ngày tháng năm

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

CÓ MỘT NGÔN SỨ ĐANG Ở GIỮA CHÚNG

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN - NĂM B 
Ed 2,2-5; 2 Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 

Sứ điệp mà ta nghe trong bài đọc Phúc âm của Thánh Máccô bắt đầu một cách tích cực. Đức Giêsu làm ngạc nhiên những người nghe Người giảng dạy. Thánh Máccô bảo ta rằng có nhiều người đến nghe Người. Dân chúng tự hỏi về những lời nói và việc làm của Người. 

Rồi, bỗng nhiên, mọi sự trở nên chua chát. Đức Giêsu đã trở về “quê quán của Người ”, dân chúng biết Người. Người quen thuộc đối với họ. Điều này làm cho những câu hỏi của họ càng thêm nhức nhối. Họ không thể hiểu làm thế nào một người lối xóm của họ có thể làm được những điều này.

“Trong suốt sứ vụ trần gian của mình, Đức Giêsu làm việc không mệt mỏi, thực hiện được những việc lớn lao để giải thoát con người khỏi bệnh tật, đau khổ và sự chết. Ngày Sabat – mà Cựu Ước đặt làm ngày giải phóng, nếu chỉ tuân giữ một cách hình thức, sẽ mất đi ý nghĩa đích thực của nó – thì đây Đức Giêsu xác định lại trong ý nghĩa nguyên thuỷ của nó: “Ngày Sabat được lập ra cho con người, chứ con người không được dựng nên cho ngày Sabat” (Mc 2,27). Bằng cách chữa bệnh cho con người trong ngày nghỉ này (x. Mt 12,9-14; Mc 3,1-6; Lc 6,6-11; 13, 10-17; 14,1-6), Người muốn chứng tỏ rằng ngày Sabat là ngày của Người, vì Người đúng là Con Thiên Chúa, và rằng đó chính là ngày con người dâng hiến cho Thiên Chúa và tha nhân. Giải thoát con người khỏi sự dữ, sống huynh đệ và chia sẻ: tất cả những điều này đem lại cho lao động ý nghĩa cao quý nhất của nó là cho phép con người lên đường tiến về ngày Sabat vĩnh cửu, khi mà sự nghỉ ngơi trở thành lễ hội, là điều trong thâm tâm ai cũng đều ao ước. Chính trong khi hướng nhân loại đến chỗ trải nghiệm ngày Sabat của Thiên Chúa và tình bằng hữu trong cuộc sống, lao động khai mở trên trái đất công trình tạo dựng mới” (Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, 261)

Bởi vì họ thiếu đức tin, Đức Giêsu “đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ”. Ta thấy điều này tương phản với đoạn Phúc âm Chủ nhật trước – câu truyện con gái Gia-ia và người đàn bà chạm vào áo Đức Giêsu và được chữa lành bệnh của mình. Đây là những con người có lòng tin, lòng tín thác và lòng cậy trông trong khi những người tụ họp tại hội đường lại thiếu đức tin và hỏi về Đức Giêsu là ai cũng như về công việc mà Người làm. 

Ngôn sứ Êdêkien được cảnh báo về chứng cứng lòng này. Ông được sai đi rao giảng cho những người đã “phản nghịch” chống lại Chúa. Họ có lưu tâm đến lời họ nghe hay không, đó không phải là sứ điệp chính. Điều quan trọng là lời đã được rao giảng – rằng họ biết “có một ngôn sứ đang ở giữa họ”. 

Trong đoạn văn ngắn này từ Sách Ngôn sứ Êdêkien, ta thấy một bản tóm lược Phúc âm hoàn toàn thích hợp với sứ điệp tuần trước. Dân chúng nghe sứ điệp được rao giảng cho họ. Họ có lẽ nhận ra được rằng Đức Giêsu là một ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến – một số tin và họ tin vào điều họ mắt thấy tai nghe, những người khác thì không. Điểm quan trọng là đức tin của những người tin. Chính đức tin của họ cho phép lời Chúa đi vào và cắm rễ trong đời sống của họ. 

“Tính phổ quát và toàn diện của ơn cứu độ do Đức Kitô thực hiện làm cho mối quan hệ mà con người được mời gọi phải có với Thiên Chúa không thể tách rời khỏi trách nhiệm đối với anh em mình trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử. Điều này có thể cảm nhận qua việc con người tìm kiếm sự thật và ý nghĩa, dù ngộ nhận và không phải không có sai lầm, và trở thành mấu chốt của giao ước giữa Thiên Chúa với dân Israel, như các tấm bia ghi Mười Điều Răn và giáo huấn của các ngôn sứ chứng thực. 

Sự nối kết này được diễn tả rõ ràng và tuyệt hảo trong giáo huấn của Đức Giêsu Kitô và được xác nhận dứt khoát bởi chứng từ tối thượng của Người là hy sinh mạng sống vì vâng theo ý Chúa Cha và yêu thương anh chị em mình. Khi nghe một kinh sư hỏi “Điều răn nào là quan trọng nhất?” (Mc 12,28), Đức Giêsu trả lời: “Điều răn thứ nhất là: ‘Hỡi Israel, hãy lắng nghe: Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi là Đấng duy nhất; ngươi phải yêu mến Ngài với hết cả tâm hồn, linh hồn, trí khôn, và hết sức lực ngươi’. Còn điều răn thứ hai là: ‘Ngươi phải yêu thương người lân cận như chính mình. Không có điều răn nào lớn hơn hai điều răn ấy” (Mc 12,29-31). 

Trong tâm hồn con người, mối quan hệ với Thiên Chúa – là Đấng Tạo Hoá và là Cha, nguồn gốc và sự hoàn thành sự sống và ơn cứu độ – và việc mở rộng tình yêu cụ thể đối với mọi người, mà ta phải xem như một cái tôi khác, kể cả khi người ấy là kẻ thù (x. Mt 5,43-44) được liên kết chặt chẽ không tách rời nhau. Suy cho cùng, chính trong chiều kích nội tâm của con người mà việc dấn thân cho công bằng và liên đới, xây dựng một cuộc sống xã hội, kinh tế và chính trị theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa bắt nguồn” (Sđd, 40)

Đức ông James M. Reinert 
Đan Quang Tâm dịch 
——————————-
Ghi chú: 
* Nguồn: Website Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình:
http://www.justpax.it/eng/home_eng.html 
* Tiêu đề do người dịch đặt 





Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks