TTCT - Chúng ta trân trọng gọi tên ngày khai giảng bằng một cụm từ khác đầy ý nghĩa: "Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường". Sự kiện quan trọng này còn dẫn đến một câu hỏi: "Con đường ta đưa trẻ đến trường hôm nay sẽ là con đường như thế nào?".
Mọi người đều nói con đường đó phải là con đường đổi mới, vậy ta đã đổi mới ra sao?
Trước yêu cầu hội nhập chung, ngành giáo dục cũng được giao trách nhiệm phải đổi mới. Nhưng thực tế chỉ ra cho đến nay, việc phải thay đổi quan điểm giáo dục, chương trình và sách giáo khoa vẫn còn là vấn đề nằm trên bàn nghị sự với nhiều tranh cãi đa chiều.
Năm học 2012-2013 này, Bộ Giáo dục - đào tạo khi ban hành nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục các cấp (*) lại một lần hướng các ngành học, các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân đến mục đích chung là đổi mới nhiều mặt của giáo dục, từ nâng cao hiệu quả dạy và học; năng lực, phẩm chất của đội ngũ sư phạm, đội ngũ quản lý đến nâng cao chất lượng đào tạo thế hệ trẻ về cả tri thức, đạo đức lẫn kỹ năng sống.
Nhiệm vụ thì cụ thể, hướng dẫn thực hiện rất chi tiết nhưng giáo viên đứng lớp vẫn gặp nhiều lúng túng khi chương trình, sách giáo khoa, việc tổ chức đánh giá, xếp loại học sinh, việc tổ chức thi cử... hình như vẫn loanh quanh "con đường cũ". Logic của quá trình đổi mới là chúng ta phải đi từ cái gốc, nghĩa là quan điểm giáo dục phải đổi mới, chương trình giáo dục phải được xây dựng để phục vụ quan điểm đó, từ đó mới có thể định hướng cho việc dạy và học, cuối cùng mới quyết định bộ sách giáo khoa.
Vả lại đổi mới đến đâu đi nữa thì vẫn có một "nguyên tắc vàng" không thể thay đổi. Đó là con đường đó phải là con đường mà mỗi ngày đi trên đó, cả thầy lẫn trò, cả phụ huynh đều thấy vui...
Là một phụ huynh, khi đưa con đến trường ta mong con em mình được học trong những ngôi trường đúng nghĩa là trường học - nơi các em không chỉ được truyền thụ tri thức mà còn được dạy dỗ để nên người. Nơi các em học không chỉ cho một "ngày mai phát triển" mà còn học để biết tự bảo vệ mình trước cạm bẫy, trước tệ nạn, trước tội ác, học để biết làm theo điều đúng, tránh cái sai, khi sai biết sửa; học để biết tôn trọng bản thân ngang bằng tôn trọng người khác, học để biết công bằng và hành xử theo những điều luật công chính thành và bất thành văn của con người trong xã hội văn minh.
Là người thầy, mỗi ngày lên lớp ta mong ta sẽ là những người thầy không chỉ ở danh xưng, mà còn xứng là thầy từ lúc ta chọn thi vào ngành sư phạm vì yêu thích, vì say mê và vì có năng lực dành cho nó, chứ không vì một nguyên nhân đáng buồn nào khác. Rằng chúng ta sẽ là những người thầy mà với từng bài giảng, ngoài kiến thức khoa học, sự minh bạch của những chân lý, còn mang đậm nét cái tâm của người đi trước, không chỉ "truyền" cho học sinh mà còn "thụ" từ chính các em những bài học cho mình.
Rằng công việc đó không bị đẩy lùi, bị mờ nhạt đi trong những loay hoay vụn vặt, trong bức bách cơm - áo - gạo - tiền, trong những chạy đuổi mệt mỏi, căng thẳng bởi cải cách, thí điểm nhiều khi chồng chéo mà hiệu quả không bao nhiêu. Rằng sẽ hết bấn bức với những chồng sổ sách dày lên như một "minh chứng của sáng tạo" để là những người thầy chủ động, tự tin trong công việc.
Và học sinh chúng ta hiện nay, các em mong muốn điều gì? Trong buổi tọa đàm giữa học sinh đại diện các lớp và ban giám hiệu nhà trường đầu năm học này, chúng tôi đã được nghe những yêu cầu cực kỳ dễ thương của con trẻ. Các em mong muốn mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui, vui trong sự hồn nhiên, khỏe mạnh của cơ thể không bị ì trệ vì thời khóa biểu dày đặc.
Các em mong muốn được tự mình khám phá kiến thức từ chính cuộc sống, thiên nhiên, muốn ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ, từ trường học sẽ được tiếp cận với nhiều loại ngôn ngữ khác trên thế giới và được rèn luyện năng lực giao tiếp ngôn ngữ đó thật sự sinh động, chứ không chỉ là thứ ngôn ngữ nằm trên giấy với những giờ học toàn văn phạm chán ngắt. Các em mong muốn con đường đến trường hôm nay thật sự là đường xanh bóng mát để mai sau nó nằm mãi trong tim mình một cách êm ái.
Những mong muốn đó của những người được coi là "các bên liên quan" của giáo dục hôm nay, trước thềm năm học mới, liệu có làm nên một tiếng trống trường khai giảng lay động?
Ta đang đi con đường đổi mới theo hướng "đón đầu". Nghĩa là đi ngược từ việc điều chỉnh sách giáo khoa cấp tập theo hướng giảm tải, rồi từ việc điều chỉnh sách giáo khoa, ta yêu cầu cho giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy, học sinh phải thay đổi phương pháp học cho phù hợp với... sự "điều chỉnh" đó, mà quên mất rằng công việc đó không phải là đổi mới chương trình. Cách làm này chẳng khác gì việc lấy một cái bánh đem về cắt gọt, nhét cho vừa cái khuôn đang có, canh chỉnh lại nhiệt độ lò nướng và... nướng lại cái bánh.
Một khi đi "ngược quy trình" như thế, căn cứ khoa học nào giúp ta có thể suy ra, con đường ta đưa các em học sinh đi hôm nay sẽ "thuận logic"?
|
LÂM MINH TRANG (Gò Vấp)
Nguồn tuoitrecuoituan
__________
(*) http://www.moet.gov.vn/?page= 1.29&view=4337).