ngày tháng năm

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

MẶC LẤY CON NGƯỜI MỚI THEO SỰ DẪN DẮT, DƯỠNG NUÔI CỦA THIÊN CHÚA

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN - NĂM B 
Xh 16,2-4.12-15; Ep 4,17.20-24; Ga 6,24-35 

Dưới hình thức này hoặc hình thức kia, từ “kêu trách” được sử dụng hơn hai mươi lần trong Cựu ước. Hầu hết tất cả những lần đó được tìm thấy trong các câu truyện xoay quanh việc dân Israel lang thang trong sa mạc. 

Thật ngạc nhiên khi thấy rằng với tất cả những gì Thiên Chúa đã làm và còn tiếp tục làm cho họ trong khi Người dẫn dắt họ đi qua hoang địa, họ dường như vẫn lẩm bẩm kêu trách gần như liên miên. Sách Xuất hành ghi lại cuộc hành trình bốn mươi năm trong sa mạc. Sách đầy những câu truyện về việc Thiên Chúa biểu lộ quyền năng và tình yêu đối với dân Israel – Thiên Chúa đã kết ước với họ như thế nào. Hôm nay ta nghe câu truyện Thiên Chúa gửi đến manna – lương thực từ trời để thỏa mãn cơn đói và nhu cầu thực phẩm của họ. Như Người đã và đang làm, Thiên Chúa cũng sẽ dưỡng nuôi họ trong cuộc hành trình trước mặt.

Ý tưởng “dưỡng nuôi” được vọng lại trong Phúc âm Thánh Gioan và như ta thấy trong đoạn văn trong Bài đọc một, có sự nghi ngờ và thiếu đức tin trong lòng trí của dân chúng. Mới ngày hôm qua thôi (theo Phúc âm), Đức Giêsu vừa làm cho năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá hóa ra nhiều để nuôi hơn năm ngàn người đến nghe Người giảng dạy. Nay, họ đòi một dấu lạ – vì Đức Giêsu đòi đức tin nơi họ. 

“Việc biến đổi các mối quan hệ xã hội để đáp lại các đòi hỏi của Nước Thiên Chúa không được thiết lập trong các quyết định cụ thể một lần là xong. Đúng hơn, đó là một nhiệm vụ được giao cho cộng đồng Kitô hữu để cộng đồng này khai triển và thực hiện qua suy tư và qua những việc thực hành được Tin Mừng linh hứng. Cũng một Thần Khí của Đức Chúa, dẫn dắt dân Chúa đồng thời tràn ngập vũ trụ, linh hứng vào từng thời điểm những phương cách mới và phù hợp để cho con người thi hành trách nhiệm của mình một cách sáng tạo. Ơn linh hứng này được ban cho cộng đồng Kitô hữu, và vì là một bộ phận của thế giới và của lịch sử nên cộng đồng này cởi mở, sẵn sàng đối thoại với mọi người thiện chí trong công cuộc tìm kiếm các hạt giống chân lý và tự do được gieo trong cánh đồng nhân loại bao la. Để thực hiện được sự canh tân này một cách năng động, phải gắn chặt với các nguyên tắc bất di bất dịch của luật tự nhiên, luật này được Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá khắc ghi trong mỗi thụ tạo của Người (x. Rm 2,14-15) và được tràn ngập trong ánh sáng cánh chung qua Đức Giêsu Kitô” (Sách Tóm lược HTXHCG, 53)

“Đức Giêsu Kitô mặc khải cho chúng ta biết “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8) và Người dạy chúng ta rằng “luật căn bản giúp con người hoàn thiện, và từ đó, biến đổi thế giới, chính là điều răn mới về tình yêu. Người đoan chắc với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa rằng con đường yêu thương mở ra cho hết mọi người và rằng nỗ lực thiết lập một tình huynh đệ đại đồng sẽ không vô ích”. Luật này được nêu ra để trở thành thước đo và quy luật tối hậu cho mọi động lực có liên quan đến các mối tương giao của con người. Tóm lại, đó là chính mầu nhiệm Thiên Chúa, Tình yêu Ba Ngôi, làm nền tảng cho ý nghĩa và giá trị của con người, của các quan hệ xã hội, của hoạt động con người trong thế giới, theo mức độ mầu nhiệm ấy được mặc khải và loan báo cho con người qua Đức Kitô trong Thần Khí của Người” (Sđd, 54). 

Trong Thư gửi các Tín hữu Êphêxô, Thánh Phaolô nhắc lại lời mà Đức Giêsu nói với đám đông: “Thưa anh em, đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa… Anh em phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện (Ga 4, 17. 24). 

Như ông luôn luôn thực hiện, Thánh Phaolô khuyến khích các thành viên của cộng đoàn hãy chuyển hóa đời mình để trở nên mới. Họ không còn sống như dân ngoại vì họ đã được biến đổi. Qua đức tin, Đức Giêsu đã đến trong đời họ và cộng đoàn của họ. Cuộc biến đổi này là kết quả của những gì đã được rao giảng cho họ. Theo Thánh Gioan, đó chính là sự biến đổi mà Đức Giêsu mời gọi dân chúng trải qua: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6,29). 

Ở đây bây giờ, cần trở lại với ý tưởng “dưỡng nuôi”. Đức Giêsu đưa ra mời gọi và nếu ta chấp nhận lời mời gọi ấy, ta biết rằng Người sẽ đồng hành với ta. Ta không bao giờ bị lẻ loi. Đức Giêsu bảo đám đông rằng "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ" (Ga 6,35). 

Trong Thư gửi các Tín hữu Êphêxô, Thánh Phaolô giải thích tại sao chúng ta nên hành động như ta đang làm. Ông viết cho một cộng đồng đang phải chiến đấu vì đức tin của mình. Chiến đấu, tại sao không? Họ đang bị vây quanh không những bởi những người không tin nhưng còn bởi những người, giống như họ, cũng được nghe Sứ điệp Tin Mừng, nhưng lại từ chối tin vào những gì được rao giảng cho mình. Họ cần sự khích lệ đó, nhưng họ, cũng như chúng ta, cần được nhắc nhở về sự hiện diện của Cha, Con và Thành Thần nơi mọi người đang tin. 

Đức ông James M. Reinert 
Đan Quang Tâm dịch 
——————————-
Ghi chú: 
* Nguồn: Website Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình:
http://www.justpax.it/eng/home_eng.html 
* Tiêu đề do người dịch đặt 

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks