi vào thế gian để rao giảng và chữa lành – để thông phần vào công việc của Người. Thánh Luca bảo ta rằng Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đến những nơi Người định thăm viếng. Trong cả hai trình thuật ta đều thấy lời Thiên Chúa – Tin Mừng đang được chia sẻ. 

Thánh Phaolô nhắc nhở ta rằng ta có nhiệm vụ lắng nghe và để cho lời đó đi vào trong tâm hồn để ta cũng được trở thành những người được thông phần vào sứ vụ của Đức Giêsu. 

“Giáo hội có quyền làm thầy cho nhân loại, một vị thầy về chân lý đức tin: chân lý không những về các tín điều mà còn về các vấn đề luân lý mà nguồn gốc nằm trong chính bản tính của con người và trong Tin Mừng. Thật vậy, lời Tin Mừng không phải chỉ để nghe mà còn để tuân thủ và thi hành (x. Mt 7,24; Lc 6,46-47; Ga 14,21.23-24; Gc 1,22): sự nhất quán giữa lời nói và việc làm cho thấy đâu là điều mình thực sự tin và sự nhất quán ấy không chỉ bó gọn trong những vấn đề có liên quan chặt chẽ đến Giáo hội hay những gì thiêng liêng, mà còn liên quan đến con người trong toàn bộ kinh nghiệm sống và trong bối cảnh toàn bộ các trách nhiệm của họ. Cho dù các trách nhiệm này có mang tính trần thế đến đâu, chủ thể của các trách nhiệm này vẫn là con người, nghĩa là chủ thể có nhân vị được Thiên Chúa kêu gọi, qua Giáo hội, tham gia vào ơn cứu độ của Thiên Chúa. 

Con người phải đáp lại ơn cứu độ không phải bằng sự chấp nhận một phần, trừu tượng hoặc chỉ bằng lời nói suông, mà bằng toàn bộ đời sống của mình – trong mọi quan hệ làm nên đời sống – để không sao lãng điều gì, khiến cho điều ấy ở lại trong lĩnh vực phàm tục và trần thế mà không có liên quan gì hay xa lạ với ơn cứu độ. Vì thế, đối với Giáo hội, học thuyết xã hội của Giáo hội không phải là một đặc ân, một sự lạc đề, một sự tiện lợi hay một sự can thiệp: Giáo hội có quyền loan báo Tin Mừng trong bối cảnh xã hội, làm cho lời giải phóng của Phúc âm vang lên trong thế giới phức tạp của sản xuất, lao động, kinh doanh, tài chính, thương mại, chính trị, pháp luật, văn hoá, truyền thông xã hội, nơi con người sống” (Sđd, 70). 

Đức ông James M. Reinert 
Đan Quang Tâm dịch 
——————————-
Ghi chú: 
* Nguồn: Website Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình:
http://www.justpax.it/eng/home_eng.html 
* Tiêu đề do người dịch đặt 



Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks