ngày tháng năm

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

BIẾT CHÚA

Biết là cả một mệnh đề rất lớn của triết học nói riêng, và cũng là của thế giới quan, nhận thức luận của con người nói chung. Ta có thể nói, chuyện này tôi biết, chuyện kia tôi biết, nhưng Biết một cách đầy đủ, toàn vẹn sự thật, liệu có ai dám khẳng định? 

Nỗ lực của mọi suy tư trong lịch sử nhân loại từ cổ chí kim đều không ngoài mục đích, là tìm đến tận cùng chân lý. Thế nhưng dường như chưa một nỗ lực suy tư thuần túy nào dám khẳng định rằng đã đạt đến chân lý tối hậu. Socrate, một triết gia cổ đại Hy Lạp dường như đã tổng kết cho điều này bằng một khẳng định tưởng như tiêu cực rằng: “Tôi chỉ biết một điều duy nhất là tôi không biết gì cả”. Nói như vậy không có nghĩa bản thân ông không biết gì, mà ngược lại ông biết rất nhiều, thậm chí ông được kể như một cây đại thụ trong hành trình tư tưởng nhân loại. Nhưng cũng như đã nói, cái gọi là biết của ông cũng chỉ là những mảnh vụn của sự thật, của chân lý. 

Vậy Biết thật sự là gì? Có cuộc đối thoại giữa nhà thơ Bùi Giáng và hòa thượng Thích Huệ Nhật mà tôi được nghe kể lại, trong đó hòa thượng Thích Huệ Nhật khẳng định: “Nếu như đã đọc tất cả các sách trên thế gian, mà chưa đọc Kinh Thánh thì coi như chưa đọc”. Bùi Giáng lại nói: “Nếu đã đọc Kinh Thánh rồi mà chưa gặp Đức Kitô thì cũng kể như chưa đọc”. Khẳng định của Bùi Giáng cách nào đó đã nói cho chúng ta về nội dung của chữ Biết đúng nghĩa, đầy đủ, chính là Biết Đức Kitô. Có vị linh hướng nọ khi dạy cho các chủng sinh về việc đọc sách đã nói: “Đừng sợ người đọc nhiều sách, nhưng hãy sợ người nào cả đời chỉ đọc một quyển sách”. Quyển sách mà ngài muốn nói chính là Kinh Thánh. 

Nhưng làm thế nào để biết Ngài, nhất là trong thời đại ngày nay, khi người ta đang mắc phải căn bệnh, đúng hơn là đang bị tra tấn bởi thế giới truyền thông, mà ở đó, rất khó để xác minh độ tin cậy của thông tin, căn bệnh mà như cổ nhân đã nói: “Đa thư loạn tâm”. Thật sự là ngày nay, có quá nhiều kênh thông tin đổ vào các giác quan con người, khiến nhiều người không còn thời gian để sàng lọc nó. Ta có thể tìm thấy câu trả lời trong đoạn Tin Mừng: “Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: 'Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. Cha Ta đã trao phó cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!'. Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: 'Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe'". (Lc 10,21-24). 

Thực vậy, có dân tộc nào thông minh cho bằng con cái Israel, có thần dân nào biết rõ về việc Đấng cứu thế sinh ra cho bằng các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân Israel, vậy mà chỉ những người chăn chiên ngoài đồng và các đạo sĩ Phương Đông, mới được diễm phúc bái lạy Hài nhi Giêsu khi Ngài mới chào đời. Ngay trong đoạn Tin Mừng nêu trên, những người nhận được lời chúc mừng của Đức Giêsu lại không phải là các kinh sư, luật sĩ Do Thái, mà là những anh dân chài thô kệch và chậm hiểu. Trước mặt thiên hạ, những người may mắn kia chỉ là một đám lôi thôi lếch thếch, thậm chí bị coi là mê tín dị đoan, tôn thờ ngẫu tượng, thế nhưng trước mặt Thiên Chúa, họ lại được dự phần trọng nhất trong bữa tiệc, vì họ đã “đơn sơ” tin vào lời của một kẻ bị quy kết cho là lộng ngôn, phạm thượng. 

Lạy Chúa, đã nhiều lần khi bị người ta khích bác niềm tin, con đã cố hết sức vận dụng lý trí để bảo vệ chân lý tuyệt đối là sự hiện diện và ơn cứu độ của Ngài, nhưng xem ra hiệu quả rất thấp, vì con đã cậy dựa vào lý trí hơn là vào chính Ngài, vào ơn Ngài mặc khải. Dù rằng con không dám tự kiêu theo kiểu, tự sức tôi có thể thuyết phục được mọi người, kể cả thành phần chống đối, nhưng có lẽ vì con vẫn chưa thực sự xác tín vào niềm tin của mình, nên con không dám khẳng định các tín điều đức tin, thay vì cố sức lý luận. 

Vậy lạy Chúa, xin cho con đừng quá ham hố biết chuyện thế gian, nhưng trước hết, và quan trọng nhất là khiêm nhường làm bạn với Ngài mỗi ngày, qua việc đọc Thánh Kinh. 

Cecilia Yen

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks