ngày tháng năm

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

NHÂN ĐỨC LIÊN ĐỚI

Bài viết của một học sinh lớp 8 người Canada

Đinh Quang Bàn dịch

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô… Vì thế, họ cảm thấy mình liên đới sâu xa với loài người và lịch sử nhân loại” (Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, 1)

“Hết thảy chúng ta đều đồng hội đồng thuyền”. “Mình vì mọi người, mọi người vì mình.” Các thành ngữ này đều nói lên ý nghĩa của liên đới, áp dụng vào gia đình, lớp học, đội nhóm, thành phố, tỉnh và quốc gia. Chúng cũng áp dụng vào thế giới – là gia đình nhân loại. Điều xảy ra đối với một người trong chúng ta thì cũng xảy ra đối với tất cả mọi người.


Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II mô tả nhân đức liên đới là một sự dấn thân hoàn toàn và liên tục vì công ích – là thiện ích của tất cả mọi người và mỗi một người. Liên đới là một đức tính xã hội, một đức tính liên quan đến phẩm giá và các quyền của toàn thể gia đình nhân loại.

Làm thế nào thể hiện nhân đức này? Trong gia đình của mình, ta chia sẻ mọi sự, lắng nghe nhau và nhận ra trách nhiệm của ta đối với nhau. Ta sống trong tương quan với nhau nên cảm thấy điều xảy ra cho người khác như cũng xảy ra đối với ta. Ta gắn kết với nhau trong tình yêu và tình liên đới.

Một cách lý tưởng, cả gia đình nhân loại phản ảnh tình yêu và tình liên đới của gia đình nhỏ. Chúng ta, những người của thế giới, muốn điều tốt cho tất cả và từng người một. Ở trong gia đình ta sống như thế nào thì ta cũng thể hiện tinh thần sống vì công ích ra bên ngoài như thế ấy bằng cách:
  • Chia sẻ mọi sự với nhau – Những ai may mắn hơn có nghĩa vụ chia sẻ với những người bất hạnh.
  • Lắng nghe nhau – Khi ta nhận rằng ta không có tất cả các câu trả lời và ta lắng nghe các tiếng nói của những người có lối sống khác với chúng ta, ấy là ta đang thực hành tình liên đới. Ta có nhiều điều cần học hỏi lẫn nhau.
  • Có trách nhiệm đối với nhau – Nhân đức liên đới yêu cầu ta chấp nhận trách nhiệm của mình với tư cách là các thành viên của gia đình nhân loại. Khi người ta chịu đựng những luật lệ bất công, chính phủ tham nhũng, hoặc bị thiếu thốn, không tiếp cận được những nguồn lực mà họ cần, ta phải tìm cách tạo ra sự thay đổi.
Đức Giêsu không chỉ nhắc ta yêu mến người gần bên. Người bảo ta rằng ta phải yêu mến những người gần bên ta. Khi được hỏi “Ai là người lân cận của tôi?”, Đức Giêsu kể câu truyện người Samari nhân hậu, đã giúp một người lạ bị đánh trọng thương nằm giữa đường. Tuy nhiên, cuối cùng người bị thương không phải là người xa lạ – người Samari nhân hậu hiểu rằng người ấy là người lân cận của mình.

Nhân đức liên đới giúp ta thấy rằng không có ai là người xa lạ. Chỉ có những người là anh chị em của nhau trong gia đình của Thiên Chúa, là những người cùng chia sẻ với ta thế giới này.

Nguồn: http://acbo.on.ca/englishdocs/Grade%208%20Theme%20Five.pdf

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks