ngày tháng năm

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

ĐỨC CHÚA LÀ SỰ BÌNH AN


Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Ngày Hòa Bình Thế giới

Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21
Ta bắt đầu Năm Mới với lời cầu nguyện tuyệt diệu trong Sách Dân số. “’Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” Quan trọng không kém lời cầu nguyện xin chúc phúc này là lời hứa của Thiên Chúa: “… và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.”

Có thể nghĩ rằng vào lúc bắt đầu một năm liệu có thể có lĩnh nhận hồng ân nào lớn lao hơn là việc được nhắc lại về lời hứa Chúa sẽ ban sự hiện diện hồng phúc cùng với hòa bình của Người không? Trong việc cử hành Ngày Hòa bình Thế giới này, ta được mời gọi cùng tham gia với tất cả mọi người có cùng niềm hy vọng; ta được mời gọi thông phần vào tất cả những gì Chúa đã hứa và đã ban cho dân Người, qua các thời đại.

Thánh Phaolô bảo ta rằng, nhờ Đức Giêsu, “sinh làm con một người đàn bà”, ta đã được đặt làm thừa kế những lời hứa đó. Ông cũng bảo ta rằng trong việc thông phần đó, ta có trách nhiệm sống cuộc sống đức tin và đức mến.

Đức Giêsu đã đến thế gian dưới thời Hoàng đế Rôma đang cai trị thế giới bằng sức mạnh quân sự; Người được sinh ra cho một dân tộc đã bị chinh phục và đang bị những kẻ thống trị áp bức. Tuy nhiên, vào thời Hoàng đế Augúttô, đế quốc được hưởng một nền hòa bình, ít nhất là ở bề mặt bên ngoài.

Đây chẳng phải là nền hòa bình mà các thiên thần loan báo. Việc Đức Giêsu Kitô sinh ra đã mang lại một nền hòa bình mới, vĩnh cửu và chân chính cho tất cả những ai tìm kiếm – “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14), và trong sách Thủ lãnh, ta đọc rằng “Đức Chúa là sự bình an” (Tl 6,24).

Trong mạc khải Thánh Kinh, hoà bình không đơn thuần chỉ là sự vắng bóng chiến tranh mà còn bao hàm ý nghĩa lớn lao hơn nhiều: hòa bình nói lên cuộc sống sung mãn (x. Mch 2,5). Hòa bình không phải là công trình của con người mà là một trong những ân huệ cao nhất Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người, điều này đòi hỏi sự tùng phục kế hoạch của Thiên Chúa. Hoà bình là kết quả của phúc lành Chúa ban cho dân Người: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6,26). Hoà bình này mang lại sự sung túc (x. Is 48,19), an vui (x. Is 48,18), thịnh vượng (x. Is 54,13), hết lo sợ (x. Lv 26,6) và niềm vui sâu xa (x. Tv 12,20) (Tóm lược Học thuyết Xã hội Giáo Hội Công giáo, 489).

Hoà bình là mục đích của cuộc sống chung trong xã hội, như Isaia đã trình bày một cách tuyệt hảo trong thị kiến về nền hoà bình của Đấng Mêsia: khi mọi dân tộc tiến lên đền Chúa, Người sẽ chỉ dạy họ lối của Người và họ sẽ đi theo con đường hòa bình (x. Is 2,2-5). Một thế giới mới của hoà bình bao trùm lên vạn vật là lời hứa về thời đại Đấng Mêsia (x. Is 11,6-9); và chính Đấng Mêsia được gọi là “Thái Tử hoà bình” (Is 9,5). Nơi nào có hoà bình của Người ngự trị, nơi nào có sự hiện hiện của nền hoà bình ấy dù chỉ một phần, thì không ai còn có thể làm cho dân Chúa phải lo sợ nữa (x. Zc 3,13). Như thế hoà bình sẽ bền vững: khi nhà vua cai trị theo công lý của Thiên Chúa thì sự công chính sẽ nở hoa và hoà bình sẽ lan tràn “cho tới khi mặt trăng không còn nữa” (Tv 72,7). Thiên Chúa mong muốn đem hoà bình đến cho dân Người: “Điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu và những ai hướng lòng trí về Người” (Tv 85,9). Khi lắng nghe những gì Thiên Chúa muốn nói với dân Người về hoà bình, Tác giả Thánh Vịnh nghe những lời này: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý sẽ giao duyên” (Tv 85,11) (Sđd, 490).

Ngày 1 tháng 1 năm 1968, Đức Giáo hoàng Phaolô VI ban hành Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ nhất, chia sẻ ước nguyện của ngài rằng “Mỗi năm, việc cử hành này sẽ lập lại, như một hy vọng và một lời hứa, vào lúc khai mở quyển lịch ghi lại và vạch ra con đường cuộc sống con người trong thời gian. Chúng tôi hy vọng trông thấy hòa bình, cùng với sự thăng bằng công chính và có lợi cho tất cả mọi người của nền hòa bình ấy, sẽ ngự trị các tiến trình lịch sử sẽ diễn ra” (Đức Phaolô VI, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới Năm 1968, 1). Người viết tiếp: “Chúng tôi nghĩ rằng đề xuất này diễn giải các nguyện vọng của các dân tộc, của các chính phủ, của các tổ chức quốc tế đang nỗ lực duy trì hòa bình trên thế giới”.

Đã bốn mươi mấy năm qua đi kể từ ngày Hòa bình Thế giới lần thứ nhất đến nay, niềm hy vọng rằng hòa bình sẽ ngự trị trong cuộc sống của tất cả mọi người vẫn còn tiếp tục được duy trì trong Giáo Hội. Khi nghe lời chúc phúc của Thiên Chúa ban cho ta khi ta bắt đầu năm mới, ta hãy nguyện xin cho niềm hy vọng hòa bình sẽ trở thành hiện thực cho tất cả mọi người.

Đức ông James M. Reinert
Đan Quang Tâm
dịch

Ghi chú:

* Nguồn: Website của Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình: http://www.justpax.it/eng/home_eng.html

* Tiêu đề do người dịch đặt

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks