ngày tháng năm

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

TIẾN BƯỚC NHỜ LÒNG TIN CHỨ KHÔNG PHẢI NHỜ ĐƯỢC THẤY

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN - NĂM B 
Ed 17,22-24; 2 Cr 5,6-10; Mc 4,26-34 

Trong bài đọc từ Sách Ngôn sứ Êdêkien chúng ta nghe kể về lời hứa về Đấng Mêsia Thiên Chúa lập lại nhiều lần với dân Cựu Ước. Vào thời ngôn sứ viết/rao giảng, dân Israel đang lưu đày ở Babilon. Họ ở đó vì họ thiếu đức tin và lòng tin tưởng vào lời Thiên Chúa. Bấy giờ, các ngôn sứ đang được phái đi rao giảng niềm trông cậy và lời hứa rằng dân đã không bị bỏ rơi. 

Dĩ nhiên, ta có thể nói rằng đây là một trong những chủ đề chính mà ta chứng kiến trong khoảng sáu, bảy trăm năm trước khi Đức Giêsu sinh ra. Thiên Chúa không bao giờ quay lưng với dân Người, cho dù họ cứ bỏ Người nhiều lần. 

Ở đây ta nghe một sứ điệp tương tự với sứ điệp trong Phúc âm hôm nay. Thiên Chúa sắp thực hiện một sự sinh sôi nảy nở vĩ đại và vinh quang của Người sẽ soi chiếu trong mùa gặt qua công việc của bàn tay CỦA NGƯỜI. 

Một lần nữa, có một sợi chỉ liên kết trong sứ điệp ta tìm thấy trong Thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi các Tín hữu Côrintô. “Chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy!” Chủ nhật tuần trước ta đọc Thánh Phaolô khuyến khích Cộng đoàn tiếp tục hướng về trước trong hy vọng. Ở đây hôm nay, ta nghe, điều hầu như là một ước muốn cá nhân, một ước muốn trào dâng với cảm xúc thâm sâu… Thánh Phaolô đang bảo các độc giả của mình rằng ông hiểu lòng họ những mong muốn ước ao sao cho họ có thể “lìa bỏ thân xác” và hợp đoàn với Đức Kiô trên trời. 

Khi nói thế, một lần nữa, ông lại khuyến khích họ hãy giữ vững đức tin và hãy để cho đức tin ấy tiếp tục được bồi dưỡng trong đời sống của họ. Tất cả chúng ta sẽ được gọi đến trước ngai tòa phán xét của Chúa… và ta sẽ được phán xét theo như cuộc sống của ta trên trần gian. Thánh Phaolô nhắc nhở cộng đoàn về tầm quan trọng của việc làm lành lánh dữ. 

Lời giải thích hợp lôgích duy nhất mà ta có thể đưa ra về câu cuối trong đoạn trích từ Phúc âm Thánh Máccô: “Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết”, là Đức Giêsu muốn các người nghe suy gẫm ý nghĩa của dụ ngôn. Có lẽ họ sẽ thảo luận với những người khác, có lẽ họ sẽ chia sẻ sự hiểu biết của họ. 

Thánh Máccô cho ta nhiều dụ ngôn về Nước Trời và việc ta tham gia vào Nước đó. Trong câu truyện về người nông dân gieo hạt giống ngoài đồng và rồi đi ngủ ban đêm và thức dậy buổi sáng… thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết, đó là câu truyện về quan hệ của ta với Nước Chúa. Hạt giống đã được gieo vãi và ta sinh sống ở đời, sống điều ta cần sống hoặc làm điều ta cần làm còn Nước đó cứ tăng trưởng và sản sinh mùa màng phong phú. Đó không phải là ta không biết làm thế nào nhưng là ở chỗ ta không thể quản lý được sự việc. Ta phải gieo trồng hạt giống nhưng ta không thể kiểm soát được. Nói cách khác, “đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của chúng ta”. 

“Giáo Hội, cộng đồng những người đã được Đức Kitô Phục Sinh liên kết lại với nhau và đã lên đường tiến bước đi theo Người, là “dấu chỉ và là bảo đảm cho tính cách siêu việt của con người” (Gaudium et Spes, 76). Giáo Hội ấy là “một loại bí tích trong Đức Kitô – tức là dấu chỉ và công cụ hiệp thông với Thiên Chúa và giữa loài người” (Lumen Gentium, 1). Sứ mạng của Giáo Hội là sứ mạng công bố và truyền đạt sự cứu độ đã thực hiện trong Đức Giêsu Kitô, mà Người gọi là “Nước Chúa” (Mc 1,15), tức là sự hiệp thông với Thiên Chúa và giữa loài người. Mục tiêu của ơn cứu độ, Nước Chúa bao trùm hết mọi người và được thực hiện trọn vẹn vượt quá lịch sử, trong Thiên Chúa. Giáo Hội đã tiếp nhận “sứ mạng công bố và thiết lập giữa muôn dân Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa, và Giáo Hội, trên trần gian, là hạt giống và bước khởi đầu của Nước đó” (Lumen Gentium, 5) (Sách Tóm lược HTXHGH, 49). 

Ngay cả với việc rao giảng bằng dụ ngôn, ngay các với một sứ điệp không được Đức Giêsu truyền đạt công khai, Thánh Máccô bảo ta rằng dân chúng cứ tiếp tục đến nghe. Không có sự thất vọng đáng kể nào – các đám đông không trở nên giận dữ vì họ không hiểu – họ tiếp tục đến, lắng nghe và cố gắng hiểu ý nghĩa những lời của Đức Giêsu. 

Ngày nay Đức Chúa Thánh Thần đã đến với mọi người chúng ta. Ta nhìn lại và hiểu ý nghĩa đích thực của sứ điệp Phúc âm. Nhưng ta vẫn còn phải quay lại nhiều lần để suy gẫm sứ điệp đó, thảo luận và chia sẻ những nhận thức của trên con đường ta đi tới. Những lời Đức Giêsu nói vẫn còn sống động đầy ý nghĩa cho ngày nay như khi xưa Người đã nói. Ta cần phải đến, lắng nghe và suy gẫm để hiểu cho thấu đáo. 

Đức ông James M. Reinert 
Đan Quang Tâm dịch 

——————————-

Ghi chú: 
* Nguồn: Website Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình:
http://www.justpax.it/eng/home_eng.html 
* Tiêu đề do người dịch đặt 

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks