ngày tháng năm

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

BẰNG GIÁO HUẤN XÃ HỘI, GIÁO HỘI LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI NGÀY NAY

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN - NĂM B 
2 V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15 

Chắc chắn chủ đề chính trong các bài đọc hôm nay là Thánh Thể nhưng thật lý thú khi ghi nhận rằng bỗng nhiên ta có một bài đọc từ sách Phúc âm Thánh Gioan thay vì Thánh Mátthêu. Thật đặc biệt lý thú khi ta hiểu rằng trình thuật thứ nhất của Thánh Mác-cô về việc hóa bánh ra nhiều theo ngay sau bài đọc Phúc âm ta có vào Chủ nhật trước… là Đức Giêsu và các Tông đồ của Người đến một nơi hoang vắng và dân chúng đi theo họ để nghe Đức Giêsu giảng dạy. 

Có những đoạn song song giữa Phúc âm và Bài đọc thứ nhất từ Sách các Vua. Trong Phúc âm Thánh Máccô, câu truyện cho đám đông ăn tiếp theo câu truyện Đức Giêsu cho con gái ông Gia-ia sống lại từ cõi chết. Trong Sách Các Vua thứ hai, câu truyện tiếp nối việc Êlisa cho con bà Su-nêm sống lại. Ở đây, như ở trong các nơi khác trong Kinh thánh, ta thấy lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa – như ta cảm nhận trong cử hành Thánh Thể.

“Bằng giáo huấn xã hội của mình, Giáo hội muốn công bố và hiện thực hóa Tin Mừng trong hệ thống phức tạp các mối quan hệ xã hội. Đây đơn thuần không phải chỉ đem Tin Mừng đến với con người trong xã hội – con người với tư cách là người nhận sự loan báo Tin Mừng – mà còn làm phong phú và thấm nhuần xã hội bằng Tin Mừng. Bởi thế, đối với Giáo hội, chăm lo cho con người còn bao hàm cả việc chăm cho xã hội trong công cuộc truyền giáo và cứu độ của Giáo hội. Cuộc sống chung với nhau trong xã hội thường xác định chất lượng cuộc sống, và do đó, các điều kiện sống, trong đó mọi người hiểu nhau và đưa ra những quyết định về bản thân và ơn gọi của họ. Vì lý do này, Giáo hội không thờ ơ với những gì được quyết định, được thực hiện và được sống trong xã hội; Giáo hội quan tâm đến tính luân lý, tức là quan tâm đến những gì đích thực nhân bản và nhân văn, của đời sống xã hội. Xã hội – và cùng với xã hội là các thực tại chính trị, kinh tế, lao động, pháp luật, văn hoá – không đơn thuần chỉ là một cảnh vực thế tục và trần thế, và vì thế mà ở bên ngoài hoặc xa lạ với sứ điệp và nhiệm cục cứu độ. Thật vậy, xã hội, với tất cả những gì được hoàn thành trong đó, có liên quan đến con người. Xã hội bao gồm những con người, là “con đường trước nhất và căn bản của Giáo hội” (Sách Tóm lược HTXHCG, 62). 

Hẳn nhiên là có sứ điệp Thánh Thể, nhưng một yếu tố then chốt trong Phúc âm Thánh Gioan cũng có thể gặp tại cuối đoạn văn ngày hôm nay – rất phù hợp với những gì ta đã nghe trong nhiều tuần qua. 

Thánh Gioan bảo ta rằng “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian”. Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua…” (Ga 6,14-15). Mặc dù tất cả các Phúc âm gia đều kể cho ta câu truyện hóa bánh và cá ra nhiều cho hàng ngàn người ăn, nhưng chỉ có Gioan mới kể cho ta phản ứng của đám đông. 

Chủ nhật tuần trước, ta nghe Đức Giêsu nói về đoàn chiên và mục tử. Người đến thế gian với tư cách là mục tử chứ không phải vua. 

Như Thánh Phaolô thường hay nói, ông viết về tác động, phản ứng mà chúng ta (Cộng đồng Kitô hữu) phải có như là kết quả của đức tin đã được ban cho ta. Đoạn văn trong Thư Êphêxô chứa đựng điều hầu như đã được xem như một tín điều. Đây là chân tướng và là thực hữu của ta. Thánh Phaolô viết: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, một Thiên Chúa, Cha của mọi người”. Đây là điều ta tin – và ta được kêu gọi sống niềm tin đó! 

“Thật vậy, lời Tin Mừng không phải chỉ để nghe mà còn để tuân thủ và thi hành (x. Mt 7,24; Lc 6,46-47; Ga 14,21.23-24; Gc 1,22): sự nhất quán giữa lời nói và việc làm cho thấy đâu là điều mình thực sự tin và sự nhất quán ấy không chỉ bó gọn trong những vấn đề có liên quan chặt chẽ đến Giáo hội hay những gì thiêng liêng, mà còn liên quan đến con người trong toàn bộ kinh nghiệm sống và trong bối cảnh toàn bộ các trách nhiệm của họ. Cho dù các trách nhiệm này có mang tính trần thế đến đâu, chủ thể của các trách nhiệm này vẫn là con người, nghĩa là chủ thể có nhân vị được Thiên Chúa kêu gọi, qua Giáo hội, tham gia vào ơn cứu độ của Thiên Chúa. 

Con người phải đáp lại ơn cứu độ không phải bằng sự chấp nhận một phần, trừu tượng hoặc chỉ bằng lời nói suông, mà bằng toàn bộ đời sống của mình – trong toàn bộ các mối quan hệ làm nên đời sống – để không sao lãng điều gì, khiến cho điều ấy ở lại trong lĩnh vực thế tục và trần thế mà không có liên quan gì hay xa lạ với ơn cứu độ. Vì thế, đối với Giáo hội, học thuyết xã hội của Giáo hội không phải là một đặc ân, một sự lạc đề, một sự tiện lợi hay một sự can thiệp: Giáo hội có quyền loan báo Tin Mừng trong bối cảnh xã hội, làm cho lời giải phóng của Phúc âm vang lên trong thế giới phức tạp của sản xuất, lao động, kinh doanh, tài chính, thương mại, chính trị, pháp luật, văn hoá, truyền thông xã hội, nơi con người sống” (Sđd, 70). 

Đức ông James M. Reinert 
Đan Quang Tâm dịch 
——————————-
Ghi chú: 
* Nguồn: Website Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình:
http://www.justpax.it/eng/home_eng.html 
* Tiêu đề do người dịch đặt 



Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks