ngày tháng năm

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Ơn gọi dấn thân và nên thánh của giáo dân giữa trần thế

Công đồng Vatican II (Công đồng) của thế kỷ 20 đang chìm dần vào quên lãng, chỉ còn “vang bóng một thời”? Xem ra là như thế. Người tín hữu giáo dân, nhất là thế hệ trẻ, hiện nay có mấy ai hiểu được tinh thần Vatican II! Điều khá oái ăm, trong lịch sử Giáo hội, chưa bao giờ tinh thần nhập thế, vai trò và ơn gọi giáo dân được đề cao như tại Công đồng Vatican II. 

Thành thật mà nói, có những người giáo dân đã đọc Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, các Hiến chế Ánh sáng Muôn dân và Giáo hội trong Thế giới Ngày nay và đã lên đường theo tiếng gọi dấn thân và nên thánh giữa đời của Vatican II. Kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng, họ thấy rằng các văn kiện Công đồng không phải là “lý thuyết xám xịt” mà mãi mãi “xanh tươi” như “cây đời”, vì ở đó họ vẫn tìm thấy sức sống và ánh sáng hướng dẫn họ thực hiện sứ mạng và ơn gọi giữa trần thế.

Giáo dân “hai không hai có” 

Theo định nghĩa tại Chương 4 Hiến chế Ánh sáng muôn dân, giáo dân là người tín hữu không có chức thánh và không đi tu! Định nghĩa này, ngoài khía cạnh tiêu cực “hai không”, còn có khía cạnh tích cực ở chỗ Giáo dân là người được nên một với Đức Kitô qua phép Thánh tẩy và được “nhập hộ khẩu”, “nhập tịch” DÂN CHÚA. Họ được chia sẻ chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế. Họ là con Thiên Chúa. Cha nào thì con nấy. Chúa thánh thiện thì con Chúa cũng phải nên thánh. Chúa cứu độ thế gian thì con Chúa cũng phải dấn thân vào giữa lòng thế giới chứ không chỉ ở trong nhà thờ cầu nguyện. Họ được lĩnh bí tích Thêm sức để có thể chu toàn sứ vụ của mình. Hiến chế xác định rõ: Giáo dân có sứ mạng PHÚC ÂM HÓA trần gian, sắp xếp trần gian theo thánh ý Chúa, xây dựng Nước Chúa ngay từ trần gian, mang ơn cứu độ toàn diện cho con người ngay giữa trần gian. 

Có năm bảy loại hình giáo dân 

Tuy nhiên, định nghĩa của Công đồng là thế. Trong thực tế, giáo dân cũng có nhiều loại hình, xin kể ra một số: 

· Giáo dân làm việc trong xứ đạo, nơi tòa giám mục, ở trung tâm mục vụ; 
· Giáo dân đi làm ở ngoài đời; 
· Giáo dân chờ mệnh lệnh của hàng giáo phẩm; 
· Giáo dân gì cũng hỏi rồi mới dám làm; 
· Giáo dân khoanh tay; 
· Giáo dân đứng nhìn; 
· Giáo dân “trùm chăn”; 
· Giáo dân phiền muộn hàng giáo phẩm; 
· Giáo dân chỉ trích tứ bề; 
· Giáo dân quanh quẩn nhà thờ nhà thánh; 
· Giáo dân “ly dị” với cuộc sống đạo ở ngoài nhà thờ và trong xã hội. 

Vậy Giáo dân dấn thân, anh chị là ai? 

Thưa, đó là người tín hữu đã nhận ra căn tính của mình: Nhờ phép Thánh tẩy và Thêm sức, họ đã được nên giống Chúa, bây giờ họ can đảm đi làm chứng cho Chúa và cố gắng thánh hóa mình đồng thời tham dự vào công cuộc thánh hóa trần gian. 

Trong hành vi, thái độ, cung cách sống và nội tâm, họ tham gia hành xử sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế vốn gắn liền với họ qua Bí tích Thánh tẩy. 

Theo Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, giáo dân dấn thân là người “theo gương Chúa, yêu thương đến mức quên mình vì người khác, hiến mình toàn thân, hiến mình nhưng không, để hiệp nhất với kẻ khác, hầu họ được phong phú và công việc Chúa nơi họ được thành công” (Đường Hy Vọng, 605). Vatican II nhấn mạnh: Giáo dân dấn thân phải có ba nhân đức Tin,Cậy và Mến. 

Đến đây, ta hãy thử đi tìm chân dung người giáo dân Việt Nam đang dấn thân vào các lĩnh vực trần thế như gia đình, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chính trị, lao động và rút ra những nhận định xem Vatican II “xám xịt”, “một thời vang bóng” hay vẫn “xanh tươi”? Trước hết, ta cần nhận định đúng về hiện tình đất nước. 

Tiếng chuông ngân trần,Việt Nam nguyện cầu 
Tiếng chuông não nùng,Việt Nam buồn thảm 

Người Công giáo Việt Nam luôn nguyện cầu cho quê hương, đặc biệt trong những lúc “Việt Nam buồn thảm”, theo gương Đức Hồng y Tôi tớ Chúa Nguyễn Văn Thuận. Việt Nam hiện nay đang có những vấn đề gì? Theo tài liệu học hỏi Năm Thánh 2010, xã hội Việt Nam đang phải đối diện với những thách đố sau đây: 

1. Tác động tiêu cực của tiến trình toàn cầu hóa kinh tế; 
2. Hố ngăn cách giữa người giàu và nghèo ngày càng sâu rộng; 
3. Bùng phát di dân và các tệ nạn xã hội; 
4. Ô nhiễm môi trường ngày càng tăng; 
5. Hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc y tế yếu kém; 
6. Lạm dụng công nghệ thông tin hiện đại gây nhiều tác hại, nhất là giới trẻ; 
7. Dân tộc thiểu số bị thiệt thòi. 

Ngoài ra, Việt Nam đang có vấn đề về Biển Đông. Nhưng cũng có tiếng chuông hy vọng. 

Tiếng chuông thánh thót,Việt Nam hy vọng 

Hy vọng vì có những giáo dân dấn thân vào một số lĩnh vực sau đây, dù nhỏ bé, nhưng đang góp phần đáp lại ơn gọi và sứ mạng mà Chúa và Công đồng Vatican mời gọi, vì Chúa “quá yêu thế gian” và Giáo hội Việt Nam cũng phải đi “con đường của con người” Việt Nam: 

1. Dấn thân lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người Việt Nam: Giáo dân ngành y đến khám bệnh cho vùng sâu vùng xa; phụ giúp Giáo hội mở ra các phòng khám bệnh, nhất là cho những người bị phân biệt đối xử như bệnh nhân có HIV, bệnh nhân Hansen. Giáo dân còn đến tận nhà hoặc tận giường bệnh. 

2. Dấn thân vào lĩnh vực giáo dục: Đã thấy lác đác thầy cô Công giáo trong đại học, khá nhiều ở trung tiểu học và mẫu giáo. Có những Giáo dân phụ giúp Giáo hội mở các lớp học tình thương, giúp sinh viên nghèo học bổng. Mùa thi về, cửa giáo xứ lại mở rộng và giáo dân phụ giúp cha xứ trong đủ mọi mặt sinh hoạt nhằm phục vụ thí sinh. 

3. Dấn thân vào lĩnh vực cai nghiện ma túy: Giáo dân chăm sóc nạn nhân từ khâu cai nghiện cho đến hậu cai, tâm lý, tâm linh, huấn nghiệp. 

4. Dấn thân vào lĩnh vực mở nhà tình thương cho người không biết đi về đâu, nhất là các nạn nhân vừa nghiện vừa có HIV. 

5. Dấn thân vào lĩnh vực di dân: Khám chữa bệnh miễn phí; tham vấn tâm lý; mời gọi người xa quê dự thánh lễ mỗi Chủ nhật; tổ chức các lễ hội cho người xa quê. 

6. Dấn thân vào lĩnh vực chăm sóc các thai phụ trẻ tuổi bị ruồng bỏ và bị dụ dỗ phá thai. 

7. Dấn thân vào lĩnh vực bảo vệ sự sống. 

8. Dấn thân vào lĩnh vực thăm viếng tù nhân, giúp tăng khẩu phần dinh dưỡng và mời linh mục giải tội. 

9. Dấn thân vào lĩnh vực gia đình là chiếc nôi của sự sống và tình yêu, là thánh điện của sự sống mà nay đang bị tấn công tơi bời. Các anh chị giáo dân đến các gia đình, kể cả lặn lội đến các vùng sâu vùng xa, tập hợp thành nhóm gia đình để cầu nguyện và học Lời Chúa, huấn luyện bền bỉ cho các cặp vợ chồng trẻ cũng như các bậc làm cha mẹ, hướng nghiệp và huấn nghiệp cho các con em. Hàng giáo phẩm Việt Nam đặc biệt đánh giá cao công cuộc dấn thân này. 

10. Dấn thân trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, báo chí, lịch sử, phát thanh truyền hình, truyền thông mạng điện toán, nghiên cứu khoa học. Thời thế kỷ 20 có nhà thơ Hàn Mặc Tử, nhạc sĩ Hùng Lân, nhà văn Nhật Tiến. Thời nay cũng có nhiều nhà văn hóa, nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ, văn sĩ, thi sĩ, ký giả, điêu khắc gia, giảng viên Công giáo tài hoa lỗi lạc được nhiều giới trong và ngoài Công giáo mộ mến. 

Còn nhiều nhiều nữa những gương dấn thân của người giáo dân như: giảng giải về tâm lý và y học; dạy giáo lý hôn nhân; chăm sóc trẻ em đường phố; tư vấn pháp luật; tham vấn tâm lý; dịch thuật; dạy nghề; mở quán cơm giá rẻ; mở siêu thị giá rẻ cho người nghèo; xe đưa rước bệnh nhân nghèo; chăm sóc hậu sự; dạy kèm; hướng về nông thôn và cao nguyên; giúp đỡ dân tộc ít người... 

Tóm lại, giáo dân dấn thân vào mọi ngõ ngách của cuộc đời, tập trung vào sự sống con người. Mượn lời của Chân phước Gioan Phaolô II, có thể nói họ làm thành “một cộng đồng phục vụ con người”. 

Công đồng Vatican II và vấn đề tham gia của giáo dân trong lĩnh vực chính trị 

Hiến chế Giáo hội trong Thế giới Ngày nay bảo rằng chính trị là một nghệ thuật rất cao cả đồng thời lại cũng lắm khó khăn; do đó, những giáo dân nào có khả năng chính trị cần phải được chuẩn bị trước. Hiến chế (số 75 và 76) minh định: 
“Tất cả mọi Kitô hữu phải ý thức về sứ mệnh đặc biệt của mình trong cộng đoàn chính trị... Công dân phải nung nấu tinh thần ái quốc với lòng đại lượng trung kiên chứ không hẹp hòi... Cần phải hết sức quan tâm đến việc giáo dục cả về công dân và về chính trị... Phải đem đời sống thanh liêm và sự khôn ngoan chống lại bất công áp bức, chống lại độc tài và ngoan cố của một cá nhân hay một đảng phái chính trị... Giáo hội không cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền... Bất cứ ở đâu và bất cứ thời nào, Giáo hội cũng phải được tự do rao giảng đức tin, truyền bá học thuyết xã hội của mình cũng như được dễ dàng chu toàn sứ mệnh của mình giữa loài người... Giáo hội được quyền nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến lĩnh vực chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi”. 
Tóm lại, đối với giáo dân, việc tham gia vào chính trị là một hành động thích đáng. 

Ở nước Việt Nam, để làm chính trị theo nghĩa hẹp là thành đảng viên Cộng sản thì giáo dân lại không thể tham gia vì những quan niệm khác biệt. Một bên tuyên xưng có Thiên Chúa, có cuộc sống vĩnh cửu sau khi chết, một bên chủ trương duy vật vô thần. Tuy nhiên, nếu hiểu tham gia chính trị theo nghĩa rộng, tức là chăm lo phục vụ công ích thì vẫn “có cửa” cho giáo dân dấn thân trên con đường này. 

Cụ thể, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đề nghị giáo dân quan tâm thực hiện những vấn đề sau đây: Bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ sự sống con người từ lúc còn là bào thai trong bụng mẹ cho đến cái chết tự nhiên, thăng tiến gia đình, phát huy tự do tôn giáo, gia tăng tình liên đới, triển khai công lý và hòa bình. 

Năm 1971, trong Tông thư Bát thập niên, Đức giáo hoàng Phaolô VI viết: “Dấn thân vào chính trị là phương thế cần thiết để người Công giáo thực thi bác ái, phục vụ tha nhân”. 

Chỗ nào có người Công giáo, chỗ đó có “ngọc trong đá” 

Ngọc ám chỉ sự thánh thiện mà người giáo dân tháp ghép vào tảng đá trần gian, nhờ có ngọc mà đá sẽ đẹp vì chất ngọc “ngấm dần” vào trong đá. Thánh thiện là chất di truyền ADN của Chúa truyền vào giáo dân nhờ họ sống Lời Chúa, sống các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, đồng thời với việc thực thi nhân đức yêu thương bác ái vị tha. Họ còn khẩn nguyện xin ơn Thánh Thần, họ tôn kính Mẹ Maria, họ sống mầu nhiệm thánh giá khi lữ hành trên dương thế, mắt hướng về “Đô thành của Thiên Chúa”, tay xây dựng xã hội nhân bản toàn diện và liên đới để Nước Chúa hiển hiện “ở đây và lúc này”. Họ tham gia các lĩnh vực gia đình, kinh tế, khoa học kỹ thuật, lao động, văn hóa nhằm phục vụ con người, đề cao phẩm giá con người, cổ vũ tình liên đới, công lý và hòa bình theo giáo huấn và chuẩn mực của Đức Giêsu. 

Người giáo dân dấn thân luôn được Giáo hội kêu gọi: Anh ơi, chị ơi, trước khi và trong khi dấn thân, anh chị phải nên thánh trước đã. Phương thế nên thánh đó là anh chị phải Yêu. Yêu là “dấu hiệu nhận biết người môn đệ Đức Kitô”(x. Ga 13,35). Chúa dạy ta rằng luật căn bản để hoàn thiện con người và qua đó để biến đổi thế giới là “điều răn mới” về tình yêu (x. Mt 22,40;Ga 15,12). Khi người giáo dân “đang yêu” kiểu Giêsu, người đó sẽ phát huy trọn vẹn tính người. Người đó sẽ đâm ra yêu nhân quần xã hội, yêu “cõi người ta”, yêu Việt Nam, yêu theo lời của Thánh Augustinô: “Giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn”. Động lực mạnh nhất thúc đẩy con người hoạt động là động lực yêu. Chất yêu (chất “ngọc trong đá”) sẽ thấm dần vào bên trong các mối quan hệ xã hội. Yêu Chúa, yêu tha nhân là “hoàn tất luật Tin Mừng”. Yêu theo kiểu Chúa Giêsu là thuốc giải độc chống ác tà tội lỗi đang hoành hành trong trần gian. Đó là nội dung chính của việc nên thánh trong môi trường sống. 

Sự hướng dẫn, nâng đỡ và hỗ trợ của Giáo hội với tư cách Mẹ và Thày 

Tuy nhiên, dấn thân là cả một cuộc vượt qua: người giáo dân ấy trước kia thụ động giữ đạo thì nay chủ động, năng động sống đạo và tích cực đi phục vụ, làm chứng và rao truyền tin vui về Nước Chúa với tư cách vương đế, tư tế và ngôn sứ giữa dòng đời. Trước kia còn rụt rè“gọi dạ bảo vâng”, thì nay sống trong Giáo hội như người dám đảm nhận trách nhiệm của mình với tư cách giáo dân ĐỒNG TRÁCH NHIỆM trong công trình xây dựng Nước Chúa. 

Thế nhưng, liệu có giữ luôn mãi được lửa nhiệt tình? Dấn thân có những lúc “cao trào” như được lên núi Tabo, nhưng cũng có nhiều lúc “thoái trào”, cô đơn lạc lõng, có cả lúc khiếp sợ nữa, như trong vườn Giệtsimanê, chỉ muốn thoái thân, trùm chăn, xin cho được hai chữ “bình an”. Thực tế cho thấy có những thất bại dấn thân, có những nguy cơ thất bại dấn thân! 

Anh chị giáo dân dấn thân ơi, xin hãy chạy đến túp lều nơi có Chúa đợi chờ, đó là Giáo hội (x. Kh21,3). Giáo hội hiện diện giữa đời để chia sẻ “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ”. Bản chất Giáo hội là HIỆP THÔNG và LIÊN ĐỚI, cho nên Giáo hội là nơi khơi gợi và nâng đỡ mọi cố gắng, mọi dấn thân của giáo dân nhằm giải thoát và thăng tiến con người. Trong túp lều Giáo hội, anh chị sẽ được Giáo hội bồi dưỡng, nâng đỡ, ủi an, sẽ được Chúa “LAU SẠCH NƯỚC MẮT” (x.Kh 21,4). 

Mọi giáo hoàng từ Đức Gioan XXIII đến Đức Bênêđictô XVI đều là giáo hoàng của Công đồng Vatican II. Mọi giám mục đều phải là giám mục của Công đồng Vatican II. Mọi linh mục cũng đều phải là linh mục của Công đồng Vatican II. Có như thế thì càng ngày càng có thêm nhiều giáo dân trưởng thành, đồng trách nhiệm, sống đúng tinh thần của Công đồng Vatican II. 

Xin Giáo hội là Mẹ và là Thày, hãy nâng đỡ chúng con, hãy hướng dẫn và giáo huấn chúng con, nhất là về phương diện xã hội bằng Giáo huấn Xã hội Công giáo, là bí mật mà ở các nước, nhất là ở Mỹ, được mệnh danh là “bí mật được bảo mật kỹ nhất” (Best Kept Secret) của Giáo hội. Xin hãy “bật mí” cho chúng con “bí mật” ấy. 

Kết luận 

Giáo dân dấn thân theo tinh thần Công đồng Vatican cần phải sống thánh thiện bằng đức Ái để có thể dùng tình yêu mà biến đổi thế gian theo ý Chúa. Đức Bênêđictô XVI khẳng định trong Thông điệp xã hội Caritas in veritate của ngài rằng Bác ái trong Sự thật là sức mạnh hữu hiệu nhất để biến đổi thế giới. Chúa muốn thế gian được cứu chuộc, con người được hạnh phúc và phát triển toàn diện khi họ sống và làm việc, dấn thân trong các lĩnh vực gia đình, văn hóa, kinh tế, lao động, pháp luật, xã hội, chính trị, khoa học kỹ thuật. 

Chúa và Giáo hội mời gọi giáo dân sống thánh giữa đời, rao truyền tin vui cho đời rằng: Quí vị có Thiên Chúa là cha của quí vị. Ngài muốn quí vị “thoát vòng tục lụy” là tội lỗi, Ngài mời gọi quí vị chung tay xây dựng Nước Thiên Chúa ngay từ trần gian, Ngài muốn quí vị chung tay xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới, xây dựng nền văn minh tình yêu ngay ở hành tinh này. Quí vị không cô đơn, quí vị có Đức Giêsu, có Chúa Thánh Thần ban ơn, có Giáo hội đồng hành, có giáo dân dấn thân vào các thực tại trần gian để làm chứng cho sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa. Những giáo dân ấy có thể hy sinh cả mạng sống chỉ vì yêu thương anh chị em đồng loại. 

Riêng ở Việt Nam, giáo dân dấn thân sẽ quan tâm đến cả thực tại chính trị, tức là phục vụ công ích. Lâu nay, người Công giáo e dè dấn thân trong lĩnh vực này vì có sự hiểu lầm về ý nghĩa của chính trị, cho rằng chính trị là thủ đoạn xấu xa. Nhờ đọc lại các văn kiện của Công đồng Vatican II, nghĩa tốt đẹp của “nghệ thuật cao quý” này được hiểu rõ, giáo dân có thể bình tâm tham gia. Trước mắt, họ cần được huấn luyện bằng tài liệu Học thuyết Xã hội Công giáo để tham gia vào công cuộc xây dựng trần thế theo lời dạy của Đức Giêsu. 

Xin được kết thúc bằng hai trích đoạn: 

“Học thuyết xã hội của Giáo hội phải là nền tảng của một công trình đào tạo sâu sắc và bền bỉ, đặc biệt cho người tín hữu giáo dân. Một sự đào tạo như thế phải để ý đến những nghĩa vụ của họ trong xã hội” (Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 531). 

“Những ai có khả năng hoặc có thể có khả năng làm chính trị, một nghệ thuật khó khăn nhưng đồng thời rất cao cả, cần phải được chuẩn bị trước và họ phải hăng hái hoạt động và không màng tới tư lợi hay lợi lộc vật chất... Họ phải đem lòng chân thành và chính trực, tình thương và lòng dũng cảm cần phải có trong sinh hoạt chính trị để tận tâm phục vụ lợi ích của mọi người” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, 75). 

Nguyễn Đăng Phấn 

Tài liệu tham khảo 

1. Kinh Thánh. 
2. Tài liệu học hỏi Năm Thánh: Giáo hội tại Việt Nam; Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận SàiGòn, 2010, lưu hành nội bộ. 
3. Thánh Công đồng chung Vatican II, Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, 1972. 
4. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo: Cộng đồng chính trị và Vì một nền văn minh tình yêu, Ủy ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, 2007.

Page

Blogger Tips and TricksLatest Tips And TricksBlogger Tricks