ngày tháng năm

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Các Nguyên tắc Lãnh Đạo của Giuliani

Rudy Giuliani cựu Thị Trưởng New York
Trong quyển Thuật Lãnh Đạo (Leadership), Rudy Giuliani thuật lại những giá trị và những nguyên tắc đã làm cho ông ta trở thành một nhà lãnh đạo lỗi lạc, đặc biệt là qua biến cố 11 tháng 9 và những ngày tiếp theo. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày tóm lược các bí quyết lãnh đạo đó của vị cựu Thị Trưởng New York. 

Sách chia làm 3 phần. Phần đầu kể lại biến cố 11 tháng 9 và những kỹ năng lãnh đạo Giuliani đã dùng. Phần hai chia thành 13 chương, mỗi chương bàn về một khía cạnh trong phong cách lãnh đạo của ông. Phần ba thuật lại những nỗ lực phục hồi Thành phố New York sau ngày 11 tháng 9, nhất là những nỗ lực của văn phòng Thị trưởng. 

Trọng tâm quyển sách ở phần hai, trong đó nhiều bí quyết của thuật lãnh đạo được trình bày, có thể tóm lược như sau: 

1. Chuẩn bị kỹ 

Khi bắt đầu một dự án, cần học hỏi càng nhiều càng tốt. Suy nghĩ thấu đáo, xem xét mọi khía cạnh và lường trước mọi vấn đề có thể phát sinh. Biết động não, có tầm nhìn xa trông rộng. 

2. Mọi người đều chịu trách nhiệm, vào mọi lúc 

Giuliani để trên bàn mình một tấm biển ghi mấy chữ: TÔI CHỊU TRÁCH NHIỆM. Người lãnh đạo phải nhận trách nhiệm về phần mình khi có điều gì sai trái xảy ra, đồng thời mong rằng tiêu chí này cũng sẽ được thực hiện xuyên suốt từ trên xuống dưới. 

3. Vây quanh mình bằng những con người tài năng lỗi lạc 

Chọn một đội ngũ những người giỏi nhất. Đừng sợ thuộc cấp sẽ thay thế mình. Bạn làm sao có thể tiến thêm nếu như bạn không tìm ra được người có thể đảm đương vị trí hiện nay của bạn? Lựa những cộng sự bổ túc cho nhau và có thể cùng làm việc với nhau. 

4. Suy nghĩ rồi quyết định 

Đặc tính cốt yếu của thuật lãnh đạo là làm những lựa chọn đúng. Đừng hấp tấp, nóng vội: bạn càng bỏ ra nhiều thời gian để làm quyết định thì quyết định đó lại càng chín chắn và vững chãi bấy nhiêu. 

5. Hứa ít, làm nhiều 

Người lãnh đạo quản lý không chỉ những kết quả mà còn những mong đợi. Tránh nói những gì mình làm cho đến khi mình đã hoàn thành. 

6. Phát triển và thông đạt những xác tín 

Những nhà lãnh đạo dẫn dắt bằng tư tưởng. Phát triển niềm tin mãnh liệt vào những giá trị then chốt và thể hiện xác tín đó bằng lời nói và hành động, điều này sẽ giúp tạo ra một bầu không khí khích lệ thuộc cấp làm theo người lãnh đạo. 

7. Lòng trung thành, đức tính cốt yếu 

Ta đều biết rằng mọi thuộc cấp đều phải trung thành với tổ chức và cấp trên, nhưng đôi khi ta quên khuấy rằng bản thân ta cũng cần phải trung thành với thuộc cấp. Ngay cả khi họ làm hỏng bét công chuyện thì bạn cũng cần phải gắn bó với họ. Để cho ai đó một thân một mình đương đầu về sóng gió hoặc bỏ mặc họ vấp ngã khi có chuyện là dấu hiệu của một người lãnh đạo yếu bóng vía và thiếu bản lĩnh. 

8. Nghĩa tử là nghĩa tận 

Giuliani cho rằng đám cưới là dịp người ta vui vẻ cho nên có nhiều người muốn dự. Do đó bạn chỉ nên dự đám cưới khi bạn cảm thấy thích và có thì giờ. Đám tang thì khác. Đang lúc "tang gia bối rối", sự hiện diện của bạn là cả một sự cảm thông, chia sẻ. Nói chung, người ta cần bạn vào những lúc khó khăn hơn là khi vui vẻ. 

9. Bạn hãy là chính bạn 

Cần xây dựng một nền tảng vững chắc đủ để trở thành một người lãnh đạo lớn bất chấp chuyện gì đang xảy ra quanh bạn. 

10. Tự mình nghiên cứu, đọc sách và học hỏi 

Đừng bao giờ ngưng học hỏi và trau giồi bản thân. Trước khi dạy ai, bạn phải học cái đã. Bạn càng học thì càng làm tốt công việc của mình hơn. 

11. Chỉ "mua chuộc" những ai chịu "mua chuộc" 

Là người lãnh đạo, bạn phải sẵn sàng thương thảo và biết cách khích lệ người khác làm điều mà bạn cần họ làm. Cẩn trọng trong vấn đề chọn người, chỉ tuyển dụng những ai sẵn lòng cộng tác với bạn. Tin người nhưng cũng biết cách kiểm tra, xác minh. 

12. Tổ chức quanh một mục tiêu 

Đây là một trong những ý tưởng lý thú nhất và là chủ đề xuyên suốt trong sách. Hầu hết các tổ chức đều khởi đầu tốt đẹp, nhưng với thời gian, người ta đâm ra mất tập trung vào cái lý do đích thực làm căn nguyên sự tồn tại cho tổ chức. Họ thường không biết tập trung vào một mục đích có giá trị. Giuliani dẫn một ví dụ: Sở Giáo Dục New York, chịu sự chi phối của Hiệp Hội Nhà Giáo, đã có thời đánh mất mục tiêu mà vì đó nó tồn tại – là giáo dục trẻ em – mà xoay quanh những chuyện như phân phối ngân quỹ, mở trường ở đâu, theo quan điểm của Hiệp Hội. 

Gấp sách lại, người đọc có thể cảm thấy đây là một quyển sách rất thực tiễn, không hề đưa ra một lý thuyết hoặc mô hình nào. Đó là vì quyển Thuật Lãnh Đạo của vị cựu Thị Trưởng New York đã dựa trên những thực tế xảy ra trong cuộc sống, được thử nghiệm qua mọi hoàn cảnh. Sách cho thấy người ta không thể một sớm một chiều trờ thành nhà lãnh đạo, mà cần được trui rèn qua nhiều năm hoạt động, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, bao gồm những kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại. 

Đinh Quang Bàn

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks