ngày tháng năm

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Điệp khúc buồn của người yếu thế

SGTT.VN - Viện phí tăng, người bệnh đã phải chi trả nhiều hơn trước đây, nhưng chất lượng dịch vụ y tế thì chưa được bảo đảm cải thiện bằng một cam kết chính thức nhân danh một cơ quan quản lý, một người có trách nhiệm và có thẩm quyền. Người mua nhà đã nộp tiền, nhưng chờ mãi không thấy chủ dự án giao nhà; được hỏi đến, thì chủ dự án nêu ra đủ thứ lý do mà bản thân không giải quyết được. Người dân vùng quy hoạch treo vật vã với cuộc sống bấp bênh và lo lắng về tương lai vô định, trong khi nhà đầu tư và cả nhà chức trách đều đủng đỉnh trong việc triển khai đề án quy hoạch...

Xếp cạnh nhau các câu chuyện ấy và những chuyện tương tự có thể thu thập được khá nhiều từ các mặt báo, người ta dễ có cảm giác đang nghe một điệp khúc buồn kể về tình thế của những con người lép vế và bị ép uổng bởi những người mạnh hơn nhờ có nhiều tiền và thế lực. Điệp khúc vang lên càng thường xuyên trong không gian, cũng như trong thời gian và càng dai dẳng, thì cũng có nghĩa là bất công xã hội càng phổ biến, đáng quan ngại.
Ông Nguyễn Văn Ái - nông dân xã Mỹ Phú, Thủ Thừa, Long An - nhổ cỏ trên thửa ruộng nằm trong khu quy hoạch sân golf vừa được xóa bỏ. Ảnh: Ngọc Hậu/TT
Thực ra, đôi lúc cũng có thể ghi nhận một vài điểm nhấn đáng lạc quan, như quyết định xóa quy hoạch treo và trả lại đất trồng lúa cho dân, quyết định tăng viện phí có chừng mực của chính quyền một vài địa phương. Song, chừng đó động thái tích cực, xuất phát từ nỗ lực của cá nhân người này, người nọ hơn là từ việc thực hiện một chủ trương chung và nhất quán, có vẻ không đủ để lấn át các xu thế tiêu cực của toàn bộ khung cảnh xã hội.

Trong các câu chuyện kể trên, không loại trừ khả năng người cung ứng dịch vụ y tế, chủ dự án xây dựng nhà ở, chủ đầu tư vào khu quy hoạch, và cả người có thẩm quyền quản lý trong bộ máy nhà nước cũng có những khó khăn của riêng mình, đặc biệt là cũng chịu sức ép đến từ chỗ này, chỗ kia cao hơn, mạnh hơn. Nhưng điều đáng nói là những người này có điều kiện trút gánh nặng của mình lên vai người khác, thấp hơn, yếu hơn.

Với cách cởi ách theo kiểu “thác đổ” ấy, thì những vị trí thấp nhất và yếu nhất sẽ phải nhận lấy toàn bộ gánh nặng bất công xã hội. Điều này, suy cho cùng, chỉ phù hợp với cuộc sống trong thế giới động vật hoang sơ, nơi thống trị của quy luật tự nhiên mạnh được yếu thua hay cá lớn nuốt cá bé.

Ở các nước tiên tiến, bảo vệ người yếu thế trong giao tiếp xã hội, pháp lý, chống sự hà hiếp của bên mạnh hơn được xác định là một trong những nguyên tắc nền tảng, hiến định phải được tuyệt đối tôn trọng trong quá trình thực hiện các chức năng của nhà nước.

Đặc biệt, chính sách, luật pháp phải được xây dựng có lợi cho kẻ yếu để bù đắp sự bất lợi mà người này vốn phải chịu do có ít tiền bạc hơn và ở vị thế xã hội thấp hơn. Bảo vệ người yếu thế là một trong những yêu cầu cơ bản mà một hệ thống luật pháp, chính sách phải thoả mãn để được coi là đạt tiêu chí về tính công bằng, Chẳng hạn, đối với người dân vùng quy hoạch, việc giải toả được coi là một vụ chuyển dịch tài sản ngoài ý muốn của chủ sở hữu; bởi vậy, người dân có quyền yêu cầu đền bù trong tư thế của một người bị thiệt hại ngoài hợp đồng. Người dân có thể kê khai (và tất nhiên phải chứng minh) tất cả những tổn thất thực tế mình gánh chịu, cả vật chất và tinh thần, từ đất đai, nhà cửa, mùa màng, thu nhập nghề nghiệp, cho đến... tình làng nghĩa xóm và yêu cầu bồi thường cho đủ. Với sự thừa nhận đó, thì quy hoạch mà để treo càng lâu, món nợ của nhà chức trách, nhà đầu tư đối với người dân sẽ càng phình lớn ra. Chính áp lực nợ nần sẽ khiến người mắc nợ phải tỏ ra tích cực, mẫn cán trong việc đưa ra quyết định cần thiết – dừng lại hoặc đi đến cùng – để khai thông bế tắc.

Cũng vậy, nợ đối với người mua nhà theo dự án cũng sẽ phải tăng theo thời gian, nếu chủ dự án xây dựng nhà ở đã nhận tiền mua, nhưng không giao nhà đúng hạn mà không phải do nguyên nhân bất khả kháng. Luật pháp các nước thường quy định rằng một khi đã đến hạn giao tài sản theo cam kết trong hợp đồng mà người bán không giao, thì đương nhiên bị suy đoán là bội ước. Khi đó, nếu đã nhận tiền của người mua, thì ngoài nghĩa vụ giao nhà vẫn phải thực hiện đến nơi đến chốn, người bán còn phải trả thêm một khoản tiền phạt, tính theo số ngày chậm thực hiện nghĩa vụ.

Liên quan đến dịch vụ y tế, bài toán cân đối chất lượng – chi phí phải được giải quyết với vai trò chủ động của nhà chức trách, nhà quản lý. Trước hết, Nhà nước phải ứng chi phí để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ bác sĩ, y tá. Sau đó nếu cần, Nhà nước mới huy động sức đóng góp của dân bằng cách lập và áp dụng một biểu thu viện phí hợp lý.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Nguồn sgtt

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks