ngày tháng năm

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

BỐN NGUYÊN TẮC CHÍNH CỦA GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO

Đan Quang Tâm

GHXHCG tóm lược các giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề công bằng giữa các tập thể trong xã hội. Giáo huấn tìm cách đem ánh sáng Phúc âm soi chiếu trên những vấn đề công bằng xã hội nảy sinh trong hệ thống phức tạp các mối quan hệ trong đó chúng ta đang sống.

GHXHCG đưa ra một tầm nhìn về một xã hội công bằng đặt nền tảng vững chắc trên mạc khải của Kinh Thánh, lời dạy của những vị lãnh đạo trong Giáo hội tiên khởi, và dựa vào “túi khôn” thu thập được qua kinh nghiệm sống trong giòng lịch sử của cộng đồng Kitô hữu cố gắng tìm hiểu và đáp ứng các yêu cầu của vấn đề công bằng xã hội.


Như ta đã biết, các nguyên tắc để suy tư cùng với các tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động là ba thành tố của GHXHCG. Vậy có những nguyên tắc nào trong GHXHCG?

Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình trong quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo và Bộ Giáo dục Công giáo trong tài liệu Hướng dẫn Học hỏi Giáo huấn của Học thuyết Xã hội Công giáo trong việc Đào tạo các Linh mục đã đưa ra bốn nguyên tắc sau đây:
  • Nhân phẩm (phẩm giá con người);
  • Công ích;
  • Bổ trợ; và
  • Liên đới
Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là GHXHCG chỉ có bốn nguyên tắc này, mà chỉ có ý nói đây là những nguyên tắc quan trọng nhất, đôi khi còn được gọi là các nguyên tắc trường tồn hoặc có giá trị vĩnh cửu. Bốn nguyên tắc này tóm lược điều cốt lõi của GHXHCG. Chúng liên kết chặt chẽ với nhau và từ đó có thể rút ra một loạt các nguyên tắc và các chuẩn mực khác.

Quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo giới thiệu bốn “nguyên tắc trường tồn của Học thuyết Xã hội Công giáo” như sau:

Những nguyên tắc trường tồn của Học thuyết Xã hội Công giáo chính là trọng tâm của giáo huấn xã hội Công giáo. Đó là những nguyên tắc: phẩm giá con người, đã được đề cập trong chương trước, đây là nền tảng của tất cả các nguyên tắc khác đồng thời là nội dung của Học thuyết Xã hội Công giáo; công ích; bổ trợ; và liên đới. Những nguyên tắc này, diễn tả toàn bộ sự thật về con người theo sự nhận biết của lý trí và đức tin, được khai sinh từ “cuộc gặp gỡ giữa thông điệp Tin Mừng và những đòi hỏi của Tin Mừng được tóm tắt trong giới răn tối thượng về lòng mến Chúa và yêu người trong công lý, với những vấn đề phát sinh từ đời sống xã hội”. Trải qua dòng lịch sử và được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần, Giáo Hội đã khôn ngoan suy tư ngay từ trong khuôn khổ truyền thống đức tin của mình, để có thể cung cấp một nền tảng và một hình thù chính xác hơn cho những nguyên tắc ấy, lần lượt giải thích những nguyên tắc ấy để đáp ứng kịp thời những yêu cầu của thời đại và những sự phát triển liên tục của đời sống xã hội” (160).

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks