ngày tháng năm

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

GIA ĐÌNH LÀ HẠT GIỐNG SỐNG ĐỘNG CỦA XÃ HỘI

Tín Thành

Gia đình là thành phần quan trọng, là nhân tố chính xây nên xã hội. Cho nên xã hội và gia đình có mối quan hệ mật thiết. Và sự tác động qua lại cũng như sự ảnh hưởng lẫn nhau cũng rất mạnh mẽ. Cụ thể về mối tương quan này như thế nào, chúng ta hãy dành ít phút để nhìn một cách chi tiết hơn.

Trật tự xã hội dựa trên trên trật tự gia đình

Ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa tạo dựng con người đã có tính xã hội. Ngài nói: “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2,18). Phẩm tính này đã làm nên xã hội thu nhỏ là gia đình, rồi mới tiến tới xã hội cộng đồng rộng lớn.

Cho nên, có thể nói nếu không có nhân tố gia đình, thì cũng không có cái gọi là xã hội. Vậy, nếu phá vỡ trật tự gia đình, thì khi đó người ta sống như bầy đàn.

Hiện ở Sài Gòn, đó đây đã xuất hiện kiểu sống trao đổi vợ chồng. Người ta thành lập hẳn một hội mang tên “Hội đổi vợ”, với tên tiếng Anh ‘Swing’. Những nhóm này đang thậm thụt hoạt động quanh vùng Sài Gòn. Họ gồm những thành viên đã có gia đình đàng hoàng, nhưng sẵn sàng hội họp giao lưu bằng hình thức bắt thăm đổi vợ, quan hệ bầy đàn với nhau.

Đây là một trong những tệ nạn phá vỡ trật tự gia đình một cách ghê gớm. Nó đi ngược với đặc tính một vợ một chồng, đồng thời phản bội lại tính đòi buộc chung thủy của hôn nhân, và nhất là xúc phạm nghiêm trọng đến Giới răn thứ 6 và thứ 9 của Thiên Chúa.

Một trật tự khác của gia đình, đó là ngay từ đầu Thiên Chúa đã tác hợp MỘT NAM & MỘT NỮ đặt làm yếu tố nền tảng của gia đình. Nếu đi ngược lại với trật tự này, ví như MỘT NAM & MỘT NAM hay MỘT NỮ & MỘT NỮ, thì nếu có chăng cái gọi là gia đình cũng là những gia đình phiếm diện và què quặt. Một xã hội được xây nên bởi những gia đình như thế tất yếu sẽ suy tàn và tiến tới diệt vong.

Ngày nay, những người có khuynh hướng đồng tính, cũng đang muốn xây dựng gia đình bằng những cuộc hôn nhân đồng tính. Họ cũng đang tranh đấu để được cộng đồng xã hội và pháp luật ủng hộ. Tuy nhiên, nếu gia đình được xây dựng bằng những cuộc hôn nhân như thế, là trái với nền tảng ban đầu của gia đình và phá vỡ mục đích của hôn nhân: hạnh phúc nảy sinh hoa trái, là việc truyền sinh giống nòi. Thử hình dung, nếu trong xã hội có nhiều cặp hôn nhân và gia đình đồng tính, thì các thế hệ kế tiếp sẽ từ đâu mà ra? Nếu bảo xin con nuôi, thì ai sinh ra để mà xin? Một xã hội như thế, làm gì có nhiều con trẻ. Kết cục xã hội đó sẽ đi về đâu? Nếu bảo xin tinh trùng, hoặc trứng đem thụ tinh trong ống nghiệm, rồi sinh hoặc nhờ sinh thì những đứa trẻ ấy, khi lớn lên sẽ cảm nhận thế nào về huyết thống của mình, nguồn cội của mình, họ hàng của mình? Hay con người dần dần sẽ không cần đến huyết thống, nguồn cội?

Gia đình và xã hội luôn tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau

Sự tốt xấu của gia đình, cũng là sự tốt xấu của xã hội. Đồng thời, sự tốt xấu ngoài xã hội có tác động rất mạnh mẽ đến gia đình. Gia đình vừa là nhân tố làm nên xã hội vừa chịu sự tương tác, nhào nặn và định hướng của xã hội.

Một xã hội có nhiều gia đình tốt và ít gia đình xấu, thì xã hội đó sẽ tốt và số ít gia đình xấu kia sẽ nhận được ảnh hưởng tốt rồi dần dần trở nên tốt hơn. Ngược lại, nếu một xã hội có nhiều gia đình xấu và ít gia đình tốt, thì xã hội đó sẽ xấu và số ít gia đình tốt kia cũng bị tác động xấu rồi dần dần trở nên xấu hơn.

Nếu ví gia đình như hạt giống và xã hội là mảnh đất, thì hạt giống dẫu có thể tốt xấu không đều, nhưng khi được gieo vào mảnh đất tốt, hạt giống vẫn có nhiều cơ hội để phát triển tốt hơn; còn nếu gieo vào mảnh đất xấu, thì kể cả hạt giống tốt, cũng khó trở thành cây tươi tốt.

Như vậy, yếu tố mảnh đất cần thiết với hạt giống thế nào, thì xã hội có vai trò đặc biệt với gia đình như thế. Một ví dụ cụ thể gần gũi nhất, là xã hội Việt Nam ta. Theo đánh giá chung, xã hội Việt Nam đang thụt lùi rất nhiều so với các nước trong khu vực về nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, đạo đức… Đi đâu, người Việt cũng bị mang tiếng là gian dối, hay ăn cắp vặt. Đến như một biên tập viên Đài truyền hình tầm cỡ quốc gia của Việt Nam là VTV, đã bị bắt tại trận vì ăn cắp hàng mỹ phẩm trong siêu thị ở thành phố Kalmar, Thụy Điển. Nhiều người đi Thái Lan hay Nhật Bản, sửng sốt thấy những tấm bảng viết bằng tiếng Việt, tại các nhà hàng và siêu thị với nội dung cảnh báo như: “Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 baht (bạt) đến 500 baht. Hay: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt thì chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức. Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động. Tăng cường điều tra” (1 trong những bảng cảnh báo tại siêu thị Nhật Bản). Điều đáng nói là những bảng này được viết bằng tiếng Việt, chứ không phải tiếng Anh.

Nhìn lại thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, có lẽ người ta không nghi oan và nói oan cho chúng ta. Ai mà chẳng ngao ngán với những vấn nạn gian dối tràn lan trong mọi lãnh vực. Vấn đề đạo đức cũng xuống cấp đến đáng báo động ở tất cả mọi cấp bậc và ngành nghề. Thực tế xã hội như thế, các gia đình cũng ảnh hưởng xấu nghiêm trọng. Nhiều gia đình, vợ chồng lừa dối nhau, con cái lừa dối cha mẹ, bạo hành giữa vợ chồng và thậm chí giữa cha mẹ với con cái, rồi dẫn đến ngoại tình, ly thân, ly dị rất nhiều.

Bởi đâu xã hội ta đến nông nỗi như hiện tại. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng không thể phủ nhận được nguyên nhân chính là định hướng và cơ chế của xã hội ta hiện nay chưa phù hợp. Đồng thời, lực lượng quản lý và điều hành xã hội cũng rất yếu kém.

Giải pháp nào cho gia đình tốt và xã hội tốt?

Đương nhiên với nhiều quan điểm khác nhau, thì cũng có rất nhiều giải pháp. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này, từ việc nhìn nhận nguyên nhân như ở trên, xin đưa một giải pháp cho việc cải thiện hiện trạng gia đình và xã hội Việt Nam. Trước hết, muốn có xã hội tốt, thì phải chọn được định hướng và cơ chế xã hội tốt. Ngay khi có định hướng và cơ chế tốt, thì vẫn chưa có xã hội tốt. Nhưng nhờ định hướng và cơ chế tốt, mỗi người cũng như mỗi gia đình sẽ có cơ hội và điều kiện để sống vươn lên tốt hơn. Đến thời điểm mỗi người và mỗi gia đình đã nên tốt, khi đó xã hội đương nhiên tốt.

Nguồn:  Tập san Giáo huấn Xã hội số 15

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks