TTCT - Năm học mới, một chương trình thí điểm mô hình trường học mới được khởi động trên 1.447 ngôi trường tiểu học trong cả nước, theo đó việc “tự học, tự giáo dục” của học sinh sẽ là trung tâm của hoạt động giáo dục.
“Trong giáo dục, quan trọng nhất là niềm tin mà người lớn dành cho trẻ” - nhà giáo nhân dân, TS Đặng Huỳnh Mai, phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức VN, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ những trăn trở của bà về vai trò người thầy trong quan điểm “tự học” này.
Trong giáo dục tiểu học, quan trọng nhất là niềm tin mà người lớn dành cho trẻ.
Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức
Ví dụ cũng là dạy phép toán trừ trong phạm vi dưới 10 nhưng ở mình chỉ đơn giản dạy 8 - 4 = 4, các nước lại đặt ra một tình huống để học sinh nghĩ cách giải quyết. Họ sắp sẵn một bàn tiệc cho tám thực khách, có tám cái ghế, tám bộ đồ ăn, nhưng cuối cùng chỉ có 4 khách. Câu hỏi đặt ra với học sinh là em phải xử lý thế nào. Kết quả là các em sẽ cất đi bốn cái ghế, bốn bộ đồ ăn... Nghĩa là cũng cộng trừ nhưng phạm vi ứng dụng mở rộng ra.
“Trong giáo dục, quan trọng nhất là niềm tin mà người lớn dành cho trẻ. Đứng trước một đứa trẻ, giáo viên đừng bao giờ mặc định vì hôm nay nó học kém nên mai cũng kém, ngày kia cũng kém, suốt đời sẽ kém. Hãy trao cho các em niềm tin: hôm nay kém, ngày mai khá, một ngày nào đó sẽ giỏi. Thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh đừng đòi hỏi quá cao ở các em, đừng quan trọng điểm số. Cứ nhớ lại mình hồi bé để thấy rằng con cái của chúng ta hôm nay giỏi hơn chúng ta ngày trước nhiều”.
* Thưa bà, được biết năm nay Bộ GD-ÐT thí điểm một mô hình giáo dục mới, theo đó sách giáo khoa sẽ được viết theo cách thức giúp phát huy khả năng tự học của học sinh, các em sẽ được sinh hoạt tập thể nhiều hơn, gắn kết nội dung giáo dục trong nhà trường với thực tiễn...
- Theo tôi, dù chương trình - sách giáo khoa ra sao, cách thức tổ chức hoạt động giáo dục như thế nào thì vấn đề quan trọng số 1 để thay đổi chất lượng giáo dục phụ thuộc vào người thầy. Những định hướng thay đổi mà bạn vừa nêu ở trên là rất cần thiết nhưng chỉ giải quyết được khi năng lực của nhà giáo và của cán bộ quản lý giáo dục đủ khả năng đáp ứng.
Ngay với chương trình hiện hành, chúng ta sẽ làm rất tốt nếu có đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đủ tâm huyết, chăm chút đầu tư vào phương pháp giảng dạy. Còn nhớ hồi mới triển khai đại trà chương trình hiện hành (từ năm 2002), báo chí lên tận Sóc Sơn (Hà Nội) phỏng vấn các cô giáo, các cô kêu khó dạy. Có cô nêu ví dụ bài Trao đổi chất (lớp 4) không cách gì mà dạy cho học sinh được trong thời lượng một tiết. Nếu muốn học sinh hiểu được bài này các cô dễ chừng mất 3-4 tháng.
Tôi đã mời các phóng viên dự một tiết học mà tôi trực tiếp đứng lớp. Tôi đưa cho các em xem một cái mặt gương trong suốt, sau đó đề nghị các em đặt gương sát mặt rồi hít vào thở ra. Mặt gương mờ đi do hơi nước bám vào. Qua hiện tượng đó các em biết trong cơ thể người có một cơ quan trao đổi chất là phổi.
2/3 số học sinh trong lớp không hiểu tại sao. Và đó chính là lúc các em cần giáo viên giải thích. Điều quan trọng là tất cả các em đều muốn biết tại sao. Chỉ trong mấy chục phút, tất cả học sinh trong lớp đều hiểu được bài trong một bối cảnh học tập đầy hào hứng. Người ta bảo phải dạy 3-4 tháng, tôi còn cho rằng dạy một đời cũng không hết. Nhưng tại sao dạy một đời không hết mà dạy một tiết cũng đủ? Vì việc dạy học cho một đứa trẻ không có nghĩa là nhồi nhét những kiến thức mà thầy cô có được. Việc học là cả đời, đâu chỉ một tiết trên lớp? Vấn đề là làm thế nào thầy cô khơi gợi được hứng thú ham hiểu biết của trẻ.
* Năng lực giáo viên chưa cao phải chăng do trình độ đào tạo giáo viên bậc tiểu học của ta còn thấp? Nền học vấn không đủ sẽ khiến các thầy cô gặp khó khăn trong việc chuyển tải kiến thức tới các em học sinh?
- Nếu bảo các thầy cô không đủ kiến thức nền là không đúng. Hiện nay rất nhiều giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo đại học. Còn lại đa số đều cao đẳng. Ngày xưa giáo viên tiểu học làm gì có trình độ cao? Các thầy cô học 7+2, 7+3 đã đi dạy cấp II, nói gì đến giáo viên cấp I? Vậy mà bao thế hệ vẫn được giáo dục nên người. Nhiều bà mẹ trình độ học vấn không cao mà vẫn dạy con được thành tài, thành người có ích vì họ hiểu con, nói chuyện được với con.
Trong giáo dục trẻ nhỏ, điều quan trọng nhất là bạn phải yêu trẻ. Giáo viên tiểu học cũng vậy, họ chỉ dạy trẻ thành công khi họ hiểu trẻ, yêu trẻ. Trình độ cao sẽ giúp người ta ứng xử nhanh, linh hoạt hơn, nhưng nó không thay thế được tình yêu, sự tâm huyết dành cho trẻ. Thật ra một đứa trẻ tiểu học có cần gì nhiều về kiến thức để thầy cô cần phải đặc biệt thông thái đâu? Cái mà các em cần chỉ đơn giản là học cách suy nghĩ, tư duy độc lập, được khích lệ tinh thần sáng tạo, ham học hỏi.
|
Học sinh tiểu học rất cần học cách tư duy độc lập và được khích lệ tinh thần sáng tạo - Ảnh: Như Hùng |
* Vậy để đánh giá giáo viên có năng lực thì có thể căn cứ vào cái gì và làm sao để nâng cao năng lực này?
- Tôi cho đó là trình độ sư phạm. Chẳng vậy mà ngành giáo dục có một hệ thống trường sư phạm - nơi chuẩn bị cho giáo sinh những hiểu biết, những kỹ năng sư phạm. Khó mà nhận xét là các trường sư phạm của ta hiện nay làm tốt hay không tốt, nhưng tất cả chúng ta đều muốn chất lượng đào tạo của các trường sư phạm tốt hơn. Muốn vậy, theo tôi, phải thay đổi cách tuyển sinh. Hiện nay ta không hướng tới việc chọn những em có tố chất làm sư phạm.
Ta tổ chức thi "ba chung", tất cả các trường ở các ngành nghề khác nhau cùng thi một đợt, một đề, sau đó gọi học sinh trúng tuyển theo các NV1, NV2... nên em thi vào sư phạm không khác gì em thi vào bách khoa, kinh tế..., cứ điểm thi ba môn văn hóa đạt chuẩn là đỗ.
Tôi học sư phạm ở Sài Gòn trước năm 1975 và thấy cách tuyển sinh sư phạm của họ khá hay, rất quan tâm tới tố chất làm sư phạm của giáo sinh. Chẳng hạn, hằng năm đề thi nào cũng có câu nếu anh chị là giáo viên, khi được dạy bài này anh chị sẽ làm thế nào? Với cách chọn lựa đó người ta tuyển được những người có nền móng sư phạm cao. Người đứng trên nền cao thì tất nhiên khi với hái một quả trên cao cũng sẽ dễ dàng hơn người đứng dưới thấp.
* Ðầu vào đã không được chọn lựa theo cách mà ngành sư phạm cần, quá trình đào tạo lại còn bị cho là không đảm bảo chất lượng, theo bà, đó có phải là nguyên nhân khiến hiệu quả dạy học không cao?
- Để đạt một trình độ sư phạm tốt thì không chỉ học ở trường sư phạm là đủ mà cần một quá trình nuôi dưỡng, rèn giũa lâu dài và thường xuyên. Kiến thức bậc tiểu học thì có gì nhiều đâu! Vấn đề chỉ là phải tìm được một cách thức tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với trẻ nhỏ. Muốn như vậy phải gần gũi trẻ, phải hiểu trẻ yêu gì, ghét gì, mong muốn gì.
Tôi biết trong đội ngũ nhà giáo có rất nhiều người tâm huyết, nhưng không phải ai cũng như ai. Hơn nữa có rất nhiều yếu tố chi phối sự toàn tâm toàn ý của nhà giáo, chẳng hạn nghề có nuôi sống được họ thì họ mới sống chết vì nó, mới dành trọn tâm trí cho trẻ được.
* Xin cảm ơn bà!
THƯ HIÊN thực hiện
Nguồn tuoitrecuoituan