Tông thư Porta Fidei (Cổng Đức Tin) đã được công bố ngày 11-10-2011, ĐGH Bênêđictô tuyên bố mở Năm Đức Tin, chính thức khai mạc ngày 11-10-2012, nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, và sẽ kết thúc vào ngày 24-11-2013, lễ trọng kính Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ.
Năm nay là dịp thuận lợi cho các tín hữu hiểu sâu hơn rằng nền tảng đức tin là “gặp sự kiện và gặp con người để cuộc sống có một chân trời mới và đường hướng mới”. Đức tin được thiết lập để gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, đức tin đó có thể được tái phát hiện trong sự viên mãn và ánh sáng chói ngời. Trong thời đại chúng ta, đức tin cũng vẫn là tặng phẩm cần được tái phát hiện, tái vun đắp và tái làm chứng vì Chúa “ban cho mỗi chúng ta sự sống đẹp đẽ và vui mừng là trở thành Kitô hữu”.
Khai mạc Năm Đức Tin để kỷ niệm hai sự kiện lớn đánh dấu sự sống của Giáo hội trong thời đại chúng ta: 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II – được Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập ngày 11-10-1962, và 20 năm công bố sách Giáo lý Công giáo – được Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II trao cho Giáo hội ngày 11-10-1992.
Theo Chân phước GH Gioan XXIII, Công đồng Vatican II muốn “chuyển giao giáo lý nguyên tuyền và viên mãn, không hề suy yếu hoặc lệch lạc”, theo cách mà “giáo huấn chắc chắn và bất biến này phải được tôn trọng và tin tưởng, được trau chuốt và được giới thiệu phù hợp với nhu cầu của thời đại chúng ta”. Theo cách nhìn này, câu mở đầu trong Hiến chế Lumen Gentium vẫn quan yếu hàng đầu: “Đức Kitô là Ánh sáng muôn dân. Vì thế, công nghị này quy tụ theo ước muốn của Chúa Thánh Thần, bằng cách công bố Phúc Âm cho muôn dân (x. Mc 16:15) để đem Ánh sáng Đức Kitô tới mọi người, ánh sáng này có thể thấy trên khuôn mặt của Giáo hội”. Bắt đầu với Ánh sáng Đức Kitô, ánh sáng này thanh lọc, soi sáng và thánh hóa khi cử hành phụng vụ thánh (x. Hiến chế Sacrosanctum Concilium) và Lời Chúa (x. Hiến chế Dei Verbum), Công đồng muốn trau dồi bản chất kết hiệp của Giáo hội (x. Hiến chế Lumen Gentium) và mối quan hệ với thế giới tạm bợ này (x. Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes). Trong 4 Hiến chế này, các cột trụ vững vàng của Công đồng, được sắp xếp theo các Tuyên ngôn và Sắc lệnh để diễn tả một số thách đố lớn của ngày nay.
Sau Công đồng, theo hướng dẫn của huấn quyền và tiếp tục tông truyền, Giáo hội bắt đầu chắc chắn tiếp nhận và áp dụng giáo huấn của Công đồng ở mức cao nhất. Để giúp đón nhận Công đồng, các Đức giáo hoàng đã thường xuyên triệu tập Công nghị Giám mục, được Chân phước GH Phaolô VI thiết lập năm 1965, cung cấp cho Giáo hội sự hướng dẫn mạch lạc qua nhiều đợt hô hào sau công nghị.
Từ đầu triều đại giáo hoàng, ĐGH Bênêđictô XVI đã quyết định hành động để hiểu đúng về Công đồng, loại bỏ những sai lầm gọi là “lưỡng tính của sự gián đoạn và tuyệt giao” (hermeneutic of discontinuity and rupture), đồng thời thúc đẩy cái mà ngài gọi là “lưỡng tính của sự cải cách” (hermeneutic of reform), canh tân trong sự tiếp tục một chủ thể Giáo hội mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta. Giáo hội là chủ thể tiến triển theo thời gian, nhưng vẫn luôn như vậy, một chủ thể của hành trình Dân Chúa”.
Cũng vậy, sách Giáo lý Công giáo (GLCG) vừa là “hoa trái đích thực của Công đồng Vatican II” vừa là khí cụ giúp chúng ta đón nhận. Công nghị bất thường của các Giám mục năm 1985, được triệu tập dịp kỷ niệm 12 năm bế mạc Công đồng Vatican II và để đo mức đón nhận của Giáo hội, đề xuất chuẩn bị sách GLCG để cho Dân Chúa bản tóm lược về các giáo điều của Công giáo và để tham khảo cho sách giáo lý địa phương. ĐGH Gioan Phaolô II đã chấp nhận đề nghị này như ước muốn “hoàn toàn đáp lại nhu cầu thực tế của Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội riêng”. Được sự hợp soạn của tất cả các giám mục của Giáo hội Công giáo, cuốn GLCG này “thực sự diễn tả những gì có thể gọi là bản giao hưởng của đức tin”.
Sách GLCG gồm cả “cái cũ và cái mới” (x. Mt 13:52), vì đức tin luôn giống nhau nhưng theo chiều hướng của ánh sáng mới. Để đáp lại nhu cầu gấp đôi này, một mặt sách GLCG lặp lại những điều cũ, theo truyền thống sách GLCG của ĐGH Piô V, được chia thành 4 phần: Đức tin, Phụng vụ thánh (với các bí tích), Đời sống Kitô hữu (giải thích bắt đầu với Mười Điều Răn), và cuối cùng là Lời cầu Kitô giáo. Tuy nhiên, nội dung thường được diễn tả theo cách mới để đáp lại các vấn đề của thời đại. Sách GLCG này là “khí cụ hữu hiệu và hợp pháp để giao tiếp trong Giáo hội và là quy luật của giáo huấn đức tin”. Đức tin phát hiện “cách tổng hợp có hệ thống và có tổ chức trong sách GLCG”. Thật vậy, chúng ta thấy có sự phong phú của giáo huấn mà Giáo hội đã đón nhận, được bảo vệ và được đề nghị xuyên suốt hơn hai ngàn năm lịch sử. Từ Kinh thánh tới các Giáo phụ, từ các thần học gia tới các thánh của các thế kỷ qua, GLCG cung cấp hồ sơ vĩnh cửu bằng nhiều cách mà Giáo hội đã suy niệm bằng đức tin và tiến bộ về giáo lý để đưa ra sự chứng nhận cho các tín hữu trong đời sống đức tin.
Năm Đức Tin được mở ra để góp phần vào cuộc đối thoại mới với Chúa Giêsu và tái khám phá đức tin, và các thành viên của Giáo hội sẽ là những người đáng tin và vui mừng làm chứng về Chúa phục sinh trong thế giới ngày nay – có thể hướng dẫn nhiều người kiếm tìm Chúa vào được “cửa đức tin”. “Cửa” này mở rộng đón mọi người đến với Đức Giêsu Kitô, Ngài luôn hiện diện giữa chúng ta: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Ngài cho chúng ta biết “cách sống” qua “mối quan hệ mật thiết với Ngài”. Qua tình yêu của Ngài, Đức Giêsu Kitô thu hút mọi người của mọi thế hệ đến với Ngài. Qua mọi thời, Ngài vẫn mời gọi Giáo hội, giao cho Giáo hội trách nhiệm loan báo Tin Mừng bằng sự ủy quyền mới hơn bao giờ hết. Ngày nay cũng vậy, luôn có nhu cầu rất mạnh là hứa truyền bá Phúc Âm theo cách mới để tái khám phá niềm vui của niềm tin và nhiệt thành giao tiếp đức tin.
Khi mời ĐGH Bênêđictô XVI, Thánh bộ Giáo lý và Đức tin, tham khảo các vị uy tín của Tòa Thánh và Ủy ban Chuẩn bị Năm Đức Tin, đã quyết định điều này với những lời khuyên sống thời gian ân sủng này, không loại trừ các sáng kiến mà Chúa Thánh Thần sẽ linh hứng cho các mục tử và giáo dân ở mọi nơi trên thế giới.
Thánh Phaolô nói: “Nếu kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta” (2 Tm 1:12). Những lời này của Thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu rằng đức tin là “điều tiên quyết gắn liền con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng là sự tự do đồng ý với chân lý trọn vẹn mà Thiên Chúa đã mặc khải”. Đức tin là niềm tin vào Thiên Chúa và là điều chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính; các điều đó tập trung vào nhau và đòi hỏi lẫn nhau. Có hệ lụy sâu xa giữa đức tin sống động và nội dung. Đức tin của các nhân chứng và những người tuyên xưng cũng là đức tin của các Tông đồ và Tiến sĩ Giáo hội.
Như vậy, những lời khuyên dành cho Năm Đức Tin muốn giúp chúng ta gặp gỡ Đức Kitô qua các nhân chứng đức tin đích thực, và việc hiểu rõ đức tin. Các đề nghị này nhằm khuyến khích sẵn sàng đáp lại lời Đức giáo hoàng mời gọi sống trọn năm nay là “thời gian ân sủng đặc biệt”. Việc vui mừng tái khám phá đức tin cũng có thể góp phần củng cố tình đoàn kết và giao tiếp với nhau như một đại gia đình Giáo hội.
1. Yếu tố chính để khởi đầu Năm Đức Tin sẽ là Tổng công nghị XIII của các giám mục, được ĐGH Bênêđictô XVI triệu tập vào ngày 11-10-2012, với chủ đề: “Tân Phúc Âm hóa để chuyển giao Đức tin Kitô giáo”. Trong công nghị này sẽ có nghi thức long trọng khai mạc Năm Đức Tin.
2. Trong Năm Đức Tin, các đoàn hành hương được khuyến khích tới viếng Đền thờ Thánh Phêrô, để tuyên xưng niềm tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, hiệp thông với Thánh Phêrô là người được để củng cố đức tin cho các anh chị em khác (x. Lc 22:32). Cũng nên khuyến khích các đoàn hành hương tới Thánh Địa, nơi diễm phúc được sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, và Mẹ Maria.
3. Trong Năm Đức Tin, các tín hữu nên đặc biệt sùng kính Đức Mẹ, gương mẫu của Giáo hội, Đấng “chiếu soi cộng đoàn được tuyển chọn, và là tấm gương nhân đức”. Vì thế, mọi thứ đều giúp tín hữu nhận biết vai trò quan trọng của Đức Mẹ trong Mầu nhiệm Cứu độ, để yêu mến Mẹ và bước theo Mẹ mà sống noi gương Mẹ về đức tin và nhân đức. Do đó, các đoàn hành hương nên đến những Đền thờ Đức Mẹ.
4. Ngày Giới Trẻ năm tới, tổ chức tại Rio de Janeiro vào tháng 7-2013, sẽ là dịp đặc biệt để giới trẻ trải nghiệm niềm vui nhờ tin vào Đức Giêsu và hiệp thông với Đức giáo hoàng trong đại gia đình Giáo hội.
5. Hy vọng sẽ có những hội nghị, công nghị và những cuộc quy tụ đông đảo, có thể ở mức độ quốc tế, để khuyến khích nhau làm nhân chứng đức tin và nỗ lực tìm hiểu GLCG. Cho tới ngày nay, Lời Chúa vẫn tiếp tục phát triển và lan rộng, rất cần làm chứng về “mọi nỗi đau khổ và mọi niềm khao khát của con người tìm kiếm sự thỏa mãn trong Đức Kitô” và “đức tin trở thành tiêu chuẩn mới để hiểu và hành động nhằm thay đổi đời sống con người”. Một số hội nghị nên dành riêng để tái khám phá các giáo huấn của Công đồng Vatican II.
6. Năm Đức Tin là dịp để mọi người đào sâu kiến thức về các tài liệu của Công đồng Vatican II và nghiên cứu về GLCG. Điều này thực sự rất cần thiết đối với các ứng sinh linh mục, nhất là trong những năm học thần học, các tập sinh, và những người trong thời gian tìm hiểu các phong trào tông đồ.
7. Năm Đức Tin là thời gian thuận lợi để nghe giảng thuyết, học giáo lý, vâng lời Đức giáo hoàng. Các linh mục, tu sĩ và giáo dân được mời gọi canh tân đời sống, đồng thời lắng nghe giáo huấn của người kế vị Thánh Phêrô.
8. Trong Năm Đức Tin, cùng với Hội đồng Giáo hoàng về việc Thúc đẩy Tình đoàn kết Kitô giáo, các sáng kiến đại kết được hoạch định, nhằm “duy trì tình đoàn kết trong các Kitô hữu”, đó là “một trong các mối quan tâm chính của Công đồng Vatican II”. Đặc biệt sẽ có nghi thức đại kết long trọng để những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy tái tuyên tín vào Đức Kitô.
9. Một ban thư ký hợp tác về các sáng kiến của Tòa Thánh, hoặc các sự kiện khác phù hợp với Giáo hội hoàn vũ, sẽ được thành lập trong Hội đồng Giáo hoàng về việc Thúc đẩy Công cuộc Tân Phúc Âm hóa. Ban thư ký này cần biết thời gian diễn ra các sự kiện quan trọng và cũng có thể đề nghị các sáng kiến thích hợp. Ban thư ký này sẽ mở website với mục đích đưa ra các thông tin hữu ích để sống Năm Đức Tin hiệu quả hơn.
10. Khi bế mạc Năm Đức Tin, lễ trọng Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ, ĐGH Bênêđictô XVI sẽ có cử hành Thánh Thể, mọi người sẽ cùng long trọng tái tuyên xưng đức tin.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ AnnusFidei.va)