ngày tháng năm

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

HÃY ĐẾN CHIÊM BÁI VỊ VUA MỚI SINH

LỄ CHÚA HIỂN LINH

Is 60,1-5; Tv 71; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

Đã có nhiều lời hứa trong Cựu Ước khi Thiên Chúa Cha nói trực tiếp với dân của Người hoặc khi Người ngỏ lời qua các ngôn sứ, điều Người thường hay làm hơn. Trong thời gian dân của Người lưu đày, Thiên Chúa Cha gửi một thông điệp hy vọng đến họ: họ sẽ hồi hương, một lần nữa họ sẽ thờ phượng trong Đền thờ tại Giêrusalem và trong thành thánh, thành phố của Đavít một lần nữa sẽ được nhìn nhận là nơi thánh, được Thiên Chúa chân thật, duy nhất chúc phúc.

Trong lễ mừng ngày hôm nay, ý tưởng huy hoàng hoành tráng và vinh quang là chủ đạo. Trong bài đọc thứ nhất, trích từ sách Ngôn sứ Isaia và Thánh vịnh Đáp ca, ta nghe nói vẻ huy hoàng sẽ được ban cho Giêrusalem bởi vì đó là nơi cư ngụ của vị Vua. Tuy nhiên, không phải bất kỳ vị vua nào mà ngôn sứ và tác giả thánh vịnh nói đến. Cả hai bài đọc và bài thánh vịnh đều nói về Vua Cứu chuộc – đấng sẽ ngổi trên ngai của Đavít xét xử, triều đại của ngài sẽ hiển trị muôn đời.

Thêm vào đó, vị Vua sẽ đến sẽ không quay lưng với những người yếu thế. Trái lại, người sẽ cứu những người nghèo khó và những người bị áp bức thua thiệt, thương xót người nghèo và cứu độ họ. Đây là vị Vua chân chính và đây là vị Vua chúng ta mừng kính ngày hôm nay khi người tự mặc khải cho thế giới.

Thánh Phaolô hiểu về vị Vua còn sâu xa hơn và bảo ta, trong Thư gửi tín hửu Êphêxô rằng không những chỉ có những người nghèo và những kẻ bị áp bức thua thiệt sẽ nhìn thấy lòng từ nhân và ơn cứu độ của Chúa Giêsu nhưng mà hiện nay dân ngoại cũng được chia sẻ hồng ân này. Bây giờ, nhờ Đức Giêsu, những ai xưa kia có thời chẳng tin kính Thiên Chúa thì cũng được ban tặng tất cả phúc lành và lời hứa đã từng được ban cho dân Israel, qua các thời đại. Nhờ Đức Giêsu, không gì có thể chia tách những ai tin ra khỏi ơn cứu độ của họ.

Trong Lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, chúng ta được mời gọi chứng kiến giây phút mặc khải của Đức Giêsu – mặc khải kế hoạch cứu độ của Cha trên Trời – cho thế gian.

“Trong Ngài, Thiên Chúa đã hoà giải con người với mình” (Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 10). Chính Đức Kitô – hình ảnh của Thiên Chúa (x. 2 Cr 4,4; Cl 1,15) – đã làm cho hình ảnh và nét tương đồng với Thiên Chúa nơi con người được sáng lên đầy đủ và được thể hiện trọn vẹn. Ngôi Lời, đã trở thành người nơi Đức Giêsu Kitô, mãi mãi vẫn là sự sống và ánh sáng của nhân loại, ánh sáng soi chiếu từng người một (x. Ga 1,4.9). Thiên Chúa muốn mọi người đều được cứu độ trong một Đấng trung gian duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài (x. 1 Tm 2,4-5). Đức Giêsu vừa là Con Thiên Chúa vừa là Ađam mới, tức là con người mới (x. 1 Cr 15,47-49; Rm 5,14). “Chính trong khi mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Ngài, Đức Kitô Ađam mới đã mạc khải trọn vẹn con người cho chính họ và cho con người thấy ơn gọi cao cả nhất của họ” (Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22). Trong Người, nhờ Thiên Chúa, chúng ta “được tiền định để trở nên giống hình ảnh Con Thiên Chúa, ngõ hầu Người trở thành trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29) (Tóm lược Học thuyết Xã hội Giáo Hội Công giáo, 121).

Thánh Mátthêu là người duy nhất trong bốn Thánh Sử Phúc âm kể cho ta nghe câu truyện về “các nhà chiêm tinh đến từ phương Đông”. Người ta có thể nói rằng Mátthêu đưa câu truyện này vào vì ông muốn ứng nghiệm ba điều: thứ nhất, là để ông có thể nối kết Đức Giêsu vào những lời ngôn sứ và lời hứa của Cựu Ước, như ta đã nghe trong bài đọc một từ Sách Isaia: “Tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA”; và từ Thánh vịnh Đáp ca: “Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự”.

Điều thứ hai Thánh Mátthêu muốn ứng nghiệm trong Phúc âm của mình là chứng tỏ rằng ngay cả việc Đức Giêsu đến cũng là chủ đề của lề luật và các ngôn sứ trong Cựu Ước, Người đến để làm mới mọi sự; Người không đến để bãi bỏ nhưng để hoàn tất tất cả những gì đã viết.

Sau cùng, Thánh Mátthêu muốn chứng tỏ rằng đức tin vào Thiên Chúa và Đức Giêsu Con của Người nay mở rộng cho tất cả mọi người – không phải chỉ để dành riêng cho dân được chọn của Cựu Ước. Lời mời gọi hãy thông phần vào Nước Thiên Chúa được ban cho bất kỳ ai tìm kiếm – nay chúng ta hết thảy đều là dân được chọn của Thiên Chúa.

Chính lời mời gọi này mà hôm nay ta mừng kính đã được mặc khải qua Đức Giêsu: “Mạc khải Kitô giáo đã chiếu ánh sáng mới mẻ cho chúng ta hiểu bản sắc, ơn gọi và định mệnh cuối cùng của con người và của nhân loại. Mỗi người đều do Thiên Chúa tạo dựng, đều được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và sẽ tự thành toàn bản thân bằng cách thiết lập mạng lưới những quan hệ yêu thương, công bằng và liên đới với những người khác, khi tiến hành các việc làm khác nhau trong thế giới. Bất cứ hoạt động nào của con người mà giúp phát huy được phẩm giá và ơn gọi đầy đủ của con người, đẩy mạnh các điều kiện sống cho có chất lượng và giúp các dân tộc, các quốc gia liên đới với nhau, đều là những hoạt động phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng không ngừng bày tỏ tình yêu và sự quan phòng chăm sóc các con cái của mình” (Sđd, 35).

Điều thú vị cần ghi nhận là các nhà chiêm tinh/các vua/các đạo sĩ đã không chỉ mang đến các lễ vật mà còn đến để chiêm bái vị vua mới sinh ra. Đây là một điểm rất có ý nghĩa vì chính các người nước ngoài này mới kính bái. Các mục đồng nghe sứ điệp của thiên thần đã không đến chiêm bái, Vua Hêrôđê hoặc triều thần tại Giêrusalem cũng không. Nay đến lượt ta có cơ hội đến kính bái. Ta không chỉ được mời gọi “đi xem”. Đúng ra, ta được mời gọi hãy đến thờ lạy và ngợi khen. Ta được mời gọi chiêm bái và ý thức rằng ơn cứu độ của ta đã được vị Vua mới sinh của ta đoạt lấy cho ta rồi.

Đức ông James M. Reinert

———————————————-
Đan Quang Tâm dịch

Ghi chú:

* Nguồn: Website Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình:
http://www.justpax.it/eng/home_eng.html

* Tiêu đề do người dịch đặt

Nguồn: http://conglyvahoabinh.org/hay-den-chiem-bai-vi-vua-moi-sinh/2012/01/#sthash.v8YICIYb.dpuf

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks