ngày tháng năm

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Chia sẻ phẩm giá

Phẩm giá con người tức là nhân phẩm, là sự xứng đáng của con người. Bất kỳ cách đối xử nào của giáo huấn xã hội Công giáo đều phải khởi đầu và kết thúc bằng phẩm giá của con người. Nguyên tắc nền tảng đầu tiên của công bình xã hội và Giáo huấn Xã hội Công giáo là nhận biết phẩm giá vốn dĩ của con người qua việc được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. 

Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII viết trong Tông thư Pacem in Terris (*): “Bất kỳ sự kết hợp nào phong phú và được điều chỉnh tốt về con người trong xã hội đều đòi hỏi sự chấp nhận một quy luật cơ bản: Mỗi cá nhân là một con người thực sự. Con người đó có bản chất, nghĩa là được thiên phú cho trí tuệ và ý chí tự do. Người đó có quyền lợi và trách nhiệm cùng lúc như hệ lụy trực tiếp từ bản chất. Các quyền lợi và nhiệm vụ này mang tính tổng thể và bất khả xâm phạm, do đó mà cũng bất khả chuyển nhượng. Hơn nữa, khi chúng ta lưu ý nhân phẩm của một con người từ quan điểm mặc khải của Thiên Chúa, chúng ta phải tăng mức đánh giá nhân phẩm, vì con người được cứu độ bằng chính Bửu huyết của Đức Giêsu Kitô. Ân sủng đã khiến con người trở thành con cái và bạn hữu của Thiên Chúa, được thừa kế vinh quang muôn đời”

Mỗi người đều có giá trị và nhân phẩm vì được Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ bằng giá máu của Đức Kitô. Giá trị xứng đáng này không dựa vào tuổi tác, chủng tộc, giới tính, tôn giáo, nhận thức, trí tuệ, học vị, địa vị, chức quyền, vật chất, tài năng, ngoại hình,... Tất cả chỉ dựa trên giá-trị-con-người. Vì họ được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Chấm hết. 

Tối thiểu nhất, con người phải có quyền sống. Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII viết tiếp: “Nhưng trước hết chúng ta phải nói về quyền của con người (nhân quyền). Con người có quyền sống. Con người có quyền đối với tính toàn vẹn cơ thể và các phương tiện cần thiết để phát triển cuộc sống, nhất là thực phẩm, quần áo, chỗ ở, y tế, nghỉ ngơi, và cuối cùng là các dịch vụ xã hội cần thiết. Con người có quyền được chăm sóc khi đau yếu, khi không thể lao động, khi góa bụa, khi già nua, khi thất nghiệp, hoặc khi bị tước mất các phương tiện sinh sống mà không phải là lỗi của họ". 

Quyền sống là quyền cao nhất, mọi quyền khác đều vô nghĩa. Mà sống thì phải có quyền tự do ngôn luận, hội họp, được chăm sóc y tế,... Nếu không thì họ đã chết. 

Từ điểm khởi đầu, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng chúng ta không thể cướp sự sống của một người vô tội. Điều này không nói tới trường hợp tự bảo vệ (hoặc bảo vệ người không thể tự bảo vệ), nghĩa là tự bảo vệ trước kẻ tấn công tàn ác. Ví dụ như trong chiến tranh phải chiến đấu chống lại kẻ thù nguy hiểm. Nói chung là chúng ta không được giết người, trừ phi kẻ thù quá nguy hiểm mà không còn cách nào khác để bảo đảm an toàn. 

Công bình xã hội không thể hiện hữu trong một xã hội cho phép giết người vì bất cứ lý do gì. Đàn áp, bóc lột và giết người là điều không thể chấp nhận, dù đó là lý do gì. 

Đối với các mục đích của Giáo huấn Xã hội Công giáo, mỗi người đều bắt đầu hiện hữu trong một giai đoạn nào đó từ lúc thụ thai và kết thúc cuộc đời bằng cái chết tự nhiên. Phá thai và an tử là vô luân lý. Công giáo hoàn toàn chống an tử (làm chết êm ái, euthanasia), phá thai, xét nghiệm phôi thai bất thường (để triệt), dùng súng đạn, dùng vũ khí hạt nhân,... 

Theo nghĩa rộng, nhân phẩm còn đi vào từng quy luật của Giáo huấn Xã hội Công giáo, làm sáng tỏ các lý do chúng ta hành động vì những điều tốt chung và các quyền của con người. Nhân phẩm là lý do chúng ta chống lại nạn buôn người, tra tấn, lạm dụng tình dục, bạo lực gia đình, bất công về lao động và lương bổng, kỳ thị người nghèo hoặc bệnh nhân,.. 

Lời ngôn sứ Isaia ứng nghiệm về Đức Kitô: “Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân” (Mt 12:18). 

Tác giả SARAH BABBS 
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com) 
(*) Tông thư “Pacem in Terris” (Hòa bình trên Trái đất), còn gọi là “tông thư hòa bình”, được ĐGH Gioan XXIII công bố ngày 11-4-1963. Trong đó ngài phản ứng tình hình chính trị trong thế giới “chiến tranh lạnh”. Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII tên thật là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ngày 25-11-1881 và qua đời vì bệnh ung thư ngày 3-6-1963. Ngài là người triệu tập Công đồng Vatican II, và được gọi thân thiện bằng biệt danh “ông già hiền từ”.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks