ngày tháng năm

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Trẻ em đồng tính đường phố: Cuộc sống trong bóng tối

(Dân trí) - “Trong công viên, chúng em lấy đêm làm ngày. Chỉ gần sáng chúng em mới dám ngủ bởi lúc đó là thời điểm an toàn. Do đã có người đi tập thể dục nên không còn bị đuổi đánh hay bị xâm hại tình dục”.
Đó là tâm sự của một thiếu niên có mặt tại buổi Hội thảo “Thúc đẩy và bảo vệ quyền của trẻ em đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo thu hút sự chú ý của đông đảo tổ chức trong và ngoài nước. 
Theo nghiên cứu sơ bộ của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSee) tại thành phố Hồ Chí Minh - khu vực được đánh giá tập trung đông đảo nhất trẻ đồng tính, song giới và chuyển giới (LGBT) - với 32 trẻ em đường phố thuộc nhóm “giới tính thứ ba” cho thấy các em chịu nhiều rủi ro về sức khỏe và rất ít khi được hỗ trợ về vật chất, tinh thần cũng như các tư vấn tâm lý, pháp lý.

Qua những tâm sự, nghiên cứu thực tế về đời sống của các em, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy có nhiều sự khác biệt của các nhóm trẻ em đồng tính. Ở trẻ đồng tính, song tính nữ, hầu hết bỏ nhà đi do sự đổ vỡ cuộc sống tình cảm của bố mẹ, bỏ học sớm (cấp II), phần lớn từ các địa bàn ngoài TP.HCM. Trong khi trẻ đồng tính, song tính nam, đa số các em đã lựa chọn ra TP.HCM kiếm sống do gia đình khó khăn. Còn nhóm trẻ nam chuyển giới, đa số vẫn sống cùng gia đình, lựa chọn cuộc sống đường phố để tìm cộng đồng chia sẻ.

Tuy nhiên, tất cả đều có một điểm chung, đó là các em đều phải chịu áp lực tâm lý nặng nề cả trong gia đình và ngoài xã hội. Đặc biệt, ở nhóm trẻ em đường phố đồng tính, song tính và chuyển giới, những vất vả trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày càng khó khăn gấp bội. Hầu hết các em đều rơi vào tình trạng không có chỗ ở ổn định, ăn uống thất thường do không có tiền trang trải và không tìm được việc làm.

“Kết quả cũng cho thấy các em đồng tính nữ thường cố tình tảng lờ vấn đề sức khỏe, còn các em đồng tính nam, do nhiều em hành nghề mại dâm và có can thiệp hỗ trợ từ một số dự án nên có kiến thức tương đối tốt về HIV/AIDS và các bệnh lây lan qua đường tình dục cũng như đi khám bệnh thường xuyên. Tồi tệ nhất là các trẻ chuyển giới kiếm sống từ mại dâm, hầu như không muốn đi khám vì sợ bị kỳ thị do thể hiện giới tính của mình” - TS Nguyễn Thu Nam, một trong những tác giả chính của nghiên cứu này, chia sẻ.

Cuộc sống bất an của các em LGBT tại TPHCM cũng được phần nào giới thiệu qua bộ phim phim tài liệu “Thế giới không có nhân vật lạ” do Lương Thế Huy, thành viên ICS - tổ chức của cộng đồng LGBT tại Việt Nam cùng các đồng nghiệp thực hiện.

“Là người đồng tính em gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn nhất là khi tìm việc làm. Dù chỉ xin việc ở những quán cơm vỉa hè em cũng không được chấp nhận. Vì vậy hàng ngày chúng em chỉ biết lang thang ai thuê việc gì thì làm lấy, thậm chí là việc đi làm gái, hát thuê cho đám ma, cởi đồ hay múa lửa” - Đ.K một thiếu niên chuyển giới từ nam thành nữ có mặt tại hội thảo tâm sự.

Cuộc sống của những trẻ em đường phố đồng tính, song tính khác cũng vất vả tương tự. Do không có việc làm, các em hầu như không có chỗ trú thân. Do đó địa điểm lý tưởng nhất mà các em có thể trú ngụ là công viên. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh trật tự, phòng tránh tránh tệ nạn, nhân viên cơ quan chức năng cũng thường ngăn cản các em ở công viên qua đêm.

“Chỉ gần sáng chúng em mới dám ngủ, bởi lúc đó là thời điểm an toàn. Do đã có người đi tập thể dục nên không còn bị đuổi đánh hay bị xâm hại tình dục. Khổ nhất là những đêm trời mưa, mạnh đưa nào đứa đó chạy, có khí leo lên cây, vắt vẻo…”- một thiếu niên LGBT kể.

Theo bà Nam, thực tế cho thấy hầu hết trẻ có hoàn cảnh đặc biệt này đều rơi vào tình trạng suy sụp thần kinh, cô đơn, tìm đến thuốc lá, rượu, cần sa để giải tỏa. Thậm chí, có không ít em đã tìm “thú vui” kiểu tự làm đau thân thể mình như châm thuốc lá cháy vào tay, rạch tay, tự tử nhiều lần....

“Nguyên nhân chính khiến trẻ em đồng tính, song tính và chuyển giới lựa chọn cuộc sống đường phố là do mâu thuẫn gia đình, bị đè nặng thêm bởi áp lực ngăn cấm của gia đình, sự hoang mang và tự kỳ thị chính của xu hướng tình dục đồng giới của bản thân. Không ít em không phải trẻ mồ côi mà có bố mẹ, nhà cửa hẳn hoi nhưng bỏ nhà ra đi vì nhiều lý do, phổ biến nhất là thái độ kỳ thị của gia đình và xã hội” - bà Nam nói.

Ông Risa - Đại sứ Na Uy tại VN, nhà tài trợ dự án nghiên cứu, việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em lang thang đồng tính, song tính và chuyển giới - nhận định những trẻ em này cần được nhìn nhận ở khía cạnh bảo vệ quyền con người. Đại diện các cơ quan chức năng tham gia hội thảo cũng thống nhất quan điểm ủng hộ và không kỳ thị cộng đồng LGBT.

Theo bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ Trẻ em - UNICEF, để giúp các em tự tin sống cần có sự giúp sức của cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức xã hội.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết, trung tâm đang nghiên cứu để áp dụng những mô hình này cho trẻ em LGBT đường phố giống mô hình của Philippines. Theo đó, trẻ em LGBT đường phố sẽ được hỗ trợ bằng cách được học nghề phù hợp như cắt tóc, trang điểm, may, thiết kế… tại các trung tâm dạy nghề. Sau đó các em sẽ được cung cấp việc làm.

Nhữ Trang

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks