Với Vaticanô II người ta đã hồ hởi nói đến Thời Đại Giáo Dân và hy vọng một tương lai xán lạn cho Giáo Hội. Thế rồi chúng ta đã chứng kiến những bước đổi mới.
Công dân Nước Trời - công dân trần thế
Tại rất nhiều nơi, hội đồng giáo xứ đã được giáo dân bầu lên để tham gia vào sinh hoạt và quản trị về mặt tổ chức, hành chánh và tài chánh của giáo xứ. Ngoạn mục nhất là trong thánh lễ, họ đã lên đọc sách thánh và trao Mình Thánh Chúa. Tại vài nơi một số giáo dân còn được mặc áo thụng trắng, lên giảng lễ, xức tro, ban phép lành… và thậm chí còn được linh mục cho phép đứng quanh bàn thờ trong khi truyền phép.
Có vẻ là vai trò công dân Nước Trời đã được chú trọng, vai trò thừa tác viên ngoại thường – lẽ ra, theo giáo luật, chỉ được vận dụng khi có nhu cầu cấp thiết - được bình thường hóa và xu hướng giáo sĩ hóa giáo dân đang lan rộng. Trong khi đó vai trò công dân trần thế hình như chưa được nhấn mạnh và tính chất độc đáo của ơn gọi giáo dân chưa được làm rõ đủ. Đây là hình thức phân lập trong đời sống kitô hữu mà Gaudium et Spes nghiêm trọng cảnh báo:
Ðối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa.(GS 43)
Và ngay sau khóa Thượng Hội Đồng Giám Mục 1987, Chân Phước Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Christifideles Laicis cũng đã nhắc lại qua việc chỉ rõ hai cám dỗ lớn của kitô hữu đương đại:
1. cám dỗ quá miệt mài với những dịch vụ và trách vụ trong Giáo Hội, đến nỗi đôi khi xao lãng trên thực tế các trách nhiệm chuyên môn của mình thuộc các lãnh vực nghề nghiệp, xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị;
2. cám dỗ ngược lại là bào chữa cho sự tách biệt không thể biện minh giữa đức tin và đời sống, giữa việc đón nhận Tin Mừng và hoạt động cụ thể trong các lãnh vực trần thế khác nhau. (CL 2)
Ơn gọi và sứ mạng đặc thù giáo dân
Đối lại với cám dỗ thứ nhất, ơn gọi đặc thù giáo dân, công dân trần thế, đòi hỏi người tín hữu chúng ta không được xao lãng “các trách nhiệm chuyên môn của mình thuộc các lãnh vực nghề nghiệp, xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị của mình” mà phải chu toàn bổn phận làm cha, mẹ, làm con, làm anh, chị, em đầy thương yêu ngay chính tại gia đình mình, làm người láng giềng tốt trong khu xóm mình, làm người nông dân, công nhân, nhân viên tích cực nơi cánh đồng, phân xưởng, cơ quan mình, làm người công dân tinh thần có trách nhiệm cao trong quê hương mình, hầu xây dựng một tổ ấm yêu thương, một khu xóm thân hữu, một môi trường lao động ở đó nhân phẩm được tôn trọng, những công cuộc kinh doanh chân thật, những mối quan hệ tương trợ chứ không khai thác, lạm dụng, một xã hội lành mạnh với cái ác bị đẩy lùi… một “nền văn minh tình thương và sự sống”. Đây chính là bổn phận thế trần và con đường nên thánh độc đáo, chính danh, đúng với ơn gọi và thích hợp nhất với môi trường và đời sống của chúng ta.
Sứ mạng đặc thù giáo dân là đem Nước Trời - qua việc sống chứng tá và mang đức tin và đức ái kitô giáo - đến nhà chúng ta, đến khu xóm, đồng ruộng, xí nghiệp, nhà máy, cửa hàng, nhà hàng, trường học, nhà thương, câu lạc bộ thể thao, nghị trường… - những nơi mà linh mục và tu sĩ không dễ dàng tiếp cận.
Linh đạo đặc thù giáo dân
Đối lại với cám dỗ thứ hai, cách sống đạo của giáo dân cũng phải vươn tới và gắn bó hữu cơ với chính đời sống cụ thề hằng ngày và môi trường của mình.
Người giáo dân chúng ta phải ý thức rằng kinh nguyện giáo dân không chỉ giới hạn tại nhà thờ, trước bàn thờ mà bàng bạc trong từng giây phút trong cuộc đời. Thật vậy, nếu chúng ta thắng vượt đam mê và ích kỷ để làm việc lành, bác ái, phục vụ tha nhân, tuân giữ Luật Chúa là chúng ta đang thi hành Thánh ý Chúa Cha, kết hiệp với Thân Nho là Chúa Giêsu, và chiều theo sự thúc đấy của Chúa Thánh Thần. Ngòai ra, nếu chúng ta sạch tội trọng là chúng ta đang có ơn nghĩa với Thiên Chúa. Còn gì hơn, nếu chúng ta lại có thể, như thánh Phaolô nói, dù ăn dù uống dù làm bất cừ việc gì mà cũng làm vì danh Đức Kitô, thì chúng ta đang ở với và trong Chúa Ba Ngôi. Đó là hiệp thông với Thiên Chúa, hình thức cao độ nhứt của cầu nguyện, chiêm niệm. Và chúng ta có thể làm vậy suốt 24/7 (24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần).
Giáo dân chúng ta không thể tới thánh lễ với hai bàn tay trắng. Chúng ta hẳn cũng ngỡ ngàng như các tín hữu trong ngày phát xét trong Tin Mừng (Mt 25,31-46), chưa ý thức rằng chúng ta cũng có biết bao lễ vật từ chính cuộc sống hằng ngày như sách Giáo Lý HTCG số 1368 đã dạy: “đời sống, lời ca ngợi, đau khổ, công việc của các tín hữu đều được kết hợp với Đức Kitô với lễ dâng toàn hiến của Người”: Ta sẽ không ngoa khi cho rằng bàn thờ tế lễ của của bệnh nhân chính là giường bệnh của họ, của người công nhân là chính công trường của họ!... Chỉ cần chúng ta ý thức là chúng ta sẽ có một hy lễ thiết thực thấm dậm mồ hôi, nước mắt và cả máu chúng ta - chứ không chỉ là máu chiên bò - để kết hiệp với Hy Tế Thân Thiêng dâng lên Thiên Chúa hầu mang ơn cứu độ cho nhân loại và chính chúng ta. Hơn nữa, linh đạo Thánh Thể của người tín hữu còn được kéo dài suốt ngày nếu họ không sống nhưng để Chúa Kitô sống trong họ như thánh Phaolô dạy, để rồi Thiên Chúa dùng họ, như bài Kinh Hòa Bình mà họ ca vang, làm khí cụ bình an của Người đối với những đủ mọi loại người mà họ sẽ gặp trong cuộc sống, nhìn thấy Đức Kitô trong họ (Mt 25, 40). Như vậy, tuy trong chính thánh lễ, vai trò của người giáo dân chúng ta có vẻ không minh thị cho lắm, nhưng chúng ta sống chức tư tế phổ quát của chúng ta rất tích cực trước và sau lễ nghi: trước, chúng ta chuẩn bị của lễ; sau, chúng ta sống ý nghĩa thánh thể là hiến tế và bánh bẻ ra cho mọi người.
Trong việc truyền giáo, giáo dân không chỉ đơn thuần đóng góp tiền bạc. Chức vụ ngôn sứ giáo dân không mạnh trong rao giảng Tin Mừng nhưng rất tích cực và hữu hiệu trong việc sống chứng tá Tin Mừng ở mọi nơi, mọi lúc, với mọi hạng người trong khi thi hành bổn phận trần thế, đặc biệt ở những trường hợp mà các linh mục không thuận tiện tiếp cận. Mặt khác, việc tông đồ của giáo dân rất ư đa dạng, ở khắp mọi nơi và cho hết thảy mọi người. Tại nhà bếp, các bà nội trợ tận tụy lo cho kẻ đói ăn, người khát uống; nơi cánh đồng, người nông dân dầm sương dãi nắng góp phần với Thiên Chúa tạo dựng “hóa bánh ra nhiều” phục vụ tha nhân; tại bàn mổ, các bác sĩ để Chủ Sự Sống sử dụng bày tay và khối óc mình làm cho người mù được thấy, người điếc được nghe, người què được đi, mang lại sự sống cho những người khốn cùng… Đây là những việc mà các giáo sĩ không thể thay thế họ cho xuể.
Cũng vậy, trong việc thực thi quyền vương đế, giáo dân tuy không có chức năng cai quản Giáo Hội, nhưng họ hoàn toàn có khả năng tu thần, tề gia, bình thiên hạ và chế ngự thiên nhiên như ơn gọi và sứ mạng đặc thù của họ đòi hỏi.
Kết luận
Có nhiều đặc sủng trong Giáo Hội tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người (Rm 12,8). Sống đúng với ơn gọi và sứ mạng mà Chúa Quan Phòng an bài là cách tốt nhất xây dựng Nước Trời. Cái mới đầy sức sống mà Vaticanô II mang lại cho Giáo Hội hiện nay, hẳn chính là việc khơi dậy tiềm năng xây dựng Nước Trời của đại đa số dân Chúa, qua việc tìm lại chiều kích thánh thiêng và tác động cứu độ của những trách nhiệm trần thế. Đó chính là cách cứu độ nhân loại và nên thánh của ba người giáo dân tuyệt vời tại Nagiarét: người cha thợ mộc Giuse, bà mẹ nội trợ Maria và chàng con thảo Giêsu.
Tu sĩ giáo dân Simeon Phạm quang Tùng
Dòng La San