ngày tháng năm

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

LỄ THÁNH GIA THẤT: ĐỊNH CHẾ GIA ĐÌNH DO THIÊN CHÚA THIẾT LẬP LÀ NỀN TẢNG VÀ NGUYÊN MẪU CHO XÃ HỘI

Đức ông James M. Reinert

Trong bài Phúc Âm Luca hôm nay ta có trình thuật Thánh Giuse và Mẹ Maria tìm được Chúa Giêsu trong Đền Thờ, Mầu nhiệm Vui thứ năm trong Kinh Mân Côi.

Mừng lễ Thánh Gia Thất hôm nay, ta nghe đọc một số các phẩm chất phải có trong gia đình. Giáo hội luôn luôn dựa vào Kinh Thánh, lấy đó làm nền tảng để hiểu thế giới. Đặc biệt, Thánh Luca kể cho ta về gương mẫu đời sống gia đình của Thanh gia: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,50-52).


“Được ánh sáng sứ điệp Thánh Kinh soi chiếu, Giáo Hội xem gia đình là xã hội tự nhiên đầu tiên, vốn có những quyền riêng từ nguyên thủy, và đặt gia đình làm trung tâm đời sống xã hội. Đẩy gia đình vào “một vai trò phụ thuộc hay thứ yếu, loại gia đình khỏi vị trí đúng đắn của nó trong xã hội sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sự phát triển đích thực của toàn thể xã hội” (Đức Gioan Phaolô II, Thư cho các Gia đình, 17). Thật vậy, gia đình được khai sinh từ sự hiệp thông thân mật trong cuộc sống và trong tình yêu đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 48). Gia đình có chiều kích xã hội riêng biệt và độc đáo ở chỗ gia đình là nơi đầu tiên diễn ra các mối quan hệ liên nhân vị, tế bào đầu tiên và sống động của xã hội (Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, 11). Gia đình là một chế định do Thiên Chúa lập ra, làm nền tảng cho cuộc sống con người, là nguyên mẫu của mọi trật tự xã hội” (Tóm lược Học thuyết Xã hội Giáo hội Công giáo, 211).

“Gia đình có tầm quan trọng vào hàng trung tâm đối với con người. Nơi chiếc nôi sự sống và tình yêu này, con người được sinh ra và lớn lên; khi một đứa trẻ được sinh ra, xã hội tiếp nhận được món quà một con người mới, con người này được mời gọi “từ trong nơi sâu thẳm nhất của chính mình để hiệp thông với tha nhân và trao ban bản thân mình cho tha nhân” (Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Kitô hữu Giáo dân, 40). Bởi đó, trong gia đình, việc hiến thân cho nhau giữa người nam và người nữ, được kết hiệp trong hôn nhân, tạo nên một môi trường sống trong đó con cái “phát triển các khả năng của mình, ý thức về phẩm giá của mình và chuẩn bị đối mặt với định mệnh độc đáo và bất khả thay thế của mình” (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Bách Niên, 39).  

Trong bầu khí thân mật tự nhiên nối kết các thành viên của một cộng đồng gia đình, các người  trong đó được nhìn nhận và học biết trách nhiệm của mình. “Cấu trúc đầu tiên và căn bản của một nền ‘sinh thái con người’ là gia đình, trong đó con người tiếp nhận những ý tưởng đầu tiên  mang tính quyết định về chân lý và sự thiện, và học biết thế nào là yêu mến và được yêu, và do đó học biết ý nghĩa cụ thể của việc là một con người” (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Bách Niên, 39). Thật vậy, các nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình không bị giới hạn bởi những điều khoản hợp đồng, mà xuất phát từ chính yếu tính  của gia đình, xác lập trên giao ước hôn nhân không thể hủy bỏ và được củng cố bằng những mối quan hệ nảy sinh trong gia đình sau khi sinh con hay nhận con nuôi” (212, sđd)

Gương mẫu của Thánh Gia là gương mẫu cho tất cả các gia đình. Đó là sự chia sẻ tình yêu và việc các thành viên đáp trả lại tình yêu có giá trị nối kết gia đình với tình yêu của Thiên Chúa của chúng ta, tác giả của sự sống và là đấng sáng lập gia đình.

Đan Quang Tâm dịch và biên soạn lại

Nguồn: Website của Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks