ngày tháng năm

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

NGUYÊN TẮC NHÂN PHẨM

Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền.
Đan Quang Tâm

Phẩm giá con người hay nhân phẩm là nguyên tắc hàng đầu, nguyên tắc quan trọng nhất của Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG). Về mặt thực hành, hãy tự hỏi: Ta có thực sự nhìn thấy nơi bản thân mình và những người khác phẩm giá siêu việt là quà tặng của Thiên Chúa không? Điều này, khi đã xác tín, sẽ đổi mới, thay đổi các quan hệ của ta về gia đình, giáo xứ, nơi làm việc và cộng đồng, môi trường trong đó ta đang sống.


GHXHCG tin rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa (Stk 1,26-27). Bởi thế, con người có một giá trị nội tại, giá trị độc đáo. Con người có một phẩm giá siêu việt. Thiên Chúa hiện diện trong mọi người, không phân biệt chủng tộc, phái tính, nguồn gốc, văn hóa, tôn giáo, địa vị xã hội hoặc hình dạng bên ngoài.

GHXHCG khẳng định rằng tất cả mọi người phải nhìn thấy nơi mỗi người hình ảnh phản chiếu của Thiên Chúa và một tấm gương soi qua đó ta nhìn thấy bản thân mình. GHXHCG dạy ta phải tôn trọng phẩm giá đó như một tặng phẩm của Thiên Chúa.

Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, cơ bản nhất, làm nền tảng cho các nguyên tắc khác của GHXHCG.
Đối với tôi, điều hạnh phúc nhất là có thể giúp cho người ta chết một cái chết xứng đáng với phẩm giá con người (Mẹ Têrêxa)
Phẩm giá cao quý đó của con người luôn được đề cập đến trong các văn kiện Giáo hội.

Hiến chế Gaudium et Spec (Vui mừng và Hy vọng) trình bày về phẩm giá con người trong hai đoạn tiêu biểu sau đây:

“[…] con người càng ngày càng ý thức hơn về phẩm giá cao trọng vốn có của mình, bởi vì con người vượt trên mọi loài và vì những quyền lợi cũng như bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm. Vậy cần phải cho con người được tất cả những gì thiết yếu mà con người phải có để thực sự sống đời sống con người, như của ăn, áo quần, chỗ ở, quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, quyền làm việc, quyền bảo tồn danh thơm tiếng tốt, quyền được kính trọng, quyền thông tin xứng hợp, quyền hành động theo tiêu chuẩn chính thực của lương tâm mình, quyền bảo vệ đời sống tư và quyền tự do chính đáng cả trong phạm vi tôn giáo nữa” (26).

“Để đi tới những kết luận thực hành và cần thiết hơn, Công Đồng nhấn mạnh về sự tôn trọng con người. Vậy mỗi người đều phải coi người đồng loại không trừ một ai như “cái tôi thứ hai”, cho nên trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ và quan tâm đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống một đời sống xứng đáng, chứ đừng bắt chước người giàu có kia đã không săn sóc gì tới người nghèo Lazarô” (27).

Trong Thông điệp Caritas in Veritate (Tình yêu trong Chân lý) , Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhắc ta rằng:

“Chỉ qua việc gặp gỡ Thiên Chúa, ta mới có thể nhìn thấy nơi tha nhân một cái gì đó không phải chỉ là một tạo vật khác, ta mới nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi người khác, nhờ đó ta thực sự khám phá ra tha nhân và trưởng thành trong một tình yêu “trở nên sự quan tâm đến và chăm sóc tha nhân” (11).

Phẩm giá và quyền của con người cũng còn được tổ chức Liên Hiệp Quốc đề cao qua Bản Tuyên ngôn Toàn Thế giới về Nhân quyền.

Văn kiện pháp lý cực kỳ quan trọng này tuyên bố:

Ðiều 1: Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái.

Ðiều 2: Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản Tuyên Ngôn này và không có một sự phân biệt nào, như chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác. Hơn nữa, cũng không được có sự phân biệt nào đối với con người sống trên một quốc gia hay trên một lãnh thổ, căn cứ trên cơ chế chính trị, nền tảng luật pháp hay quy chế quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ đó. Cho dù quốc gia hay lãnh thổ này độc lập hay dưới sự bảo hộ, không được tự trị hay ở trong tình trạng bị hạn chế về chủ quyền.

Ðiều 3: Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”

Trong Thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình trên trái đất) năm 1963, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII khẳng định:

“Mục đích chính yếu của Liên Hiệp Quốc là bảo tồn và củng cố nền hòa bình giữa các dân tộc, là cổ võ và khuếch trương giữa họ với nhau, những mối giao hảo xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng tôn trọng lẫn nhau và cộng tác một cách sâu rộng trong mọi ngành hoạt động của con người (142).

Một trong những công việc trọng đại nhất đã thực hiện được do Liên Hiệp Quốc là bản Tuyên Ngôn thế giới Nhân quyền, được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận ngày 10-12-1948. Trong lời tựa, bản Tuyên ngôn đã nói lên mục tiêu chung là phải cổ động cho hết mọi dân tộc, hết mọi quốc gia phải thừa nhận và tôn trọng thực sự, tất cả những quyền lợi và tự do kể trong bản Tuyên ngôn (143).

Chúng tôi coi bản Tuyên ngôn đó như một bước tiến đến sự thành lập một tổ chức pháp lý chính trị trong cộng đồng thế giới. Bản Tuyên ngôn đó trịnh trọng công nhận mọi người không trừ ai, đều có nhân phẩm; bản đó tuyên bố rằng: một cá nhân có quyền tự do đi tìm chân lý, tuân giữ những nguyên tắc luân lý, thi hành những nghĩa vụ của đức công bình, và sống cuộc sống xứng với phẩm giá con người” (144).

Đến đây, ta hãy tự hỏi: Ta có thực sự nhìn thấy nơi bản thân mình và những người khác phẩm giá siêu việt là quà tặng của Thiên Chúa không? Điều này, khi đã xác tín, sẽ đổi mới, thay đổi các quan hệ của ta về gia đình, giáo xứ, nơi làm việc và cộng đồng, môi trường trong đó ta đang sống.



Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks