ngày tháng năm

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Đối thoại với người không cùng ngôn ngữ

VRNs (14.08.2012) - VRMI - Có lần chúng tôi kể chuyện hai anh sinh viên trên xe đò về Đắc nông “đối thoại” với một ông Tây. Ông Tây nhìn hai anh và nói một tràng mà hai anh không nghe ra, không biết là tiếng gì. Thế là hai anh nhìn nhau và rồi một anh đưa tay lên ngang cổ và làm động tác đưa dao cắt vào cổ. Ông Tây nghĩ là hai anh doạ giết mình nên lập tức ngừng nói. Nhưng ý anh sinh viên ấy chỉ muốn nói: “Biết chết liền”.

Chuyện tưởng như đơn giản ấy có thể có những ý nghĩa khác nhau cho người nghe. Là những người được mời gọi lên tiếng cho công lý bình an, chúng ta vẫn thường nghe: phải đối thoại với thế giới, với con người chung quanh mình.

Còn hơn là một cuộc đối thoại thông thường, Hội Thánh muốn con cái mình nhận ra sứ mạng rao giảng Tin Mừng Cứu độ, như phần đầu của Giáo huấn Xã Hội viết rõ:

“Vào lúc khai nguyên Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, Hội Thánh không mệt mỏi để công bố Tin Mừng mang ơn cứu độ và sự tự do đích thực đến cho các thực tại trần thế. Giáo Hội nhớ lời thánh Phaolô nói với môn đệ Timôthê của mình: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh” (2 Tm 4,2-5).” (GHXHCG, số 2)

Khi đi vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, con người ở những nước văn minh đã thực sự thoát ra khỏi cảnh u mê man rợ của thời bóng tối. Nhưng chính sự văn minh phát triển lại kéo con người đến chỗ “không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ…”

Thánh Phaolô đã nói tiên tri về thời đại mà vật chất có một chỗ đứng gần như độc tôn. Thế nhưng việc chạy theo vật chất cuối cùng sẽ làm con người chán ngán và mệt mỏi. Và sự kiên trì, thận trọng của những người loan báo Tin Mừng sẽ đem lại kết quả khả quan.

Bằng chứng hiển nhiên trong xã hội văn minh cho thấy con người biết phục thiện là “Theo kết quả nghiên cứu cuả viện thống kê Pew Forum thì trong 10 năm vừa qua, mức độ hài lòng với các giám mục cuả người Công giáo Mỹ đã nhảy vọt lên từ 51 đến 70%”

Con số ấy chứng minh nhiều điều, nhưng trước hết có lẽ là nhờ ý thức của con người văn minh. Họ nhận ra đâu là chân lý và là nguồn sống thật.

Điều đáng buồn nằm trong phần nhân loại còn chìm trong bóng tối của sự chưa khai hoá. Làm sao biết họ chưa được khai hoá? Một số người đã đưa ra “qui định về văn minh”. Điều này cũng khá hài hước vì trong lịch sử loài người chưa có ai qui định như thế cả, cũng như chưa ai đưa ra “qui định thế nào là ánh sáng”!

Dựa vào lời học giả đồng thời là chí sĩ tài đức nhất của thế kỷ 20 là Phan Bội Châu, chúng ta có tiêu chí để biết xã hội nào chưa văn minh, chưa được khai hoá.

“Sử chép: Từ đời Lê Huyền Tôn (1663-1671), niên hiệu Cảnh Trị đến bản triều Tự Đức (1847-1883) khoảng những năm đầu, đều có cái tệ cấm dương giáo, giết giáo đồ. Than ôi! Thời đại chưa khai hóa, có những việc như vậy, nay cũng không nỡ nhắc lại nữa.” (Lời phê của Hoàng Trọng Mậu: Mỗi khi nói đến thời Tự Đức có cái lệ bắt giáo dân ở tập trung vào một nơi, thì thấy đó là một hành động bạo ngược kỳ quái. Chả trách mà nguyên khí nước nhà bại hoại). (Phan Bội Châu, Việt Nam quốc sử khảo, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1962, tr 146-149)

Mới đây, ở Tây nguyên, người ta triệt hạ ảnh tượng Thánh và Nhà Tạm Chúa Giêsu để thay vào đó bằng thứ khác. Nếu Phan Bội Châu lên tiếng về điều này, ông sẽ lại phải nói: “Than ôi! Thời đại chưa khai hóa”. Người dân tộc thiểu số bây giờ đã đi học, nhiều người học cao, làm nhiều việc lớn ttrong xã hội. Họ đã văn minh, rất văn minh. Nhưng hành vi của một số người “chưa được khai hoá” lại làm ảnh hưởng đến họ.

Trong những xã hội chưa khai hoá như thế, việc Hội Thánh rao giảng Lời Chúa gặp lúc “chưa thuận tiện”. Nhưng Hội Thánh vẫn phải nói, vẫn phải đối thoại. Nhưng chắc chắn Hội Thánh không thể đối thoại theo kiểu khôn ngoan thế gian, nói nhẹ nhàng, nói quanh co để lấy lòng người.

Lời Thánh Phaolô mà Giáo huấn Xã Hội trích lại đã nói rõ, nói thẳng và nói dứt khoát: “Hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ”.

Với người không cùng ngôn ngữ, đối thoại thường gây hiểu lầm hay đơn giản hơn, chỉ là cười trừ. Khi ngôn ngữ của Hội Thánh là chân lý và tình yêu, là tự do và công lý thì rất dễ bất đồng với một thế gian còn chưa khai hoá. Lúc đó Hội Thánh sẽ dùng mọi phương thế mà “nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ”, lắm lúc phải “biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ”.

Lời Chúa và Giáo huấn Hội Thánh phải là kim chỉ nam cho mọi thành phần dân Chúa. Nói mà người ta không hiểu, mình ngồi im cho khoẻ như hai anh sinh viên trên kia có thể làm cho chuyến xe yên tĩnh, không có tiếng ồn ào. Nhưng nếu ông khách kia có vấn đề mà hai anh không chịu tìm hiểu để giúp đỡ thì hai anh có lỗi.

Người ta thường biện minh thế này: “Tôi đối thoại rồi đó, mà họ không nghe tôi biết làm sao. Hãy kiên nhẫn chờ thời gian”. Nhưng người ta có biết rằng trong thời gian đợi chờ ấy, có biết bao những phận người phải cúi xuống tận bùn đen.

Là con cái Hội Thánh, chúng ta cùng đọc lại lời Mẹ của mình:

“Vào lúc khai nguyên Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, Hội Thánh không mệt mỏi để công bố Tin Mừng mang ơn cứu độ và sự tự do đích thực đến cho các thực tại trần thế.”

Vâng, không chỉ là cho đời sống tâm linh mà thôi, mà còn cho các thực tại trần thế mà Hội Thánh đứng lên loan báo, dạy dỗ, đánh động và cải hoá.

Xin hãy cùng đọc lại và nghiền ngẫm lời dạy của Hội Thánh:

“Biết bao anh chị em nghèo đói đang cần giúp đỡ, biết bao người bị áp bức đang chờ công lý, biết bao người thất nghiệp đang cần công ăn việc làm, biết bao người đang mong được tôn trọng (…) Làm sao chúng ta có thể hờ hững trước viễn cảnh về môi trường sinh thái bị khủng hoảng, đang biến những khu vực rộng lớn của hành tinh chúng ta không còn người ở hay trở nên rất khắc nghiệt đối với con người? Hoặc hờ hững đối với vấn đề hoà bình trước cảnh con người lúc nào cũng bị các cuộc chiến tàn khốc đe doạ? Hoặc hờ hững trước nguy cơ coi thường các quyền căn bản của rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em?” (GHXHCG, số 5)

Gioan Lê Quang Vinh

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks