ngày tháng năm

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Không có tình yêu, cuộc đời không còn ý nghĩa.

Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." (Mt 22,34-40) 
Yêu là chết ở trong lòng một ít 
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu. 
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu 
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết. 
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt 
Tưởng trăng tròn, hoa tạ, với hồn tiêu 
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu! 
Yêu, là chết ở trong lòng một ít. 
Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt, 
Những người si theo dõi dấu chân yêu 
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu 
Và tình ái là sợi dây vấn vít 
Yêu, là chết ở trong lòng một ít. 

Đó là những vần thơ đầy “Yêu” của nhà thơ Xuân Diệu, con người có một niềm khát yêu đến điên cuồng và luôn cật lực để đi tìm định nghĩa trọn vẹn về tình yêu. Thế nhưng như những gì ông đã thể hiện, ít nhất là trong những vần thơ của mình như trên, thì xem ra ông chỉ tìm thấy nơi tình yêu những vị đắng, sự bi ai, cảm giác hụt hẫng, đầy rối rắm.... Ông nhìn thấy nơi tình yêu cái gì đó như mất đi, mà ta tạm gọi đó là những hy sinh âm thầm. Tình yêu và được yêu như thế luôn phải trả giá: “Yêu là chết trong lòng một ít”. Dù cho đã chấp nhận trả giá thì nó vẫn mong manh, “Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu. Người ta phụ, hoặc thờ ơ chẳng biết”. Càng đáng buồn hơn khi kết quả của một cuộc tình chỉ kết lại trong một nốt lặng buồn, vì đã yêu nhầm, vì quá si mê.... 

Dẫu chưa phải là một kiệt tác thi phẩm về Yêu, nhưng cũng có thể cho ta thấy chút gì đó về khuôn mặt của tình yêu nhân loại; tình yêu của con người thuần túy. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao, tình yêu của con người thuần túy lại đượm buồn đến thế. Câu trả lời có lẽ là bởi con người, với bản tính tự nhiên, luôn có cảm giác mình bị mất mát, bị thiệt thòi, bị lấy đi chứ không được nhận lại, được trao cho. Tình cảnh càng thảm hại hơn khi con người nhìn ra một thực tế rằng, những gì mình có là quá eo hẹp, ít ỏi và ngắn ngủi. Vì thế mà mỗi lần muốn được cái gì đó từ kho tàng ích kỷ của người khác, họ phải chấp nhận trả giá. Và ai càng khát yêu thì cái giá phải trả tức là sự thiệt thòi càng lớn. Lớn đến độ như có cái gì đó bị rứt ra khỏi cơ thể, bị chết đi cách vĩnh viễn. 

Không có gì ngạc nhiên khi con người tự nhiên phát biểu về một trạng thái đặc biệt trong mình với một cảm xúc như thế. Bởi lẽ, nếu con người không nhận thấy rằng, dù là ít ỏi đến đâu, thì đó cũng là điều không tự sức mình, con người tạo lập được, trái lại, đó là những gì Thiên Chúa ban cho. Không những được ban cho, mà hơn thế còn là được ban cho cách nhưng không. Nói vậy hẳn có người sẽ hỏi, tại sao Đấng được gọi là Thiên Chúa toàn năng gì đó, đã ban nhưng không cho con người, lại ban cho một cách ích kỷ như vậy. Tại sao không cho con người dư đầy, để họ khỏi phải đau khổ vì yêu? Câu trả lời là đừng nhìn vấn đề quá tiêu cực, nhưng hãy có thái độ lạc quan hơn. Ví thử Ngài ban cho tất cả, thì cuộc đời này còn gì để yêu. Người ta sẽ chẳng bao giờ tìm kiếm điều mới mẻ. Và như thế thì con người chẳng bao giờ khao khát được trao ban cho nhau, được sống gần nhau và vì nhau. Như thế cuộc đời của mỗi người sẽ luôn đơn độc. Thế nhưng vì mỗi người sở hữu điều mà người khác không có, nên mới có chuyện người ta cần có nhau trong đời, mới đi tìm và nỗ lực để gìn giữ, bảo vệ những gì mình đã tìm được. Ở đó, tình yêu và hôn nhân là một ví dụ. 

Câu chuyện cắc cớ rất có thể phải tiếp diễn nếu ai đó thắc mắc, vì sao Đấng đầy đủ mọi sự, lại đòi hỏi con người: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”? Câu trả lời là hơn bất cứ ai, Đấng ấy yêu con người bằng một tình yêu tuyệt đối. Vì Đấng ấy có trong mình và luôn muốn trao ban cho con người tất cả những gì con người khao khát. Và cũng như một người nào đó, chỉ biết trân trọng và nỗ lực hết mình cho một tình yêu, khi anh ta nhìn thấy nơi người yêu, điều mà mình cần phải có để sống đẹp hơn, thì với Thiên Chúa, Đấng có mọi sự có thể làm con người được sung mãn, không có lí do gì để con người từ chối việc yêu mến Ngài, nếu họ muốn được sung mãn. 

Nhưng như thế thì chỉ cần yêu Ngài là đủ, sao còn phải yêu người thân cận, mà lại là yêu như chính bản thân mình? 

Có quá nhiều điều phải nó nhưng thiết nghĩ điều căn bản nhất mà con người cần phải biết và ghi nhớ luôn, rằng mỗi tha nhân là một phần trong sự sung mãn của Đấng tuyệt hảo, tất cả tha nhân cũng là những gì trong sự sung mãn mà Đấng ấy muốn ban cho chính mỗi người. Như thế, nếu không nhìn nhận tha nhân là phần được dành cho mình, không yêu như bản thân mình là thì làm sao có thể đón nhận được điều tốt đẹp mà Đấng ấy muốn dành cho, lại càng khó có thể biết trân quý những điều tốt đẹp ấy. 

Lạy Chúa! Ngài là gia nghiệp đời con và tha nhân là một phần trong tình yêu Ngài dành cho con. Xin cho con khi đón một ngày mới, thì đồng thời vui vẻ đón nhận và đến với tha nhân, nhất là những người bên cạnh với thái độ đón nhận trong tâm tình biết ơn, vì họ là chính là tình yêu Ngài dành cho con trong “ngày hôm nay”. Nhờ đó con loan truyền sứ điệp tình yêu cho những người chúng con gặp gỡ, cũng là thực hiện lệnh truyền tối quan trọng Ngài đã nói cho chúng con rằng: “Cứ điều này mà người ta nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau”. 

Cecilia Yen



Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks