ngày tháng năm

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Hiến xác cho khoa học

1. Giá trị đạo đức của việc Hiến xác 

Đã có nhiều giáo dân và Linh mục hiến xác hay đăng ký hiến xác cho khoa học. Theo truyền thống chúng ta đều mong muốn, sau khi qua đời, có được mồ yên mả đẹp. Nhưng bây giờ các đất thánh bị giải tỏa nên điều này cũng không có được. Hay ai cũng muốn hỏa táng, thì lấy xác đâu mà khoa học nghiên cứu. Biết đâu nhờ có xác hiến mà khoa học nghiên cứu được một phương thuốc chữa trị các bệnh nan y của thời đại. Điều này cho thấy sự hy sinh của người hiến xác thật cao cả. Nhờ họ mà khoa học có được những nghiên cứu mới giúp ích cho toàn thể nhân loại. Nên họ xứng đáng được xã hội trân trọng và tôn vinh và được Thiên Chúa ban thưởng – Chúa nói: Ai chỉ làm được một việc lành nhỏ như cho người môn đệ Chúa một bát nước lã còn được Chúa thưởng công – Huống chi hiến xác là một việc có ích cho toàn thể nhân loại, thì càng được Thiên Chúa thưởng công bội hậu trên Thiên đàng.

2. Những ai có thể hiến xác? 

— Tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên. 
— Người tự nguyện hiến xác phải còn minh mẫn khi làm hồ sơ. 
— Thi hài còn tương đối nguyên vẹn và không bị các bệnh truyền nhiễm nặng. 
— Khi làm hồ sơ, nhớ mang theo CMND hoặc hộ khẩu. 
— Chỉ nhận hồ sơ đăng ký tự nguyện và chỉ nhận thi hài sau khi người hiến đã qua đời. 

3. Nơi nhận đơn hiến xác 

Hiện nay có 4 cơ sở tiếp nhận đơn hiến xác: 

a. Đại học Y Dược TP. HCM: dành cho người ở phía Nam. 
b. Đại học Y Huế: dành cho người ở miền Trung. 
c. Đại học Y Hà Nội: dành cho người ở phía Bắc. 
d. Đại học Y Thái Nguyên: dành cho người ở vùng cao nguyên. 

Người có ý nguyện hiến xác có thể đến tham quan phòng xác và làm hồ sơ trực tiếp tại các cơ sở trên – Nếu ở xa, bạn có thể làm đơn hiến xác và có xác nhận của địa phương cư trú rồi gửi qua đường Bưu điện – Còn nếu là giáo dân anh chị em có thể làm đơn tại Văn phòng Giáo xứ. Giáo xứ sẽ chuyển đơn đến Nhà Trường. Đại học Y Dược TP. HCM đã đồng ý như thế. Và sau khi Đại học Y Dược đã nhận đơn thì Đại học sẽ cấp Giấy chứng nhận đã hiến xác. 

4. Khi người hiến xác qua đời 

Người thân có trách nhiệm gọi điện thoại đến Đại học Y Dược TP.HCM, càng sớm càng tốt, trong vòng 12 tiếng. 

— ĐT: 08.39.509.943 trong giờ hành chánh. 
— Di động: 0903.707.746 – 0913.783.412 ngoài giờ hành chánh. 
— Gia đình tôn giáo bạn có thể làm nghi thức tiễn biệt tại nhà. Gia đình Công giáo tẩn liệm xác ngay trong hòm inox rồi đưa đến Nhà thờ dâng Thánh lễ an táng, sau đó thi hài được đưa về Nhà Trường và được ướp hóa chất bảo quản, có thể giữ được lâu dài, vài chục năm trở lên. 

5. Xác được sử dụng như thế nào? 

Khi xác được đưa ra để nghiên cứu hay giảng dạy, thì sẽ giữ được trong khoảng từ 1 đến 2 năm. Sau khi đã nghiên cứu hay đã học xong. Nếu gia đình có yêu cầu, thì thi hài sẽ được hỏa thiêu trước sự chứng kiến của gia đình. Nếu gia đình không nhận lại tro cốt, thì Nhà Trường sẽ giữ lại toàn bộ xương để giảng dạy và nghiên cứu. 

6. Hiến xác có được bồi dưỡng không? 

Đây là một việc làm tự nguyện, nên hiện nay chưa có một chế độ bồi dưỡng. Hàng năm, Nhà Trường có tổ chức “Lễ Tri Ân” những người hiến xác, vào trung tuần tháng chạp âm lịch. Nhưng Thiên Chúa đã thưởng công họ trên Nước Trời rồi. 

7. Kết: 

Hiến xác là một việc làm cao quý, đáng thưởng công trên Thiên đàng. Tuy nhiên, người muốn hiến xác phải tranh thủ sự đồng tình của những người thân trong gia đình mới được. Nếu không, họ không thông báo cho Trường Đại học Y Dược thì sự việc cũng không thành. Muốn hiến xác, hãy cầu nguyện, suy nghĩ – Rồi làm 2 mẫu đơn, 1 gửi lại cho Trường Đại học Y Dược, 1 gửi lại cho gia đình để thực hiện.

Lm. JB. Võ Văn Ánh
Nguồn Tờ tin Tân Định số 239 (28-7-2012)

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks